100% trẻ em nhiễm độc ở làng đúc chì
Nhờ nghề đúc chì từ nhiều đời nay mà cuộc sống người dân thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên trở nên sung túc.
Nhưng, sau nhiều năm lăn lộn, gắn bó với nghề, người dân nơi đây đã và đang phải hứng chịu những hệ lụy từ nghề đúc chì…
Thời điểm hiện tại, lượng chì thành phẩm xuất qua Trung Quốc không còn nhiều như mấy tháng đầu năm, nhưng khi chạy xe dọc đường làng, cho tới các ngõ ngách, đều không khó để bắt gặp những xe ô tô tải đủ kích cỡ chất đầy các thùng ắc quy phế phẩm.
Hỏi ra mới hay, số bình ắc quy thải trên được chở về làng, sau đó đưa tới các hộ gia đình để phá dỡ, trước khi chuyển tới lò nấu chì thành phẩm. Theo các chủ lò nấu chì, hiện mỗi ngày Đông Mai xuất đi không dưới 100 tấn chì thành phẩm. Và để cho ra lò 100 tấn chì này, thì phải có cả trăm tấn ắc quy phế phẩm.
Nhiều người dân biết nhiễm độc chì thì đã quá muộn
Ám ảnh làng nghề
Chỉ tay vào chiếc ô tô đời mới, cùng những vật dụng đắt tiền trong nhà, anh Lê Ngọc Hai ở thôn Đông Mai, người có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề làm chì, cho hay: Không riêng gì hộ gia đình anh, mà đại đa số người dân Đông Mai mở mày, mở mặt, con cái được học hành, đi đây đi đó cũng đều nhờ những bễ, những lò nấu chì. Và để chứng minh, anh Hai dẫn tôi một vòng quanh làng.
Quả thật, tính mặt bằng chung, ít ở đâu người dân lại nhiều xe hơi, nhà lầu như ở Đông Mai. Chỉ ít năm về trước, người người, nhà nhà tham gia làm chì. Nên đi dọc đường làng, đâu đâu cũng thấy lò, bễ nấu chì. Chì được nấu ngay trên đường, ngoài ruộng, trước ngõ, sau nhà… khói chì nhả ngợp trời, bốc mùi nồng nặc.
Tới độ, các thôn lân cận không nấu chì nhưng cũng bị khói chì bên Đông Mai tấn công, làm lúa chết hàng loạt. Nhưng người Đông Mai chẳng bận tâm, vì tiền lãi kiếm được cũng khá, nên hộ gia đình mang đi đền, rồi lại ngày đêm đỏ lò.
Nước ở làng đúc chì bị ô nhiễm nghiêm trọng
Cũng theo anh Hai, thôn có 600 hộ, thì có tới hơn 500 hộ ngược xuôi hết Nam lại Bắc để thu mua ắc quy hỏng về chặt ra lấy chì, rồi nấu luyện thành chì thỏi đem bán. Và vì chưa có công nghệ hiện đại, tất cả các đông đoạn đều làm thủ công, sơ chế qua loa nên môi trường và người dân lãnh đủ.
“Trong làng, khắp các ngõ ngách, đâu đâu cũng ám khói bụi hôi hám. Cá, tôm nuôi trong ao, cũng như nhiều loại gia cầm vật nuôi của người dân bị chết hàng loạt”, ông Đinh Văn Gương, trưởng thôn Đông Mai cho biết. Thậm chí, theo lời ông Gương, quá trình sơ chế, axit sunfuric – thứ dung dịch còn lại trong bình ắc quy phế phẩm, bị đổ bừa bãi khắp nơi.
Video đang HOT
Chưa hết, vỏ nhựa của bình ắc quy cũ cũng được người dân tận dụng làm tường rào trong gia đình, làm kè bờ ao, làm đường đi… “Hãi hùng nhất là khi các hộ dân đem những rổ nan đựng nguyên những thanh chì còn dính axit sunfuric lấy từ bình ắc quy đem xuống ao, sông của làng để rửa, khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng. Và sau đó là một loạt những cái chết có liên quan tới căn bệnh ung thư: nào là ưng thư vòm họng, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày…
Trẻ nhỏ xét nghiệm, hàm lượng chì đều vượt ngưỡng
Trao đổi với PV, Trạm trưởng trạm y tế xã Chỉ Đạo, bà Đặng Thị Lý cho biết: Mới đây Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) công bố kết quả xét nghiệm sàng lọc của 109 trường hợp là trẻ dưới 10 tuổi trong thôn Đông Mai, thì 100% mẫu máu này đều có hàm lượng chì vượt quá giới hạn bình thường từ 2 – 7 lần.
