100 câu hỏi đáp hữu ích về dịch bệnh COVID-19 (phần 3): Tiếp xúc thế nào thì mắc?
Một số hành động như bắt tay, ôm hôn, ăn uống, thức ăn… có lây COVID-19 không? Để giải đáp những thắc mắc trên, Cục Quân y ( Học viện Quân y) đã đưa ra 100 câu hỏi – đáp về dịch bệnh COVID-19.
20. Thế nào là tiếp xúc trực tiếp với người bệnh?
Là tiếp xúc có “da – chạm – da”, hôn hoặc quan hệ tình dục với người bệnh. Tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của cơ thể người bệnh được coi là tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.
21. Thế nào là tiếp xúc gần với người bệnh?
Là tiếp xúc với bệnh nhân trong cự ly 2m hoặc ở trong cùng một phòng hay khu vực chăm sóc một ca bệnh được khẳng định có bệnh hoặc khả năng bị bệnh trong thời gian kéo dài.
22. Bắt tay có làm mắc COVID-19 không?
Không. Cho đến nay chưa có bằng chứng virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập qua da vào cơ thể. Tuy nhiên, bắt tay là hành động có nguy cơ cao. Khi tay một người mắc COVID-19 chạm vào tay người khác có thể truyền virus sang tay người này. Từ bàn tay có virus có thể nhiễm tiếp vào đường hô hấp do các hành động khác như dụi mắt, ngoáy mũi, cho tay lên miệng hoặc kể cả chạm tay lên mặt, tạo cơ hội (dù nhỏ) để virus “bay” vào mũi. Do vậy, thực hành rửa tay/sát trùng tay và không chạm tay vào vùng mặt (đặc biệt là sau khi bắt tay) là biện pháp hiệu quả để ngăn nguy cơ lây nhiễm do bắt tay.
23. Hôn nhau có làm mắc COVID-19 không?
Có. Khi hôn, dù hôn môi hay hôn lên trán, lên má đều là tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
24. Sinh hoạt tình dục có làm lây COVID-19 không?
Chưa có nghiên cứu chứng minh COVID-19 có lây qua niêm mạc đường sinh dục hay không và do vậy có lây qua sinh hoạt tình dục ở hình thức giao hợp khác giới hay không.
Tuy nhiên, do sinh hoạt tình dục có nhiều hình thức, mức độ và động tác khác nhau nên sinh hoạt tình dục là hành vi có nguy cơ. Nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp tùy thuộc mức độ tương tác giữa những người bạn tình tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người mắc COVID-19.
Video đang HOT
Khi mọi việc chưa rõ ràng, nên thực hiện các hành vi tình dục an toàn để vừa có tác dụng bảo vệ người đã nhiễm COVID-19 trước nguy cơ bị nhiễm thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vừa bảo vệ bạn tình không bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ người nhiễm trước đó.
Từ một virus ban đầu, virus SARS-CoV-2 nhân lên thành nhiều hạt virus mới (màu vàng) gây tổn thương tế bào chủ.
25. COVID-19 có lây qua thức ăn không?
Chưa có nghiên cứu chứng minh virus SARS-CoV-2 có lây qua đường ăn uống hay không. Mặc dù đã có nghiên cứu cho thấy có virus SARS-CoV-2 trong phân của bệnh nhân và một số bệnh nhân có biểu hiện bị tiêu chảy, điều đó gợi ý rằng virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương đường tiêu hóa. Do miệng và mũi thông nhau nên chưa biết liệu virus từ đường hô hấp rơi xuống đường tiêu hóa và ra phân hay virus từ thức ăn trong miệng tấn công lên đường hô hấp. Khi chưa thể loại trừ mọi khả năng thì vẫn nên thực hành “ăn chín, uống sôi” để phòng chống dịch. Tuyệt đối không nên ăn tiết canh sống, thịt sống, nhất là của động vật hoang dã.
26. COVID-19 có lây qua đường máu không?
Chưa có thông tin về vấn đề này. Trên quan điểm dự phòng, bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, mọi khuyến cáo về bảo hộ nhân viên y tế đều được đặt lên ở mức cao nhất trước nguy cơ phơi nhiễm với máu của người bệnh. Về phương diện an toàn truyền máu, trong giai đoạn hiện nay chắc chắn người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sẽ không được hiến máu tình nguyện trong những đợt hiến máu tình nguyện đại trà. Trong tương lai, liệu xét nghiệm mắc COVID-19 có được đưa vào nhóm xét nghiệm sàng lọc an toàn truyền máu hay không còn chờ thêm các bằng chứng chắc chắn về việc virus này có lây truyền qua đường máu hay không.
