12 “quả bom tóc vàng” làm chao đảo màn ảnh Hollywood 80 năm về trước (Phần cuối)
Cùng với thời hoàng kim tại Hollywood, 6 cô nàng tóc vàng dưới đây đã xác lập được ngôi vị cho mình như bà hoàng công chúa trên màn ảnh. Có người giữ được danh tiếng đến cuối đời, người khác thì sớm bỏ cuộc chơi ngay trên đỉnh cao sự nghiệp.
Khi Jean Harlow trở thành “quả bom sex” tóc vàng đầu tiên, Hollywood đi vào một cơn sốt kiếm tìm những gương mặt tương tự cho kỷ nguyên vàng của mình: mái tóc như phát sáng, nụ cười rạng rỡ và đôi mắt hút hồn. Đàn ông phát điên lên vì những cô nàng ấy, còn phụ nữ thì coi họ như những thần tượng, hoặc kẻ thù. Phần đầu của loạt bài này chúng ta đã được tìm hiểu về 6 “blonde bombshell” đầu tiên làm khuynh đảo thế giới 80 năm trước. Hãy cùng xem 6 quả bom tóc vàng còn lại là những ai.
7. Lana Turner (1921 – 1995)
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại khu mỏ Idaho, cha của cô bé Julia Jean Turner đã bị giết chết chỉ vì lỡ khoe số tiền định mua xe đạp cho con gái. Sau khi chuyển tới Nam California, biên tập viên Billy Wilkerson đã phát hiện ra sắc đẹp của Turner lúc đó mới chỉ 15 tuổi và mời cô tham gia vào dự án phim nhỏ mang tên They Won’t Forget. Cái tên Lana Turner nhanh chóng được biết tới với vẻ đẹp ngọt ngào đầy mê hoặc. Vào giữa thập niên 40, Lana trở thành một trong những người phụ nữ được trả lương cao nhất nước Mỹ, là ngôi sao sáng của hãng Metro-Goldwyn-Mayer (MGM). Bà xuất hiện và thành công trong nhiều thể loại như phim đen Johnny Eager (1941), phim ca nhạc Ziegfeld Girl (1941), phim kinh dị Dr. Jekyll and Mr. Hyde (1941) hay tác phẩm tình cảm Somewhere I’ll Find You (1942)…
8. Mae West (1893 – 1930)
Nổi tiếng với sắc đẹp khiêu khích, Mae West trở thành quả bom sex trên màn ảnh thập niên 20 và 30 với những câu nói như “Du chi con môt xu le trong tui ao, ban cung chăng tiêc no nêu găp tôi”. Nhan sắc bốc lửa, đôi môi mời gọi và lối sống “YOLO” phóng khoáng, Mae West đã có một cuộc đời hưởng thụ đến tận cuối đời. Thậm chí ở tuổi 60, bà còn cặp kè với bạn trai là đô vật kém mình tới 30 tuổi. Nói như Mae West thì “bạn chỉ được sống có một lần. Nếu sống đúng cách, thì chỉ một lần là đủ”. Sau khi đã đóng phim chán chê, bà tiếp tục viết sách, đóng kịch, đi hát, thu âm… để lại sự nghiệp đồ sộ trước khi qua đời ở tuổi 87.
Người đàn bà có cả thế gian
9. Kim Novak (1933 – )
Nhan sắc của Kim Novak khiến người khác phải mê mẩn
Nổi tiếng với vai Madeline Elster/Judy Barton trong tác phẩm kinh điển Vertigo của đạo diễn Alfred Hitchcock, Kim Novak gây dựng được sự nghiệp thành công với hàng loạt tác phẩm ăn khách thập niên 50, 60, còn bản thân bà sánh đôi với các sao nam đình đám nhất bấy giờ. Bà tuyên bố nghỉ hưu khi còn khá trẻ vào năm 1966, sau đó quay trở lại và “mất hút” trong một Hollywood lạ lẫm. Kim Novak chính thức giải nghệ hẳn sau thất bại của phim Liebestraum (1991). Từng là một mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, thế nhưng tuổi già của Kim Novak đã bị chế giễu là nhăn nheo, kém sắc, kém sang và thảm họa phẫu thuật thẩm mỹ nhất là sau buổi lễ trao giải Oscar năm 2014.
