11 cầu thủ Đồng Tháp bị FIFA cấm toàn thế giới đang ở đâu?
Sau án phạt cấm thi đấu toàn thế giới của FIFA, tương lai 11 cầu thủ trẻ của U21 Đồng Tháp được nhiều người quan tâm. Họ đang làm gì và ở đâu?
Sáng 17/7, đội 1 của CLB Đồng Tháp tranh thủ tập buổi cuối cùng trước khi di chuyển đi Đắk Lắk để làm khách ở vòng 8 giải hạng Nhất quốc gia. Đội chủ sân Cao Lãnh phải bổ sung nhiều cầu thủ trẻ sau khi loại 8 cầu thủ liên quan đến vụ cá độ ở vòng loại U21 quốc gia 2019. Đồng Tháp đăng ký 26 cầu thủ cho giai đoạn lượt về.
Vụ việc tai tiếng từ tháng 6/2019 ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuẩn bị cho mùa giải năm nay. Ghế HLV của Đồng Tháp cũng thay đổi liên tục. HLV Bùi Văn Đông phải lui về làm đội trẻ và đối mặt với việc bị khiển trách và kỷ luật. Sau khi giao lại cho HLV Trang Văn Thành, đội bóng sứ sen hồng tiếp tục thay đổi vị trí này cho ông Nguyễn Anh Tông. Dự kiến, trong thời gian tới, Đồng Tháp tiếp tục có sự thay đổi nhân sự.
Lứa U21 Đồng Tháp được xem là hứa hẹn phát triển cho bóng đá xứ sen hồng nhưng rồi phải đối diện với ngày tháng hoang mang vì tiêu cực ở giải trẻ. Ảnh: Dương Thu.
Cầu thủ cá độ đi đá phủi, tập giữ thể lực
Có mặt ở sân Cao Lãnh vào ngày 17/7, PV Zing ghi nhận đội U21 Đồng Tháp đang sinh hoạt bình thường ở khán đài B của sân vận động. Nhóm cầu thủ đang chơi bóng chuyền ở khoảng sân sát cổng B. Trong số này có một vài gương mặt đang bị kỷ luật cấm 6 tháng trên toàn thế giới của FIFA. Cầu thủ U21 Đồng Tháp vẫn sinh hoạt bình thường với sự cho phép của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Đồng Tháp và Sở VHTT-DL Đồng Tháp.
Phó giám đốc Sở VHTTDL Đồng Tháp, ông Nguyễn Bình Minh trao đổi với Zing: “Chúng tôi cho phép 10 em bị kỷ luật tham gia tập luyện để duy trì thể lực. Riêng em Huỳnh Văn Tiến thì chúng tôi đã trả về cho gia đình, hai bên không còn mối liên hệ gì nữa. Nhiều thông tin cho rằng em Tiến trốn ra nước ngoài nhưng không có cơ sở. Theo tôi biết, các thầy vẫn gọi điện thoại động viên Tiến, em ấy cũng không trốn đi đâu”.
Công tác quản lý, giáo dục các cầu thủ của của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Đồng Tháp bị đánh giá yếu kém sau khi vụ việc bị báo chí phanh phui hồi tháng 3/2020. Tưởng chừng như nó sẽ chìm dần thì FIFA bất ngờ gửi án phạt gia tăng phạm vi cấm thi đấu ra toàn thế giới. Nhiều thông tin cho rằng các cầu thủ có thể qua nước láng giềng chơi bóng chờ ngày hết hạn kỷ luật. Quyết định của FIFA gửi cho LĐBĐ Việt Nam (VFF) giữa tháng 7 khiến con đường đó của các cầu thủ Đồng Tháp trở nên bất khả thi.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của phóng viên, cầu thủ Huỳnh Văn Tiến đang chơi bóng phong trào ở TP.HCM sau khi bị CLB Đồng Tháp cắt hợp đồng. Tiến là người cầm đầu, rủ rê 10 cầu thủ còn lại tham gia cá độ ở trận U21 Đồng Tháp hòa 1-1 với U21 Vĩnh Long năm 2019. Cầu thủ sinh năm 1999 bị FIFA cấm thi đấu toàn thế giới 5 năm (11/5/2020 – 11/5/2025) và đóng phạt 5 triệu đồng cho VFF. Vì vậy, chơi bóng phong trào là lựa chọn duy nhất của cầu thủ 21 tuổi.
Trước khi vụ 11 cầu thủ Đồng Tháp cá độ “ nóng” trở lại với quyết định của FIFA, Công ty Cổ phần Phát triển Bóng đá Đồng Tháp đã rất thận trọng khi tiếp xúc báo chí. Cầu thủ và ban huấn luyện đội 1 đều không muốn nhắc lại chuyện này. CLB Đồng Tháp chỉ giữ lại 2 cầu thủ Huỳnh Minh Nhật và Nguyễn Hoàng Duy có tên trong đội hình xuất phát trận U21 Đồng Tháp với U21 Vĩnh Long, nhưng không tham gia vào nhóm cá độ.
