12 nền văn minh biến mất trong sự bí ẩn
Đế chế Khmer (Campuchia) là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á đã biến mất trong sự bí ẩn. Nền văn minh ấy còn ảnh hưởng đến văn hóa Lào, Thái Lan, Việt Nam đến tận ngày nay.
1. Nền văn minh thung lũng Indus
Là một trong những kỳ quan kiến trúc vĩ đại nhất do con người sáng tạo ra trong thế giới cổ đại (được biết đến với mức độ ảnh hưởng như là nền văn minh Harappan). Đây là một trong các đô thị lớn nhất trên lục địa.
Nằm ở vị trí Pakistan ngày nay, nền văn minh thung lũng Indus phát triển mạnh cách đây 4.500 năm và sau đó bị lãng quên cho đến khi di tích được khai quật vào những năm 1920.
Với các công nghệ tinh vi và tiên tiến, nền văn minh này nổi bật với hệ thống vệ sinh môi trường đô thị cũng như bằng chứng về trình độ đáng ngạc nhiên trong kỹ thuật, toán học và thậm chí là nha khoa.
Vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, nền văn minh thung lũng Indus hầu như đã bị lãng quên, có thể là sau cuộc xâm lược của các bộ tộc Ấn-Âu hay sự sụp đổ trong nông nghiệp do biến đổi khí hậu.
2. Đế chế Khmer, Campuchia
Là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, nên nền văn minh Khmer ảnh hưởng từ đất nước Campuchia ngày nay cho đến Lào, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Malaysia. Ngày nay, nó được biết đến với tên gọi Angkor.
Ngoài những di tích khắc trên đá thì không có bất kỳ chứng tích bằng văn bản nào tồn tại, do vậy hiểu biết của chúng ta về nền văn minh cổ đại này chỉ được chắp ghép từ các điều tra khảo cổ học, phù điêu trên bức tường trong các ngôi đền và các tài liệu bên ngoài bao gồm cả tài liệu của Trung Quốc.
Người Khmer áp dụng cả Ấn Độ giáo lẫn Phật giáo vào xây dựng các ngôi đền, tòa tháp và các cấu trúc phức tạp khác như Angkor Wat chỉ để thờ thần Vishnu.
Các cuộc xâm chiếm của kẻ thù, tử vong do bệnh dịch hạch, các vấn đề về quản lý nguồn nước ảnh hưởng đến nông nghiệp và xung đột về quyền lực giữa các gia đình trong hoàng tộc có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tàn lụi của đế chế này.
3. Anasazi, New Mexico, Mỹ
“Anasazi” là tên hiện đại của người dân Pueblo cổ đại, những người dân sống ở khu vực “Ngã tư” (Four Corners) của Đông Nam Hoa Kỳ tại đường giao nhau của các tiểu bang Utah, Arizona, New Mexico và Colorado.
Nền văn minh của họ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên, và vẫn còn được biết đến với những cấu trúc bằng đá và gạch xây dựng dọc theo các vách đá bao gồm Cliff Palace trong Công viên quốc gia Mesa Verde, những tàn tích của Nhà Trắng (White House Ruins) và Pueblo Bonito tại mép phía Bắc của Chaco Canyon. Kiến trúc này được phát triển thành chung cư nhiều tầng mà thường chỉ có thể đi vào bằng dây thừng hoặc thang.
Người Pueblo cổ đại không nhất thiết phải “biến mất”, tuy nhiên, họ đã từ bỏ quê hương của mình vì những lý do mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Nhiều chuyên gia cũng như những người Pueblo hiện đại – những người coi người Pueblo cổ đại như tổ tiên của mình tin rằng nạn phá rừng và hạn hán đã gây ra xung đột nội bộ và chiến tranh đã khiến người Pueblo rời bỏ quê hương.
4. Nền văn minh Olmec, Mexico
Veracruz và Tabasco ở vùng đất thấp nhiệt đới phía nam miền trung Mexico đã từng là một nền văn minh lớn mạnh tiền Columbia – nơi xây dựng nên những thủ phủ khổng lồ đáng kinh ngạc, nơi diễn ra các cuộc đổ máu và sự hy sinh của con người, nơi phát minh ra khái niệm về số không và về cơ bản đặt nền móngcho mọi nền văn hóa Trung Mỹ.