10. Ursula Andress (1936 – )
Ursula được biết tới nhiều nhất với vai Bondgirl đời đầuHoney Ryder trong tác phẩm Dr. No (1962). Nữ diễn viên sau đó vào vai Vesper Lynd trong bộ phim tiếp theo về James Bond mang tên Casino Royale (1967). Với thân hình bốc lửa, mái tóc vàng và ánh nhìn khêu gợi, bà trở thành biểu tượng sex của màn ảnh thập niên 60. Sự nghiệp của Andress khép lại với khoảng 40 bộ phim lớn nhỏ trong hơn 4 thập kỷ cống hiến cho màn ảnh.
11. Marlene Dietrich (1901 – 1992)
Được coi là một trong những nữ diễn viên Đức đầu tiên thành công tại Hollywood, năm 1999 Viện phim Mỹ đã xếp Marlene Dietrich ở vị trí thứ 9 trong danh những ngôi sao nữ vĩ đại nhất mọi thời đại. Hình ảnh Marlene mặc bộ vest đàn ông, ca hát và hôn một người phụ nữ khác trong bộ phim Morocco (1930) đã gây ra rất nhiều tranh cãi vào thời bấy giờ và đem về cho bà một đề cử Oscar trong sự nghiệp.
12. Veronica Lake (1922 – 1973)
Thập niên 40 có lẽ không ai ở Hollywood không biết tới cái tên Veronica Lake, mĩ nhân sở hữu sự nghiệp đồ sộ từ sân khấu, truyền hình tới điện ảnh. Cô nổi tiếng với vai diễn trong Sullivan’s Travels năm 1941 và các phim đen (phim noir) xuất hiện cùng ngôi sao Alan Ladd. Sắc đẹp của Veronica đã đưa cô xuất hiện trên nhiều tấm áp phích quảng cáo và cổ động trong thời kỳ Thế chiến II diễn ra. Tuy nhiên danh tiếng của người đẹp đã sớm xuống dốc không phanh vào thập niên sau đó, một phần do thói nghiện rượu. Những cố gắng trở lại vào thập niên 50, 60 của Veronica đều không có kết quả, và rồi cô ra đi ở tuổi 50 do bệnh viêm gan.
Theo Trí Thức Trẻ
"Lăn Đến Bên Em": Tình yêu chân thành bắt đầu từ một lời nói dối
Ra mắt giữa những bom tấn mùa hè liên tiếp, câu chuyện tình yêu "Lăn Đến Bên Em" (tựa Pháp: "Tout le monde debout", tựa Anh: "Rolling to You") giản dị nhưng rất đỗi tinh tế và đầy sức sống sẽ khiến bạn phải "rớt tim" vài lần vì không thể chịu nổi độ dễ thương của các nhân vật.
Honoré de Balzac có câu "L'amour est la poésie des sens" tạm dịch là "tình yêu là bài thơ của những xúc cảm". Nếu như thế thì câu chuyện tình của ông chú Jocelyn trong phim tình cảm Rolling to You ("Lăn" Đến Bên Em, tựa Pháp Tout le monde debout) là một lá thơ tình ngọt ngào với đầy tiếng cười tinh tế.
Trailer "Rolling to You" ("Lăn" Đến Bên Em)
Chuyện kể rằng, Jocelyn (vào vai bởi Franck Dubosc, đồng thời là đạo diễn phim) là một doanh nhân thành đạt, một tay chơi có tiếng hay tán tỉnh mấy cô em trẻ trung và có sở thích nói dối không biết ngượng mồm. Một ngày, ông chú này nhận được tin mẹ qua đời và đến... nhầm đám tang, sau đó tạt về ngôi nhà cũ của mẹ để hồi tưởng kỷ niệm.
