11 ca tử vong do bệnh tay chân miệng
Năm 2010, có 1 trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng nhưng năm nay, chưa hết tháng 5 đã có 11 trẻ tử vong.
Hiện nay, ở TP.HCM, số bệnh nhân nhập viện vì tay chân miệng (TCM) tăng hơn 300 ca/tuần, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2010, chiếm đa số bệnh của hai khoa Nhiễm BV Nhi Đồng I và Nhi Đồng II. Chỉ riêng ngày 23/5, có hơn 100 trẻ nhập viện mới, trong đó 15 trẻ bị biến chứng nặng, phải thở máy. Năm 2010, có một trẻ tử vong do TCM, nhưng năm nay, chưa hết tháng Năm đã có 11 trẻ tử vong. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh TCM lan rộng và tăng mức độ nguy hiểm là do sự xuất hiện chủng virus mới của EV71 gây bệnh TCM. Kết quả này đã được TS-BS Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông báo ngày 24/5, sau khi có kết quả xét nghiệm các mẫu máu Sở Y tế TP.HCM gửi sang Đài Loan nhờ kiểm tra.
Theo BS Giang, Viện Pasteur TP.HCM vẫn tiếp tục để xác định chính xác chủng virus mới. Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu BV Nhi Đồng I tiếp tục gửi mẫu máu của các ca tử vong sang Đài Loan để có cơ sở tìm ra chủng mới. Đây là chủng đã từng gây dịch ở Đài Loan năm 2008. Trẻ bị nhiễm chủng mới sẽ bị nặng hơn, do sức đề kháng kém và tỷ lệ tử vong sẽ cao.
Bệnh tay chân miệng ngày càng nguy hiểm. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, theo các chuyên gia dự phòng, do chưa có vaccine phòng ngừa bệnh TCM, nên biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất hiện nay là vệ sinh khử khuẩn. TP.HCM đã thực hiện công tác này từ năm 2007, tuy nhiên BS Giang cảnh báo, kết quả kiểm tra cho thấy, từ đầu năm 2011 đến nay, việc phòng bệnh trong các trường mầm non không những không tốt hơn mà còn tệ hơn.
Trước đây, cứ mỗi chiều thứ sáu, tất cả các trường mầm non đều khử khuẩn đồ chơi của các cháu, còn năm nay, nhiều trường lơ là công tác này. Sở Y tế TP.HCM kết hợp với Sở GD-ĐT đã khẩn trương củng cố, tăng cường kiểm tra các trường và kết quả có cải thiện. Tuy nhiên, việc vệ sinh khử khuẩn tại gia chính là mối quan ngại của các nhân viên y tế, vì 70% số trẻ bệnh được chăm sóc ở nhà, chưa đi học, UBND TP. HCM sẽ có văn bản yêu cầu UBND 24 quận/ huyện tăng cường vệ sinh khử khuẩn ở trường học và đặc biệt là các hộ dân có trẻ dưới năm tuổi.
Video đang HOT
Trước đây, công tác khử khuẩn chỉ dùng Clomin B, nhưng có một số vấn đề hạn chế như: cấp miễn phí, mùi khó chịu, có phần độc hại nếu pha đậm đặc nên có thể gây kích ứng da, bất tiện vì phải lau nhiều lần… khiến người dân ngại sử dụng. Để khắc phục hạn chế của chất khử khuẩn Clomin B, Sở Y tế TP.HCM đã nhập một số hóa chất khử khuẩn không có mùi hôi, không bị kích thích da, không phải lau nhiều lần và sẽ cấp miễn phí cho người dân. BS Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, trước mắt, các loại hóa chất này sẽ được phát tại những khu vực có ca bệnh, chứ không phát đại trà để tránh lãng phí. Dự kiến, ngày 26/5 Trung tâm Y tế dự phòng các quận/huyện sẽ đến Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM để nhận hóa chất khử khuẩn mới về phân phát cho người dân.
Theo PNO
TPHCM: Ngành y tế "lao đao" vì bệnh tay chân miệng
Dù ngành y tế đã rất quyết liệt trong tác phòng chống nhưng bệnh tay chân miệng vẫn bùng phát dữ dội ở 24/24 quận huyện. Trong tháng 5, mỗi tuần thành phố có trên 300 trẻ phải nhập viện, 11 trẻ đã tử vong vì bệnh này kể từ đầu năm.
Theo chu kỳ chung, mỗi năm vào tháng 5 dịch bệnh tay chân miệng (TCM) sẽ dần lắng xuống. Tuy nhiên, hiện đã vào cuối tháng 5 nhưng loại bệnh nguy hiểm này vẫn đang bùng phát và lan rộng khắp các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam. Với sự xuất hiện của chủng virus gây bệnh mới dự báo bệnh dịch sẽ tiếp tục bùng phát trong thời gian tới, ngành y tế đang lúng túng tìm biện pháp ứng phó.
