11 bài phỏng vấn xem là hiểu được vì sao Về Nhà Đi Con là bộ phim quốc dân
Để có được 4 tháng ròng lên sóng, các diễn viên, biên kịch Về Nhà Đi Con đã có khoảng thời gian cùng sống, cùng ăn, cùng ngủ với nhân vật.
Tối 12/8, “bộ phim quốc dân” Về Nhà Đi Con đã kết thúc, khép lại hành trình dài 4 tháng “gây bão” trên màn ảnh Việt. Đã rất lâu rồi mới có một bộ phim khiến khán giả phải sục sôi bàn tán và ngóng chờ từng phút giây như vậy. Để tạo nên câu chuyện “gà trống nuôi con” của bố Sơn (NSƯT Trung Anh) và ba cô con gái: Huệ (Thu Quỳnh), Thư ( Bảo Thanh) và Dương ( Bảo Hân), cả ê-kíp Về Nhà Đi Con đã bỏ ra rất nhiều công sức.
1. NSƯT Trung Anh: “Ông Sơn không vô tâm với Huệ hay bất kì cô con gái nào cả!”
Từ một người trọng nam khinh nữ, vô tâm với vợ con, cuộc đời ông Sơn đã có bước ngoặt lớn khi vợ mất vì sinh đứa con gái thứ 3 – Ánh Dương. Đã có thời gian, khán giả cho rằng ông Sơn là người bố không tốt: thờ ơ với việc Huệ bị chồng bạo hành, buộc Thư li hôn, khắc nghiệt với Ánh Dương… Nhưng nghệ sĩ Trung Anh đã chia sẻ: “Thật ra, ông Sơn không vô tâm với Huệ hay bất kì cô con gái nào cả! Khán giả xem là chứng kiến toàn bộ nội dung phim, còn ông Sơn chỉ biết được những gì diễn ra trước mắt mình thôi. Giả sử như ông Sơn hiểu được mọi chuyện, thì cục diện vấn đề sẽ trở nên hoàn toàn khác rồi.
Ông Sơn không bao giờ ghét Dương cả. Không phải vì ông ấy thích con trai mà ghét Dương. Trong sâu thẳm tâm hồn, có lẽ ông Sơn thương Dương không khác gì thương Huệ. Vì ông biết mình đã không bù đắp được tình cảm cho một đứa bé mất mẹ từ khi lọt lòng. Sự bất đồng giữa ông Sơn và Dương là mâu thuẫn giữa người cha về con gái, hai người có một khoảng cách lớn về tư duy, thế hệ và tuổi tác… tất cả mọi thứ đã dẫn đến sự xung đột giữa hai bố con”.
2. Thu Quỳnh: “Ai cũng nghĩ đời Huệ khắc nghiệt, nhưng tôi nghĩ mọi sự không may mắn của Huệ chính là do cô ấy chọn”
Với Thu Quỳnh, Huệ không yếu đuối, cô ấy rất lí trí, mạnh mẽ nhất trong số ba đứa con của ông Sơn. Khi phát hiện Thư có bầu, chỉ một câu của Huệ “em phải cân nhắc kĩ việc giữ lại đứa bé hay không?”. Ở thời điểm ấy, Huệ là người duy nhất nghĩ đến chuyện này. Sau li hôn, ai cũng cần bờ vai để chia sẻ, đó là thời điểm mà người ta dễ sa ngã nhất. Huệ có cảm tình với Quốc, nhưng đã vượt qua cảm xúc cá nhân để không làm tổn thương em. Huệ là người mạnh mẽ, vì có thể dùng lí trí dứt được tình yêu để lựa chọn gia đình.