Thế rồi trong lúc đang ngồi trên xe lăn của bà thì cô hàng xóm xinh đẹp Julie (Caroline Anglade) xuất hiện. Julie lầm tưởng Jocelyn là người khuyết tật (khi đang ngồi lên xe của mẹ ông) nên đã giới thiệu ngay mình là người chuyên chăm sóc cho người bệnh và ngỏ ý muốn giúp đỡ. "Choáng" vì vẻ hấp dẫn của cô nàng, Jocelyn quyết định nói dối mình bị liệt và được Julie giới thiệu cho chị gái của mình là Florence (Alexandra Lamy), một người phải ngồi xe lăn thực sự.
Đã trót đâm lao thì phải theo lao, nói dối thì dối cho trót, Jocelyn tiếp tục giả bệnh để gặp gỡ Florence và dần dần có tình cảm với người phụ nữ phóng khoáng, xinh đẹp này. Tuy nhiên thời gian trôi đi thì ông phải đối mặt với cái giá của những câu dối trá cửa miệng: liệu phải làm gì khi Florence phát hiện ra sự thật bởi rõ ràng Jocelyn không thể ngồi xe lăn mãi mãi, ông bán giày thể thao cho cả giày của Uma Thurman trong Kill Bill cơ mà!
Tình yêu chân thành bắt đầu bằng câu nói dối
Cả bộ phim nói cho cùng là câu chuyện của những lời nói dối, mỗi người đều giữ cho mình một bí mật mà lo sợ rằng nếu nói ra, tình yêu mà họ xây đắp sẽ vỡ tan. Thế nhưng không vì thế mà câu chuyện tình trong "Lăn" Đến Bên Em trở nên giả tạo, bởi những câu dối lừa đó chỉ là vỏ bọc của tình cảm thực sự cứ lớn lên từng ngày trong lòng của Jocelyn và Florence. Khi chúng đủ lớn thì cái vỏ bọc dối trá không giữ nổi nữa, đó là lúc cả hai đối diện với sự thật.
Jocelyn không nói dối Florence vì muốn cưa cẩm cô. Ban đầu ông chú này không lỡ nói thật vì tin rằng sẽ bị mắng là "dại gái" mà dám trêu đùa trên sự khiếm khuyết của người khác. Thế nhưng càng ở bên Florence, Jocelyn càng cảm thấy quyến luyến. Ông bị thu hút bởi sự độc lập, mạnh mẽ của cô, ở cái cách cô sống và rực rỡ như một đóa hoa dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Florence cho Jocelyn cái cảm giác được làm chính mình, thứ mà những lời nói dối bạt mạng để cưa cẩm đám đàn bà con gái trẻ không thể khỏa lấp.
Đổi lại, Florence từ lâu đã tìm kiếm "một người nhìn chị như nhìn một người phụ nữ", bởi trước đó cô đã gặp nhiều ánh mắt thương hại, từng bị phụ tình bởi một anh lính cứu hỏa hám gái ngực khủng, từng mất niềm tin vào tình yêu và rồi lại khao khát được yêu. Cô yêu sự lãng mạn và sôi nổi của Jocelyn, yêu cái cách ông vụng về điều khiển chiếc xe lăn đụng tới đụng lui chỉ để thơm nhẹ lên má nàng một cái, sự xuất hiện đầy bất ngờ và lãng mạn tại Praha hay bữa tiệc tối... Florence không ngại mở lòng để đón nhận Jocelyn, bởi cô đủ bản lĩnh để chấp nhận cái giá của những lời nói dối chỉ để được yêu thêm lần nữa.