27. COVID-19 có lây từ mẹ sang con không?
Trong đợt dịch này, các nhà khoa học Trung Quốc đã theo dõi 9 trường hợp phụ nữ mang thai mắc COVID-19 và đã sinh con. Các xét nghiệm dịch ối, máu dây rốn trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19 và sữa mẹ không thấy có virus SARS-CoV-2.
Cùng thêm các thông tin về SARS-CoV và MERS-CoV không lây truyền dọc từ mẹ sang con khiến cho các nhà khoa học tạm kết luận rằng COVID-19 không lây truyền dọc từ mẹ sang con.
Mặc dù vậy, các quan sát mới chỉ thực hiện ở 9 ca bệnh nên cần có số liệu của nhiều người hơn để có thể kết luận chắc chắn về vấn đề này.
Lưu ý: Lây nhiễm dọc được hiểu là lây từ mẹ sang con qua nhau thai. Việc cách ly con khỏi mẹ để tránh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc đường tiếp xúc trực tiếp vẫn là cần thiết.
28. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh như thế nào?
Sau khi nhiễm được vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, virus SARS-CoV-2 cài các gen của virus vào bộ gen của tế bào chủ, bắt tế bào bị nhiễm virus tạo ra các thành phần của virus. Khi đã đủ các thành phần cần thiết, các thành phần này lắp ghép lại với nhau để hình thành nhiều virus mới chui ra ngoài đồng thời làm tổn thương cho tế bào bị nhiễm virus.
Trình tự các bước bao gồm: Dịch mã gen sao chép từ RNA gen của virion. Đầu tiên, chúng tổng hợp ra sợi ARN các protein cấu trúc virus S, E và M được chuyển vào lưới nội bào (ER) và di chuyển vào khoang trung gian reticulum – Golgi (ERGIC) Nucleocapsid các hạt virion trưởng thành (tức là các virus mới). Các virus mới hình thành và tiếp tục lây nhiễm sang các tế bào lành khác hoặc theo dịch tiết đường hô hấp được đào thải ra ngoài trở thành nguồn lây nhiễm cho người xung quanh.
29. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh cho cơ quan nào?
Biểu hiện bệnh chủ yếu của người mắc COVID-19 là viêm đường hô hấp cấp. Một số bệnh nhân mắc COVID-19 còn có biểu hiện tiêu chảy và xét nghiệm có virus trong phân. Dù chưa chắc chắn nhưng không loại trừ khả năng COVID-19 gây tổn thương cho các tế bào niêm mạc khác, trong đó có đường tiêu hóa. Trong số các bệnh nhân bị bệnh kết hợp còn thấy hiện tượng tổn thương chức năng của các tạng khác như gan, thận… Tuy nhiên, đây là hậu quả trực tiếp do virus tấn công hay hậu quả gián tiếp từ tổn thương phổi còn đang được các nhà khoa học làm rõ hơn.
30. COVID-19 có gây quái thai không?
Một số virus nhiễm vào phụ nữ mang thai gây ảnh hưởng đến thai nhi như virus cúm gây sứt môi hở hàm ếch, virus Zika gây bệnh đầu nhỏ; một số virus có thể gây sẩy thai như Rubella. Chưa thể trả lời được liệu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng gì lên thai nhi. Trên thực tế, cần theo dõi dài ngày hậu quả thai sản của những trường hợp bệnh nhân là phụ nữ mang mắc COVID-19 ở các giai đoạn sớm của thai kỳ.
PGS.TS.BS LÊ VĂN ĐÔNG (HỌC VIỆN QUÂN Y) – TỔ TRƯỞNG TỔ BIÊN SOẠN
Người dân Bỉ kiêng ôm hôn và bắt tay trong mùa dịch corona
Giữ khoảng cách, không bắt tay, ôm hôn là những khuyến cáo mà các cơ quan chức năng Bỉ đối với người dân trong mùa dịch corona.
Khi gặp gỡ, người Bỉ thường bày tỏ sự thân thiện bằng những cái bắt tay nồng nhiệt hay một hoặc ba nụ hôn nhẹ vào má. Thế nhưng, sự hoành hành của virus corona đang cản trở việc thực hiện nét đẹp truyền thống này vì tính chất dễ truyền nhiễm của nó.