Rác làng nghề ở khắp nơi
Trong số đó có 24 cháu được lấy máu tĩnh mạch tại phòng thí nghiệm của Viện thì 2 cháu có hàm lượng chì trong máu ở mức nguy hiểm (70 mcg/dl), 17 trường hợp ở mức báo động (45 – 70 mcg/dl), 4 trường hợp ở mức cao (25 – 44 mcg/dl) và 1 trường hợp ở mức ranh giới (15 – 19 mcg/dl).
Trong khi đó, chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần. Hàm lượng chì trong đất bề mặt cao gấp 10 lần, trong bụi cao gấp hơn 11 lần mức cho phép. Còn trong thực phẩm thì hàm lượng chì cũng vượt tiêu chuẩn 4,61 lần. Lý giải về việc 109 trẻ nhỏ bị nhiễm chì vượt mức cho phép. Bà Lý cho rằng: Đây là hệ luỵ do nghề đúc chì từ những đời trước để lại, ảnh hưởng từ nguồn nước, từ không khí…
Gia đình anh chị Lê Ngọc Q. sau khi nhận được kết quả xét nghiệm chì trong máu của con mình vượt 6 lần mức cho phép đã quyết định từ bỏ nghề đúc chì sau hơn 30 năm theo đuổi. ” Nhà có 3 đứa con, thì một đứa đầu năm nay đã tới tuổi gả chồng rồi mà cứ ngơ ngơ.
Đi khám thì bác sĩ nói bị động kinh, nhưng cũng không rõ có phải nhiễm độc chì không nữa. Khi đó tôi cứ nghĩ, thôi ông trời không thương, bắt tội thì mình đành chịu. Nhưng tới đứa thứ hai, được đi xét nghiệm hẳn hoi thì mình phải tin thôi. Phải dừng lại thôi để cứu lấy hai đứa khi mọi chuyện chưa muộn”, vừa nói, anh Q. vừa đưa tay cố che giấu cặp mắt đỏ hoe.
Được biết, mới tháng trước, hai vợ chồng anh Q. có đưa cháu nhỏ lên Trung tâm Chống độc thuộc BV Bạch Mai để thải độc. Tin vui, nồng độ chì trong máu của cháu nay chỉ còn ở ngưỡng 40,2 mcg/dl thay vì 60,3 mcg/dl như trước.
Trong khi đó, không hề tham gia làm chì, nhưng hai người con đang độ tuổi đến trường của chị Nguyễn Thu T. ở thôn Đông Mai cũng được phát hiện có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng cho phép gần 7 lần. Theo lời chị T.: Trước khi được phát hiện, hai cháu nhà chị có biểu hiện như da xanh, còi cọc và chậm chạp hơn với lũ trẻ cùng lứa.
Vẫn theo bà trạm trưởng Lý thì, con số 109 cháu nhỏ được xét nghiệm và phát hiện nồng độ chì nhiễm trrong máu cao hơn mức bình thường, chỉ là con số nổi, mọi người có thể nhìn thấy. “Ngoài thôn Đông Mai, các thôn lân cận khác ở xã Chỉ Đạo như Trịnh Xá, Nghĩa Lộ… cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ nghề làm chì. Theo con số thống kê chưa thật sự đầy đủ, các thôn lân cận trên còn có hơn 1.000 trẻ em dưới 10 tuổi chưa được xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra độ nhiễm chì trong máu”, bà Lý nói.
Khu công nghiệp không thu hút được các hộ làm nghề
Trong buổi làm việc với PV, ông Trịnh Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo cho hay: Nhận thấy hậu họa từ việc sản xuất chì bằng phương pháp thủ công, nên từ 4 năm trước, chính quyền xã đã yêu cầu các hộ gia đình làm chì ngừng ngay việc sơ chế, đốt lò trong thôn.