Thu Quỳnh chia sẻ: “Huệ thuộc tuýp phụ nữ điển hình trong xã hội: Không quyết đoán, nhập nhằng giữa đi hay ở, yêu hay không yêu và không dám vượt qua chính mình. Ai cũng nghĩ đời Huệ khắc nghiệt, nhưng tôi nghĩ mọi sự không may mắn của Huệ chính là do cô ấy chọn”. Một người chị sống thay cả cho mẹ như Huệ sẽ không thể yên tâm mà nghĩ đến hạnh phúc cá nhân. Hạnh phúc của cô ấy là gia đình, chứ không phải ai khác. Qua nhân vật của mình, những ai đang sống như Huệ có thể khách quan về chính cuộc đời của mình.
3. Bảo Thanh: “Thư có làm gì đi chăng nữa, cũng chỉ vì một lý do duy nhất là muốn bố không phải khổ”
Thư rất thương bố và lo cho gia đình của mình. Đó là xuất phát điểm cho những quan niệm sống, cho suy nghĩ và hành động của cô ấy khi trưởng thành. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bố vẫn luôn là người mà cô ấy ưu tiên, thương yêu và lo lắng. Nhưng cô ấy lại cũng chính là người khiến cho bố phải bận tâm nhiều nhất. Bảo Thanh chia sẻ trong phỏng vấn: “Sau khi đọc kịch bản phim Về Nhà Đi Con, tôi thấy Thư là một cô gái thực sự còn rất ngô nghê trong chuyện tình yêu, ngô nghê trong chính cuộc đời mà cô ấy đang sống. Bạn thấy đấy, cô ấy cứ khua môi múa mép như thể bản thân giỏi lắm. Nhưng thực chất cô ấy làm gì cũng thất bại, làm gì cũng hỏng. Chỉ vì tính bất cẩn, hiếu thắng và quá tự tin của mình nên Thư đã có rất nhiều bài học nhớ đời.
Trong phim chúng tôi không khai thác nhiều về việc ba chị em sống khổ sở như thế nào khi thiếu mẹ. Nhưng chính những khó khăn của ông bố gà trống nuôi ba cô con gái, cũng đã ít nhiều thể hiện được rằng: thiếu vắng đi bóng hình của người mẹ trong căn nhà là một sự thiệt thòi vô cùng lớn trong lòng mỗi chị em, trong lòng ông Sơn. Và Thư là đứa thể hiện ra điều đó nhiều nhất. Thư luôn cố gắng cho mọi người thấy rằng bố là quan trọng nhất trong cuộc đời của cô ấy. Và cô ấy có làm gì đi chăng nữa, cũng chỉ vì một lý do duy nhất là muốn bố không phải khổ, muốn bố được sống trong sự đủ đầy hạnh phúc.”
4. Bảo Hân: “Nếu đang chơi mà đứa bạn thân thích mình, tôi sẽ bỏ chạy”
Trong Về Nhà Đi Con có một mối quan hệ làm Bảo Hân rất buồn cười, đó là Bảo và Dương. Bảo Hân chia sẻ: “Bản thân tôi ngoài đời không “cứng” được như Dương để chơi tiếp với Bảo đâu! Nếu đang chơi mà đứa bạn thân thích mình, tôi sẽ bỏ chạy. Bởi vì khi xác định là tình bạn, nhưng đứa còn lại lại nghĩ là tình yêu, có nghĩa là suy nghĩ của cả hai đã không còn giống nhau nữa rồi. Tôi cho rằng cần ngăn cách nhau ra một thời gian để cả hai cùng về được một quỹ đạo như cũ, nếu không được thì thôi, chứ không nên ỡm ờ để người kia tiếp tục cố gắng”.
So sánh bản thân với Ánh Dương, Bảo Hân công nhận ở khía cạnh sống tình cảm thì mình và nhân vật có nét tương đồng, còn lại thì không. Với Bảo Hân, cái vẻ trong nóng ngoài lạnh của Ánh Dương thực sự là lối sống không tốt. Nếu ở ngoài đời, chắc chắn sẽ chọn nói hết để bản thân đỡ nặng, đầu không phải suy nghĩ nhiều.