Huỳnh Văn Tiến đang đá phủi ở TP.HCM trước thông tin bị cho là bỏ trốn. Tiến không còn thuộc quản lý của Sở VHTT-DL Đồng Tháp. Ảnh: TĐBI FC.
Buổi tập sáng 17/7 nhanh chóng kết thúc sau khi nhân viên bảo vệ phát hiện có phóng viên đến tác nghiệp. Đội U21 Đồng Tháp chỉ chơi bóng chuyền trong buổi sáng và buổi chiều 17/7, quân số của đội bây giờ chưa tới 20 cầu thủ. Chiều cùng ngày, đội U15 Đồng Tháp tập nhẹ trên sân phụ nằm kế bên sân Cao Lãnh. Trong khi đó, đội U17 Đồng Tháp đang dự vòng loại ở TP.HCM.
Bóng đá Đồng Tháp thiệt hại
Đồng Tháp vốn là cái nôi nuôi dưỡng và phát hiện nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam trong quá khứ. Hiện tại, đất sen hồng vẫn còn vài cầu thủ được đánh giá cao như tiền đạo Nguyễn Công Thành, hay lứa cầu thủ sinh năm 1999, 2000 liên tiếp vô địch các giải U15, U17 và U19 quốc gia. Vinh quang đến quá sớm cùng công tác quản lý, giáo dục không tốt khiến những cái tên như Huỳnh Văn Tiến và đồng đội sa ngã. Tuy không bị xử lý hình sự vì cá độ nhưng lứa cầu thủ này đã khiến Đồng Tháp lãng phí ngân sách đào tạo nhiều năm qua.
Sau vụ việc ầm ĩ và lên tới FIFA, Sở VHTTDL Đồng Tháp đang kiến nghị UBND tỉnh về kế hoạch đăng cai vòng chung kết U21 quốc gia 2020 vào tháng 11 ở Đồng Tháp.
Theo tìm hiểu của Zing, nhiều khả năng Đồng Tháp sẽ không dự giải U21 quốc gia và không đăng cai giải đấu. Nguyên nhân chính là lứa cầu thủ U21 sa ngã vừa qua đã làm xấu đi hình ảnh bóng đá Đồng Tháp.
10 cầu thủ bị kỷ luật cấm 6 tháng trên toàn thế giới có thể kịp dự giải U21 quốc gia nếu Đồng Tháp đăng cai. Tuy nhiên, sự góp mặt của những cầu thủ trẻ này có thể sẽ khiến bóng đá Đồng Tháp bị chỉ trích nhiều hơn.
Nếu không đăng cai, chủ nhà Đồng Tháp sẽ không được đặc cách vào vòng chung kết. Họ phải thi đấu vòng loại và với việc thiếu hụt lực lượng, nhà quản lý quyết định không dự giải. Sở VHTT và DL Đồng Tháp muốn tập trung trong thời gian này để chấn chỉnh công tác quản lý, giáo dục cầu thủ trẻ vừa để vụ việc có thể qua đi.
“Các em cũng rất hoang mang khi bị chỉ trích. Chúng tôi đã động viên và giúp các em vượt qua giai đoạn khó khăn, cho các em thi đấu lại từ giải hạng Nhì vào năm 2021″, PGĐ Sở Nguyễn Bình Minh nói.
Các cầu thủ U21 Đồng Tháp chơi bóng chuyền, tập chay và sẽ không tham gia vòng loại lẫn vòng chung kết U21 quốc gia 2020 nếu như Đồng Tháp không đăng cai chủ nhà của giải đấu nữa. Ảnh: Lê Minh.
Tuy nhiên, vấn đề làm sao nâng cao ý thức cầu thủ sau vụ việc này vẫn còn là bài toán nan giải với những người làm bóng đá Đồng Tháp nói riêng. Việc thu điện thoại của các cầu thủ trong quá trình tập luyện, thi đấu không phải là cách. Hàng năm, các cầu thủ trẻ Đồng Tháp vẫn được tạo điều kiện đi thi đấu ở các đội bóng khác để trau dồi kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm.
Ở những giải đấu ngoài chuyên nghiệp, ít được quan tâm, cám dỗ xuất hiện nhiều hơn khiến các cầu thủ trẻ chưa đủ bản lĩnh dễ sa ngã. Khi làm được một lần, họ không thể thoát khỏi lời đe dọa của những người cầm đầu.
