10 vị vua giàu nhất thế giới
Nhiều vị vua sở hữu nhiều đất đai, dinh thự và những món trang sức đắt tiền nhưng họ cũng là những nhà từ thiện hào phóng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej – Ảnh: Reuters
1. Vua Thái Lan, Bhumibol Adulyadej: 30 tỉ USD
Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej là đức vua tại vị lâu nhất trong lịch sử Thái Lan, từ năm 1946. Vị vua giàu nhất thế giới có tổng giá trị tài sản 30 tỉ USD, theo tạp chí Forbes năm 2014.
Ông sở hữu khối đất đai khổng lồ (hơn 3.000 hecta ở trung tâm Bangkok), 2 chiếc Limousine thiết kế riêng và viên kim cương đã qua chế tác lớn nhất thế giới, Golden Jubilee, nặng 545,65 carat.
2. Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah: 20 tỉ USD
Quốc vương Hassanal Bolkiah là một trong những người giàu nhất thế giới, với khối tài sản khoảng 20 tỉ USD. Nhà vua nổi tiếng với thú chơi xa xỉ và các bộ sưu tập xe “khủng” được ghi vào kỷ lục Guinness. Ông sở hữu hơn 7.000 chiếc xe hơi đắt tiền, trong đó có 600 siêu xe Rolls-Royce, 452 chiếc Ferrari…
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah – Ảnh: Reuters
Ngoài ra, cung điện hoàng gia Istana Nurul Iman, nơi ông và gia đình sinh sống, là cung điện lớn nhất thế giới. Cung điện có 1.788 phòng, 257 bồn tắm, 5 bể bơi lớn, 110 gara ô tô và tất cả đồ nội thất đều được mạ vàng…
3. Cố quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah bin Abdulaziz Al Saud: 18 tỉ USD
Cố quốc vương Ả Rập Xê Út vừa qua đời vào ngày 23.1.2015 từng là một trong những người quyền lực nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes vào năm 2014.
Quốc vương cai trị vùng đất linh thiêng nhất của đạo Hồi và là xứ sở dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, với trữ lượng hơn 250 tỉ thùng, chiếm 18% trữ lượng dầu toàn cầu. Ông sở hữu khối tài sản trị giá 18 tỉ USD bao gồm nhiều cung điện, dinh thự, du thuyền…
Video đang HOT
Cố quốc vương Ả Rập Xê Út Abdullah bin Abdulaziz Al Saud – Ảnh: Reuters
4. Hoàng thân Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Khalifa bin Zayed al Nahyan: 15 tỉ USD
Khalifa bin Zayed al Nahyan là chủ tịch của UAE từ năm 2004, kiêm chủ tịch của Quỹ đầu tư phát triển Abu Dhabi. Hoàng thân Khalifa cũng có nhiều tài sản ở Dubai, Seychelles, Turkmenistan và Pakistan. Ngoài ra, ông được biết đến là một nhà từ thiện hào phóng với rất nhiều hoạt động có ý nghĩa.
Hoàng thân Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Khalifa bin Zayed al Nahyan – Ảnh: Reuters
5. Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid al Maktoum: 4 tỉ USD
Tiểu vương Dubai, đồng thời là Thủ tướng của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, còn được biết đến như một nhà từ thiện lớn. Năm 2007, ông đã bỏ ra 10 tỉ USD để thành lập Quỹ từ thiện mang tên mình, nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên, các tài năng trẻ của thế giới Ả Rập.
Tiểu vương cũng là người đứng sau những công trình nổi tiếng ở Dubai như quần đảo Palm, tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa.
Tiểu vương Dubai Mohammed bin Rashid al Maktoum – Ảnh: Reuters
6. Hans Adam II, Hoàng tử Liechtenstein: 3,5 tỉ USD
Hoàng tử Hans Adam II trị vì đất nước từ năm 1989, hiện là người sở hữu tập đoàn Liechtenstein Global Trust – tập đoàn lớn về quản lý tài sản ở châu Âu. Ông cũng có những bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật khổng lồ ở Bảo tàng Liechtenstein.
