111 ca tử vong, hơn 7.000 ca bệnh sởi
Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có một ngày tận mắt chứng kiến các phòng bệnh đông nghẹt bệnh nhi mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Sau buổi họp kín với Tổ chức Y tế thế giới, đại diện Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đống Đa, Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Kính – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư – công bố số bệnh nhân mắc sởi đã lên đến trên 7.000 bệnh nhân, tức tăng hơn gấp đôi so với công bố sáu ngày trước đó. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định không giấu dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong vòng vây báo chí (ảnh chụp sáng 16-4 tại Bệnh viện Nhi T.Ư) – Ảnh: Nguyễn Khánh
“Bộ y tế không giấu dịch” ?
Đúng trong thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm Bệnh viện Nhi T.Ư lần đầu tiên kể từ đầu vụ dịch sởi, gia đình anh V. ở Văn Giang, Hưng Yên lầm lụi bế thi thể con về. Bọc con vừa vĩnh biệt cõi đời trong một chiếc khăn bông lớn, anh V. vừa đi vừa khóc, còn vợ anh phải có người dìu vì không bước nổi. Con anh V. mới 9 tháng tuổi, đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị viêm phổi và mắc sởi ở đây. Chứng kiến cảnh này không ai cầm được nước mắt. Đây chính là bệnh nhi thứ 104 tử vong do sởi và liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư trong hơn hai tháng qua. Tính chung tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và hai ca tử vong tại Yên Bái cuối tháng 1-2014, đã có tổng số 111 ca tử vong do sởi chỉ trong gần ba tháng qua.
Điều khiến dư luận quan tâm là số tử vong do sởi này cao hơn gần năm lần so với công bố cách đây sáu ngày của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với chỉ 25 trường hợp. Về số lượng bệnh nhân sởi, sau phiên họp kín bất thường sáng 16-4, ông Nguyễn Văn Kính cho biết riêng số trẻ có xét nghiệm xác định mắc sởi đã lên đến trên 7.000 ca, tại 61/63 địa phương trong cả nước. So với công bố cách đây sáu ngày, số mắc sởi cũng tăng vọt lên hơn gấp đôi.
Trả lời về nghi vấn Bộ Y tế giấu dịch, khi chỉ sau sáu ngày số mắc sởi tăng hơn gấp đôi và số tử vong tăng gần gấp năm lần, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Bộ Y tế không giấu dịch mà tách riêng con số 25 ca tử vong chắc chắn do bệnh sởi, số còn lại là bệnh nhân sởi trên nền các bé bị tim bẩm sinh, bại não, suy dinh dưỡng… và tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong sáu ngày mà số mắc sởi tăng lên bất thường khiến người dân bất ngờ.
Theo ông Nguyễn Văn Kính, sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh, số mắc bệnh có thể thay đổi mỗi ngày. Tuy nhiên, giải thích này khiến những người quan tâm chưa thấy hài lòng, vì sự thay đổi quá đột ngột về số người mắc bệnh. Nỗi băn khoăn số ca mắc tăng nhanh bất thường hay Bộ Y tế “cất” bớt ca mắc, cập nhật chậm chạp số người mắc bệnh là câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng.
Nỗi đau tột cùng của cha mẹ cháu H.N.P. (9 tháng tuổi, quê ở Văn Lâm, Hưng Yên) tử vong vì bệnh phổi và sởi tại Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) sáng 16-4 – Ảnh: Nguyễn Khánh
Hà Nội có công bố dịch hay không?
Video đang HOT
Chuyến thăm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến tới Bệnh viện Nhi T.Ư, tâm điểm của dịch sởi, là muộn màng. Tuy nhiên, đã có những giải pháp chống dịch sởi quyết liệt hơn sau chuyến đi của bà Tiến. Theo đó, Bộ Y tế giao ba bệnh viện của Hà Nội gồm Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Đống Đa là vệ tinh của ba bệnh viện đầu ngành gồm Nhi T.Ư, Nhiệt đới T.Ư và Bạch Mai, ba bệnh viện tuyến cuối sẽ cử thầy thuốc đến trực chiến tại ba bệnh viện vệ tinh. “Việc này để giảm bớt việc chuyển tuyến quá đông đến bệnh viện tuyến cuối, chống lây nhiễm chéo” – bà Tiến nói.