5. Quỳnh Nga: “Nếu Nhã không xuất hiện, Về Nhà Đi Con sẽ hết với một cái kết rất lửng lơ”
Quỳnh Nga từng chia sẻ về nhân vật Nhã: “Vũ là người chủ động muốn mời đối tác Đài Loan, nếu Vũ không có chủ ý tìm đến thì Nhã không có cơ hội để tiếp cận với công ty Luật Giang để tiếp cận Vũ được. Đây cũng là một mắt xích để nhân vật Vũ được đẩy lên cao trào, để về sau anh ta có thêm nhiều biến đổi hơn trong tính cách của mình.
Nếu Nhã không xuất hiện, Về Nhà Đi Con sẽ hết với một cái kết rất lửng lơ. Vũ và Thư vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn hôn nhân hợp đồng. Hai người vẫn chưa thực sự có tình cảm, cũng như nhận ra đến được với nhau. Cái kết như vậy sẽ không đời lắm, sẽ không thực tế, nhưng khi Nhã xuất hiện sẽ có thêm nhiều thử thách, biến tấu từ đời thật để giúp hai người nhận ra thêm nhiều thứ hơn”.
6. Khánh Linh: “Phải thế nào thì người ta mới gọi nhau là bạn thân. Ấy là khi vấn đề của bạn, cũng là vấn đề của mình”
Chia sẻ về nhân vật Linh, diễn viên Khánh Linh cho biết: “Linh là người vừa nóng tính lại vừa tinh tế. Cô ấy tinh tế thì mới hiểu được câu chuyện của Vũ và Thư đang ra sao. Từ đó đưa ra cách giải quyết và lời khuyên thấu đáo cho Thư. Còn nóng tính, khán giả dễ dàng nhận ra điều này. Dùng từ đúng hơn thì phải là thẳng thắn. Cho nên cô ấy không thể bỏ qua những chuyện chướng tai gai mắt.
Có thể khán giả cho rằng Linh bao đồng, nhưng với tôi thì không. Phải thế nào thì người ta mới gọi nhau là bạn thân. Ấy là khi vấn đề của bạn, cũng là vấn đề của mình. Linh không chấp nhận cách giải quyết của Thư, bởi như vậy Thư sẽ bị thiệt thòi. Làm sao ngồi im nhìn bạn thân mình thiệt thòi được?”
7. Trọng Hùng: “Khải là một người có lòng tốt, nhưng không có gì tốt đẹp tự nhiên đến với anh ta và bản thân anh ta đưa ra quyết định nào cũng sai lầm”
Về nhân vật Khải, diễn viên Trọng Hùng có biện bạch: “Khải là một người đáng thương, nhưng có lẽ chỉ có những người hiểu kỹ câu chuyện, xem phim thật kỹ mới có thể hiểu được nỗi khổ của anh ta. Khải là một người có lòng tốt, nhưng không có gì tốt đẹp tự nhiên đến với anh ta và bản thân anh ta đưa ra quyết định nào cũng sai lầm.
Ngay từ đầu ai cũng đã thấy Khải là người rất yêu vợ. Anh ta cũng rất có chí hướng làm ăn đấy chứ! Bằng sức lực của mình anh ta vẫn đi kiếm tiền cơ mà. Khải luôn cố gắng để xứng đáng với tình cảm của vợ, nhưng mọi cố gắng lại va phải những chuyện xảy ra trong đời sống vợ chồng, trong xã hội. Ngay từ đầu Khải đã tự ti với vợ, gặp ông người yêu cũ lại là từ tốn, nhã nhặn và có học thức, giàu có v.v… Quanh đi quẩn lại Khải thấy mình thua người ta về mọi mặt, dĩ nhiên là anh ta phải ganh tỵ. Với tính cách của Khải thì sẽ thể hiện ra luôn, lại còn bộc trực. Anh luôn phải thể hiện mọi thứ ra ngoài chứ không giấu những cảm xúc bên trong mình được. Xuất phát điểm của Khải luôn thấp hơn mọi người một bậc, chính vì vậy mà anh ta muốn đi đường tắt để bù đắp cho Huệ những thiệt thòi mà cô phải chịu khi yêu anh”.
