11 sân vận động tổ chức Euro 2020
Sàn đấu chính của giải bóng đá lớn nhất châu Âu được tổ chức tại nhiều địa điểm trên khắp lục địa già.
Trận khai mạc giữa Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra vào 2h ngày 12/6 (giờ Hà Nội) trên sân nhà của AS Roma tại Rome, Italy. Trong khi đó, kể từ trận bán kết, tất cả sẽ đều được tổ chức ở Wembley (Anh).
Dưới đây là thông tin 11 sân bóng được chọn làm nơi tổ chức Euro 2020.
Johan Cruyff Arena, Amsterdam, Hà Lan
Mở cửa: 1996
Sức chứa: 54.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 12.000 người
Sân bóng mang tên huyền thoại người Hà Lan. Ảnh: iEuro2020
Sân bóng này từng có tên Amsterdam Arena. Tuy nhiên, vào năm 2018, Ajax đã đổi tên địa điểm này thành Johan Cruyff Arena để tôn vinh huyền thoại của họ – người đã qua đời 2 năm trước đó.
Nơi đây từng được chọn làm điểm tổ chức trận chung kết Champions League năm 1998 giữa Real Madrid và Juventus. Vào năm 2013, sân vận động mang tên huyền thoại Ajax cũng là điểm diễn ra trận chung kết Europa League giữa Chelsea và Benfica.
Đây có thể xem là một trong những địa điểm thể thao mang tính bền vững với môi trường nhất hành tinh. Johan Cruyff Arena sử dụng hệ thống 4.200 tấm pin mặt trời, có cánh đồng gió riêng và hứng nước mưa để tưới sân.
Năm 2019, lượng du khách tới sân Johan Cruyff Arena đạt đỉnh với 2,3 triệu người.
National Arena, Bucharest, Romania
Mở cửa: 2011
Sức chứa: 54.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 13.000 người
Sân sở hữu hệ thống mái che hiện đại. Ảnh: Gmp
Tổng chi phí xây dựng sân lên tới 260 triệu USD. Một năm sau khi mở cửa, National Arena đã được chọn để tổ chức trận chung kết Europa League 2012 giữa Atletico Madrid và Athletic Bilbao.
Sân được thiết kế theo kiểu một đấu trường cổ đại với độ dốc ấn tượng từ hai bên. National Arena có hai tầng ngầm, ba tầng trên và chỗ để xe đủ cho 2.100 phương tiện. Sân sở hữu hệ thống âm thanh, video hiện đại và mái che có thể thu lại được.
Baku Olympic, Baku, Azerbaijan
Mở cửa: 2015
Sức chứa: 69.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 31.000 người
Sân Baku rực rỡ sắc màu. Ảnh: Republic of Azerbaijan Ministry of youth and sport
Sân nhà đội tuyển Azerbaijan có tổng kinh phí xây dựng lên tới 600 triệu USD. Nhiều người đánh giá dự án sân Baku quá phù phiếm và là nước đi chính trị để chính phủ Azerbaijan làm hình ảnh với những quốc gia châu Âu khác.
Video đang HOT
Theo ấn phẩm kiến trúc và thiết kế CLADmag, sân vận động này được lấy cảm hứng từ dải băng của những người tập thể dục nhịp điệu. Ánh sáng nhấp nháy vào buổi đêm khiến sân vận động như đang bay lên.
Puskas Arena, Budapest, Hungary
Mở cửa: 2019
Sức chứa: 68.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 61.000 người
Được thi đấu trên sân nhà, Hungary vẫn khó làm nên điều kỳ diệu trước Pháp hay Bồ Đào Nha. Ảnh: Metrapolus
Puskas Arena cách nhà ga trung tâm Budapest chỉ 10 phút đi bộ, thuận tiện cho du khách tới xem bóng đá. Đây là sân lớn nhất Hungary và được dùng làm sân nhà đội tuyển quốc gia.
Hungary dược dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối đầu với Pháp và Bồ Đào Nha ngay trên sân nhà.
Parken, Copenhagen, Đan Mạch
Mở cửa: 1992
Sức chứa: 38.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 11.250 người
Bục ghế ngồi ở sân thấp hơn do phục vụ thêm cả những buổi hòa nhạc. Ảnh: Goal
Sân được xây dựng trên nền Idraetspark, sân vận động quốc gia trước đây của Đan Mạch ở quận Indre sterbro. Nó được tái thiết kế để tổ chức được cả các trận bóng đá lẫn hòa nhạc. Do đó, bậc ghế ngồi trong sân sẽ thấp hơn.
Năm 1997, sân đạt kỷ lục với 60.000 người tham dự buổi trình diễn của Michael Jackson.
