11 tàu Trung Quốc tới gần đảo tranh chấp với Nhật
Tuần duyên Nhật Bản hôm nay cho hay có 11 tàu chính phủ của Trung Quốc đi vào vùng nước quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư cách đây ít ngày. Ảnh: Xinhua
“Tính đến 16h30, 10 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc được nhìn thấy tại các vùng nước gần đảo Uotsurijima”, AFP dẫn lời người phát ngôn lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Uotsurijima là đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phát ngôn viên nói trên cũng nhắc lại cả trường hợp một tàu ngư chính của Trung Quốc đi vào khu vực này sáng sớm hôm nay.
Chiếc tàu được nhắc tới là Ngư chính 35001 của Trung Quốc. Nó xuất hiện gần đảo Uotsurijima. “Con tàu xuất hiện lúc 7h sáng ngày 18/9 tại địa điểm cách đảo Uotsurijima khoảng 42 km về phía tây bắc và đang tiến về phía đông”, AFP dẫn lời người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tại Okinawa cho hay.
Không có tàu cá nào xuất hiện cùng tàu Ngư chính 35001 sáng nay. Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo và yêu cầu tàu Trung Quốc “không được đi vào lãnh thổ Nhật Bản”, đồng thời thiết lập mạng lưới thông tin để theo dõi diễn biến của vụ việc kể trên.
Trước đó, Trung Quốc từng điều 6 tàu hải giám tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 14/9, ba ngày sau khi Nhật công bố mua lại ba trong số 5 đảo thuộc quần đảo không người từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Giới chức Trung Quốc cho hay các tàu của Trung Quốc đến nơi cách đảo 1,55 hải lý và khẳng định nhiệm vụ của đội tàu đã “thành công tốt đẹp”.
Video đang HOT
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hôm nay tuyên bố Bắc Kinh có quyền có những hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền. Tuyên bố này được ông Lương đưa ra trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Leon Panetta đang ở thăm Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng cho hay ông vẫn hy vọng vào một giải pháp thương lượng và hòa bình để giải quyết vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, khi được hỏi liệu Bắc Kinh có sử dụng đến sức mạnh quân sự.
Quan hệ Trung – Nhật hồi tháng trước xấu đi khi một nhóm 14 người Hong Kong tới một trong các đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. Họ bị nhà chức trách Nhật bắt giữ. Vài ngày sau, một nhóm người Nhật kéo quốc kỳ nước này trên chính hòn đảo nói trên, dẫn tới sự phản ứng từ Trung Quốc.
Nhật Bản tuần trước cho hay đã hoàn tất việc mua lại ba trong số 5 đảo của Senkaku/Điếu Ngư từ sở hữu tư nhân người Nhật. Sự việc này châm ngòi cho làn sóng phản đối Nhật trên khắp Trung Quốc. Nhiều cơ sở kinh doanh của người Nhật đã bị đập phá, khiến Tokyo buộc phải đưa ra cảnh báo với người dân nước này tại Trung Quốc.
Sau một vài ngày căng thẳng, chính phủ Trung Quốc đã có động thái ngăn chặn các cuộc biểu tình diễn biến xấu hơn. Giới chức Trung Quốc cũng tìm mọi cách để giảm tâm lý chống Nhật Bản trên mạng bằng cách chặn những thông điệp hay hình ảnh liên quan tới biểu tình trên Sina Weibo, mạng xã hội lớn của Trung Quốc. Cơ quan kiểm duyệt cũng xóa những nội dung liên quan tới biểu tình.
Tuy nhiên, căng thẳng Trung – Nhật chưa có dấu hiệu lắng dịu khi hai nhà hoạt động Nhật Bản hôm nay lên một đảo trong chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đài Loan cũng đang lên kế hoạch đưa 60 tàu cá tới chuỗi đảo này trong những ngày tới.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông. Nó cách Naha, thành phố chính trong chuỗi đảo Okinawa của Nhật, khoảng 400 km và Đài Loan khoảng 200 km.
Theo VNE
Tàu tuần tra Nhật - Trung chỉ cách nhau nửa hải lý
Khi các tàu hải giám của Trung Quốc đến khu vực quần đảo tranh chấp, chúng được theo sát bởi ba tàu và ba trực thăng của lực lượng tuần duyên Nhật. Khoảng cách của tàu hai nước có lúc chỉ một nửa hải lý.
Các tàu Trung Quốc đến vùng nước tranh chấp gần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm Hải giám 50, 15, 26, 27, 51 và 66. Ảnh: Xinhua
Chi tiết chuyến đi của các tàu hải giám Trung Quốc ra khu vực Điếu Ngư/ Senkaku được Xinhua đưa chi tiết hôm qua, cùng lời khẳng định lực lượng này "đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ".
Các tàu của Trung Quốc được điều ra vùng tranh chấp hôm 14/9, ba ngày sau khi Nhật công bố mua ba trong số 5 đảo thuộc quần đảo không người ở. Giới chức Trung Quốc cho hay tàu của Trung Quốc đến nơi cách đảo 1,55 hải lý.
Tàu của Nhật và Trung Quốc đã trao đổi những lời cảnh báo, xua đuổi. Sau một ngày, các tàu của Trung Quốc rời đi.
Lực lượng Hải giám Trung Quốc được thành lập từ năm 1998, với hơn 10.000 nhân viên và 300 tàu cùng 9 máy bay tuần tra. Các tàu và máy bay của CMS bắt đầu những chuyến tuần tra tại vùng biển của Trung Quốc từ năm 2006 và duy trì giám sát 24 giờ/ngày.
Sau khi Nhật mua đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố "theo dõi chặt chẽ các diễn biến của tình hình và có quyền đưa ra hành động đáp trả". Lực lượng Hải giám Trung Quốc cho hay cơ quan này đã lên một kế hoạch hành động, đồng thời sẽ có những việc làm cụ thể tùy thuộc vào diễn biến tình hình tại Senkaku/Điếu Ngư.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda khẳng định "sẽ duy trì sự cảnh giác cao nhất và áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm đảm bảo an ninh" ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Koichiro Gemba kêu gọi đôi bên hãy bình tĩnh.
Ngoài những phản đối từ phía chính phủ, làn sóng biểu tình chống Nhật trong dân chúng nổi lên ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc. Xe ô tô của đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh từng bị cướp cờ và hơn 20 cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc trong hơn một tháng qua.
Hàng chục nghìn người tham gia biểu tình tại hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc trong hai ngày 15-16/9. Những người này giận dữ tấn công các nhà hàng, trung tâm thương mại Nhật Bản và ô tô của Nhật sản xuất.
Trước tình hình những cuộc biểu tình chống Nhật ngày càng nhiều, Nhật Bản đã yêu cầu cơ quan an ninh Trung Quốc đảm bảo an toàn cho công dân Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc. Cơ quan đại diện của Nhật ở Thượng Hải cũng phát đi lời cảnh báo công dân nước mình nên cảnh giác và tìm cách giữ gìn an toàn cho chính bản thân mình.
Theo VNE
Nhật "xua" tàu ngư chính Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật hôm nay cho biết họ đã cảnh báo một tàu ngư chính Trung Quốc ở gần đảo chính của Senkaku/Điếu Ngư, quần đảo hiện là trung tâm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo. Quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông được Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Người...