12 dự án nghìn tỉ thua lỗ: Sơ hở ngay từ khi ký hợp đồng tổng thầu Trung Quốc
Việc xử lý vướng mắc tại các dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương đang gặp không ít phức tạp mà nguyên nhân chính là do các chủ đầu tư sơ hở.
Đạm Hà Bắc là một trong những dự án dù đã ra sản phẩm từ lâu nhưng chưa thể giải quyết xong hợp đồng với nhà thầu Ảnh: Chí Hiếu
Việc xử lý vướng mắc tại các dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương đang gặp không ít phức tạp mà nguyên nhân chính là do các chủ đầu tư sơ hở, yếu thế so với tổng thầu EPC, nhất là các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.
Đó là thực tế được chỉ ra tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Công thương và lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty để đôn đốc tiến độ xử lý 12 dự án nghìn tỉ yếu kém, thua lỗ của ngành công thương, diễn ra ngày 21.4 tại trụ sở Chính phủ.
Các tập đoàn, tổng công ty khi ký hợp đồng và thực hiện dự án thì không chặt chẽ, thiếu thủ tục nên không thực hiện được quyết toán dự án. Khi làm các đồng chí lại không hỏi, chỉ đến khi xong rồi đem đi quyết toán không được mới đi hỏi ý kiến các bộ ngành
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Theo thông tin tại buổi làm việc, tính tới nay, Thủ tướng cùng các phó thủ tướng và Ban Chỉ đạo xử lý các dự án do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo để giao 189 nhiệm vụ cụ thể cho các bên liên quan. Trong số 189 nhiệm vụ được giao, các bộ ngành, doanh nghiệp đã hoàn thành 120 nhiệm vụ.
Xin gia hạn nhưng không biết khi nào xong!
Video đang HOT
Trong gần 70 nhiệm vụ còn lại thì 54 nhiệm vụ vẫn trong hạn và có 15 nhiệm vụ đã quá hạn mà chưa hoàn thành. Thế nhưng, ngay cả với nhiệm vụ quá hạn, các chủ đầu tư đều xin gia hạn thêm từ 3 – 6 tháng, song cũng không chắc chắn liệu rằng đến lúc ấy có hoàn thành hay không.
Đơn cử như với dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên (Tisco) giai đoạn 2, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty thép VN, cho hay sau Tết Nguyên đán vừa qua, Tisco đã mời tổng thầu Trung Quốc (là Tập đoàn xây lắp luyện kim MCC) sang làm việc, song MCC lại đề nghị nâng đơn giá với các hạng mục còn lại.
“Tuy nhiên các đề nghị của họ không có căn cứ rõ ràng nên Tisco chưa chấp nhận và sẽ đàm phán tiếp. Có điều lúc nào xong thì cũng rất khó nói vì quá phụ thuộc vào đối tác”, ông Phúc nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết thêm việc đàm phán lại với phía đối tác được Tisco thực hiện từ 2014 đến giờ song chưa thể hoàn tất. “Trong hợp đồng EPC có nhiều điều khoản mà đặt trong bối cảnh hiện nay chúng ta rất khó chấp nhận, cho nên ngay cả khi Tổng công ty thép xin gia hạn đến hết quý 2 cũng sẽ khó đạt được”, ông Hưng nhìn nhận.
Một dẫn chứng khác là câu chuyện tại Tập đoàn hóa chất (Vinachem). Đáng ra trong tháng 3 vừa qua, Vinachem phải xử lý dứt điểm tồn tại trong hồ sơ thanh toán của hợp đồng EPC với dự án mở rộng Nhà máy đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình (đều là tổng thầu Trung Quốc) và Nhà máy DAP số 2, nhưng lãnh đạo tập đoàn nói rằng vẫn chưa rõ ngày kết thúc và xin gia hạn lần lượt đến 30.6 và 30.9. Tuy nhiên, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt tinh thần của Thủ tướng là không lùi thêm vì đã sắp đến hạn báo cáo Bộ Chính trị.
Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí (PVN) – đơn vị có hai công ty con góp vốn vào dự án nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, cũng cho biết dự án này chưa thể quyết toán với tổng thầu EPC do còn 1/12 hạng mục chưa hoàn tất. Việc đàm phán cũng chưa có tiến triển và không loại trừ các tranh chấp với tổng thầu sẽ phải đem ra tòa giải quyết.
Muốn cho phá sản cũng không được
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, cho biết trong các nhiệm vụ quá hạn thì 6 dự án là do liên quan đến các vướng mắc pháp lý tại hợp đồng EPC (gồm nhà máy là đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, Tisco, đóng tàu Dung Quất, thép Việt Trung và ethanol Quảng Ngãi).