Ví dụ cụ thể theo bản tường trình của Huỳnh Văn Tiến, một số cầu thủ Đồng Tháp được cho CLB Gia Định mượn tham dự giải hạng Nhì, được một người anh tên Thụ thưởng tiền để đá thắng. Ban kỷ luật VFF không thể xử lý được vì “thắng thì thưởng là bình thường”.
Sở VHTTDL Đồng Tháp cắt cử HLV Bùi Văn Đông theo các cầu thủ nhưng cũng không thể kiểm soát hết tình hình. Điều đó cho thấy việc thu điện thoại, cử người giám sát không bằng việc làm sao để cầu thủ trẻ ý thức được ranh giới giữa đúng, sai.
Cuối cùng, bóng đá Đồng Tháp thiệt hại nặng nề về thành tích lẫn hình ảnh. Bài học của bóng đá xứ sen hồng chỉ là một mảng trong bức tranh bóng đá trẻ Việt Nam đang xuất hiện một vài vết xám. Từ thủ môn U23 Việt Nam đến hai đội U19 Đắk Lắk và U19 Bình Định có dấu hiệu nhường điểm ở vòng loại U19 quốc gia 2020 cho thấy VFF cần phải mạnh tay hơn nữa để chống tiêu cực từ bóng đá trẻ.
FIFA cảnh báo về "bóng ma" bán độ
Việt Nam đang vươn mình trên bản đồ bóng đá thế giới bằng những thành tích xuất sắc trong những năm gần đây nhưng vụ việc 11 cầu thủ trẻ của Đồng Tháp vừa bị FIFA cấm thi đấu trên toàn cầu vì dính đến dàn xếp tỉ số, bán độ khiến bóng đá Việt Nam thêm một vết nhơ đáng xấu hổ.
Tại vòng loại Giải U21 quốc gia 2019, 11 cầu thủ trẻ của Đồng Tháp đã cá cược trên mạng với số tiền lên đến 150 triệu đồng cho tổng tỉ số trận đấu giữa U21 Vĩnh Long và U21 Đồng Tháp. Khi trận đấu đang diễn ra trên sân Thành Long (TP HCM) chiều 19-6-2019, nhóm cầu thủ trên đã chủ động đá chậm để trận đấu kết thúc với kết quả như mong đợi và thắng cược với số tiền 133 triệu đồng.
Vụ việc dàn xếp tỉ số gây chấn động bóng đá Việt Nam đã bị LĐBĐ Việt Nam (VFF) ra án phạt nặng nhóm 11 cầu thủ của U21 Đồng Tháp. Theo đó, kẻ chủ mưu Huỳnh Văn Tiến bị phạt 5 triệu đồng và cấm tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý trong 5 năm. Nhóm cầu thủ còn lại bị phạt mỗi người 2,5 triệu đồng và bị cấm hoạt động bóng đá do VFF quản lý trong 6 tháng.
Trần Công Minh, cầu thủ xuất sắc nhất Giải U17 quốc gia 2016 và Giải U19 quốc gia 2018, bị FIFA phạt cấm thi đấu 6 tháng Ảnh: Khả Hòa
Với hành vi đó, 11 cầu thủ này còn bị LĐBĐ Thế giới (FIFA) cấm tham gia các hoạt động bóng đá trên toàn cầu. Theo đó, cầu thủ Huỳnh Văn Tiến bị FIFA cấm tham gia bóng đá trên toàn cầu 5 năm (từ 11-5-2020 đến 10-5-2025). Nhóm cầu thủ còn lại gồm Nguyễn Anh Phát, Giang Sô Ny, Võ Minh Trọng, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài, Nguyễn Nhật Trường, Trần Công Minh, Trần Hữu Nghĩa, Lê Nhựt Huy và Cao Tấn Hoài bị cấm thi đấu 6 tháng, tính từ 11-5-2020.
Vừa được vinh danh là đất nước an toàn với hình ảnh các khán đài tràn ngập người xem trong những trận cầu tại V-League 2020 trong thời điểm toàn cầu phải chống chọi với đại dịch Covid-19 nhưng bóng đá Việt Nam thêm một lần bị cảnh báo về nạn mua - bán độ. Đáng chú ý, những kẻ phạm pháp lần này lại là những cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam. Họ đã tự đạp đổ tương lai, phá vỡ sự nghiệp của chính mình.
Hai vụ tiêu cực ở giải trẻ làm rúng động bóng đá Việt Nam Từ năm 2019 đến nay, bóng đá Việt Nam xảy ra 2 vụ tiêu cực gây rúng động tại giải trẻ cấp độ U21 và U19. Đầu năm 2020, Ban kỷ luật VFF nhận liên tiếp hồ sơ từ 2 vụ việc tiêu cực liên quan đến hệ thống thi đấu các giải trẻ quốc gia. Đầu tiên là trận hòa 1-1 giữa...