10.000 lít rượu giết người “lọt lưới” ra thị trường
Lô rượu nếp 29 Hà Nội gây ra nhiều vụ ngộ độc làm 6 người tử vong ở Quảng Ninh được sản xuất từ ngày 29.10, gồm 6.300 chai với tổng cộng 10.000 lít.
Chiều 10.12, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an TP.Hà Nội đã bắt giữ Nguyễn Duy Vường (46 tuổi) – Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (có trụ sở tại quận Long Biên, TP.Hà Nội) vì có liên quan đến việc sản xuất rượu chứa độc tính methanol cao gấp 2.000 lần cho phép khiến 6 người thiệt mạng. Hai cán bộ phụ trách kỹ thuật sản xuất thuộc công ty trên, cùng cư trú tại quận Long Biên, TP.Hà Nội là Trần Xuân Mạnh (30 tuổi) và Đặng Văn Cảnh (36 tuổi), cũng bị bắt giữ.
Lô rượu độc hại bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh thu giữ.
Trước đó, ngày 7.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án ngộ độc “ Rượu nếp 29 Hà Nội” khiến 4 người tử vong, do vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo kết quả điều tra, từ ngày 29.11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phát hiện xảy ra 4 vụ ngộ độc rượu, làm 6 người thiệt mạng, cụ thể: 3 vụ xảy ra tại TP.Cẩm Phả vào các ngày 29.11, 2.12, 4.12, làm 3 người tử vong là anh Nguyễn Văn Trung (SN 1986, trú tại Gia Lộc, Hải Dương), anh Trần Mạnh Linh (SN 1987, trú tại Hưng Hà, Thái Bình) và một người tên Hoàng, quê ở Hòa Bình (đang xác minh lý lịch); vụ xảy ra ngày 2.12 tại TP.Hạ Long làm 1 người tử vong là anh Bùi Văn Hoàng (SN 1978, trú Lạc Sơn, Hòa Bình). Đến ngày 8.12, có 2 người uống “Rượu nếp 29 Hà Nội” tại Cẩm Phả (đều quê ở thị xã Phủ Lý, Hà Nam) cũng đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh.
Chiều 10.12, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hà Nội cho biết: Lô rượu nếp 29 Hà Nội gây ra nhiều vụ ngộ độc làm 6 người tử vong ở Quảng Ninh được sản xuất từ ngày 29.10, gồm 6.300 chai với tổng cộng 10.000 lít. Theo bà Mai: Từ năm 2009 đến thời điểm xảy ra vụ việc ngộ độc, ngành công thương đã 5 lần kiểm tra với Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (XNK 29) – đơn vị sản xuất “Rượu nếp 29 Hà Nội”. Cuối năm 2009, Đội quản lý thị trường số 17 phát hiện Công ty XNK 29 không có giấy phép sản xuất rượu, không thông báo địa điểm sản xuất kinh doanh theo quy định. Cuối tháng 12.2011, cơ quan chức năng phát hiện công ty này sản xuất rượu đóng chai không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngày 14.9.2012, phát hiện XNK 29 vi phạm về nội dung nhãn mác không đúng quy định…
Video đang HOT
Về việc tại sao cơ sở này đã có nhiều vi phạm nhưng cơ quan chức năng chỉ dừng ở việc xử phạt hành chính mà không có biện pháp mạnh hơn như đình chỉ sản xuất, bà Mai cho rằng: Vi phạm của đơn vị mỗi thời điểm kiểm tra là khác nhau, chưa tới mức phải đình chỉ nên chỉ xử lý theo quy định.
Đáng chú ý, bà Mai Thị Hồng Hạnh – Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay: Hàm lượng Methanol trong Rượu nếp 29 Hà Nội qua mẫu kiểm tra vượt gần 3.000 lần mức cho phép!
Sau 10 ngày an táng người con thân yêu, nhưng nỗi đau đớn cứ dằn vặt khiến bà Trần Thị Thanh Hoa (trú tại xóm 8, thôn Trắc Dương, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) – mẹ của nạn Trần Mạnh Linh (26 tuổi) thiệt mạng do uống rượu độc, suy sụp hoàn toàn. Bà nghẹn ngào kể: “Linh về Quảng Ninh làm lái xe cho Công ty Than 397 ở TP.Cẩm Phả được 3 năm nay. Gần đây nhất về thăm nhà, nó còn bảo tôi năm tới sẽ cưới vợ. Linh là con trai lớn trong gia đình, là trụ cột kinh tế bởi bố nó ốm yếu từ nhiều năm nay… Vậy mà, rượu độc đã giết chết nó. Gia đình tôi vốn đã nghèo nay lại càng khốn khó hơn”.
Mặc dù đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng theo bác sĩ, nạn nhân Bùi Văn Đàng vẫn còn yếu, mắt có nguy cơ bị mù nên phải tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Từ Hòa Bình về chăm sóc con suốt nhiều ngày nay, bà Bùi Thị Thiên rất mệt mỏi và lo lắng. Bà cho hay: “Đáng mới xuống Quảng Ninh làm việc được mấy hôm thì đã ra nông nỗi này. Gom cả nhà và vay hàng xóm mới được có 6 triệu đồng xuống chạy chữa cho con giờ đã hết. Cứ cái đà phải nằm điều trị thêm nữa thì không biết lấy đâu ra tiền để trả viện phí và săn sóc cho nó đây”.