Cụ thể như chưa thực hiện hết các hợp đồng EPC; tổng thầu chưa hoàn thành các nhiệm vụ mà hai bên đã ký kết; trong khi thực hiện xây dựng thì điều chỉnh về tổng mức đầu tư, đơn giá, chi phí thiết bị thay đổi…
“Trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty khi ký hợp đồng và thực hiện dự án thì không chặt chẽ, thiếu thủ tục nên không thực hiện được quyết toán dự án. Khi làm các đồng chí lại không hỏi, chỉ đến khi xong rồi đem đi quyết toán không được mới đi hỏi ý kiến các bộ ngành”, ông Dũng nói. Ngoài ra, mắc mớ phổ biến ở hầu khắp các dự án là hai bên chưa xác định rõ khoản tiền phạt chậm tiến độ như tại Tisco, đạm Ninh Bình…
Theo ông Dũng, chính vướng mắc về thanh quyết toán khiến việc xử lý trở nên phức tạp, kéo dài, thậm chí có dự án muốn cho phá sản song vì chưa thanh quyết toán nên không triển khai được. Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý không chỉ riêng các dự án yếu kém của ngành công thương gặp rắc rối với tổng thầu Trung Quốc, mà thực tế các dự án lĩnh vực khác như đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng gặp khó. Ông Dũng chỉ ra thực tế thường thì tổng thầu EPC họ chọn việc nào dễ làm trước, việc khó để lại, đến khi chậm rồi đặt điều kiện này kia nên các tập đoàn, tổng công ty phải cẩn thận ngay từ khâu rà soát pháp lý trước khi ký hợp đồng lẫn nâng cao năng lực để giám sát, kiểm soát.
Phải truy trách nhiệm cá nhân, tập thể
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm tại cuộc họp mới nhất hồi giữa tháng 4 để Bộ Công thương báo cáo với thường trực Chính phủ, có dự án, nhà máy âm cả vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, dù chưa kể nợ phải trả. Ông Dũng yêu cầu Bộ Công thương, các chủ đầu tư không chỉ lên phương án với các dự án mà cần có lộ trình chi tiết, cụ thể để giám sát tiến độ thực hiện.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa góp ý do các vướng mắc đều liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài, nên các chủ đầu tư phải kiến nghị để được hỗ trợ về pháp lý. Là người đã đi thực tế một số dự án đắp chiếu, ông Thừa cảm nhận rằng “hậu quả là rất ghê gớm, tang thương”, nhất là các dự án nhiên liệu sinh học, vì có lẽ có nhà máy chỉ chờ bán sắt vụn. “Nhân dân, Quốc hội giám sát rất kỹ vấn đề này, nên cùng với xử lý dự án thì dứt khoát phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể”, Thứ trưởng Thừa bày tỏ.
Thông tin thêm tại cuộc họp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết hiện Bộ Công thương đã hoàn tất dự thảo về phương án xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ để báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị. Còn Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin rằng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 tới đây, dự kiến thường trực Chính phủ sẽ thảo luận để hoàn tất báo cáo và xin ý kiến Bộ Chính trị.
(Theo Thanh Niên)
Sẽ xem xét lại chế độ lương hưu của ông Vũ Huy Hoàng
Chiều nay, 3-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1. Dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành...
Đầu buổi họp báo, các phóng viên báo chí đã quan tâm vấn đề hệ quả của việc kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng. Ngay trước khi nghỉ Tết, Chính phủ đã có Quyết định kỷ luật, vậy chế độ chính sách đối với ông Vũ Huy Hoàng, như chế độ lương hưu sẽ ra sao?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Quyết định kỷ luật nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Bộ Công thương đối với ông Vũ Huy Hoàng, trong đó yêu cầu các cơ quan nhà nước có hình thức xử lý kỷ luật tương xứng với Quyết định của Ban Bí thư.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo
"Trong quá trình xử lý, ngày 28 Tết, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký Quyết định xoá tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, giai đoạn 2011 - 2015 đối với ông Vũ Huy Hoàng".
Về toàn bộ chế độ chính sách đối với ông Vũ Huy Hoàng, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Công thương nghiên cứu. "Hiện 2 Bộ đang nghiên cứu vấn đề này để báo cáo với Thủ tướng" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 344/NQ-UBTVQH14 về việc xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Nghị quyết nêu rõ: Xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật tại Quyết định số 388-QĐNS/TW ngày 3-11-2016.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng. Đồng thời, giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định của luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng, nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.
(Theo Công An Nhân Dân)
Thanh tra hàng loạt tập đoàn bất động sản lớn Đây là đợt thanh tra toàn diện về việc thực hiện quy hoạch, quản lý chất lượng và kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Trong năm 2017, thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra 12 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong đó có những tập đoàn bất động sản lớn như Công ty Cổ phần...