Nền văn minh Olmec thậm chí có thể là nền văn minh đầu tiên tại Tây bán cầu đã phát triển hệ thống chữ viết, và có thể là đã phát minh ra cả la bàn và lịch Trung Mỹ. Có niên đại khoảng 1.500 năm trước Công nguyên, nền văn minh Olmec đã không được phát hiện bởi các sử gia cho đến giữa thế kỷ 19. Sự biến mất của nó được cho là do những thay đổi môi trường gây ra bởi các vụ phun trào núi lửa, động đất hoặc có thể là do sự suy yếu về nông nghiệp.
5. Đế chế Aksumite, Ethiopia
Một đế chế có hoạt động thương mại chủ yếu với đế chế La Mã và Ấn Độ cổ là Đế chế Aksumite – còn được gọi là Vương quốc Aksum hoặc Axum – cai trị các nước ở Tây Bắc Châu Phi bao gồm cả nước Ethiopia từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.
Từng được cho là quê hương của nữ hoàng Sheba, đế quốc Aksumite có thể là một nước bản địa phát triển hùng mạnh của châu Phi bao gồm hầu hết Eritrea ngày nay, miền Bắc Ethiopia, Yemen, miền Nam A-rập Xê-út và miền bắc Sudan.
Đế chế đã có bảng chữ cái riêng của mình và xây dựng nên các bia tưởng niệm khổng lồ. Đây là đế chế đầu tiên chuyển đổi sang Thiên Chúa giáo. Sự biến mất của đế chế này được cho là do bị cô lập về kinh tế khi mở rộng sang Hồi giáo, do bị xâm lược, hoặc biến đổi khí hậu làm thay đổi mô hình dòng lũ của sông Nile.
Video đang HOT
6. Nền văn minh Minoans, đảo Crete
Được đặt theo tên của vua Minos huyền thoại, nền văn minh Minoan của đảo Crete được tái phát hiện vào đầu thế kỷ 20, và kể từ đó đã phát hiện thêm ra các mảnh ghép hấp dẫn của một nền văn minh cổ đại bắt đầu phát triển mạnh từ hơn 7.000 năm trước đây. Đỉnh cao của nó vào khoảng năm 1600 trước Công nguyên.
Là một trong những trung tâm thương mại xuất hiện vào khoảng năm 2700 trước Công nguyên, và được cho là nền văn minh tiên tiến với những cung điện nguy nga được xây dựng lại nhiều lần sau hàng loạt thiên tai (có thể là động đất và núi lửa Thera phun trào).
Một trong những cung điện đó là cung điện Knossos, “mê cung” gắn liền với truyền thuyết về vua Minos, và hiện tại là một địa điểm khảo cổ lớn thu hút khách du lịch. Nhưng vào khoảng năm 1450 trước Công nguyên, một thảm họa đã khiến cho nền văn minh Minoans không thể phục hồi và sụp đổ.
7. Nền văn minh Cucuteni – Trypillian, Ukraine và Romania
Các khu định cư lớn nhất ở Châu Âu thời kỳ đồ đá mới được xây dựng bởi những người Cucuteni Trypillian của Ukraine, Romania và Moldova ngày nay. Nền văn minh bí ẩn này phát triển mạnh vào giữa năm 5500 trước Công nguyên và năm 2750 trước Công nguyên với đặc trưng là làm gốm và thói quen kỳ lạ cứ sau 60 đến 80 năm lại đốt làng của mình.
Các ngôi làng sau đó được xây dựng lại trên đống tro tàn của ngôi làng cũ. Khoảng 3.000 địa điểm khảo cổ về Cucuteni – Trypillian đã được xác định. Giống như nhiều nền văn minh khác, nền văn minh Cucuteni – Trypillian có thể đã bị xóa sổ bởi biến đổi khí hậu, nhưng có giả thuyết khác cho rằng họ dần dần hòa lẫn với các nhóm dân tộc khác cho đến khi nền văn hóa riêng của họ biến mất.