Hampden Park, Glasgow, Scotland
Mở cửa: 1903
Sức chứa: 51.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 12.250 người
Sân không được đánh giá cao về cơ sở vật chất. Ảnh: Goalzz
Đây là sân vận động lâu đời nhất trong số những địa điểm tổ chức các trận đấu thuộc Euro 2020.
Nhiều du khách chia sẻ không hài lòng khi tham quan sân này vì cơ sở vật chất tồi tàn, cảnh quan thiếu ấn tượng. Dù trước đó, nó đã được tân trang lại vào năm 1990. Các khán đài phía đông và tây bị đánh giá có tầm nhìn quá xa.
Scott Brown, cựu tuyển thủ Scotland phàn nàn đây là sân bóng tồi tệ nhất mà anh từng chơi.
Wembley, London, Anh
Mở cửa: 2007
Sức chứa: 87.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 22.250 người
Sân Wembley có sức chứa rất lớn nhưng lượng khán giá đến xem dự kiến chỉ lấp được khoảng 1/4 chỗ ngồi. Ảnh: Hovia
Wembley chính thức mở cửa vào 9/3/2007 sau khoảng một thập kỷ trì hoãn. Với số lượng chỗ ngồi lên đủ chứa 87.000 người, đây là sân đấu lớn nhất xứ sở sương mù. Các chỗ ngồi trên sân đạt tiêu chuẩn cao, không nơi nào bị đánh giá là “có tầm nhìn xấu”.
Sân vận động Wembley có tổ chức tour, đón 100.000 khách tham quan hàng năm, chủ yếu đến từ Anh, Đức, Italy và Tây Ban Nha.
Football Arena Munich, Munich, Đức
Mở cửa: 2005
Sức chứa: 70.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 14.500 người
Sân đấu được đánh giá cao với hệ thống đèn khổng lồ. Ảnh: Unsplash
Sân còn có tên gọi Allianz Arena, được trang trí hệ thống đèn lên tới 4.000 chiếc. Đây cũng là sân nhà của Bayern Munich.
Football Arena Munich có mái che làm bằng lưới thép. Toàn bộ sân được bọc trong một đệm khí hình kim cương. Nó sẽ chiếu sáng theo màu sắc của bất kỳ đội nào đang thi đấu.
Đức, Hungary, Pháp và Bồ Đào Nha, cùng các quốc gia khác, sẽ có những buổi trình diễn ánh sáng của riêng mình khi đá ở đây.
Lượng khách đổ về sân mỗi năm lên tới 3,5 triệu người.
Olimpico, Rome, Italy
Mở cửa: 1953
Sức chứa: 68.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 16.000 người
Sân bóng diễn ra trận khai mạc Euro. Ảnh: SportOutdoors24
Sân bóng này được chọn làm điểm khai mạc Euro 2020. Trận đấu đầu tiên giữa Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra ở đây.
Năm 2007, sân được nâng cấp thêm một số hạng mục để phù hợp tiêu chuẩn của UEFA cho trận chung kết Champions League 2009. Việc nâng cấp chủ yếu liên quan đến tính thẩm mỹ, cải tiến phòng thay đồ, nhà vệ sinh và thêm màn hình LED chất lượng cao.
La Cartuja, Seville, Tây Ban Nha
Mở cửa: 1999
Sức chứa: 60.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 20.000 người
Sân đấu được chọn phút chót. Ảnh: ABC
Ban đầu, San Mamés, sân nhà của Athletic Bilbao là điểm được chọn. Tuy nhiên, do việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 ở xứ Basque chưa đạt đúng tiến độ, ban tổ chức đã quyết định chọn La Cartuja Sevilla.
Krestovsky, Saint Petersburg, Nga
Mở cửa: năm 2017
Sức chứa: 61.000 người
Số cổ động viên dự kiến: 30.500 người
Sân còn có tên gọi Zenit Arena hay Piter Arena, có giá trị đầu tư lớn nhất thế giới. Ảnh: The Stadium Guide
Sân từng có tên gọi Saint Petersburg khi tổ chức Confederations Cup 2017 (Cúp Liên đoàn các châu lục) và World Cup 2018. Đội tuyển FC Zenit đã phải chi ra một tỷ USD để xây dựng sân Krestovsky trên mặt bằng sân vận động Kirov cũ. Đây là sân bóng đá đắt nhất hành tinh với tiến độ hoàn thành chậm 8 năm, kinh phí vượt quá 548% so với ngân sách.
Trong thời điểm diễn ra World Cup 2018, sân vận động Krestovsky đón hơn 1 triệu du khách, trong đó 400.000 là người Nga.
7 sự thật thú vị của thành phố khai mạc Euro 2020
Trận khai mạc Euro 2020 sẽ diễn ra tại Rome (Italy). Thành phố này sở hữu nhiều công trình kiến trúc và văn hóa đặc sắc thu hút du khách khám phá.
Biệt danh "thành phố vĩnh cửu": Theo truyền thuyết, Rome được thành lập năm 753 TCN, dưới thời trị vì của Romulus. Trong suốt hơn 700 năm từ thế kỷ 1-7, Rome từng trở thành trung tâm quyền lực số một ở châu Âu. Rome còn được mệnh danh là "thành phố vĩnh cửu". Tên gọi này xuất phát từ niềm tin mãnh liệt của người La Mã thời xưa, cho rằng thành phố sẽ trường tồn, bất tử, dù trải qua nhiều biến cố lớn.
Quốc gia trong thành phố: Thành Vatican là một quốc gia độc lập nằm trong lòng Rome. Đất nước này được thành lập năm 1929, nổi tiếng có diện tích nhỏ nhất thế giới chỉ với 0,44 km2 và dân số chưa đến 1.000 người. Đây cũng là nơi ở của Giáo hoàng và là trụ sở của giáo hội Thiên Chúa giáo. Quảng trường Thánh Peter, Bảo tàng Vatican và Nhà nguyện Sistine là những điểm du lịch đáng chú ý tại Thành Vatican.
Đấu trường La Mã gần 2.000 năm tuổi: Đấu trường Colosseum được xây dựng khoảng năm 70-80 sau Công nguyên, với sức chứa 50.000 khán giả khi mới hoàn thành. Đây là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất của La Mã còn trường tồn tới ngày nay. Năm 2007, đấu trường La Mã được vinh danh là một trong 7 kỳ quan kiến trúc thế giới mới. Colosseum là điểm du lịch hút khách bậc nhất ở thành phố Rome.
Đài phun nước hứng hơn 4.000 USD mỗi ngày: Đài phun nước Trevi mang phong cách kiến trúc Baroque. Đây là đài phun nước lớn nhất tại Rome và nổi tiếng trên thế giới. Theo truyền thuyết, nếu ném đồng xu vào đài phun nước Trevi, bạn sẽ trở lại Rome lần nữa. Do đó, du khách đến đây thường thực hiện điều này để cầu may. Tờ Telegraph (Anh) từng thông tin rằng số tiền du khách ném vào đây có thể lên tới hơn 4.000 USD/ngày và toàn bộ được dùng để làm từ thiện.
Nước từ các vòi công cộng ở Rome miễn phí: Người dân và khách du lịch có thể sử dụng nước sạch miễn phí bởi nơi đây sở hữu khoảng 2.500 vòi nước công cộng. Vòi nước ở Rome có thiết kế đặc trưng, được gọi là "nasone" hay "mũi lớn" vì hình dạng của miệng vòi. Nếu bạn bịt đầu vòi lại, nước sẽ bắn ra thành hình vòng cung từ lỗ ở trên đầu giúp mọi người uống nước mà không chạm môi vào vòi kim loại.
Du khách trả tiền để "đo" lòng ngay thẳng ở Rome: Bức phù điêu nổi tiếng có tên Bocca della Verita (Miệng Sự Thật) được làm bằng cẩm thạch, vốn thu hút nhiều người đến để chứng minh sự trung thực của mình. Tương truyền người nói dối đưa tay vào miệng bức phù điêu sẽ bị cắn đứt. Mỗi người phải trả 2 euro để có tấm hình lưu lại khoảnh khắc bàn tay mình đưa vào trong miệng tượng. Số tiền thu được sẽ dành để tu sửa nhà thờ.
Thành phố được xây dựng trên 7 quả đồi: "Thành phố 7 ngọn đồi" là tên gọi thân mật khác của Rome. Khi mới được thành lập vào thế kỷ thứ 8 TCN, Rome cổ đại được xây dựng trên 7 ngọn đồi liền nhau. Hiện 7 ngọn đồi có tên là Myrtle, Blossom, Clock Tower, Jackson, Lumpkin, Old Shorter và Mount Aventine.
Mỗi ngày một thành phố EURO: Baku "Rốt cuộc thì Baku nằm ở châu Âu hay châu Á, khi nó cách thành phố đăng cai EURO gần nhất là Bucharest 2.600 km và cách nơi xa nhất, Sevilla, tới gần 6 nghìn km? Về mặt địa lý, nó nằm ở châu Á, nhưng người dân ở đây luôn bảo, dù họ nói một thứ tiếng chẳng liên quan đến châu...