12 điểm du lịch tàu đắm thú vị nhất thế giới (P2)
Các con tàu đắm rỉ sét vẫn có sức hút mãnh liệt với những người muốn tìm kiếm cảm giác mới lạ khi đi du lịch.
Tàu BOS 400 BOS 400 là một tàu sà lan của Pháp bị mắc cạn trong vịnh Maori ở Nam Phi, được một chiếc tàu kéo của Nga kéo vào ngày 26/6/1994. Không có động cơ chính nên Boss 400 được kéo đến bất cứ nơi nào trên thế giới để làm việc.
Boss 400 từng là một cần trục nổi lớn nhất ở châu Phi. Sau đó, một cơn bão ập đến khiến các dây kéo bị vỡ và đập vào trong đá.
Tàu kéo được thuê để kéo chiếc BOS 400 từ Cộng hòa Congo đến Cape Town, Nam Phi. Dây thừng kéo bị vỡ, trở nên lỏng lẻo do cơn bão khiến cho con tàu mắc cạn tại Mũi Duiker gần Vịnh Sandy. Nó đã nằm ở đó cho đến bây giờ. Mặc dù nhận được nhiều nỗ lực để lôi ra khỏi địa điểm mắc cạn, nhưng con tàu đắm được coi là một tổn thất lớn, chỉ có thể phục hồi xác tàu với tỉ lệ rất thấp.
Tàu La Famille Express Xác tàu La Famille Express nằm ngoài khơi vùng biển phía nam của Provo trong quần đảo Turks và Caicos, ở vùng biển Caribê. Tàu được đóng vào năm 1952 tại Ba Lan và phần lớn cuộc hành trình là phục vụ trong hải quân Liên Xô cũ, với tên gọi “Pháo đài Shevchenko”. Đến năm 1999, nó được bán và đổi tên thành “La Famille Express”.
Hoàn cảnh và số phận của con tàu không được biết rõ ràng, ngoại trừ việc bị mắc cạn trong cơn bão Frances năm 2004. Không ai trục vớt con tàu cho đến thời điểm hiện nay và nhiều phần của con tàu bị cướp bóc. Ngày nay, con tàu là một địa điểm tuyệt vời thu hút nhiều khách du lịch đến với khu vực.
Tàu HMAS Protector HMAS Protector là một pháo hạm sắt lớn được chính phủ Nam Úc mua vào năm 1884, với mục đích bảo vệ bờ biển địa phương chống lại những cuộc tấn công trong thập niên 1870.
Pháo hạm đã được điều đến Adelaide vào tháng 9/1884, sau đó phục vụ trong cuộc nổi dậy Boxer, thế chiến thứ I và thứ II. Trong tháng 7/1943, HMAS Protector đã được trưng dụng để phục vụ chiến tranh của quân đội Mỹ.
Trên đường đến New Guinea và đi tắt qua Gladstone, nó đã bị hư hại trong một vụ va chạm với một tàu kéo và bị bỏ rơi. Thân tàu sau đó đã được đưa đến đảo Heron ngoài khơi bờ biển Queensland và bị đánh chìm để sử dụng làm đê chắn sóng. Phần còn lại gỉ sét vẫn còn nhìn thấy cho đến ngày nay.
Tàu Evangelia Evangelia là một con tàu buôn, được đóng cùng một xưởng với tàu Titanic, và ra mắt công chúng ngày 28/5/1942 với tên là “Empire Strength”. Sau đó, nó được biết đến với những tên gọi khác là “Saxon Star”, “Redbrook” và cuối cùng là tên “Evangelia”.
Vào năm 1968, trong một đêm sương mù dày đặc, Evangelia được lái đến gần sát bờ biển và đã mắc cạn gần bãi biển Costinesti của Romani. Một số người cho rằng chủ sở hữu Evangelia đã cố tình đánh đắm tàu để thu tiền bảo hiểm.
Video đang HOT
Giả thuyết đã được ủng hộ bởi trong thời gian xảy ra thảm họa này, mặc dù sương mù rất dày đặc, nhưng biển vô cùng yên tĩnh và tất cả các thiết bị tàu đều làm việc một cách hoàn hảo.
