11 năm Windows Mobile: Kẻ luôn thất bại khi sắp thành công (Phần 1)
Windows Mobile đang đi nốt những ngày cuối cùng của 11 năm đầy sóng gió và đắng cay. Và đây là vài dòng tưởng niệm dành cho 1 HĐH đen đủi: Luôn thất bại ngay khi sắp thành công.
Windows Mobile sẽ chính thức “hết hạn” vào ngày 15 tháng 7 tới đây. Sau mốc thời gian này, Microsoft sẽ dừng mọi hoạt động nghiên cứu phát triển liên quan đến Windows Mobile.
Hiểu theo 1 cách khác, sau ngày 15 tháng 7, tờ giấy khai tử mà Microsoft đã ký sẵn dành cho Windows Mobile chính thức có hiệu lực. Sẽ không còn phiên bản mới của hệ điều hành này cũng như tất cả những lỗi tồn tại trong “lão làng” đã hơn 10 tuổi này sẽ không còn được Microsoft sửa chữa.
Thêm vào đó, Windows Mobile lại là 1 hệ điều hành nguồn đóng, điều này khiến cho cộng đồng phát triển dù có muốn cũng không thể tiếp tục duy trì sự “tiến hóa” của nó. Đứng yên giữa 1 xã hội đang phát triển như vũ bão có nghĩa là đang thụt lùi. Và thời gian còn lại của Windows Mobile có lẽ chỉ tính bằng ngày.
Vốn là 1 người sử dụng Windows Mobile lâu năm, tôi nghĩ ít nhất mình cũng có đôi chút trách nhiệm trong việc thể hiện lòng nuối tiếc đối với 1 hệ điều hành mà bản thân từng yêu mến và trung thành. Và câu chuyện tôi kể sau đây, có lẽ sẽ cho bạn đọc được những cái nhìn “trong cuộc” hơn về cuộc đời đầy cay đắng của Windows Mobile.
Chuyện của tôi và Windows Mobile
Windows Mobile hay WinMo, như cái cách mà người sử dụng vẫn trìu mến (và cả chế nhạo) gọi hệ điều hành cho các thiết bị di động của Microsoft, đến ngày “từ trần” đã được tròn 11 tuổi. Đối với tôi, WinMo giữ 1 vị trí đặc biệt quan trọng.
Thiết bị gần với smartphone đầu tiên mà tôi được sở hữu là 1 PDA chạy Windows Mobile: chiếc iPaq 5555. Có thể sẽ rất nhiều bạn đọc ở đây còn quá trẻ để biết PDA là gì, có thể hiểu đơn giản, PDA là 1 smartphone không có chức năng… phone. Người ta sử dụng PDA để thực hiện những công việc mà smartphone đang đảm nhiệm bây giờ: liên lạc Email, duyệt web, chạy ứng dụng…
Chiếc PDA đầu tiên của tôi chạy WinMo 2003.
Ngoài việc không có chức năng thoại thì có thể coi PDA cũng là 1 chiếc smartphone thời kỳ đầu. Đến giờ không rõ chiếc 5555 đó đang lưu lạc nơi nào vì tôi đánh mất nó trong 1 lần để quên ngoài quán net. Thế nhưng những ấn tượng về WinMo mà 5555 để lại trong tôi là vô cùng sâu đậm. Người ta bảo tình đầu khó phai và những thứ đầu tiên mà bạn được sử dụng cũng như vậy.
Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác háo hức khi lần đầu tiên được chạm tay lên màn hình cảm ứng, những hồi hộp khi đạp xe hơn chục cây số từ Hà Đông lên tận quán Cafe Wifi đầu tiên ở Hà Nội để thử cảm giác lướt web trên mạng Wifi và chat với bạn bè qua kết nối không dây.
Đã có thời gian định vị GPS và màn hình cảm ứng là những công nghệ viễn tưởng. Chiếc Hw6945 đã khiến tôi có thiện cảm rất lớn với các smartphone trang bị bàn phím cứng.
Đối với tôi, tất cả những công nghệ đó thời ấy dường như là một phép màu. Và Windows Mobile là người hiện thực hóa những mơ mộng về 1 thế giới hiện đại như trong phim khoa học viễn tưởng: Con người có thể tương tác với máy móc bằng 1 cái vuốt tay thay vì di chuột, và có thể bứt khỏi những ràng buộc của kết nối có dây để kết nối với mọi người.
Và quan trọng hơn hết, có lẽ cái cảm giác có thể thu gọn cả 1 chiếc máy tính trên lòng bàn tay của mình, đem theo phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20 ngay trong túi đã khiến tôi mê mẩn.
Dù rằng WinMo thời đó (Pocket PC 2003 đổ xuống) có 1 số điểm ngớ ngẩn trong thiết kế: Chẳng hạn như máy sẽ mất sạch dữ liệu nếu bạn bị… hết pin (pin backup trên chiếc 5555 của tôi cũng chết luôn khi vừa mua vì là đồ 2nd). Vì thế mỗi lần máy hết pin là tôi phải ba chân bốn cẳng chạy về nhà để sạc, nếu không để quá lâu thì tất cả danh bạ, phần mềm trên máy sẽ bị xóa sạch sành sanh. Hoặc 1 lần lỡ tay tháo pin ra là máy bị hardreset sạch trơn như khi vừa xuất xưởng. Rất may là trong các phiên bản WinMo mới hơn điều này không còn tồn tại nữa.
Đã có thời việc backup dữ liệu hàng ngày trên các máy chạy WinMo là công việc bắt buộc.
Bất chấp những sự không hoàn hảo của WinMo, tôi vẫn yêu quí hệ điều hành này và trung thành với nó cho đến tận năm 2010 khi tôi chuyển sang chiếc smartphone chạy Android đầu tiên. Gần 6 năm trời sử dụng các thiết bị Windows Mobile, tôi đã trải qua đủ hết những thăng trầm của WinMo. Và ngày hôm nay, nghe tin WinMo sắp “từ trần”, tôi không khỏi cảm thấy bồi hồi. Nhìn lại 6 năm đó đôi khi tôi cảm thấy ngạc nhiên về độ kiên nhẫn của mình, ngay cả khi có những đối thủ rất nặng ký của WinMo như iPhone ra đời tôi vẫn trung thành với hệ điều hành già nua này. Có lẽ với WinMo và cả Android sau này cũng vậy, tôi có được sự tự do, không chịu bó buộc như đối với iPhone và chính đặc điểm đó đã giữ chân tôi ở lại WinMo trong suốt ngần ấy năm, chờ đợi Android “trưởng thành” hơn.
Windows Mobile: Số phận đắng cay
Có lẽ điều chua chát nhất trong đời của WinMo đó là sự “đen đủi” của hệ điều hành này. Ra đời với quá nhiều tiềm năng và nhận được sự kì vọng vô cùng lớn từ phía các hãng sản xuất cũng như người sử dụng, được đại gia Microsoft chống lưng (trong thời kỳ Microsoft còn là công ty số 1 thế giới) thế nhưng chưa 1 lần WinMo bước lên bục vinh quang để trở thành hệ điều hành di động số 1 thế giới. Dù rằng cách đây 5-7 năm, nếu bạn muốn mua 1 smartphone sử dụng màn hình cảm ứng thì có thể nói WinMo hầu như là lựa chọn duy nhất (Palm OS coi như đã chết từ sau phiên bản 5 ra đời năm 2004 khi mà các phiên bản sau nó không thể tìm được nhà sản xuất muốn cho ra đời thiết bị chạy Palm OS nữa)
Video đang HOT
Cũng từng có lúc WinMo độc chiếm phân khúc smartphone màn hình cảm ứng.
Lý do? “Anh hùng bất phùng thời”. Cứ đúng vào những lúc WinMo đang dần có xu hướng trở thành một hệ điều hành thống trị thì lại có 1 “khắc tinh” từ… trên trời rơi xuống ngáng chân. Microsoft đã “dọn dẹp” những kẻ cản đường Windows khá hiệu quả: MacOS ngậm ngùi ra đi những năm 90, và Linux thì cứ đụng vào thị trường PC tiêu dùng là chết “dí dị”. Thế nhưng đối với Windows Mobile, có vẻ như “gã khổng lồ phần mềm” không thành công được như vậy. Tất cả những đối thủ ra đời với mục đích cản đường WinMo đều khiến hệ điều hành này… đo ván.
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Windows Mobile từng là 1 hệ điều hành đầy triển vọng. Không ai khác mà chính là Microsoft với ý tưởng “thiết bị di động chạy được ứng dụng” đã định hình cho xu hướng phát triển của các smartphone sau này. Thời đó các nhà sản xuất cũng như người sử dụng còn đang trong giai đoạn khá “mông muội” và điện thoại di động ngày ấy chỉ đơn giản là 1 thiết bị nghe-gọi-nhắn tin. Bill Gate và Microsoft muốn nhiều hơn thế: biến mỗi chiếc điện thoại trở thành 1 PC. Và ý tưởng ấy đã được hiện thực qua phiên bản đầu tiên của WinMo: Pocket PC 2000.
Những ngày đã xa…
Với tham vọng biến các thiết bị chạy WinMo trở thành những “PC bỏ túi” Microsoft đã phát triển WinMo theo hướng là 1 phiên bản rút gọn của Windows trên PC. Và hướng phát triển ấy được Microsoft thực hiện khá sát cho tới tận ngày tàn của HĐH này: tất cả các phần mềm của Microsoft trên Windows như Office , Internet Explorer, Outlook… đều có 1 phiên bản “Mobile” dành cho WinMo. Thậm chí cả giao diện và khả năng chạy đa nhiệm của các phiên bản WinMo cũng được “đúc cùng khuôn” với phiên bản Windows cùng thời.
Giao diện Pocket PC 2000 mang âm hưởng Windows 98
Và phải thừa nhận rằng giữa 1 thế giới dumbphone tràn ngập, WinMo đã tạo lập được chỗ đứng rất riêng cho mình, đầy triển vọng. Nhất là khi người anh em Windows đang thống trị thị trường PC, người ta có rất ít cớ để nghi ngờ sự thành công của WinMo.
Thế nhưng đời mấy ai biết được chữ “Ngờ”. Khi WinMo đang sẵn sàng để bước lên bục vinh quang và trở thành HĐH di động phổ biến nhất thế giới thì Symbian xuất hiện và đập tan giấc mơ của Microsoft. Về cuộc thánh chiến của Symbian chống lại WinMo, tôi đã đề cập khá kĩ lưỡng trong bài viết “Ai đã giết Symbian” và xin phép không nhắc lại ở đây nữa. Nhưng có thể nói 1 cách ngắn gọn: Trước 1 hệ điều hành liên tục mất sạch dữ liệu mỗi lúc… hết pin hoặc bị tháo pin ra, rõ ràng Symbian có những lợi thế như chạy ổn định hơn, giao diện sáng sủa và trực quan hơn.
Giá thành các smartphone chạy WinMo thường cao và là rào cản khiến hệ điều hành này không tiếp cận được với người dùng phổ thông.
Dù thiếu đi tính năng màn hình cảm ứng, nhưng với ưu thế sẵn sàng “lăn lộn” ở mọi phân khúc thiết bị, chính Symbian đã mở đầu cho khái niệm smartphone giá rẻ trong khi các thiết bị chạy WinMo thời kỳ này thường đắt, cồng kềnh, pin yếu giao diện rối rắm và hoạt động thiếu ổn định (thậm chí các thiết bị chạy WinMo còn phải đi kèm 1 nút reset để phòng trường hợp máy bị…treo và đáng buồn là nút bấm này được sử dụng khá thường xuyên).
Nút reset dường như lúc nào cũng “ám ảnh” các sản phẩm của Microsoft.
Với những khuyết điểm như thế của WinMo, chỉ trong nháy mắt cuộc chiến đã ngã ngũ với phần thắng thuộc về Symbian. Mặc dù những ưu điểm của WinMo vẫn tìm được chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng, tuy nhiên với xuất phát điểm thấp, mãi về sau này WinMo không thể nào tìm cách ngóc đầu lên được. Trải qua 1 vài bản nâng cấp trong mấy năm 2000-2003, WinMo vẫn bị Symbian qua mặt khá xa.
Năm 2004 là 1 mốc quan trọng trong quá trình phát triển của WinMo. Vài năm sau ngày lạc bại dưới tay Symbian , bại binh WinMo lại tìm đường “phục hận” bằng phiên bản nâng cấp Windows Mobile 5. Bỏ truyền thống đặt tên phiên bản theo năm ra mắt, có lẽ Microsoft muốn xóa đi cái dớp bại trận từ những bậc tiền bối của WinMo 5.
WinMo 5 thực sự đã mang đến 1 làn gió mới cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành di động của Microsoft: giờ đây người sử dụng đã có thể yên tâm hơn khi máy hết pin vì dữ liệu sẽ không bị mất nữa, các thiết bị chạy WinMo tiết kiệm pin hơn nhờ đó mang tính “di động” nhiều hơn.
Dell Axim X51 :Bom tấn đầu tiên của Dell với WinMo 5, và là thiết bị ra đời với hi vọng sẽ giúp Dell chen chân vào thị trường smartphone nhưng cuối cùng dòng Axim vẫn thất bại thê thảm và phải ngưng sản xuất. X51 cũng là sản phẩm cuối cùng của dòng này với thiết kế được đánh giá là đẹp so với các smartphone thời đó.
Thậm chí có thời điểm sau khi WinMo 5 ra mắt, nó đã nhận được sự ủng hộ của giới chuyên gia và người sử dụng tới mức nhiều nhóm nghiên cứu thị trường còn tuyên bố rằng nếu cứ giữ đà tăng như thời điểm đó, đến 2010 WinMo sẽ vượt mặt Symbian để trở thành hệ điều hành di động lớn nhất thế giới. Và những nhận định đó tỏ ra cũng không phải là vô căn cứ khi mà WinMo 5 đã trở thành phiên bản đầu tiên đạt mốc trên 20% thị phần (với 24% thị phần smartphone cuối năm 2004).
Đúng là WinMo đã từng có cơ hội để vượt lên trên Symbian vì Microsoft từng cấp phép sản xuất thiết bị chạy WinMo cho hơn 50 hãng khác nhau (trong khi 80% thiết bị chạy WinMo thời kỳ đó ra đời từ lò HTC). Với lực lượng hùng hậu các nhà sản xuất và sự ủng hộ của người sử dụng, dường như WinMo lại 1 lần nữa trở thành “bất khả chiến bại”.
Tuy nhiên điều đáng buồn đó là WinMo 5 cũng trở thành phiên bản WinMo cuối cùng đạt thị phần 20%. Và lần này kẻ “phá đám” không ai khác, chính là BlackBerry, iPhone và Android.
Trước thời kỳ iPhone ra mắt, WinMo đã phải cạnh tranh quyết liệt với BlackBerry vì cả 2 HĐH này đều hướng tới đối tượng là khách hàng doanh nghiệp sử dụng tính năng email cũng như văn phòng nhiều. Và BlackBerry với ưu thế chạy ổn định, bàn phím QWERTY cùng với tính năng email xuất sắc đã cho WinMo “hít khói” ở phần khúc này. Còn trong thị trường smartphone hướng tới đối tượng phổ thông, WinMo cũng rất chật vật khi phải chạy đua với Symbian vì các mẫu điện thoại chạy WinMo vẫn nằm trong phân khúc cao cấp trong khi Symbian phủ sóng hết mọi đối tượng khách hàng.
HTC cố gắng “cứu chữa” WinMo bằng giao diện Sense và cũng đạt được những hiệu quả nhất định. Nhưng Sense cũng chỉ trì hoãn ngày tàn của WinMo đôi chút mà thôi.
Đến khi các hệ điều hành di động thế hệ thứ 2 như iPhone, Android ra đời, người sử dụng mới được “mở mắt” về khái niệm “Pocket PC”. Thay vì “nghĩa đen” như cách Microsoft làm, tức là thu nhỏ chiếc PC đến kích cỡ bỏ túi, các smartphone thế hệ mới giờ đây lại trở thành một thiết bị hoàn toàn mới, không hề mang chút dáng dấp nào của máy tính để bàn nữa. Cụ thể là giao diện cảm ứng trở nên thân thiện với việc điền khiển bằng ngón tay thay vì bút trỏ như các thiết bị chạy WinMo, kho ứng dụng độc lập hẳn so với PC và phát triển theo 1 xu hướng hoàn toàn khác: xu hướng của kỷ nguyên hậu PC.
WinMo, với tư cách là 1 hệ điều hành của kỷ nguyên PC, đã không đủ sức chống đỡ cuộc tấn công của những hệ điều hành “trẻ hơn, khỏe hơn, thông minh hơn” và trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của các hệ điều hành này.
(Còn tiếp)
Theo Bưu Điện VN
10 chiếc điện thoại di động tiêu biểu nhất mọi thời đại
25 năm không phải là một chặng đường dài đối với một ngành, nhưng sự phát triển như vũ bão của điện thoại di động đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong lịch sử tồn tại.
25 năm trước, những cú điện thoại chỉ thành công khi người nhận phải ở nhà, một điều thật bất tiện. Tuy nhiên với sự ra đời của điện thoại di động, cuộc sống của con người thay đổi một cách chóng mặt. Những chiếc điện thoại di động thô sơ trở thành một thiết bị trao đổi thông tin vô cùng quan trọng của rất nhiều người, và nó đã trải qua một chặng đường dài để tiến tới thành một công cụ giải trí cùng đầy các tiện ích như ngày nay. GenK xin điểm qua 10 chiếc điện thoại di động tiêu biểu trong lịch sử.
Motorola DynaTAC 8000X, năm 1983
Cứ cười thoải mái đi, nhưng bạn nên biết rằng DynaTAC là biểu tượng của sự giàu sang thời đó. Với cái giá 4000 USD và ảnh hưởng của sự trượt giá đồng tiền năm từ năm 1983 tới giờ, DynaTAC có lẽ còn giá trị hơn cả 10 chiếc iPhone 4. Dynatac còn là thiết bị đánh dấu những bước đi đầu tiên của điện thoại di động, vì vậy về mặt ý nghĩa thì đây là một sản phẩm vô giá.
Motorola StarTAC, 1996
Motorola là hãng đầu tiên nhận ra rằng điện thoại di động không cần thiết kế giống điện thoại bàn. Và thế là chiếc điện thoại gập đầu tiên của thế giới ra đời, mang tên StarTAC. Nhờ thiết kế nắp gập mà bạn sẽ tránh được việc vô tình gọi cho bố mẹ trong khi đang nhậu nhẹt chơi bời cùng bạn bè vì kẹt phím khi nhét túi quần.
Nokia 3210, 1999
Ăng-ten ngoài trên điện thoại di động, hay gọi đùa là "râu" bỗng dưng lỗi mốt khi mà Nokia tung ra 3210 với ăng-ten gắn trong mà vẫn thu phát tín hiệu ổn định. Thiết kế ăng-ten ngầm của Nokia lập tức trở thành một chuẩn mực cho tất cả các thiết bị di động ngày nay.
Handspring Treo 180, 2001
Trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên PDA, các máy PDA khá...nguyên thủy và chỉ có mỗi chức năng quản lý thông tin,mà không có chức năng thoại. Người sử dụng cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi "mang vác" thêm một...cục sắt nữa để quản lý email và lịch làm việc. Rồi Treo ra đời, những chiếc PDA không có tính năng thoại trở nên thừa thãi khi giờ đây smartphone đã có thể kết nối Internet và gửi e-mail. Rồi ít năm sau BlackBerry cho ra những chiếc smartphone và trở thành thiết bị không thể thiếu của những doanh nhân, với vai trò là người trợ lý chuyên cung cấp thông tin một cách nhanh nhất.
Sharp J-SH04, 2001
Ý tưởng tích hợp máy ảnh vào điện thoại xuất phát từ Sharp J-SH04, và đã tạo ra một trào lưu cho những chiếc điện thoại có kèm máy ảnh ra đời sau đó. Ngày nay thật khó để tìm ra một chiếc smartphone nào mà không có camera. Với sự phát triển nhanh chóng, những chiếc camera độ phân giải cao, kèm flash và các tính năng như tự động lấy nét là một trang bị không thể thiếu của smartphone.
Toshiba VM4050, 2003
Cũng như chức năng chụp ảnh, ngày nay người ta ít mang theo máy quay hơn vì sự ra đời của VM4050. Đây là một trong những chiếc smartphone đầu tiên có khả năng quay video. Việc ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ mọi lúc mọi nơi khó có thể thành hiện thực nếu Toshiba VM4050 chưa bao giờ xuất hiện.
Blackbery 7000 Series
Những năm trước khi 7000 ra đời, BlackBerry chỉ là một thiết bị phục vụ việc tra cứu thông tin, gửi e-mail mà không có chức năng nghe gọi như điện thoại. Và rồi RIM nhảy vào thị trường smartphone với dòng BlackBerry 7000 và 7200. Và nó lập tức trở thành một trong những chiếc điện thoại nổi tiếng nhất thế giới.
Motorola Razr V3, 2004
Hai thập kỷ sau khi Motorola DynaTAC ra đời, điện thoại di động vẫn là một thiết bị khá thô kệch. Nhưng rồi Razr V3 xuất hiện với thiết kế quyến rũ tất cả mọi người ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngày nay chúng ta thường xuyên nhìn thấy những chiếc điện thoại bắt mắt hơn V3 rất nhiều, nhưng khoảng 5 năm về trước việc sở hữu một thiết bị mỏng và bóng bẩy như V3 là cả một vấn đề.
iPhone, 2007
Smartphone sẽ rất nhàm chán nếu Apple không nhảy vào thị trường này. Hệ điều hành của iPhone là tấm gương cho tất cả các hãng khác noi theo. Ngoài ra, iPhone thành công là nhờ đánh vào đúng nhu cầu của người dùng, như khả năng xem YouTube, định vị GPS và kho ứng dụng khổng lồ của App Store. Nhiều năm sau, người ta vẫn xếp hàng dài để chờ những chiếc iPhone phiên bản mới nhất.
HTC Dream (T-Mobile G-1), 2008
Thật khó để chọn ra một chiếc smartphone tiêu biểu sau iPhone, nhưng HTC Dream có lẽ xứng đáng với vị trí này. Đây là chiếc điện thoại đánh dấu kỷ nguyên chiến tranh hệ điều hành. Android, Palm, iOS, Windows Mobile luôn chạy đua để cố gắng làm hài lòng người sử dụng với những tính năng cải tiến và kho ứng dụng khổng lồ của họ. Khi DynaTAC ra đời, Motorola có lẽ khó ngờ rằng 25 năm sau những chiếc điện thoại di động lại phải "đánh nhau" bằng phần mềm.
Tham khảo gadgetcrave
iPhone đã thay đổi thế giới smartphone như thế nào? (Phần cuối) Nếu không có iPhone, thế giới smartphone sẽ ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua phần tiếp theo của bài viết. 4. Cuộc chạy đua hệ điều hành di động Trước iPhone, hầu hết Smartphone trên thị trường chủ yếu chạy 1 trong 4 hệ điều hành lớn: Blackberry OS, Symbian , Palm OS và Windows Mobile. Và trong vòng 7...