8. Nền văn minh của người Nabatean, Jordan
Nền văn minh Nabatean cổ đại ngụ tại miền Nam Jordan, Canaan và phía Bắc Arabia từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, khi mà những người du mục Nabatean nói tiếng Aramaic bắt đầu di cư khỏi Ả Rập.
Các di tích về họ được khắc vào các tảng sa thạch trên các ngọn núi của Jordan, và được nhớ đến với kỹ thuật thủy lợi. Việc quản lý hệ thống phức tạp các đập nước, kênh rạch và hồ chứa đã giúp họ mở rộng và phát triển mạnh trong một khu vực sa mạc khô cằn.
Họ đã bị xâm lược bởi những người La Mã vào năm 65 trước Công nguyên và mất quyền làm chủ đất nước vào năm 106 sau Công nguyên. Sau đó, đổi tên thành vương quốc Arabia Petrea.
Vào khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, người Nabateans đã rời bỏ Petra mà cho đến nay vẫn chưa tìm được lý do chính xác khiến họ ra đi. Người ta tin rằng, sau nhiều thế kỷ bị người nước ngoài cầm quyền, nền văn minh Nabatean đã bị tàn lụi do các nhóm nông dân người Hy Lạp cuối cùng đã chuyển đổi sang Thiên Chúa giáo trước khi đất đai của họ bị thu giữ hoàn toàn bởi những kẻ xâm lược người Ả Rập.
9. Cahokia, Illinois, Mỹ
Rất ít người Mỹ nhận ra rằng có tàn tích của một nền văn minh cổ đại biến mất ngay tại Mỹ – ở Illinois, ngay bên kia sông Mississippi, từ St Louis, Missouri.
Ngọn núi Cahokia là tất cả những gì còn lại của một nền văn minh bản địa của người Mississippi. Những cư dân của Cahokia không lưu giữ lại văn bản mà bảo quản di sản thế giới này bằng những mô đất nhân tạo phủ đầy cỏ cũng như bằng đồ gốm và các đồ chế tác khác.
Cahokia đã từng là trung tâm đô thị lớn nhất phía Bắc Trung Mỹ trong số những thành phố lớn của Mexico và có thể đã từng là nơi cư ngụ của khoảng 40.000 người vào năm 1250. Cahokia đã bị xóa sổ khoảng 100 năm trước khi người châu Âu đến Bắc Mỹ, có thể do các yếu tố môi trường hoặc do các cuộc xâm lược của những dân tộc khác.
10. Nền văn minh Mycenae, Hy Lạp
Không giống như người Minoan, người Mycenae không phát triển mạnh về thương mại. Đỉnh cao của nền văn minh này là vào khoảng thời gian nền văn minh Minoan biến mất.
Nền văn minh Mycenaean đã từng phải chịu đựng sự thống trị trong 5 thế kỷ trước khi biến mất vào khoảng năm 1100 trước Công nguyên.
Theo huyền thoại Hy Lạp, Mycenae đã đánh bại thành Troy thần thoại. Các đồ tạo tác của đế chế này đã được tìm thấy ở vùng đất Ireland xa xôi.
Trong thực tế, nền văn minh với sự hùng mạnh về cả văn hóa lẫn kinh tế này đã bỏ lại đằng sau sự giàu có về kiến trúc, nghệ thuật và đồ chế tác. Điều gì đã xảy ra với để chế Mycenae? Có thể là do thiên tai, nhưng hầu hết các chuyên gia tin rằng đó có thể là do những kẻ xâm lược nước ngoài hay là do xung đột nội bộ đã dẫn đến sự biến mất của đế chế.
11. Nền văn minh Moche, Peru
Nền văn minh Moche đã phát triển một xã hội nông nghiệp hoàn hảo với các cung điện, kim tự tháp và các kênh mương tưới tiêu phức tạp trên bờ biển phía Bắc của Peru vào khoảng từ năm 100 đến năm 800.
Mặc dù họ không có tài liệu lưu giữ bằng văn bản nhưng đã để lại một vài manh mối về lịch sử của họ. Đó là những món đồ gốm vô cùng chi tiết, tinh xảo và những công trình kiến trúc hoành tráng.