Tàu SS Maheno SS Maheno là con tàu đắm nổi tiếng nhất của đảo Fraser, Australia và một địa điểm thu hút khách du lịch. Được đóng vào năm 1905, SS Maheno là một trong những con tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới. Con tàu này thường chạy dọc một tuyến đường thường xuyên giữa Sydney và Auckland cho đến khi được sử dụng như một tàu bệnh viện ở châu Âu trong suốt thế chiến thứ nhất.
Vào năm 1935, tàu SS Maheno và chiếc tàu chị em Oonah đã được bán cho Nhật Bản để tháo dỡ. Trong khi đang được kéo đến Nhật Bản, con tàu gặp phải một cơn bão nghiêm trọng và dây kéo bị đứt. Người ta cố gắng lắp lại dây kéo nhưng thất bại, do ở vùng biển có những con sóng lớn và 8 người làm việc trên tàu SS Maheno cũng bị cuốn trôi mất.
Cuối cùng thì con tàu cũng đã được tìm thấy sau 3 ngày mắc cạn ngoài khơi bờ biển của đảo Fraser. Tất cả nội thất trên tàu bị đắm xuống biển. Những nỗ lực trục vớt không thành công và cuối cùng xác tàu được chào bán, nhưng không tìm thấy người mua. Kể từ đó, nhiều phần của con tàu đã bị phá hủy và phần còn lại mà ngày nay có thể nhìn thấy đã trở nên rỉ sét nặng.
Tàu Santa Maria Santa Maria là một tàu chở hàng Tây Ban Nha đã mang theo một số lượng những món quà ấn tượng từ chủ tịch chính phủ Tây Ban Nha, Francisco Franco để trao cho những người đã ủng hộ ông trong cuộc khủng hoảng kinh tế.
Món hàng trên tàu là những chiếc xe thể thao, thực phẩm, thuốc men, máy móc, quần áo, đồ uống… Vào ngày 1/9/1968 con tàu đi qua quần đảo Cape Verde trên đường tới Brazil và Argentina thì bị mắc cạn.
Ngay sau đó, một chiếc tàu kéo địa phương đã cố gắng cứu con tàu nhưng không thành công và nó đã bị bỏ rơi ở đó. Nhưng trước khi diễn ra công cuộc cứu nạn thì tất cả hàng hóa giá trị trên tàu đã được chuyển đi đến địa điểm một cách an toàn. Giờ đây đống đổ nát của tàu Santa Maria đã trở thành một biểu tượng của Boa Vista và Cape Verde.
Theo Zing
12 điểm du lịch tàu đắm thú vị nhất thế giới
Những con tàu này chưa được trục vớt hoặc được giữ nguyên hiện trường, là nơi thu hút các du khách hiếu kỳ.
Ước tính có khoảng 3 triệu con tàu đắm chưa được khám phá nằm rải rác trên đại dương trên toàn thế giới. Một số tàu trong đó có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm. Trang Wrecksite.eu hiện còn chứa hồ sơ của hơn 148.000 xác tàu tại thời điểm này.
Một số lượng lớn các vụ đắm tàu có ý nghĩa lịch sử và được UNESCO bảo vệ, công nhận là di sản văn hóa dưới nước. Nhiều tàu đắm đang bị bỏ rơi và vẫn còn ngập trong nước. Một số giờ nằm trên bãi đất gần bờ biển, mang một nét đẹp duyên dáng tao nhã, đôi khi là trơ trọi mục nát dưới sự xâm hại của các yếu tố thiên nhiên.
Con tàu đắm gần đây gây nhiều sự chú ý nhất cho giới truyền thông là Costa Concordia đã lật úp trong vùng biển gần hòn đảo Giglio, trên bờ biển phía Tây của Ý, trong tháng 1/2012. Con tàu bị lật úp đã thu hút hàng ngàn khách du lịch đến khu vực để viếng thăm. Hoạt động trục vớt được bắt đầu vào giữa năm 2013, hiện nay vẫn chưa hoàn thành, nhưng thời gian sẽ không kéo dài lâu trước khi tàu được kéo ra khỏi vịnh.