Có đến 30% số mắc sởi và 50% số tử vong trong mùa dịch sởi này là bệnh nhi Hà Nội. Điều đáng nói hơn, theo ước tính của ông Nguyễn Nhật Cảm – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nơi đây còn đến 100.000 trẻ chưa có miễn dịch với bệnh sởi. Những con số này khiến người ta lo lắng về nguy cơ lây lan tiếp dịch sởi ở Hà Nội, trong khi TP này không công bố dịch. Theo bà Tiến, cần tới năm yếu tố để quyết định có hay không công bố một vụ dịch nhóm B như dịch sởi, trong đó có yếu tố dịch vượt quá khả năng xử lý của địa phương, có thay đổi về tác nhân gây bệnh… “Tôi là nhà quản lý nên không phát ngôn thay công việc của chuyên môn. Việc Hà Nội có công bố dịch hay không thì giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã cho biết sẽ trao đổi với UBND TP” – bà Tiến nói.
111 ca tử vong do sởi trong thời gian chưa đầy ba tháng, trong đó riêng Hà Nội chiếm một nửa trong tổng số ca tử vong, các cơ sở điều trị luôn ở trong tình trạng quá tải bệnh nhi, phải sắp xếp 3-4 trẻ/giường, thiếu thiết bị y tế tới mức phải xuất quỹ dự trữ quốc gia, như vậy đã là vượt quá khả năng xử trí của địa phương hay chưa? Chúng tôi thông tin để bạn đọc có câu trả lời của riêng mình. Riêng về việc virút sởi đã có biến đổi về độc lực và cách lây truyền hay chưa, ông Nguyễn Văn Kính cho biết qua giải trình tự gen, chủng virút gây dịch sởi năm nay vẫn là chủng truyền thống. “Tuy nhiên để xác định độc lực có thay đổi không thì phải đợi thêm một thời gian nữa mới có câu trả lời” – ông Kính cho biết.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương dập dịch Ngày 16-4, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc phòng chống dịch sởi. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh sởi tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp bị tử vong, ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến trung ương bị quá tải, khẩn trương dập tắt dịch sởi. Bổ sung ngay máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm cấp cứu điều trị bệnh nhân, sinh phẩm cần thiết phòng lây chéo tại các bệnh viện và chế độ đối với người làm công tác phòng chống dịch sởi… Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành phối hợp Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh cũng như ngăn chặn lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng; tiêm đủ văcxin sởi cho đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bảo đảm việc cấp đủ phương tiện, kinh phí phòng chống dịch sởi cho các cơ sở y tế trên địa bàn. V.V.THÀNH
Tây Ninh: hết văcxin sởi và rubella Ông Vũ Văn Ngọ, trưởng phòng hành chính tổng hợp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, cho biết tính đến sáng 16-4, bệnh viện này đã tiếp nhận 95 bệnh nhân sởi cả người lớn và trẻ em, trong đó có 16 ca bệnh rất nặng. Theo ông Ngọ, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì bệnh sởi, nhưng có một trường hợp bé gái 3 tháng tuổi ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng được gia đình xin về vì bệnh quá nặng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Họa – trạm trưởng trạm y tế xã Kiến Thiết, cho biết cháu bé này đã tử vong sau khi được đưa về nhà. Trong khi đó tại Tây Ninh, nhiều người dân bức xúc khi đưa trẻ dưới 3 tuổi đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tây Ninh tiêm văcxin sởi và rubella nhưng đơn vị này hết thuốc. Ngày 16-4, ông Trần Văn Bé – giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh – cho biết hai loại văcxin này đã hết 1-2 tháng nay nên không thể cung cấp cho các trường hợp đến tiêm dịch vụ, nhưng vài ngày nữa có thể có văcxin. Ông Bé khẳng định chỉ thiếu văcxin sởi và rubella cho dịch vụ, còn văcxin trong chương trình tiêm chủng quốc gia vẫn được đảm bảo. THÂN HOÀNG – NGỌC HẬU
* Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc: Chưa đủ điều kiện công bố dịch sởi Cuối giờ chiều 16-4, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã chủ trì phiên họp “ nóng” với Sở Y tế và ngành y tế các quận huyện của Hà Nội. Trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên họp, bà Ngọc nói: “Sau khi họp với Bộ Y tế về, anh Hiền (Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội – PV) báo cáo với tôi là cả nước mới có 25 ca chính xác tử vong vì sởi, trong đó có 14 trường hợp tử vong là của Hà Nội”. Bà Ngọc cho biết các quận huyện và Sở Y tế báo cáo chính thức đến ngày 16-4 Hà Nội có 1.052 ca mắc sởi, trong đó có 14 ca tử vong vì sởi. “Tất cả quận huyện và sở đã cùng phân tích trong số 1.052 ca mắc sởi hiện nay có tới 88,3% là chưa tiêm phòng sởi. Nguyên nhân được xác định là do gia đình không đưa đến tiêm phòng và do tiêm chưa đủ mũi theo quy định. Hiện Hà Nội đã thống kê vẫn còn khoảng 1.000 trường hợp chưa tiêm phòng, vì vậy trước ngày 20-4 tôi yêu cầu từng quận huyện phải tổ chức tiêm phòng vét cho triệt để” – bà Ngọc cho hay. Về số trường hợp mắc sởi và tử vong vì sởi còn khác nhau về số liệu, bà Ngọc khẳng định trước mắt lãnh đạo TP đã yêu cầu ngành y tế từng quận huyện phải rà soát, nắm lại cho chính xác tới từng trường hợp một. “Ngay số liệu 14 trường hợp tử vong của Hà Nội cũng phải phân tích cho chính xác. Riêng số chưa tiêm phòng phải đến từng nhà động viên để tiêm bằng được. Gia đình nào kiên quyết không tiêm sẽ lập danh sách” – bà Ngọc nói. Trả lời về việc Hà Nội có công bố dịch sởi, bà Ngọc khẳng định 14 trường hợp tử vong vì sởi của Hà Nội đều được nắm chi tiết. Còn để công bố dịch phải đủ điều kiện, hiện nay chưa đủ điều kiện để công bố dịch. Trước hết TP nêu rõ quan điểm để Sở Y tế, ngành y tế quận huyện phải thực hiện, đó là khống chế dịch bệnh, không để lây lan ở các điểm mới. Khống chế bằng cách các trường hợp chưa tiêm phòng phải được tiêm phòng. “Tôi đã yêu cầu cả Sở Giáo dục – đào tạo phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn tới các trường tiểu học về cách thức xử lý khi có biểu hiện mắc sởi của học sinh” – bà Ngọc nói. XUÂN LONG
Cảnh giác bệnh sởi ở người lớn Trước đây bệnh sởi chỉ gặp ở trẻ em, nhưng từ năm 2009-2010 đến nay bệnh gặp cả ở người lớn. Theo ông Nguyễn Văn Kính – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, 90% trong số 313 bệnh nhân sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư là người lớn, trong đó người lớn tuổi nhất là 44 tuổi. Theo ông Kính, khác với biến chứng thường gặp ở trẻ em mắc sởi là viêm phổi, ở người lớn biến chứng thường gặp nhất là viêm não. Tại cuộc họp với Bộ Y tế ngày 16-4, theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới ở VN, điểm lạ của các ca sởi năm nay là tỉ lệ trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi khá lớn (bệnh nhân nhỏ nhất là bé 2 tháng tuổi), biến chứng sau sởi của nhóm bệnh nhân này rất nặng, nhưng nếu hạ tuổi chủng ngừa thì Tổ chức Y tế thế giới lo ngại có tai biến sau tiêm, đồng thời băn khoăn về việc VN có sàng lọc được các trường hợp có chống chỉ định tiêm ngừa hay không.
Theo VNE
Cách phân biệt bệnh sởi với sốt phát ban
Vào đúng thời điểm nhiều trẻ bị lây bệnh sởi, nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách nhận biết dấu hiệu của bệnh. Thậm chí có nhiều phụ huynh vẫn còn nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban, nên chưa có biện pháp chăm sóc trẻ kịp thời. Sau đây là một vài đặc điểm để giúp bạn phân biệt 2 loại bệnh này.
Về nguyên nhân gây bệnh
- Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm virus thông thường (70% - 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính.
