126 người thương vong, mất tích do bão Nari
Tính đến 17h chiều 19/10, tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Gia Lai và Kon Tum đã có 126 người chết, mất tích và bị thương do bão số 11 và mưa lũ sau bão.
Đây là báo cáo lúc 6h sáng 20/10 của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng).
Theo đó, có 15 người chết (Quảng Bình 7 người, Thừa Thiên – Huế 2 người và Quảng Nam 6 người; 01 người mất tích (Bình Định) và 110 người bị thương (Quảng Bình 38; Quảng Trị 11; TT – Huế 11; Đà Nẵng 11; Quảng Nam 29; Quảng Ngãi 09; Gia Lai 01).
Đã có 3.307 ngôi nhà bị sập, trôi (Quảng Bình 213 nhà; Quảng Trị 02 nhà; TT-Huế 28 nhà; Đà Nẵng 300 nhà; Quảng Nam 2.752 nhà; Quảng Ngãi 10 nhà; Kon Tum 01 nhà; Gia Lai 01 nhà); 25.612 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Quảng Bình 364 nhà; Quảng Trị 21 nhà; TT-Huế 931 nhà; Đà Nẵng 5.271 nhà; Quảng Nam 18.391 nhà; Quảng Ngãi 561 nhà; Bình Định 19 nhà, Kon Tum 54 nhà) và 26.769 nhà bị ngập (Quảng Bình 25.071 nhà; TT -Huế 1.686 nhà; Kon Tum 12 nhà).
Bão số 11 và mưa lũ lớn sau bão cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong khu vực với 1.135 ha lúa bị úng ngập, hư hỏng (Quảng Ngãi 138 ha, Bình Định 785 ha, Kon Tum 183 ha; Gia Lai 29 ha); 9.730 ha hoa màu bị úng ngập, hư hỏng (Quảng Bình 80 ha; Quảng Nam 5.374 ha, Quảng Ngãi 3.823,5 ha; Bình Định 62,5 ha; Gia Lai 389,6 ha).
Mưa lũ lớn sau bão số 11 đã gây thêm nhiều thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Ảnh: HC
Theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, ước tính thiệt hại ban đầu tại Đà Nẵng là 868,8 tỉ đồng, tiếp đó là Quảng Nam 536 tỉ đồng; Quảng Bình 210,73 tỉ đồng; TT-Huế 195,5 tỉ đồng; Quảng Ngãi 65,4 tỷ đồng; Kon Tum 10,35 tỉ đồng; Bình Định 10 tỉ đồng).
Hiện mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đang xuống. Mực nước lúc 19h tối 19/10 trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy trên mức báo động 1 là 0,49m; sông ĐắkBla tại Konplong: dưới báo động 1 là 0,04m; sông Sêrêpok tại Bản Đôn dưới báo động 1 là 0,19m. Dự báo trong ngày hôm nay 20/10, mực nước các sông ở Quảng Bình và khu vực Tây Nguyên tiếp tục xuống và ở mức dưới báo động 1, các sông trên các khu vực khác biến đổi chậm.
Các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn ở các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đang vận hành bình thường, dung tích hồ các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam phổ biến đạt khoảng 70% so với thiết kế; các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận đang tích nước ở mực nước thấp từ 40-60% so với thiết kế. Hiện có 8/44 hồ chứa hồ đã đầy và qua tràn, gồm Tiên Lang, Vực Nồi, Minh Cầm, Trung Thuần (Quảng Bình); Phú Dụng (Quảng Trị); Hòa Mỹ (T.T. Huế); Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam).
Hồ chứa vừa và lớn các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum đến Đắk Nông) cũng đang vận hành bình thường. Dung tích hồ đang ở mức cao, hầu hết trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có có 5/13 hồ lớn đã đầy và qua tràn, gồm Đăk Uy (Kon Tum); Tân Sơn (Gia Lai); Ea Kao (Đăk Lăk); Đăk Diêr, Đăk Săk (Đăk Nông).
Các hồ thủy điện lớn trong khu vực vẫn hoạt động bình thường. Lúc 21h tối 19/10, có 11/20 hồ thủy điện xả tràn. Trong đó có 02 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s, tập trung ở khu vực Tây Nguyên là Sê San 4: 456 m3/s, Sê San 4A: 546m3/s.