Ngay từ những ngày đầu virus corona xuất hiện trên nước Bỉ, Bộ trưởng Y tế Bỉ Maggie De Block đã đưa ra lời khuyến cáo đến người dân: "Lúc này chúng ta không nên ôm hôn nhau".
Sẽ thiếu vắng những nụ hôn dành cho những người chiến thắng trong các cuộc đua xe đạp diễn ra trong mùa dịch corona
Thậm chí, phép xã giao này bị nghiêm cấm theo quy định nội bộ của một vài công ty Bỉ. Theo trang tin hln.be, Công ty Duma chuyên về bán và cho thuê xe cần cẩu và máy móc phục vụ xây dựng và công nghiệp ở vùng Kotrịjk (Bỉ) đang thực hiện biện pháp này một cách quyết liệt để ngăn chặn sự xâm nhập của virus này vào công ty. Người điều hành doanh nghiệp Stephan Debranbandere cho biết: "Hàng trăm nhân viên của chúng tôi không được phép ôm hôn nhau. Liệu quy định này có hơi quá mức không? Đó chỉ là một cách tư duy thấu đáo vì sức khoẻ".
Ảnh: demorgen.be
Ông Debrabandere lý giải: "Chúng tôi giao dịch với nhiều đối tác từ nhiều vùng lãnh thổ như Hungary, Ba Lan và Trung Quốc. Những người từ vùng dịch như Italy không được phép đến công ty chúng tôi. Đề phòng, cảnh giác đó là thông điệp để phòng tránh trường hợp chẳng may tiếp xúc một người nhiễm virus khiến cả doanh nghiệp buộc phải đóng cửa trong một vài tuần. Tạm thời chúng tôi thực hiện cơ chế của Nhật. Đó là chào hỏi nhau một cách thân thiện bằng một cái gật đầu hay mỉm cười chào".
Người Bỉ hiện nay thay đổi cách chào hỏi truyền thống bằng cách vẫy tay chào, chạm vào khuyủ tay nhau, nháy mắt hay gửi những cái hôn gió....
Ảnh: lc.nl
Ngay sau khi bệnh nhân đầu tiên tại Bỉ qua đời do hiễm virus corona vào ngày 10/3, chuyên gia nghiên cứu về virus thuộc viện Sciensano (Bỉ), Steven Van Gucht, nhấn mạnh điều đặc biệt quan trọng là tuân thủ những chỉ dẫn của chính phủ. Ông nói: "Chúng ta cần đoàn kết với những người có thể trạng yếu và bảo vệ họ. Bằng cách nào? Tỏ rõ thái độ trách nhiệm của mình. Ai ốm thì cách ly ở nhà. Không bắt tay, không hôn, giữ khoảng cách và làm việc từ xa. Không đi đến những nơi tụ tập đông người."
Theo trang tin Quart, bắt tay là nguồn gây nhiễm lớn bởi theo kết quả nghiên cứu khoa học chúng ta sờ vào mặt của mình trung bình 23 lần trong một giờ. Khoảng một nửa trường hợp, theo bản năng chúng ta sờ vào mũi, mắt hay miệng, những chỗ mà chúng ta thực sự không muốn chạm tới khi chẳng may virus corona có trong tay mình.
Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, vệ sinh tay sạch sẽ là một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất. Theo trang thông tin khoa học y tế gezondheidenwetenschappen.be, các nhà nghiên cứu Anh cho rằng rửa tay đúng cách và thường xuyên là phương thức quan trọng nhất để tránh sự lây nhiễm virus và vi khuẩn.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng rửa tay bằng nước và xà phòng là cách hữu hiệu nhất so với các sản phẩm khác. Thời gian rửa tay tối thiểu là 20 giây và rửa tay đúng cách cần thực hiện theo 6 bước.
Tại Bỉ tính đến ngày 15/3 , tổng số người nhiễm virus corona theo thống kê là 689, trong đó 4 người tử vong./.
Theo VOV
WHO tiếp tục "phá giải" 4 thắc mắc lớn về Covid-19 Một số vấn đề gây thắc mắc trong cộng đồng và những hướng dẫn trong giao tiếp nhằm phòng chống Covid-19 tiếp tục được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật. 1. Đeo găng tay cao su ở nơi công cộng sẽ an toàn? Các loại găng tay cao su thông thường hay y tế không hoàn toàn bảo vệ bạn...