Hầu hết các nạn nhân ngộ độc rượu ở Quảng Ninh là công nhân và lao động phổ thông. “Tôi đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý sai phạm của công ty sản xuất rượu. Đồng thời yêu cầu công ty này phải có trách nhiệm bồi thường cho những sinh mạng họ đã hại chết” – bà Trần Thị Thanh Hoa nói.
Cũng bị ngộ độc nhưng may mắn thoát nạn, anh Nguyễn Đình Khoa (24 tuổi, ở Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) nói: “Tôi không đòi hỏi phải bồi thường tổn hại sức khỏe nhưng tôi khẩn thiết yêu cầu cơ quan công an vào cuộc, xử lý nghiêm vi phạm của cơ sở sản xuất rượu này để họ không còn cơ hội hại những người khác”.
Chưa quản lý nổi Trao đổi với phóng viên ngày 10.12, ông Bùi Trường Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết: Theo Nghị định 94 về quản lý cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu thì sản xuất của Công ty CP XNK 29 thuộc quản lý và cấp phép của địa phương. Bộ Công Thương chỉ cấp phép cho sản xuất rượu từ 3 triệu lít/năm trở lên. Riêng việc quản lý chất lượng thì các loại rượu sản xuất ra đều có phiếu kiểm tra chất lượng, có Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm quản lý. “Chúng ta cũng có lực lượng liên ngành để kiểm tra chất lượng rượu, từ khâu sản xuất đến lưu thông và đã được phân cấp cho các địa phương” – ông Thắng khẳng định. Cũng theo ông Thắng, theo quy định hiện nay thì sản xuất rượu và các đại lý bán rượu, đều phải có giấy phép kinh doanh, sản xuất do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp. Các chứng nhận tiêu chuẩn và cấp phép đều có quy trình hết sức chặt chẽ. Trong khi đó, ông Lê Văn Được – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rượu bia nước giải khát cũng cho biết, thực tế Việt Nam chưa quản lý được chất lượng, môi trường trong sản xuất rượu; rượu thủ công, làng nghề càng chưa quản được… Nếu các bộ ngành không sớm điều tra, thống kê, điều chỉnh, ra quy hoạch cho ngành sản xuất, kinh doanh rượu thì sẽ rất khó cho việc quản lý, cấp phép – ông Được nói. Mai Hương
Theo Dân Việt
Rượu nếp 29 Hà Nội bị pha nhầm... cồn đánh vecni
Lô rượu nếp 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10, có độc tố Methanol vượt hàng nghìn ngưỡng cho phép là do quá trình sản xuất pha chế nhầm từ cồn thực phẩm sang cồn công nghiệp.
Theo cơ quan điều tra, trước khi bị bắt giữ (10/12), ông Nguyễn Duy Vường - 46 tuổi, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (có trụ sở tại Q.Long Biên, TP.Hà Nội) khai nhận: Lô rượu nếp 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10, có độc tố Methanol vượt hàng nghìn ngưỡng cho phép là do quá trình sản xuất pha chế nhầm từ cồn thực phẩm sang cồn công nghiệp.
Cũng theo ông Vường, lô cồn thực phẩm thường được đơn vị nhập từ một đơn vị bên ngoài về để chế biến, sản xuất ra rượu.
Giám đốc công ty 29 Hà Nội bước đầu thừa nhận lô rượu có độc tính bị pha nhầm cồn công nghiệp
Theo lý giải của cơ quan chức năng, 2 loại còn này đều chung công thức hóa học, là chất chất lỏng không màu, tan vô hạn trong nước, dễ bay hơi, dễ cháy, mùi thì phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất ra chúng.
Cồn thực phẩm nồng độ tiêu chuẩn thường là 98% và loại bỏ hoàn tạp chất nên dùng để sản xuất rượu, đồ uống có cồn, nước ướp gia vị, chiết xuất dược liệu, pha chế thuốc, vệ sinh, sát trùng, mỹ phẩm...
Còn cồn công nghiệp thì vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn tạp chất nồng độ của nó thường giao động khoảng 95% trong đó 5% có thể là methanol hoặc cồn ipa. Cồn công nghiệp chủ yếu được dùng trong công nghiệp in, công nghiệp điện tử, dệt may, chế phẩm đánh bóng vecni...
Do giá thành rẻ nên có rất nhiều người đã vì lợi nhận mà pha vào rượu đem bán đặt biệt là ở nước ta thời gian quan có rất nhiều người tử vong do tính chất độc hại trong cồn công nghiệp gây ra.
Hiện cơ quan công an tiếp tục truy cứu hồ sơ, chứng từ liên quan cũng như trách nhiệm từng các nhân trong việc pha chế để làm rõ hành vi của từng đối tượng.
Theo Dân Việt
Bộ Y tế khuyến cáo phòng ngừa ngộ độc rượu Chiều 10-12, Cục ATTP - Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo về tác hại, nguyên nhân và cách phòng ngừa ngộ độc rượu. Cục ATTP cho rằng, ngộ độc rượu có thể do uống phải rượu giả, rượu chứa Methanol hoặc uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác) có chứa...