Theo Hải Châu
Rưng rức tình người nơi bão đi qua
Nhà đổ, tường sập... Chồng quên mình lấy thân che chở vợ, mẹ ôm con vào lòng, hàng xóm bất chấp nguy hiểm, tay trần cào cấu trong đống đổ nát cứu người. Những câu chuyện đầy ắp tình người ấy sẽ được kể mãi nơi cơn lốc xoáy quái ác đi qua ở hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Video đang HOT
Phó Chính ủy Biên phòng Quảng Bình Dương Ngọc Bội trao tận tay hộp sữa cho mẹ liệt sỹ (ảnh nhỏ). Cháu Trung tìm kiếm những gì còn sót lại trên đống đổ nát. Ảnh: Hoàng Nam.
Cha cháu chết vì che cho mẹ
Trên ngôi nhà đổ nát ở phía đầu làng Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), cháu Phan Ngọc Trung, học lớp 6 mặc nguyên bộ đồ tang đang lục tìm trong đống đổ nát. Hai mắt ngấn lệ, Trung cho biết, bố là Phan Xuân Sơn (49 tuổi) bị nhà sập đè chết trong đêm, mẹ bị thương nặng đang nằm viện. Nhà cháu ở trong làng, bố mẹ ra đây xây dựng quán bán hàng tạp hóa.
Phó Chính ủy Biên phòng Quảng Bình Dương Ngọc Bội trao tận tay hộp sữa cho mẹ liệt sỹ.
Hôm xảy ra lốc xoáy, Trung và chị gái ngủ ở nhà, còn bố mẹ ngủ ở quán. Trung và chị gái tỉnh giấc khi ngói vỡ rơi ào ào trên người. Hai chị em hoảng hốt không biết chuyện gì, dắt tay nhau chạy ra quán gọi bố mẹ về. Nhưng cái quán nhỏ nuôi sống gia đình của Trung lâu nay giờ chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang, im ắng đến đáng sợ. Hai chị em kêu gào bố, mẹ nhưng chẳng ai thưa.
Những người có nhà gần đó chạy đến, cùng hai chị em, những đôi tay trần bê từng mảng tường nhà nặng trĩu, cào cấu trong đống đổ nát tìm người. "Khi mọi người xúc đống gạch đá ra thì cháu thấy bố nằm đè người lên bảo vệ mẹ. Bố cháu chết là do gạch đá đập trúng phía sau đầu, còn mẹ cháu máu me đầy người", Trung kể lại.
Cháu Trung tìm kiếm những gì còn sót lại trên đống đổ nát.
Cũng chính những người làng tốt bụng khiêng thi thể bố Trung về và đưa mẹ đi viện. Nước lũ ào ào đổ về, thi thể bố nằm trên chiếc giường gãy cứ đu đưa theo từng đợt sóng chực trôi đi. Lại một lần nữa, người làng ôm thi thể bố, cõng Trung và chị gái chạy ra phía sau đồi đào vội huyệt mộ để chôn người quá cố.
"Mẹ cháu từ viện nhắn về, nói cháu ra đây tìm cuốn sổ nợ của khách hàng, may ra còn có ít tiền chữa trị, chứ giờ nhà không còn đồng nào" - Trung thút thít khóc, nói.
Đứng thẫn thờ giữa hai ngôi nhà cạnh nhau đổ sập hoàn toàn, chị Trần Thị Lài nói mình là con dâu của bà Trần Thị Thuận (80 tuổi). Bà Thuận bị nhà đè lên người, chấn thương sọ não, gãy chân, gãy xương sườn. Còn bên cạnh là nhà con trai út bà Thuận, anh Mai Văn Hợi. Con gái 10 tuổi của anh, cháu Mai Thị Mỹ Linh cũng bị chấn thương sọ não phải chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới cấp cứu.
Cả nhà bị nạn, vợ anh Thuận chỉ đủ sức lết ra khỏi đống đổ nát kêu cứu. Hàng xóm chạy đến, lôi hết người này ra đến người khác từ ngôi nhà đổ. Cây cối đổ rạp chắn ngang đường, người làng thay nhau cõng nạn nhân chạy về viện.
Vừa khóc, chị Lài vừa nói: "Bà được các bác sỹ nhanh chóng phẫu thuật nhưng vì tuổi già sức yếu nên đã mất sau hai ngày, giờ đang trên đường về quê. Còn con bé Linh, phẫu thuật não xong cứ lên cơn co giật, bác sỹ nói rất nguy hiểm".
Phía bên kia sông Rào Nan là thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn còn khó khăn gấp bội. Nước lũ cuồn cuộn chảy, những người bị thương nằm la liệt, thoi thóp chờ trời sáng mới có thể vượt sông. Ông Nguyễn Văn Lân, trưởng thôn Hà Sơn cho biết: Do sống cách biệt, nên lâu nay người làng luôn đùm bọc nhau trong hoạn nạn, nhưng lần này thì quá khốc liệt, cứu nhau không kịp.