8. Minh Cúc: “Tôi không muốn trở thành người thứ ba trong gia đình Huệ – Khải hay bất cứ một gia đình nào khác”
Xinh chỉ là nhân vật phụ, “thêm mắm thêm muối” khiến Khải và Huệ tan vỡ. Nhưng không vì thế mà vai trò của cô mờ nhạt. Diễn viên Minh Cúc chia sẻ: “Với tôi, Xinh là một nhân vật đặc biệt. Nó khiến khán giả ghét vì đi phá hoại gia đình người khác trên phương diện kinh tế, nhưng nếu chú ý hơn thì khán giả có thể thấy Xinh ngầm yêu Khải, nhưng sự tự trọng của một người phụ nữ không cho phép Xinh đi xa hơn. Vì thế, Xinh đành coi Khải như một người em, cũng là một bạn tình lúc thì bao bọc, đôi khi lại tình tứ.
Tôi không muốn trở thành người thứ ba trong gia đình Huệ – Khải hay bất cứ một gia đình nào khác. Đối với Xinh, Khải chỉ là một cạ chơi bài cùng thôi. Còn với tôi, một người phụ nữ thì không thể nương tựa vào người đàn ông cờ bạc, rượu chè, thậm chí còn vũ phu như Khải được”.
9. Tuấn Tú: “Một người bố đơn thân nuôi con sẽ khó và khổ hơn một người mẹ đơn thân nhiều chứ!”
Phần đầu phim, ông Quốc hiện lên là người bố khá nóng nẩy, hay quát mắng Bảo vì chơi thân với Dương. Đặc biệt, khi Bảo quyết tâm nhận “cái thai” trong bụng Dương là của mình, ông đã vô cùng điên tiết! Ai cũng nghĩ việc nuôi con với ông Quốc là dễ dàng vì Bảo là một đứa con ngoan ngoãn, dễ dạy. Nhưng MC, diễn viên Tuấn Tú đã có quan điểm khác: “Tôi nghĩ Quốc khá sợ một viễn cảnh khi phải làm ông nội ở cái tuổi này, cho nên Quốc đã từng nói thẳng với con trai mình. Nỗi sợ ấy xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân Quốc. Anh ta đã ngấm những khó khăn suốt bao nhiêu năm qua. Một người bố đơn thân nuôi con sẽ khó và khổ hơn một người mẹ đơn thân nhiều chứ! Nhất là với Quốc – người còn bao nhiêu mối bận tâm từ công việc, bạn bè thậm chí ăn chơi.
Một điểm quan trọng nữa, đó là các vị phụ huynh phải biết con mình là người như thế nào. Trong phim, vì sao Quốc phải theo dõi Bảo? Bởi anh biết con mình chưa đủ mạnh mẽ. Dù là con trai nhưng nhiều khi còn phải để bạn nữ chiến đấu hộ. Vậy sao mà bố yên tâm để con tự đi được?
10. Quang Anh: “Gắn bó với nhau cả một khoảng thanh xuân như vậy, ai mà không có tình cảm đặc biệt được chứ?”
Khi được hỏi Tại sao Bảo lại thích Dương sâu đậm đến thế, Quang Anh tâm sự: “Họ đã chơi với nhau 5 năm, trải qua rất nhiều những kỉ niệm khó quên. Không chỉ trong phim mà ngoài đời cũng vậy thôi!
Thứ nhất, nam châm trái dấu thì thường hút nhau. Thứ hai, gắn bó với nhau cả một khoảng thanh xuân như vậy, ai mà không có tình cảm đặc biệt được chứ? Dương có thể làm mọi thứ vì Bảo, thì việc Bảo làm mọi thứ vì Dương cũng là điều bình thường. Càng chơi với nhau lâu, người ta càng hiểu được rõ bản chất, tâm tư tình cảm của bạn mình. Sự rung động khi ấy vô cùng quý giá”.