Trẻ mắc bệnh vẫn ùn ùn nhập viện
Tại hai bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố, ngày 23/5 có 104 trẻ đang phải nằm viện điều trị vì mắc bệnh TCM. Khoa nhiễm của hai bệnh viện nhiều tuần nay đã rơi vào tình trạng quá tải do phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân. Hiện hai bệnh viện nhi đang điều trị cho hơn hơn 300 trẻ mắc TCM, trong đó có 15 trẻ bị biến chứng nặng phải hỗ trợ thở máy.
Tính riêng trên địa bàn TPHCM liên tiếp trong ba tuần qua, đã có thêm bốn ca tử vong do bệnh TCM, đưa số trẻ tử vong vì loại bệnh này kể từ đầu năm lên 11 ca. Thống kê của Sở Y tế thành phố cho thấy, hiện bệnh tay chân miệng đang lan rộng và bùng phát tại 24/24 quận, huyện của thành phố. Trong tháng 5, mỗi tuần thành phố có 300 mắc bệnh này (cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2010).
Trước thực tế trên ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: "Bệnh tay chân miệng đã bùng phát trên địa bàn thành phố từ tháng 3 đến nay. Số trẻ phải nhập viện do loại bệnh này đang tăng lên một cách đột biến. Cùng với số ca bệnh tăng cao, số ca tử vong do tay chân miệng liên tục tăng lên."
Theo nhận định của ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thì nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh là do xuất hiện chủng virus mới vô hiệu hóa các phương pháp phòng và điều trị cũ. Ông Giang cũng thẳng thắn thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến bệnh TCM lây lan trên diện rộng là do công tác phòng chống dịch bệnh chưa được thực hiện tốt.
Theo sự phân tích của ông Giang thì kết quả thử mẫu máu các trường hợp tử vong do tay chân miệng cho thấy, năm nay ở nước ta đã xuất hiện chủng vius mới EV 71. Điều này khiến cho kháng thể của con người chưa thích ứng kịp. Trong khi đó bệnh TCM không có thuốc phòng ngừa và thuốc đặc trị triệt nên số ca mắc bệnh và số ca tử vong đã tăng cao. Ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục gửi mẫu máu của các trường hợp tử vong tay chân miệng phân tích xác định chủng virus mới.
Cách tốt nhất phòng chống bệnh này là người dân chủ đồng giữ gìn vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hàng tuần. Tuy nhiên hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố chưa được thực hiện tốt.
Nhiều trường hợp bị biến chứng nặng phải thở máy
Thực tế cho thấy, công tác phòng chống bệnh TCM trên địa bàn thành phố đang thất bại. Đầu tháng 5, Sở Y tế đã phát động "Tháng cao điểm phòng chống bệnh TCM" mà trọng tâm là chiến dịch vệ sinh khử khuẩn nhằm tạo sự quan tâm của toàn cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là kế hoạch giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các điểm có nguy cơ cao như trường mầm non, mẫu giáo... Nhưng nỗ lực hạ thấp tỷ lệ tử vong và tỷ lệ nhiễm bệnh đã không mang lại kết quả như mong đợi.
Khi công tác vệ sinh khử khuẩn tại các khu dân cư bị "bỏ ngõ" thì bệnh dịch đã lợi dụng yếu điểm này để tấn công. Thực tế, 70% số ca mắc tay chân miệng nằm trong độ tuổi chưa đến trường và 30% bệnh nhân còn lại phần lớn bị mắc bệnh tại nhà, số bệnh lây lan tại trường học là rất ít.
Chính kế hoạch phòng chống dịch bệnh không đồng bộ đã góp phần đẩy dịch bệnh lên cao. Để ứng phó theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng" tại cuộc họp khẩn vào chiều 24/5 Sở Y tế mới quyết định "chữa cháy" bằng việc cấp miễn phí cho người dân 12.000 gói dung dịch khử khuẩn và chỉ đạo trung tâm y tế các quận huyện hướng dẫn người dân cách sử dụng.
Theo Dân Trí
Phòng bệnh tay chân miệng cho con Khi trẻ mắc phải bệnh chứng này, đừng xem thường khi thấy trẻ ngủ không yên, giật mình, khóc quấy. Tay chân miệng là một bệnh rất phổ biến, thường là nhẹ, gặp nhiều ở trẻ nhỏ do nhiễm virus, đặc trưng bởi sốt và phát ban thường thấy trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng. Nó khác với...