Theo đó, các hộ làm chì được di dời và tập trung tại khu công nghiệp rộng tới 21ha, cách khu dân cư 2km. Và ông Hiến khẳng định, hiện tại xã Chỉ Đạo không còn tình trạng làm chì trong khu dân cư, hay ngay tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tính riêng ở thôn Đông Mai vẫn còn không dưới 15 hộ vẫn vô tư thu gom, tập kết và chặt phá bình ắc quy cũ tại gia.
Đem điều này thắc mắc với ông Hiến, chúng tôi mới hay: Hiện khu công nghiệp rộng tới 21ha này mới chỉ duy nhất có một hộ gia đình di chuyển tới đây để hành nghề đúc chì. Trong khi đó Hội làng nghề của xã Chỉ Đạo cũng mới dời trụ sở về đây thì cũng chỉ làm được chức năng nấu chì.
Còn việc chặt phá bình ắc quy cũ vẫn làm tại các hộ gia đình. “Chủ thầu không chịu đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường đi, lưới điện, lò nung… thì thử hỏi các hộ làm nghề sao dám vào khu công nghiệp để tiếp tục theo nghề cho được”, ông Hiến phân bua nguyên nhân khu công nghiệp không thu hút được các hộ làm chì.
Theo 24h
Hàng trăm người dùng nước nhiễm độc
Khoảng 500 người dân sinh sống ở chung cư NO1 và NO5 ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, H.Từ Liêm (Hà Nội) phải ngày ngày ăn, uống nước nhiễm độc asen cao gấp 37 lần mức cho phép cả năm nay.
Mẫu nước nhiễm asen cao gấp nhiều lần mức cho phép mà người dân chung cư NO1, NO5 đã mang đi xét nghiệm - Ảnh: Đan Hạ
Được biết, hai tòa chung cư NO1, NO5 thuộc dự án nhà để bán do Công ty CP đầu tư bất động sản Hà Nội xây dựng.
Ông Tô Minh Kiên, Tổ trưởng Ban đại diện lâm thời của cụm dân cư NO1, NO5 cho biết, người dân dọn đến sống từ năm 2007. Từ đó đến nay đều dùng nước giếng khoan dẫn từ trạm của Công ty CP đầu tư bất động sản Hà Nội.
Theo ông Kiên, 5 năm qua đã có không ít lần nước nhiễm bẩn, người dân đề nghị đơn vị cấp nước súc rửa nhưng không lâu sau nước lại nhiễm bẩn. Tình trạng này lặp lại nhiều lần.
"Gần đây, người dân chúng tôi mang mẫu nước sinh hoạt đi xét nghiệm phát hiện hàm lượng asen trong nước cao gấp 37 lần mức cho phép. Mọi người dân hoang mang lo ngại mắc bệnh hiểm nghèo do ăn uống phải nước nhiễm độc", ông Kiên lo lắng.
Ông Kiên cũng cho biết thêm, sau khi phát hiện nước nhiễm asen cao, các hộ dân đã đề nghị phía đơn vị cấp nước cùng ngồi lại tìm phương án giải quyết. Sau cuộc họp giữa các hộ dân với đơn vị cấp nước vào sáng 8.9, hai bên thống nhất đến ngày 11.9, ông Mai Hoàng Anh - Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Hà Nội sẽ cùng người dân lấy mẫu ở trạm bơm nước mang đi xét nghiệm.
Sự việc tưởng chừng sẽ được giải quyết. Nhưng đến tối 10.9, người dân phát hiện phía đơn vị cấp nước thuê người đổ bốn thùng hóa chất vào nước nên đã báo công an H.Từ Liêm đến bắt giữ. Số hóa chất còn lại được người dân, đơn vị quản lý tòa nhà niêm phong trước chứng kiến của Công an xã Mỹ Đình, Công an H.Từ Liêm và Công an TP.Hà Nội.
"Rất có thể, mục đích của đơn vị cấp nước khi mang đổ hóa chất vào là để làm giảm hàm lượng asen trong nước. Sau khi mang mẫu nước đi xét nghiệm sẽ ra kết quả nước không nhiễm độc hoặc lượng asen trong nước dưới mức cho phép", anh Đỗ Tiến Trường, cư dân nhà NO1 nói.
Chiều qua 11.9, ông Mai Hoàng Anh đã ký vào biên bản làm việc với các hộ dân NO1, NO2, NO3, NO4, NO5 thừa nhận có việc đơn vị mình thuê người đổ hóa chất vào trạm xử lý nước sinh hoạt của người dân các tòa nhà trên.
Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Hà Nội cũng đã đồng ý cùng người dân mang nước từ trạm xử lý đi xét nghiệm. Đồng thời, mẫu hóa chất do công ty trên thuê người mang đến đổ vào nước cũng được ông Hoàng Anh đồng ý đưa đi giám định, phân tích.
Mẫu hóa chất mà đơn vị cấp nước thuê người đổ vào nguồn nước chung bị người dân phát hiện sẽ được đưa đi xét nghiệm - Ảnh: Đan Hạ
Ông Hoàng Anh cũng cho biết, người mang hóa chất đến để xử lý nước là của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hoàng Hải Anh. Theo ông Hoàng Anh, đây là nhà thầu vừa ký kết hợp tác với công ty mình từ giữa tháng 8.2012 để xử lý nguồn nước.
Liên hệ với ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Hoàng Hải Anh chúng tôi được biết, đơn vị cấp nước đã thông báo tình trạng nước nhiễm asen cao.
"Chúng tôi đã cho lấy mẫu nước nguồn từ giếng khoan mang đi xét nghiệm tại phòng phân tích nước của viện Khoa học Vật liệu - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, thu được kết quả nước có hàm lượng asen vượt hơn 10 lần cho phép. Tôi đã dùng nước Javel để xử lý và được nước sạch. Do vậy, tối 10.9, chúng tôi mới mang chất này đến đổ vào xử lý nguồn nước ở các tòa nhà trên", ông Chung thanh minh.
Ông Chung cho rằng, nguồn nước giếng khoan thường không ổn định, có thể theo thời gian do tác động của biến đổi địa chất nên nước có thể bị nhiễm asen. Để xử lý nguồn nước nhiễm asen sẽ đổ Javel vào. Sau đó sẽ hút nước từ bể lắng lọc để lấy nước sạch.
Theo anh Trường, hơn 100 hộ dân ở các tòa chung cư NO1 và NO5 đang rất hoang mang do lo sợ ăn uống phải nước nhiễm độc asen cao. Có gia đình thường xuyên dùng nguồn nước này pha sữa cho con nhỏ.
Có người phải đưa vợ con đi sơ tán do lo sợ dùng phải nước nhiễm asen cao như trường hợp anh Bùi Văn Đông, làm việc tại công ty có trụ sở trong tòa nhà NO5. Anh Đông kể, trước đây, do làm việc trong tòa nhà NO5 nên đưa vợ con đến ở cùng. Khi thấy nước có màu vàng đỏ, không thể dùng sinh hoạt, quá lo sợ, anh phải đưa vợ con đi nơi khác sống. Hiện anh Đông phải mua nước lọc đóng bình để dùng.
Cũng giống anh Đông, hiện nay, nhiều gia đình phải đối phó với nước nhiễm asen bằng cách mua bình lọc nước hoặc mua nước đóng bình để ăn, uống. Còn nước rửa, nhiều hộ dân phải lấy vải, bông nhét vào đầu ống dẫn nước vào căn hộ nhà mình để lọc.
Trong khi chờ nước sạch, chiều qua 11.9 phía đơn vị cấp nước mới hỗ trợ được một xe chở 8 khối nước đến cho khoảng 500 người dân dùng tạm.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học kiêm Trưởng phòng thí nghiệm công nghệ hóa môi trường (khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội), asen trong nước không có màu, mùi, vị. Asen ở hàm lượng nhỏ hơn 10 microgam/lít hay 0,01 mg/lít sẽ tạo ra những en-zim có lợi cho cơ thể. Nếu vượt quá ngưỡng trên có thể gây hại cho cơ thể.
Người nước uống có chứa asen cao sẽ bị nhiễm độc từ từ. Ăn uống asen vào cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh khác nhau. Đặc trưng nhất là ung thư da, phổi, gan thận...
Theo TNO
Ăn bánh Trung thu nhân "từ Tết", chơi đồ chơi nhiễm độc Bên cạnh đồ chơi Trung Quốc độc hại tràn lan trên thị trường, hàng tấn bánh Trung thu ra lò hằng ngày được làm bằng nguyên liệu tái chế từ bánh tồn kho năm ngoái (từ mứt bí, lạp xưởng còn lại dịp Tết trộn với hương liệu "phù phép" thành bánh mới với bột tẩy trắng...). TP Hồ Chí Minh Hàng tấn...