11. Biên kịch Nguyễn Thu Thủy: “Khi làm câu chuyện, chúng tôi nỗ lực để mỗi nhân vật đều có vai trò và màu sắc riêng”
Đằng sau một bộ phim xuất sắc là những biên kịch có tâm, Về Nhà Đi Con cũng vậy! Biên kịch Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: “Cái hay của Về Nhà Đi Con là một người cha có những ba cô con gái. Và vì thế, chúng tôi có cơ hội để khai thác tình yêu ấy với những khía cạnh khác nhau. Nếu ông Sơn với Huệ, cô chị cả là tình yêu với người con gái vất vả, chịu nhiều thiệt thòi, trong tình yêu chứa rất nhiều tin tưởng lẫn xót xa, thì với Anh Thư, cô con gái thứ hai, lại là một tình cảm vô cùng gần gũi, tràn đầy âu yếm. Ở đó, có yêu thương và nỗi lo âu của người cha với cô gái thông minh, lanh lợi nhưng đầy thực tế. Chưa kể, cô con gái ấy còn dành cho ông một tình yêu lớn, có phần chiếm hữu, khiến ông khó khăn trong việc lựa chọn hạnh phúc riêng của mình. Còn với cô út Ánh Dương, thì tình cảm trong người cha ấy lại có phần phức tạp, vừa yêu thương vừa day dứt, vừa muốn dạy dỗ lại vừa bất lực, vừa nỗ lực gần gũi lại vừa cảm thấy không thể nào hiểu nổi.
Mỗi nhân vật đều có lượng khán giả của riêng mình. Có người thích tình cha con, thích mối quan hệ chị em, có người thích tuyến tình yêu “mèo mả gà đồng” của Thư và Vũ, và có lượng khán giả quan tâm không kém đến mối quan hệ gà bông của Dương với Bảo… Khi làm câu chuyện, chúng tôi nỗ lực để mỗi nhân vật đều có vai trò và màu sắc riêng. Mỗi người đều có vấn đề của riêng mình, đều có hành trình riêng của họ. Hành trình nào càng gian nan vất vả thì khán giả càng có nhiều cái để xem”.
Ngoại truyện của Về Nhà Đi Con sẽ được đăng tải trên trang VTV Giải Trí, bắt đầu từ 20h ngày 13/8.
Theo trí thức trẻ
Cùng nói về đề tài gia đình nhưng Về nhà đi con lại 'át vía' Nàng dâu order và Gia đình là số 1 phần 2 vì lý do này
Không quảng bá rầm rộ nhưng 'Về nhà đi con' lại đánh bại 2 đối thủ đang chiếu cùng thời điểm là 'Nàng dâu order' và 'Gia đình là số 1 phần 2' để chiếm ngôi vương rating.
Ba bộ phim truyền hình Việt Nam đang lên sóng thời gian gần đây là Về nhà đi con, Nàng dâu order và Gia đình là số 1 phần 2 đều có đề tài về gia đình. Trong khi hai đối thủ còn lại không thành công như kỳ vọng thì Về nhà đi con lại bất ngờ bứt phá và trở thành bộ phim hot nhất thời điểm hiện tại. Vì sao Về nhà đi con làm được điều mà những phim khác không làm được?
Gia đình là số 1 phần 2 - không vượt qua cái bóng của bản gốc
Gia đình là số 1 phần 2 là bộ phim lên sóng sớm nhất so với hai phim còn lại, với số tập dài đằng đẵng nhưng đến nay sức hút của bộ phim đang giảm dần đều. Bộ phim tiếp nối xu hướng mang kịch bản nước ngoài về remake, bản gốc của phim này là High Kich Through The Roof hay còn gọi là High Kich 2.