Ông và những người thoát chết đôn đáo bì bõm trong nước khắp từ làng trên xóm dưới, đến rạng sáng mới lôi hết nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
"Tội nhất là ba mẹ con nhà con Lan. Khi mọi người tìm thấy, hắn ngất không biết chi vì bị gãy cổ, chấn thương sọ não nhưng vẫn ôm chặt hai đứa con nhỏ trong lòng. Cả ngôi nhà gỗ đè lên người, nước lũ bắt đầu xõa lên nền nhà" - ông Lân nói.
Màu áo xanh sưởi ấm vùng quê bạc trắng
Màu áo xanh tình nguyện sưởi ấm những vùng quê bạc trắng sau bão lũ. ảnh: hoàng nam.
Những ngôi làng xác xơ bạc trắng nước lũ, bạc trắng bùn đất ở hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn dường như ấm hơn, tươi mới hơn khi màu áo lính, màu áo tình nguyện trải khắp làng trên, xóm dưới. Họ có mặt từ rất sớm, ngay sau khi cơn lốc xoáy càn qua, cùng với người dân khắc phục hậu quả.
Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Nhận được tin báo, Biên phòng Quảng Bình quyết định cử 30 cán bộ chiến sỹ, do ông chỉ huy lên đường ngay trong đêm tối. Kinh nghiệm phòng chống thiên tai gần một đời binh nghiệp, ông quyết định mang theo mì tôm, lương khô, nước uống...
Nước lũ ào ào, cây cối đổ trên cả hai tuyến hành quân đường thủy và đường bộ, không ngăn nổi quyết tâm của những chiến sỹ Biên phòng - họ đã có mặt sớm nhất nơi vùng lốc xoáy đi qua.
Phong lương khô, gói mì tôm, chai nước uống của bộ đội Biên phòng đã giúp người dân cầm hơi sau một đêm quăng quật với gió, nước. Một chiếc xuồng cao tốc túc trực hai bên bờ sông đón người dân qua lại trong dòng nước xiết.
Những đống đổ nát gọn gàng hơn, những mái nhà dần kín lại nhờ bàn tay những người lính Biên phòng.
"Gần hết một đời binh nghiệp, đã qua không biết bao nhiêu thiên tai, địch họa nhưng tôi chưa lần nào chứng kiến cảnh khốc liệt như ở đây. Người dân kiệt quệ sau cơn bão số 10, nay lại gặp lốc xoáy thì đúng là bế tắc thực sự. Nhà sập xuống, nước lũ vào cuốn trôi sạch, hầu hết những gia đình ở đây giờ không còn gì" - ông Bội nói.
Phủ trên những mái nhà trống hoác là bóng áo xanh tình nguyện của đoàn viên. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, anh Nguyễn Văn Thái cho biết: Gần cả tháng nay kể từ cơn bão số 10, lãnh đạo Tỉnh Đoàn không mấy khi có mặt ở trụ sở, mà cùng với đoàn viên lặn lội về những vùng thiệt hại nặng để giúp dân khắc phục hậu quả.
Cứu dân trong đêm
Mặc cho dòng nước đỏ ngầu cứ cuồn cuộn đổ về trong đêm tối, những cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng Hà Tĩnh vượt sông đến cứu giúp bà con nhân dân.
Sáng 17/10, PV Tiền Phong có mặt tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, địa bàn bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét kinh hoàng vào sáng 16/10. Sau một đêm thức trắng giúp người dân thu dọn lại đồ đạc, dựng tạm nhà cửa, trên khuôn mặt các chiến sỹ trẻ biên phòng thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo hiện sự mệt mỏi nhưng không một ai than vãn.
Họ luôn nở nụ cười hiền hậu xắn tay vào công việc của người dân. Tại nhà anh Đặng Văn Huy, 6 chiến sỹ biên phòng cùng 10 đoàn viên thanh niên đang hò nhau kéo dựng chiếc cột nhà bị nước lũ cuốn trôi hơn chục mét. Thiếu tá Nguyễn Văn Giáp, Đồn phó Đồn Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết, nhận tin lũ quét kéo về tại xã Sơn Kim 2, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh huy động gần 200 cán bộ, chiến sỹ xuống ngay hiện trường.
"Người dân xót của cứ lao ra dòng nước xoáy cố vớt vát ít đồ đạc. Anh em chiến sỹ cũng lội vào dòng nước vừa giúp dân vừa thuyết phục họ lên bờ phòng trường hợp xấu xảy ra", thiếu tá Giáp cho biết. Nói xong, thiếu tá Giáp xắn tay vào cùng đồng nghiệp tiếp tục thu dọn đồ đạc cho vợ chồng anh Huy.