- Sởi là do virus thuộc giống morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính. Theo nhận định từ các chuyên gia của viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, dịch sởi lần này là chủng virus xuất hiện lần đầu ở phía Nam, được xâm nhập từ nước ngoài về và là chủng virus sởi có nhiều ở Trung Quốc, Malaysia, có độc lực và độ lây truyền như chủng cũ và xảy ra chủ yếu ở trẻ em.
Về dấu hiệu bị bệnh
Giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát của sốt phát ban và bệnh sởi (trung bình khoảng 1 tuần) thường có biểu hiện khá giống nhau thể hiện qua những triệu chứng của tình trạng "nhiễm siêu vi" như bệnh nhân bị sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao 38-39độ C), xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ than đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, trẻ biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy. Sự khác biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi rõ rệt nhất là vào giai đoạn toàn phát với phát ban rất đặc trưng của bệnh sởi.
- Sốt phát ban thông thường: sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, đây là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da trẻ.
- Phát ban do sởi với tiến trình rất đặc trưng: lúc đầu ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là "vằn da hổ". Đặc biệt trẻ bị nhiễm sởi thường có một trong 3 triệu chứng đặc trưng đi kèm đó là triệu chứng chảy nước mũi, ho hay dấu hiệu mắt đỏ.
Biến chứng của sởi và sốt phát ban
- Sốt phát ban do nhóm siêu vi khuẩn thông thường hầu hết là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 - 7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.
Đối với phụ nữ mang thai bị mắc sốt phát ban, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. 90% phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ sinh ra em bé bị dị tật, thể trạng không tốt như: điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm não, màng não, chậm phát triển tâm thần, gan to, lách to... Đối với những người bị bệnh cần phải được cách ly một tuần lễ kể từ lúc phát ban để tránh lây nhiễm cho những người tiếp xúc.
- Phát ban do virus sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đặc biệt là những trẻ có sức đề kháng yếu như sinh non, suy dinh dưỡng... Biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc sởi là do sự nhân lên của vi rút hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản, phế quản, khí quản và viêm não. Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được gây miễn dịch chưa đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Trẻ em là đối tượng nhiễm bệnh dễ dàng và có thể xuất hiện những biến chứng nặng. Trẻ sinh ra từ những người mẹ đã bị bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong vòng 6 - 9 tháng. Hầu hết những ca tử vong do sởi đều do bị biến chứng nặng.
Biện pháp phòng bệnh
- Cách phòng bệnh sốt phát ban: Tiêm chủng cho trẻ em vắc xin ngừa 3 bệnh Rubella, sởi, quai bị được áp dụng: Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 12 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm trong độ tuổi từ 4-6 tuổi. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì tiêm một liều duy nhất (phụ nữ chỉ được có thai sau khi tiêm vắc xin được 3 tháng).
- Cách phòng bệnh sởi: Phòng bệnh cách cho trẻ tiêm phòng vắc xin sởi khi đủ 9 tháng tuổi. Và tiêm mũi thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi để đảm bảo đủ liều lượng, nồng độ kháng thể giúp trẻ miễn dịch tốt với loại virus sởi. Việc tiêm mũi thứ 2 có thể tạo miễn dịch tới 99%. Hiệu quả của vắc xin phụ thộc rất lớn vào chất lượng bảo quan.
Dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi.
Rửa tay trước khi ăn và trước khi chế biến thức ăn.
Cách chăm sóc trẻ khi bị sởi
- Thường xuyên rửa mặt, lau mồm cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ. Lau người cho trẻ hàng ngày bằng khăn sạch, mềm.
- Kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa.
- Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn chứa protein gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải...
- Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào... sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
- Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và đi tiểu nhiều, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6 -8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.
- Nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày
- Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh, chỉ nên dùng B1, vitamin C liều cao. Nếu trẻ bị biến chứng khi liên tục bị sốt nên hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện uy tín để theo dõi và điều trị
Theo TNO
Những biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi Bệnh sởi ở trẻ em đã xuất hiện trở lại với tần suất ngày càng tăng. Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh nhi mắc sởi đã có biến chứng nặng thậm chí rất nặng. Nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng Mới đây, các bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết vừa cấp cứu thành công bệnh...