Dưới đây là một số xác tàu ngoạn mục có giá trị cho chuyến viếng thăm khi chúng vẫn còn lênh đênh trên đại dương hay bãi đất đá hoang.
Tàu MS World Discoverer Đây là một tàu du lịch được đóng ở Đức vào năm 1974, giúp du khách đến các vùng Nam Cực định kỳ để quan sát chuyển động của những tảng băng trôi. Tàu có phần thân được xây dựng dày gấp đôi để chống lại những tác động nhỏ. Được đóng chắc chắn như thế, nhưng tàu cũng bị một tảng đá làm thủng thân vào ngày 30/4/2000. Tảng đá lớn này được cho là chưa được ghi nhận trên bản đồ nằm ở quần đảo Solomon.
Sau khi tai nạn xảy ra, toàn bộ hành khách trên tàu được chuyển qua một chiếc phà an toàn, thuyền trưởng vẫn tiếp tục chèo lái con tàu vào vùng vịnh Roderick để tránh chìm. Vào thời điểm các công ty nhận được yêu cầu cứu hộ con tàu, người dân địa phương cũng tham gia vào quá trình lục soát.
World Discoverer hiện vẫn còn nằm trong vùng vịnh Roderick trên đảo Nggela của Florida với mặt nghiêng 46.
Mediterranean Sky Tàu Mediterranean Sky ban đầu được gọi là "City of York", được đóng vào năm 1952 tại Newcastle, Anh. Tàu du lịch hạng sang này rời London vào tháng 10/1953 và duy trì dịch vụ vận chuyển khách du lịch cho đến khi được bán vào năm 1971. Lúc này, tàu được đổi tên thành Mediterranean Sky.
Chuyến đi cuối cùng của tàu Mediterranean Sky là vào tháng 8/1996, xuất phát từ Brindisi (Ý) đến Patras (Hy Lạp).
Do tình hình tài chính của công ty mà Mediterranean Sky đã bị bắt giữ vào năm 1997, trong khi đang ở Patras. Hai năm sau đó, tàu được kéo đến vùng vịnh Eleusus ở Hy Lạp và bị bỏ rơi từ đó.
Vào cuối năm 2002, nước tràn vào khoang khiến tàu bắt đầu nghiêng. Để ngăn chặn vụ chìm tàu, người ta đã kéo nó đến vùng nước nông gần đó. Vào tháng 1/2003, Mediterranean Sky lật úp một mặt và tiếp tục chờ đợi số phận.
Tàu MV Captayannis Captayannis là một con tàu chở đường của Hy Lạp chìm trên sông Clyde ở Scotland vào năm 1974. Một cơn gió mạnh dữ dội đập vào bờ biển phía Tây khiến nó va chạm với một tàu chở dầu BP. Tàu chở dầu không bị thiệt hại gì, nhưng dây xích neo của nó đã đục thủng tàu Captayannis, khiến cho nước xâm nhập khoang. Thuyền trưởng tàu Captayannis cố gắng lái đến bãi biển trong vùng nước nông. Chiếc tàu lật úp vào buổi sáng của ngày tiếp theo và mắc cạn ở đấy từ đó. Hầu như tất cả kim loại giá trị trên tàu đã bị cướp bóc hết. Giờ đây nó chỉ là bộ khung để lại cấu trúc phần bên trên theo phong cách mục nát.
Mặc dù xác tàu đắm nằm trong vùng nước tương đối nông nhưng chưa có bất kỳ nỗ lực nào cứu phần còn lại của con tàu này, do vướng các vấn đề như quyền sở hữu và bảo hiểm. Theo thời gian, con tàu Captayannis đã trở thành ngôi nhà sinh sống của những loài sinh vật biển và các loài chim. Ngày nay, Captayannis được người dân địa phương gọi với cái tên đơn giản là "Tàu chở đường".
Tàu SS America SS America là một loại tàu biển chở khách được đóng vào năm 1940. Trải qua một thời gian xây dựng kéo dài hơn 50 năm, cuối cùng, con tàu cũng hoàn thành và được bán vào năm 1993. Con tàu được tân trang để trở thành tàu khách sạn năm sao đến Phuket, Thái Lan. Cũng trong thời gian này, con tàu được đổi tên thành "American Star". Mặc dù vậy, con tàu không được gọi với cái tên mới này. Sau đó, SS America neo đậu ở Hy Lạp và được kéo về phía Đại Tây Dương để tân trang lại lần nữa. Nhưng 100 ngày sau đó, SS America cùng với con tàu kéo Ukraina rơi vào cơn bão sấm sét.
Các đường dây của con tàu kéo đã bị phá vỡ và mọi nỗ lực để lắp lại đường dây kéo khẩn cấp đều không thành công. Thủy thủ trên tàu American Star được cứu sống bằng trực thăng nhưng con tàu lại trôi dạt trên đại dương, rồi sau đó nó bị mắc cạn ngoài khơi bờ biển phía tây của Fuerteventura thuộc quần đảo Canary.
Trong vòng 48 giờ đầu mắc cạn, những con sóng hung dữ của Đại Tây Dương đã đập vào con thuyền và phá vỡ phần dưới ống khói của con tàu. Phần đuôi tàu bị sụp đổ hoàn toàn rồi đến phần cửa tàu. SS America chìm vào năm 1996, trong khi mũi tàu vẫn còn nguyên vẹn. Vào tháng 11/2005, phía cửa của phần mũi tàu sụp đổ và thân tàu bắt đầu bị phá vỡ. Đến năm 2007, toàn bộ con tàu chìm xuống biển. Kể từ đó, những gì còn sót lại của con tàu ngày càng ít và dần biến mất dưới các con sóng. Tính đến tháng 3/2013, xác tàu chỉ có thể nhìn thấy trong thời gian thủy triều xuống thấp.
Tàu Dimitrios Trước đây có tên là "Klintholm", là một con tàu chở hàng hóa nhỏ, dài khoảng 67 m được đóng vào năm 1950. Tàu bị mắc kẹt trên bãi biển Valtaki trong quận Laconia ở Hy Lạp, kể từ ngày 23/12/1981.
Có rất nhiều tin đồn về nguồn gốc của con tàu và lí do vì sao nó bị mắc kẹt trên bãi biển. Người ta cho rằng con tàu đã được sử dụng để buôn lậu thuốc lá giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Nó bị các nhà chức trách cảng Gythio bắt giữ. Thuyền trưởng cố tình lái chạy trốn đến bãi biển của Valtaki, cách cảng Gythio khoảng 5 km. Tại bãi biển này, con tàu được cho là bị đốt cháy để che giấu những bằng chứng về buôn lậu thuốc lá.
Tuy nhiên, một cuốn sách được thuyền trưởng Honorary của lực lượng cảnh sát biển Hy Lạp và phó đô đốc Christos Ntounis viết lại cung cấp thông tin khác. Tàu phải cập cảng Gythio khẩn cấp vào ngày 4/12/1980, bởi đội trưởng của tàu bị bệnh nghiêm trọng và cần phải nhập viện. Bên cạnh đó, truyền thuyết về con tàu này còn có một câu chuyện nữa. Sau khi lắp ghép tàu, nhiều vấn đề phát sinh như tài chính với đoàn thủy thủ, vấn đề động cơ, các biện pháp bảo hiểm. Phi hành đoàn sau đó đã bị sa thải và con tàu cập bến ở cảng Gythio, cho đến tháng 6/1981 khi nó được tuyên bố là an toàn.
Con tàu đã bị tụt ra khỏi vị trí cập bến trước đó và bị cuốn trôi ra biển rất nhiều lần trước khi bị mắc kẹt trên bãi biển Valtaki như hiện nay. Bây giờ, con tàu vẫn bị bỏ rơi và không có sự cố gắng phục hồi và tu sửa.
Tàu Olympic Olympic là một con tàu thương mại được lái vào bờ gần thị trấn Katapola, trên đảo Amorgos của Hy Lạp.
Người ta cho rằng hải tặc đã làm điều này trong năm 1979, khi con tàu đi từ đảo Síp hướng về phía Hy Lạp.
Sau nỗ lực kéo con tàu ra khỏi vịnh không thành công, nó đã bị bỏ rơi ở đó và trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất ở đảo Amargos.
Theo Zing