Vào năm 2006, một căn phòng của người Moche đã được phát hiện và dường như căn phòng này đã được sử dụng để lưu giữ hài cốt của con người.
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra xoay quanh lý do tại sao nền văn minh Moche lại biến mất, nhưng lời giải thích phổ biến nhất là do ảnh hưởng của El Nino, một mô hình thời tiết khắc nghiệt với đặc điểm xen kẽ thời gian lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt.
12. Nền văn minh Clovis, Bắc Mỹ
Rất ít người biết về người Clovis, một tộc người Ấn Độ thời tiền sử được cho là các cư dân đầu tiên của Bắc Mỹ. Các đồ chế tác, xương và lưỡi dao bằng đá là những đầu mối duy nhất cho rằng nền văn minh này đã từng tồn tại.
Trong 30 năm qua, những tàn tích về hoạt động của con người cổ đại đã được phát hiện, nhưng lý do họ biến mất vẫn còn trong bí ẩn. Một số suy đoán cho rằng người Clovis đã săn bắn quá nhiều khiến ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm của họ, hoặc do sự thay đổi khí hậu, bệnh tật và thú dữ đã lấy đi nguồn thực phẩm của họ.
Những người khác tin rằng người Clovis không hoàn toàn biến mất, mà chỉ đơn giản phân tán vào các bộ lạc người Mỹ bản địa.
Theo VTC
Học sinh chán Sử là do người lớn
Lớp trẻ chán ôn Sử chủ yếu là do người lớn, trong đó có những nhà khoa học lịch sử, nhưng trước hết là cơ quan quản lý chức năng về ngành Sử, GS.NGND Phan Huy Lê nói.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê.
GS.NGND Phan Huy Lê nói: Chúng ta đã vượt qua ngưỡng thu nhập thấp để trở thành nước có thu nhập trung bình từ 2008. Đây là thời kỳ chúng ta phải đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh như vậy mà không trang bị cho công dân hiểu biết lịch sử, niềm tự tin ở đất nước và dân tộc mình, không có một bản lĩnh của con người Việt Nam thì hội nhập kiểu gì đây?
Có những nền văn minh, nền văn hóa để lại các công trình kỳ vĩ. Tiếp xúc với các nền văn hóa đó, nếu bạn trẻ không được trang bị một vốn kiến thức cần có về lịch sử nước nhà, các em dễ rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti. Từ chỗ tự ti tới thiếu bản lĩnh.
Điều này rất nguy hiểm với mỗi cá nhân vì nó sẽ làm mất định hướng cho cả cuộc đời. Cho nên, chúng ta phải giúp lớp trẻ ra đời hội nhập có được niềm tự tin chính đáng, thấy được cái hay, cái đẹp nhưng cũng thấy được các mặt hạn chế của đất nước, trên cơ sở đó đặt ra trách nhiệm của thế hệ trẻ phải đóng góp xây dựng đất nước thế nào, bảo vệ đất nước trong bối cảnh mới thế nào.
Niềm tự tin đó được tạo lập bởi sự góp phần của nhiều môn học trong nhà trường phổ thông, nhưng môn Sử là một trong những môn cơ bản nhất.
Tuy nhiên, môn Sử hiện nay lại bị học sinh nói chung cũng như nhiều giáo viên xem là môn phụ?
Từ nhiều năm nay, dư luận rất lo lắng về chất lượng dạy và học môn Sử trong trường phổ thông. Nhưng mọi bàn luận mới chỉ dừng ở mức chung chung, cảm tính.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải đặt lên bàn các cơ quan có trách nhiệm vấn đề nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan thực trạng dạy và học Sử hiện nay.
Không phải là không có những người vẫn cố tình bào chữa, cho rằng việc dạy và học môn Sử vẫn đạt được nhiều tiến bộ.
Tiến thì có thể có tiến, nhưng những học sinh thích môn Sử vẫn là thiểu số. Số coi môn Sử là môn học thuộc lòng, của trí nhớ để từ đó thờ ơ với nó vẫn là phổ biến.
