12,4 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài
Lượng giải ngân thực tế, tính đến cuối năm 2012 là 3,8 tỷ USD và mang lại cho các doanh nghiệp khoản lợi nhuận khoảng 430 triệu USD.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết tính đến cuối tháng 12/2012, Việt Nam hiện có 712 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng vốn đăng ký khoảng 12,4 tỷ USD. Riêng trong năm 2012, cả nước có 75 dự án loại này với số vốn khoảng 1,3 tỷ USD.
Doanh nghiệp Việt khá thành công với các dự án đầu tư ra nước ngoài. Ảnh: HAG
Trong số hơn 12,4 tỷ USD, doanh nghiệp thực tế đã giải ngân được tổng cộng 3,8 tỷ USD (1,2 tỷ trong năm 2012). Trao đổi tại buổi họp báo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư sáng 4/1, Cục trưởng Cục Đầu Tư nước ngoài – Đỗ Nhất Hoàng cho biết các dự án nêu trên đã giúp doanh nghiệp Việt Nam chuyển về nước khoản lợi nhuận khoảng 430 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực khai thác dầu khí, viễn thông, cao su…
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, hoạt động đầu tư ra nước ngoài hiện đã dần đi vào nề nếp và có xu hướng gia tăng đáng kể tại các nước mà Việt Nam chú trọng đầu tư như Lào, Campuchia, Myanmar…, góp phần tạo việc làm trong nước cũng như các quốc gia nhận đầu tư. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu hiện vẫn nằm ở khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, đặc biệt là với hoạt động đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn Nhà nước.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) vào Việt Nam, báo cáo cho biết lượng giải ngân thực tế trong năm 2012 đạt 10,46 tỷ USD, thấp hơn so với mức trung bình khoảng 11 tỷ USD của giai đoạn 2010 – 2011. Tuy nhiên, kết quả này vẫn được cơ quan quản lý đánh giá là khả quan trong bối cảnh Việt Nam chịu nhiều sức ép về cạnh tranh và môi trường kinh tế. Cũng trong năm 2012, khu vực FDI xuất siêu hơn 13 tỷ USD (gồm cả dầu thô), trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu khoảng 12,7 tỷ USD.
Liên quan đến vấn đề chống chuyển giá, vốn nhức nhối gần đây trong khu vực FDI, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết đã xây dựng đề án trình Chính phủ. Đề án này đang trong giai đoạn tiếp tục được trao đổi giữa cơ quan này và Bộ Tài chính, do liên quan nhiều tới vấn đề thuế và hải quan. Tuy nhiên, theo tiết lộ của đại diện cơ quan soạn thảo, đề án này sẽ bao gồm việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lực lượng, cơ sở dữ liệu về quản lý giá (có thể phải mua của nước ngoài) cũng như tăng cường các cuộc kiểm tra chống chuyển giá…
Tại cuộc họp báo sáng 4/1, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng công bố số liệu chính thức về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2012. Theo đó, số giải thể, phá sản trong năm là 54.361 đơn vị, cao hơn so với mức 53.972 doanh nghiệp của năm 2011. Tính đến ngày 31/12/2012, cả nước có khoảng 475.700 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 70.000 thành lập mới trong năm.
Theo VNE
Về đích tuyệt vời, nhưng chưa thể vội mừng
Với việc lần đầu tiên xuất siêu 284 triệu USD sau 20 năm và lạm phát cả năm được kiểm soát cả năm chỉ ở mức 6,81%, thấp hơn chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, kinh tế Việt Nam đã vượt qua rất nhiều gian khó để "về đích" 2012 một cách tuyệt vời.
Đó là hoàn thành mục tiêu cao nhất: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và vẫn có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Thật đáng phấn khởi khi trong bối cảnh đầu ra của doanh nghiệp năm nay rất khó khăn, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục mà chúng ta đã đạt được mục tiêu xuất siêu đau đáu từ hàng chục năm nay của kinh tế Việt Nam.
Vượt lên sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trong khu vực, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn giành được chỗ đứng đáng nể trên thị trường quốc tế khi kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011 và đóng góp tới 30% vào tăng trưởng GDP chung của cả nước. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD, trở thành nước xuất khẩu gạo số một thế giới.
Những kết quả trên rất đáng mừng khi mà xuất siêu đã đóng góp tốt cho tăng trưởng GDP, ổn định tỷ giá và tăng thanh khoản đáng kể về ngoại tệ cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu phân tích từng số liệu có thể thấy, với đặc thù là nước đang phát triển và ngành sản xuất công nghiệp hiện vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp nên xuất siêu có được chủ yếu là từ sự bứt phá xuất khẩu các nhóm hàng gia công, lắp ráp. Trong khi đó, để xuất được 20,5 tỷ USD cho 2 nhóm hàng trên, các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trong nước đã phải chi 13,1 tỷ USD để nhập linh kiện đầu vào. Nghĩa là, giá trị xuất khẩu thực tế chỉ 7,4 tỷ USD.
Việc kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của khối doanh nghiệp trong nước năm 2012 giảm tới 6,7% trong khi nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại tăng tới 23,5% cho thấy sản xuất trong nước vẫn hết sức khó khăn. Thành tích xuất siêu năm nay lại hoàn toàn thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng gần đây rộ lên những câu chuyện chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp này. Lợi nhuận không ngừng tăng nhưng phần đóng góp thực tế vào ngân sách Nhà nước của khối doanh nghiệp FDI gần như không tương xứng với những ưu đãi mà họ nhận được. Xét về cơ cấu hàng xuất khẩu, khối doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu máy móc linh kiện về gia công lắp ráp nên hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chủ yếu ở góc độ giải quyết công ăn việc làm cho lao động, còn đóng góp thực chất về giá trị là không lớn.
Chính vì thế, có thể thấy xuất siêu trong thời điểm hiện nay chưa hẳn do năng lực cạnh tranh và năng suất, khả năng điều hành nền kinh tế được cải thiện. Vì vậy, điểm sáng xuất khẩu năm 2012 cũng đặt ra những vấn đề cần khắc phục cho năm 2013, nhất là trong việc tiếp tục cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo để hạn chế dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất cũng như xuất thô sản phẩm.
Còn niềm vui ngôi vị xuất khẩu gạo số một cũng chưa trọn vẹn khi còn đó nỗi buồn của người nông dân chỉ bán được gạo giá thấp. Giá bình quân một tấn gạo xuất khẩu lại giảm mạnh (từ 493,6 USD/tấn năm 2011 đã giảm chỉ khoảng 443,5 USD/tấn năm 2012). Nghĩa là xét về giá trị, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đứng thứ ba.
Phấn khởi, nhưng vẫn phải lo khi niềm vui còn chưa trọn vẹn là vậy.
Theo ANTD
Không mong gì... thưởng Tết Vào thời điểm này năm ngoái, hầu hết các doanh nghiệp đã công bố mức thưởng Tết. Theo đó, mức thưởng thấp nhất cũng là một tháng lương thứ 13. Tuy nhiên năm nay tình hình khá im ắng trong khi tại TP.HCM, Đà Nẵng, nhiều DN đã công bố thưởng tết thì Hà Nội. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp...