11 cháu bé ở chùa Bồ Đề không bị mua bán, “mất tích”
Trả lời báo chí chiều 12/8, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, bước đầu xác định không có chuyện “mất tích” 11 đứa trẻ ở chùa Bồ Đề. Phần lớn các cháu này đều đã được mẹ đẻ đưa về nuôi.
Công bố thông tin vụ án tính đến thời điểm hiện tại, phía cơ quan điều tra cho biết, qua xác minh bước đầu, chưa có đủ căn cứ để khẳng định sư thầy Đàm Lan – trụ trì chùa Bồ Đề – có liên quan đến vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại chùa này.
Trả lời báo chí trong buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều nay, ông Phan Đăng Long cho biết, đến thời điểm này, trách nhiệm và sự liên quan của sư thầy Thích Đàm Lan chưa được kết luận do có một số trục trặc về hành chính.
Ông Long cho biết, thông tin chính thức về vụ án sẽ có kết luận sớm nhất vào ngày mai, 13/8. Phía quận Long Biên có thể sẽ tổ chức họp báo vào ngày 14/8 để thông báo kết quả vụ việc.
Ông Long nói thêm, hiện tại Thủ đô Hà Nội cũng như trên cả nước có nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ em, có nhiều đóng góp cho xã hội. Nếu chỉ vì vụ việc mua bán trẻ em này mà “vơ đũa cả nắm” là không thỏa đáng. Tuy nhiên vụ án này cũng là bài học rất lớn để các cơ sở cũng như cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý.
Không có chuyện 11 trẻ “mất tích bí ẩn”
Về thông tin 11 trẻ em trong chùa Bồ Đề mất tích, theo ông Long, cơ quan CSĐT đã làm sáng tỏ. Theo đó có 10 cháu được gia đình bố mẹ đẻ đón về hoặc đang sống cùng mẹ đẻ, người thân; 1 cháu được nhận làm con nuôi.
“Bước đầu thông tin cho thấy không có chuyện mua bán đối với 11 cháu bé này” – ông Long khẳng định.
Kết quả xác minh 11 trường hợp cháu bé nghi mất tích của CQĐT.
Chiều 12/8, Thượng tá Nguyễn Viết Chức – Phó Trưởng Công an quận Long Biên (Hà Nội) – cho biết, đã xác minh rõ lai lịch, danh tính 11 trường hợp cháu bé nghi mất tích tại chùa Bồ Đề.
Cơ quan điều tra làm rõ, khi các cháu này được nhận vào chùa Bồ Đề, nhà chùa đều đã đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương.
Danh sách chi tiết 11 cháu bé được Cơ quan Công an làm rõ như sau:
Video đang HOT
1. Cù Duy Anh, sinh năm 2008, mẹ đẻ là Dương Thị Đ., sinh năm 1985, hiện đang làm lao động ở Malaysia, để lại Duy Anh cho mẹ đẻ của chị Đ. là bà La Thị L., sinh năm 1966 nuôi. Địa chỉ: Xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Hiện cháu đã đổi tên thành Dương Đ.M., đã đăng ký HKTT và ở cùng bà ngoại ở địa chỉ trên.
2. Kiều Vi Anh, sinh năm 2009, tên khai sinh là Lương V.A., hiện đang sống tại chùa Bồ Đề cùng mẹ đẻ là Lương Thị K., sinh năm 1988, HKTT tại Đầm Hồng, Ngọc Hội, Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
3. Cù Huy Anh, sinh năm 2012, sống tại chùa Bồ Đề cùng mẹ đẻ là Nguyễn Thị L., sinh năm 1989, HKTT tại Đông Hải, Nghi Thu, Cửa Lò, Nghệ An.
4. Cù Tuấn Anh, sinh năm 2008, hiện đang sống cùng mẹ đẻ là Vũ Thị H. tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội.
5. Tuấn Anh, tên khai sinh là Vũ M.T., sinh năm 2006, con chị Vũ Thị H., sinh năm 1990, HKTT tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, Hưng Yên. Hiện cháu và mẹ đang sống tại địa chỉ trên.
6. Triều Anh, sinh năm 2007, con chị Nguyễn Thị D., sinh năm 1990, HKTT tại Mẫu Đông, Văn Yên, Yên Bái. Ngày 29/3/2012, chị D. xin đưa cháu Triều Anh về nhà. Hiện cháu đang sống cùng mẹ đẻ tại địa chỉ trên.
7. Cù Hoàng Anh, sinh năm 2011, mẹ tên H. (không rõ địa chỉ), bị đẻ rơi ở quán Internet. Khi sinh con H. mới 16 tuổi. Hội Trái tim nhân ái đã đưa hai mẹ con vào chùa. Hiện H. đã bỏ đi, cháu Hoàng Anh vẫn sống tại chùa Bồ Đề.
8. Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 2010, con chị Nguyễn Thị H., sinh năm 1986, HKTT và ở tại xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội. Chị H. đang làm việc tại Trường mầm non xã Cát Quế. Tháng 3/2011, chị H. đưa cháu Hoàng Anh về nuôi. Hiện cháu đang sinh sống cùng mẹ đẻ tại địa chỉ trên.
9. Cù Duy Anh, sinh năm 2007, con chị Nguyễn Thị P., sinh năm 1981, HKTT tại xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An, hiện ở tại xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Hiện chị P. đang làm công nhân tại Mỹ Hào, Hưng Yên.
10. Cù Bảo Anh, sinh năm 2008, tên khai sinh Khuất V.H., con chị Mai Thị H., sinh năm 1979, HKTT tại xã Phù Ninh, Phù Ninh, Phú Thọ. Cháu Anh đang làm con nuôi của chị Lê Hồng N., sinh năm 1984, HKTT tại phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội.
11. Tùng Anh, tên khai sinh là Lâm Thuận T., sinh năm 2007, con chị Phan Thị T., sinh năm 1984, HKTT tại Xuân Châu, Xuân Trường, Nam Định. Chị T. đưa cháu về từ tháng 12/2007. Hiện, cháu đang sống cùng mẹ đẻ ở địa chỉ trên.
Quốc Đô – Quang Phong
Theo Dantri
Mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: Nỗi buồn mùa Vu Lan
- Khi số phận trái ngang bắt những đứa trẻ phải chịu kiếp mồ côi, chúng cứ ngỡ rằng cuộc đời đã mỉm cười khi được tựa nương nơi cửa Phật. Thế nhưng oan nghiệt chẳng chịu dừng khi chính con người được gọi là bảo mẫu của chùa Bồ Đề - người được lũ trẻ coi như cha, như mẹ lại rắp tâm đem bán đi "đứa con" đang đặt vào mình tất cả niềm tin và hy vọng. Vu lan báo hiếu công đức trời biển của mẹ cha, nhưng người "mẹ thứ 2" này, đã khiến cuộc đời lũ trẻ một lần nữa trở nên tăm tối.
Những đứa trẻ mồ côi cứ ngỡ rằng cuộc đời đã mỉm cười khi được tựa nương nơi cửa Phật.
Rằm tháng 7 - Lễ Vu Lan, ngày này những năm về trước chùa Bồ Đề nhộn nhịp những phật tử, tình nguyện viên đến làm lễ, thăm nom những đứa trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại đây. Không khí ấm áp, xúc động ngập tràn trong mùi trầm hương lan tỏa, tiếng cười đùa trong trẻo của trẻ thơ, trong sự sẻ chia nghĩa tình của người dân với những đứa trẻ và trân trọng những người đang dang tay che chở cho những số phận thiệt thòi.
Năm nay, chỉ ít ngày ngay trước lễ Vu lan báo hiếu, thông tin Nguyễn Thị Thanh Trang, một bảo mẫu trong chùa Bồ Đề bị bắt về tội buôn bán trẻ em với giá 35 triệu đồng khiến dư luận bàng hoàng. Trách nhiệm của sư trụ trì Thích Đàm Lan và những người liên quan cũng đang được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ. Ngôi chùa vốn nổi tiếng là chốn từ bi, một thiên đường của tình thương nay lại là nơi che giấu những tội ác tày trời.
Từ một lá đơn gia đình tố cáo sự mất tích của cháu Cù Nguyên Công, báo chí và cơ quan điều tra đã liên tiếp tật tẩy việc làm phi pháp của những "ác nhân". Không chỉ có 1 trường hợp mà có đến 11 đứa trẻ khác cũng bị mất tích một cách rất bí ẩn và đáng ngờ. Phải chăng nơi đây là một tụ điểm buôn bán trẻ em trá hình?
Cửa Phật vốn là những nơi tôn kính, nghiêm trang, nơi thể hiện tính nhân văn và đức hạnh mà phật tử bốn phương thành kính hướng về. Về với cửa Phật là tìm đến sự thanh thản, bình yên, thế nhưng hàng trăm trẻ mồ côi được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề đã có một cuộc sống bấp bênh hơn bao giờ hết. Nếu sự lo lắng của cha mẹ nuôi bé Cù Nguyên Công là thật, rằng cháu không được về với gia đình, không phải đã mất mà đang phải sống khổ sở ở nơi nào đó hoặc bị bán để lấy nội tạng, thì những người như bảo mẫu Thanh Trang quả thật đã mất hết tính người.
Và tương tự như vậy, nếu sự việc không được phát hiện, thì những đứa trẻ đang sống rất vô tư kia không hề biết rằng, rồi một ngày nào đó, có thể chúng cũng bị người ta bán đi, kiếp người một lần nữa rơi vào sự bất hạnh tột cùng. Cuộc đời mỗi đứa trẻ trong suy nghĩ của bảo mẫu Trang chỉ đáng giá vài chục triệu đồng. Cũng là người mẹ với 2 con nhỏ, không biết khi làm việc bất nhân, Trang có thử hình dung nếu có một ngày, ai đó làm việc tương tự với con mình?
Vu lan đã đến trong tiết trời Hà Nội chuẩn bị sang thu. Những cơn giông vẫn theo nhau bất chợt kéo về . Cánh cổng chùa Bồ Đề giờ này càng trở nên lạnh ngắt, không khí trong chùa cũng nhuộm màu hiu hắt, cô quạnh khác hẳn với mọi năm.
Người lớn, rồi sẽ phải trả giá cho những việc làm sai trái của mình, nhưng đáng thương nhất vẫn là những đứa trẻ ngây thơ, tội nghiệp. Vu lan, ngày những người con tưởng nhớ và báo hiếu mẹ cha đã có ơn sinh thành, dưỡng dục. Nhưng nơi đây, có những đứa trẻ từ khi mới lọt lòng đã không mẹ, không cha; có những đứa con bị bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, dây rốn còn thấm đẫm những giọt máu đào. Đối với chúng, cha mẹ chính là những bảo mẫu, những người đang cho chúng một mái nhà, những bữa cơm ở chùa Bồ Đề.
Tôi tin rằng, trong mắt bọn trẻ, chỉ những người này là cha, là mẹ. Ngày lễ Vu lan khi trưởng thành, chúng sẽ tưởng nhớ và báo hiếu chính những người đang chăm sóc chúng hôm nay. Thế nhưng, đau đớn thay, chẳng dưỡng dục mà đó lại là "quỷ dữ đội lốt người", tình thương đó chỉ để che giấu một âm mưu táng tận lương tâm. Tương lai những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề giờ càng trở nên chông chênh, vô định.
Những đứa trẻ ngây thơ ở chùa Bồ Đề vẫn đang mong chờ một tương lai ấm áp mà không hề biết mình đã từng nằm trong tay "quỷ dữ".
Dù chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh" nhưng vụ án mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề đã lấy đi không ít niềm tin của dư luận, Vu lan năm nay lại thêm một nỗi buồn. Hy vọng rằng, sự việc sẽ thức tỉnh lương tâm của những người lầm lỗi, cũng là hồi chuông cảnh báo những người đã, đang và sẽ làm mẹ , làm cha, hãy quan tâm chăm sóc con em mình, sinh con ra đừng để những đứa trẻ vô tội thiếu vắng tình thương và rơi vào vòng tay kẻ ác.
Xin tạm kết bài viết bằng một vài câu thơ, xót thương cho những đứa trẻ không còn cha mẹ. Nguyện cầu các em vượt qua giông tố cuộc đời, được sống dưới mái nhà của tình thương yêu.
Vu lan về con thảng thốt giật mình
Nhói tim đau cài đóa hoa hồng trắng
Có nghĩa là từ đây thiếu vắng
Bóng mẹ hiền và cả dáng hình cha
Mỗi mùa vu lan về là thêm một nỗi xót xa
Khi nhận ra không còn mẹ cha bên cạnh
Đoạn đường đời mình trẻ thơ hiu quạnh
Bước hướng nào cũng lạc lõng chông chênh
LÊ NAM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Bí ẩn nhiều trẻ trùng họ tên biến mất kỳ lạ ở chùa Bồ Đề Hầu hết các trẻ được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) đều mang họ Cù, Kiều, tên Anh. Nhiều trẻ họ tên trùng nhau hoàn toàn, khác mỗi năm sinh. Một nhóm thiện nguyện phát hiện một số trẻ có họ tên giống nhau nhưng lại khác nhau về tuổi và... biến mất kỳ lạ. Khu Nhà Mở nuôi...