Tuy nhiên, cốt truyện và các tình tiết trong bản remake này không khác nhiều so với bản gốc. High Kich 2 đã được lồng tiếng và phát hành rộng rãi ở Việt nam, nó trở nên quen thuộc với mọi người, mọi nhà, nhiều chi tiết khán giả còn thuộc làu nên bản remake không còn tính bất ngờ, mới mẻ. Không ai hứng thú xem một bộ phim mà đã biết trước diễn biến.
Dàn diễn viên Gia đình là số 1 phần 2.
Bên cạnh đó, High Kich 2 đã quá thành công nên khi remake không tránh khỏi việc bị đem ra so sánh, nhất là khi làm lại nhưng lại không tốt bằng bản gốc. Không ngoài dự đoán, thời gian đầu dàn diễn viên liên tục bị đem ra so sánh với bản gốc, đặc biệt là vai Lam Chi (Bảo Ngọc) bị ném đá thậm tệ vì hỗn láo, xấc xược hơn so với Haeri (Jin Ji Hee).
Hết Lam Chi bị ném đá lại đến Tâm Anh (Thanh Hà). Cô giáo Diễm My (Diệu Nhi) thì bị chê kém sắc, gu thời trang kém sang, quê mùa so với bản gốc. Công bằng mà nói các diễn viên trong phim diễn không quá tệ, chỉ vì cái bóng của bản gốc quá lớn nên khán giả có cái nhìn khắt khe hơn mà thôi.
Liên tục bị đem lên bàn cân so sánh với bản gốc.
Nàng dâu order - 'bản sao lỗi' của Sống chung với mẹ chồng
Xem Nàng dâu order thấy hao hao Sống chung với mẹ chồng năm nào nhưng lại không gây sốt bằng. Nàng dâu order và Về nhà đi con cùng một 'vũ trụ điện ảnh' VTV nên dễ bị đem ra so sánh hơn. Những ai đã trót mê Về nhà đi con, ngó sang Nàng dâu order chỉ muốn thốt lên một chữ... 'nhạt'. Bộ phim xoáy vào mâu thuẫn giữa nàng dâu và 'mẹ chồng của mẹ chồng' (tức là bà nội chồng) với những tình tiết lê thê, 'cẩu huyết' và gây mệt mỏi.
Nàng dâu order bị chê nhạt.
Cuộc đời làm dâu của Yến (Lan Phương) hết gặp người yêu cũ của chồng lại đến 'em gái mưa' làm tiểu tam phá đám. Trong khi bà nội chồng (Minh Vượng) thì lúc nào cũng có thành kiến với cháu dâu và bênh tiểu tam vô điều kiện.
Lan Phương cũng nhận nhiều lời bình phẩm về nhan sắc, tuổi tác khi nhận vai chính trong phim này. Ở Cả mội đời ân oán (bộ phim rất thành công trước đó), Lan Phương vào vai một người vợ, người mẹ có con tầm mười tám, đôi mươi. Sang đến Nàng dâu order lại đóng vai nàng dâu mới, vợ chồng son nên có gì đó... sai sai.
Ở nhiều góc máy cận mặt, những dấu hiệu tuổi tác của nữ diễn viên rõ mồn một, đặt biệt khi đứng cạnh anh chồng trẻ lại càng chênh lệch thấy rõ. Nói chung kinh nghiệm và khả năng diễn xuất của Lan Phương là điều không phải bàn cãi, chỉ là lần này cô chọn vai không được hợp lắm thôi.
Lan Phương đã quá tuổi để đóng vợ chồng son.
Về nhà đi con - vụt sáng thành 'bộ phim quốc dân'
Về nhà đi con hội tụ đủ những yếu tố để trở thành một 'bộ phim quốc dân', từ kịch bản hấp dẫn đến dàn diễn viên chất lượng và cả ý nghĩa sâu sắc về tình cảm gia đình. Bộ phim lấy cảm hứng từ phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc nên được thừa hưởng ý tưởng đã tốt sẵn và thành công trước đó.