Hơn 21 giờ, ngày 16/10, lực lượng biên phòng nhận được tin báo có ông Phan Trọng Chương, 81 tuổi, ở xóm 14 Thành Uyên, Sơn Bằng, vừa đi mổ ruột ở bệnh viện về bị nước lũ cô lập, trong nhà còn có một người giúp việc.
Khi lãnh đạo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đang căng mình đưa ra các phương án tiếp cận người bị nạn thì điện thoại của một cán bộ lại nhận thêm hung tin, có hai người đàn ông tên Thái Văn Bằng và Thái Văn Trung, trú tại xã Sơn Bằng, đi trên chiếc thuyền nhỏ vượt sông tránh lũ bị lật thuyền.
Hiện cả hai đang bám vào cây tre nhiều giờ đồng hồ và có nguy cơ bị lũ cuốn trôi. Trong đêm tối, 10 cán bộ chiến sỹ Hải đội 2, cùng 2 chiến sỹ công an huyện Hương Sơn với ca nô cứu nạn lập tức lên đường để ứng cứu.
Mặc dù ban đêm, nước xoáy, cộng với cây cối, hàng rào, đường điện cản trở nhưng lực lượng cứu hộ đã khắc phục khó khăn quyết tâm cứu người. Đến 23 giờ các chiến sĩ đã cứu được anh Thái Văn Bằng và Thái Văn Trung. Tiếp tục hành trình đến 1 giờ sáng ngày 17/10, các chiến sĩ tiếp cận được nhà ông Phan Trọng Chương, tháo dỡ ngói đưa ông và người giúp việc lên bờ an toàn.
Trong 3 ngày lũ lụt vừa qua, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh điều động trên 400 cán bộ chiến sỹ, 6 phương tiện để ứng cứu ở các vùng bị ngập lụt và bị cô lập ở các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, cứu hàng trăm người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tình nguyện vùng lũ
Nhận tin dữ của cơ sở báo về người dân xã Sơn Kim 2 bị lũ quét, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, anh Nguyễn Xuân Hùng cùng bốn cán bộ lao mình vượt đi trong mưa lũ. Sau hơn 3 giờ đã có mặt tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2.
"Mình phải lên tận nơi để chỉ đạo anh em giúp bà con ổn định sớm cuộc sống. Trong ngày 16/10, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh huy động gần 100 thanh niên tình nguyện để giúp người dân xã Sơn Kim 2", Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết. Bước đầu, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ nóng người dân thôn Làng Chè hơn 20 triệu đồng.
Lực lượng bộ đội biên phòng, thanh niên tình nguyện giúp trường mầm non xã Sơn Kim 2 dọn dẹp sau lũ.
Tại trường mầm non xã Sơn Kim 2, gần chục thanh niên tình nguyện và các chiến sỹ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đánh vật với đống bùn nhão nhoét. Anh Hoàng Văn Thắng, cán bộ của Làng thanh niên lập nghiệp Tây Sơn từ hôm qua tới nay cứ chạy hết nhà này đến nhà kia giúp người dân dọn dẹp đồ đạc.
"Sáng nay, sau cuộc họp nhanh, Bí thư Tỉnh Đoàn chỉ đạo phải giúp các trường học khắc phục sớm để cho học sinh đến lớp. Gần 10 đoàn viên thanh niên và các chiến sỹ biên phòng ăn vội mỳ tôm sống quần mình trong đống bùn nhão nhoét", anh Thắng cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết, hiện đã huy động hơn 600 đoàn viên thanh niên lên các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê và Đức Thọ để giúp bà con dọn dẹp sớm ổn định cuộc sống.
"Tỉnh Đoàn đã đưa đến tận tay người dân vùng lũ 700 thùng mỳ tôm, lương khô, hàng trăm thùng nước suối, 134 triệu đồng tiền mặt, 3 ô tô tải quần áo, sách vở. Chủ nhật tuần này, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh sẽ cứu trợ người dân 1.400 thùng sữa, trị giá trên 700 triệu đồng và 1.000 thùng cháo yến, trị giá 200 triệu đồng", anh Nguyễn Xuân Hùng cho biết.
Theo Hoàng Nam - Minh Thùy
Quảng Bình: Tang thương sau cơn lốc xoáy Cơn lốc xoáy xảy ra lúc nửa đêm 16/10, đã quần nát 5 thôn của hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Cơn lốc xoáy quái ác đã làm chết 2 người, bị thương nặng 36 người, 73 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng nghìn mái nhà tốc mái. Sau siêu bão số 10 chưa kịp khắc...