Diễn xuất ấn tượng từ dàn kép chính phụ
Alexandra Lamy giống như một mặt trời nhỏ trong Tout le monde debout vậy. Ở nữ diễn viên này có một vẻ đẹp rực rỡ và kiên định mà mỗi lần nàng Florence cười, ta như cảm thấy được sưởi ấm bằng tia nắng mùa hè. Nhân vật của Lamy là mẫu phụ nữ vươn lên khỏi nghịch cảnh, tự tin vào tài năng của bản thân và chú tâm vào những gì mình có thể đóng góp cho xã hội. Nhìn cách Florence chơi tennis hay tham gia vào dàn nhạc giao hưởng, người ta phải thốt lên: "Ai mà không yêu nổi cô gái này cơ chứ!". Cách Alexandra Lamy điều khiển chiếc xe lăn và hòa nhịp vào nhân vật cũng khiến khán giả bị thuyết phục tới mức nhiều người tự hỏi liệu có phải cô cũng là diễn viên khuyết tật ở ngoài đời hay không.
Vào vai Jocelyn là Franck Dubosc, nam diễn viên kiêm đạo diễn. "Lăn" Đến Bên Em là phim đầu tay của Franck, thật tuyệt vời khi được thấy tài năng của ngôi sao này ở cả hai mảng chỉ đạo và diễn xuất trong cùng một tác phẩm. Cách mà Jocelyn lặng lẽ cảm thương người mẹ giữa những di vật bà để lại, cùng với chi tiết Florence thổ lộ với em gái về bí mật cô vẫn đem theo là hai cảnh phim đem đến chiều sâu cho bộ phim vốn khá dí dỏm này. Franck khiến người xem đi từ tiếng cười đến nước mắt chỉ sau một nốt nhạc, với sự tinh tế và những đoạn hội thoại chỉn chu đến mức có thể cắt ra đóng quyển trở thành bí kíp tán tỉnh của người Pháp luôn được.
Màn ra mắt ấn tượng của Franck Dubosc trên cương vị một đạo diễn phim
Tuyến nhân vật phụ bao gồm cô chị gái Julie cũng được nữ diễn viên Caroline Anglade chứng tỏ mình không chỉ là bánh bèo khêu gợi không biết suy nghĩ, mà là một cô em gái biết quan tâm đến người khác. Cô trợ lý giám đốc hơi ngốc nghếch Mary của Jocelyn do Elsa Zylberstein là một cô nàng khiến người xem cười bò với những màn phá đám dễ thương. Đội của Jocelyn ngoài Mary còn có Max (Gérard Darmon), một ông bạn bác sĩ vong niên với những lời khuyên chẳng đâu vào đâu nhưng bù lại thì rất nhiệt tình. Cùng nhau, họ đã tạo nên những tình huống dở khóc dở cười khi đám bạn của Jocelyn cố gắng đưa ông chú này ra khỏi mớ rắc rối mà chính anh chui vào.
Khai thác đề tài khá nặng nề như hình ảnh của người khuyết tật trên màn ảnh, thế nhưng "Lăn" Đến Bên Em là một câu chuyện tình nhẹ nhàng, ngọt ngào đến độ bạn có thể chết chìm trong khung cảnh lãng mạn của châu Âu từ đầu đến cuối phim. Không có sự xuất hiện của dàn ngôi sao, không có cảnh quay dồn nén lấy nước mắt, không có bi kịch, không có một kinh phí khủng để đầu tư, không có sự xuất hiện của siêu anh hùng hay sự kiện nào tầm cỡ, bộ phim chỉ là một lát cắt giữa những con người khuyết thiếu đã tìm được nhau để khiến nhau trọn vẹn.
Lăn Đến Bên Em (Rolling To You) được ra mắt từ ngày 11/5/2018 và hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Theo Trí Thức Trẻ
Vĩnh biệt Margot Kidder - Nàng Lois Lane của "Superman" ra đi ở tuổi 69 Nữ diễn viên Margot Kidder không chỉ được biết đến với vai nữ phóng viên Lois Lane tình nồng của Superman Christopher Reeve mà ngoài màn ảnh còn là một nhà hoạt động tích cực trong việc giúp đỡ những người có vấn đề về sức khoẻ tâm lý. Nữ diễn viên Margot Kidder người từng thủ vai nàng thơ Lois Lane của...