Tuy nhiên, đây chỉ là 'lấy cảm hứng' chứ không phải remake nên Về nhà đi con chỉ giữ lại mô típ và một số tình tiết, còn lại 'bẻ lái' hoàn toàn nên mỗi tập mới là điều bất ngờ và kết phim vẫn là ẩn số. Hiện tại bộ phim đã đi được hơn nửa chặng đường và sức hút của phim vẫn nóng lên từng tập.
Về nhà đi con vụt sáng thành bộ phim quốc dân.
Một yếu tố quan trọng làm nên thành công của bộ phim là dàn diễn viên cực chất, từ chính đến phụ, từ những gương mặt thân quen đến những nhân tố mới hoặc lâu lâu mới 'comeback' đều ghi dấu ấn với màu sắc rất riêng.
Chúng ta được thấy một Thu Quỳnh khác hẳn thời đóng My Sói, một 'ông trùm Phan Quân' (NSƯT Hoàng Dũng) và 'Lương Bổng' (NSƯT Trung Anh) đã rửa tay gác kiếm, từ giã kiếp giang hồ để trở về làm những ông bố ngồi uống trà, đàm đạo việc dạy con. Chúng ta được thấy cặp đôi 'chim ri' Bảo Hân - Quang Anh cực đáng yêu hay ông bố Tuấn Tú mặn hơn cả muối.
Khán giả hóng từng diễn biến mới nhất.
Biên kịch Về nhà đi con cực tài dẫn dắt cảm xúc của khán giả, vừa ném đá đấy rồi lại rưng rưng cảm động, rơi nước mắt được ngay. Nhiều khán giả đã hứa hẹn sẽ 'đi bão' nếu như Khải (Trọng Hùng) vào tù, thế rồi chỉ với một vài câu thoại của Khải mà ai nấy phải lặng đi ngồi ngẫm sự đời.
Hay nhiều người tập trước còn 'vote' bố Sơn (NSƯT Trung Anh) tát Thư (Bảo Thanh) sái quai hàm vì tội hỗn, rồi xem tập sau có người còn bật khóc vì Bảo Thanh diễn quá cảm động.
Tình cảm gia đình ấm áp.
Về nhà đi con xứng đáng là bộ phim của mọi nhà, nó như một bức tranh xã hội thu nhỏ với những gia đình 'mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh' chân thực và nhiều màu sắc. Những gia đình như ông Sơn, gia đình Huệ (Thu Quỳnh) - Khải rất gần gũi với cuộc sống mà ta có thể dễ dàng bắt gặp.
Dù ở độ tuổi nào cũng có thể đồng cảm với các nhân vật trong Về nhà đi con, những người già cô đơn sẽ nhìn thấy chính mình trong hình ảnh ông Sơn, Huệ - Khải hay Thành (Tiến Lộc) - Uyên (Kim Ngọc) là hình mẫu những cặp vợ chồng không hạnh phúc mà ta có thể thấy nhan nhản ngoài kia.
Nói chung, ai thích hiện thực có hiện thực, ai thích ngôn tình có ngôn tình như bản hợp đồng hôn nhân 'ngược tâm' của Thư - Vũ (Quốc Trường). Cánh trẻ sẽ tìm thấy sự thích thú với đôi bạn chim ri Dương (Bảo Hân) - Bảo (Quang Anh).
Bật khóc khi xem Về nhà đi con
Theo tiin.vn
Trailer tập 40 Về nhà đi con: 'Không thể để bản thân chịu thiệt thòi mãi' - Dương nói chí lí nhưng Huệ vẫn không chịu nghe Ông Sơn thì cho rằng Huệ nên nhìn lại mình, không nên trượt theo sai lầm của Khải mà để mình cũng mắc sai lầm. Tập 39 Về nhà đi con vừa kết thúc với tình huống gay cấn. Cụ thể, ở trong bệnh viện, Huệ bị choáng, Thành bế cô vào giường. Đúng lúc 2 người đang mặt xáp mặt trên giường...