Điều đó không chỉ thể hiện trong kết quả các kỳ thi chính thức do ngành GD&ĐT tổ chức mà còn thể hiện trong những cuộc thi ngoài xã hội.
Chẳng hạn, trong những games show trên truyền hình, có những câu hỏi rất sơ đẳng, rất cơ bản về lịch sử và văn hóa Việt Nam nhưng thí sinh không trả lời được.
Thực tế trên là kết quả của một hệ thống các sai lầm, trong đó cơ bản nhất là sự nhận thức về vị thế của môn Sử trong giáo dục phổ thông. Vị thế đó như thế nào? Chúng ta chưa rõ.
Chúng ta chỉ nhìn thấy môn Sử bị đối xử như là môn phụ, thi cũng được, không thi cũng được. Năm nào không thi thì bị nhiều nơi dồn kiến thức cả năm thành một học kỳ cho các em học.
Lễ tuyên dương và trao thưởng cho 211 em đoạt giải học sinh giỏi môn lịch Sử cấp quốc gia được tổ chức ngày 14/4/2012 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sử cho trẻ con không có nghĩa là tóm tắt sử người lớn
Theo nhiều học sinh, không chỉ vì cơ chế thi cử mà các em thờ ơ với môn Sử mà cái chính là vì môn này quá khó...
Vấn đề ở chỗ chúng ta chưa biết dạy cho hấp dẫn. Sử học rất đa dạng, nội dung rất phong phú. Nhưng cái khó của chúng ta là chưa trả lời được câu hỏi này một cách khoa học: Dạy Sử ở phổ thông là nhằm vào cái gì? Trả lời được câu hỏi đó rồi thì ta mới tìm ra được nội dung vừa hứng thú vừa cần thiết cho xã hội.
Dạy ở phổ thông hiện nay gần như là tóm tắt lịch sử của người lớn và bắt trẻ con phải học, các em chán nản là phải thôi.
Sử học thì mênh mông và liên tục cập nhật. Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Dĩ nhiên không phải là dạy tất cả các sự kiện lịch sử. Những cái đó các em có thể tra cứu. Với thời đại internet bây giờ, tìm trên Google có đủ hết cả.
Cái quan trọng là dạy Sử không phải chỉ dạy các chứng cớ lịch sử mà là khắc vào tình cảm, trong tâm khảm các em niềm yêu thích lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình, niềm tự tin, sự hiểu biết những giá trị tiêu biểu hình thành nên tính cách, bản lĩnh của con người Việt Nam. Và các em có trách nhiệm kế thừa và phát huy tất cả những cái đó.
Cái mà tôi đặc biệt quan tâm là phương pháp dạy Sử. Phải làm sao để học sinh tự nguyện, say mê và phải kích thích được trí thông minh, sáng tạo của các em.
Phải đối xử với các em với tư cách là chủ thể nhận thức về Sử một cách say sưa và chủ động chứ không phải là áp đặt.
Lễ tuyên dương học sinh giỏi quốc gia môn Sử được tổ chức cuối tuần qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là lễ vinh danh đầu tiên ở quy mô quốc gia những em học giỏi và yêu thích môn Sử. Phải chăng đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt về nhận thức của xã hội đối với môn Sử?
Truyền thống quý báu của người Việt Nam là yêu lịch sử. Nhưng tại sao lớp trẻ của chúng ta không yêu Sử? Rõ ràng không phải tự môn Sử, tuyệt nhiên càng không phải là lỗi của các em học sinh.
Lỗi chính là ở người lớn, trong đó có cả lỗi từ các nhà khoa học lịch sử, nhưng trước hết lỗi là ở các cơ quan chức năng quản lý ngành sử, quản lý việc dạy và học Sử trong nhà trường.
Làm thế nào để thu hút sự quan tâm của xã hội vào sử, khích lệ học sinh tìm đến môn Sử, yêu mến môn Sử là trăn trở của chúng tôi, những nhà nghiên cứu lịch sử.
Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam ra đời với một trong những hoạt động vinh danh học sinh giỏi Sử là một công cụ giúp chúng tôi có điều kiện khuyến khích, cổ vũ tinh thần học Sử của các em học sinh.
Tất nhiên, tôi không bao giờ có ảo tưởng cho rằng chỉ bằng hình thức vinh danh nào đó mà thay đổi được căn bản và toàn bộ chất lượng giáo dục môn Sử ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Hai điều kiện
Theo giáo sư, đâu là giải pháp thay đổi căn bản và toàn bộ chất lượng giáo dục môn Sử ở nhà trường phổ thông?
Muốn giải quyết vấn đề chất lượng dạy và học sử cần phải có hai điều kiện. Một là phải có giải pháp toàn bộ với cả hệ thống giáo dục phổ thông. Như chúng ta đã biết, Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua đưa ra yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để đưa ra một kế hoạch có thể nói là thực chất là cải cách GD&ĐT. Trong cải cách giáo dục đó dĩ nhiên là cả môn Sử.
Hai là với môn Sử cũng phải giải quyết một cách toàn bộ và có hệ thống. Từ nhận thức về vị thế của môn Sử, yêu cầu của môn Sử ở phổ thông là cái gì, từ đó mới đi vào xây dựng chương trình, biên soạn SGK, rồi đào tạo giáo viên Sử, phương pháp dạy Sử.
Tôi rất mừng vì vừa rồi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã ký với Bộ GD&ĐT một bản ghi nhớ trong đó xác định trách nhiệm của hai bên là cùng nhau nghiên cứu hết sức có trách nhiệm tìm cho ra nguyên nhân sa sút của môn Sử hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, giải pháp toàn bộ để khắc phục tình trạng này.
Tất nhiên, con đường đó không thể một hai năm mà thay đổi được. Nhưng phải tiến hành ngay lộ trình này, không thể chậm trễ.
Tôi rất tin, nếu có sự quan tâm của các cơ quan chức năng quản lý và được sự tham gia của giới sử học, của thầy giáo, cô giáo, của giới chuyên gia rất tâm huyết với môn Sử và sự quan tâm của xã hội thì không có lý do gì chúng ta không khắc phục được tình trạng dạy học Sử như thế này.
Chúng ta sẽ chấn hưng môn Sử, đưa môn Sử về đúng vị trí, chức năng của nó, nhất là trong bối cảnh hiện nay của đất nước.
Cảm ơn giáo sư.
Bản thân tôi lúc đầu cũng không định lập nghiệp bằng Sử. Tôi nghĩ mình có sở trường về Toán, Lý. Sau khi học phổ thông, tôi học dự bị đại học, lúc đó, cơ sở đào tạo đặt ở Thanh Hóa. Từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa đi bộ mất 7 ngày đêm, khi tôi ra đến nơi chậm mất 3 ngày, môn Toán, Lý hết chỗ. Số học sinh đến chậm đều được nhà trường cho học Văn, Sử. Nhưng học Sử rồi thì tôi nhận thấy đó là một môn học rất hấp dẫn. Thật ra, môn nào cũng có vị trí của nó trong xã hội. Vấn đề là mình nhận thức được ý nghĩa của nó, vai trò của nó trong cuộc sống hiện nay như thế nào. Đến nay, nếu cho tôi chọn lại từ đầu, tôi dứt khoát chọn môn Sử, không phải vì mình nhỡ đường mà bởi mình tìm thấy trong đó sự hứng thú rất lớn là được tìm hiểu về lịch sử, về văn hoá đất nước, về lịch sử các nền văn minh thế giới. Từ quá khứ mình hiểu thêm hiện tại, có niềm tin ở tương lai -GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Theo Quý Hiên
Tiền Phong
"Nhắn tin đang làm bạn ngu đi!" Dưới nhan đề này, bài viết trên tuần san Newsweek số đề ra ngày 19.9 đề cập tình trạng mù... đọc sách, phổ biến (không chỉ) trong giới trẻ Mỹ hiện nay. Bạn có đọc cho mình? Theo một nghiên cứu do Nielsen thực hiện năm ngoái, giới trẻ Mỹ tuổi từ 13-17 gửi và nhận trung bình 3.339 tin nhắn mỗi tháng....