Hans Adam II, Hoàng tử Liechtenstein – Ảnh: Reuters
7. Cựu vương Qatar, Hamad bin Khalifa al Thani: 2,4 tỉ USD
Hamad bin Khalifa al Thani là vua của Qatar từ năm 1995 đến tháng 6.2013. Trong thời gian trị vì, ông đã có đóng góp rất nhiều cho đất nước như mở trường học quốc tế, bảo tàng, viện phim…. Cựu vương chính là người thành lập nên hãng tin đầu tiên của thế giới Ả Rập, Al Jazeera, với số tiền hỗ trợ 137 triệu USD.
Ngoài ra, ông sở hữu cổ phần trong đội bóng đá Paris St. Germain và nhiều nhãn hàng danh tiếng như Miramax, Vivendi, Louis Vuitton…
Cựu vương Qatar Hamad bin Khalifa al Thani – Ảnh: Reuters
8. Hoàng tử Monaco, Albert II: 1 tỉ USD
Albert II, người trị vì một trong những tiểu vương quốc giàu có nhất châu Âu, có tài sản trị giá 1 tỉ USD gồm nhiều khu đất rộng lớn ở Pháp và Monaco. Người đứng đầu hoàng gia Grimaldi còn sở hữu công ty đầu tư SBM có khách sạn Hotel de Paris, sòng bài Monte Carlo và hàng loạt nhà hàng, quán bar khác…
Hoàng tử Monaco Albert II và vợ – Ảnh: Reuters
9. Hoàng thân Karim al Husseini, Aga Khan IV: 800 triệu USD
Hoàng thân Karim al Husseinilà Aga Khan IV, lãnh tụ tinh thần của cộng đồng Nizari Ismailism, chiếm 15% tổng số người Hồi giáo dòng Shia, với khoảng 15 triệu tín đồ ở 25 nước và lãnh thổ khắp thế giới.
Ông có quyền tổ chức và quản lý tất cả các nơi thờ tự của giáo phái từ khi nắm giữ chức vụ này vào năm 1957. Ông mê nuôi ngựa và sở hữu hơn 800 giống ngựa thuần chủng trên khắp Ireland và Pháp. Ngoài ra, hoàng thân có cổ phần tại nhà đấu giá ngựa Arqana tại Pháp và Goffs tại Ireland – một trong những nhà đấu giá ngựa lớn nhất tại Anh.
Hoàng thân Karim al Husseini Aga Khan IV – Ảnh: Reuters
10. Quốc vương Oman, Qaboos bin Said al Said: 700 triệu USD
Quốc vương Qaboos bin Said al Said trị vì một đất nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 24 thế giới, với 12.000 triệu phú vào năm 2011. Ông có chiếc du thuyền dài 155m, là một trong những du thuyền “khủng” nhất thế giới. Quốc vương cũng được biết đến là người tài trợ cho các công trình tái tạo, xây dựng nhà thờ Hồi giáo trên khắp cả nước.
Quốc vương Oman Qaboos bin Said al Said – Ảnh: Reuters
Huỳnh Mai
Theo Thanhnien
Vua Ả Rập Xê Út không dự hội nghị do Tổng thống Mỹ chủ trì
Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman sẽ không sang Mỹ tham dự hội nghị do Tổng thống Barack Obama chủ trì trong tuần này, Bloomberg đưa tin ngày 11.5. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Ả Rập Xê Út không hài lòng với cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran.
Thay vì sang Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, Quốc vương Salman (phải) cử cháu trai là Hoàng Thái tử Mohammed bin Nayef (trái) đi thay - Ảnh: Reuters
Bloomberg bình luận rằng quyết định không sang Mỹ của Quốc vương Salman được công bố trong bối cảnh chính quyền ông Obama đang tìm cách khôi phục lòng tin của các đồng minh Vùng Vịnh.
Theo thông báo từ Nhà Trắng vào ngày 8.5, Quốc vương Ả Rập Xê Út sẽ gặp Tổng thống Obama vào ngày 13.5 tại Nhà Trắng "để củng cố mối quan hệ gần gũi", cùng bàn bạc về nhiều vấn đề, sau đó sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh các nước Vùng Vịnh tại Trại David, nơi nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ, vào ngày 14.5.
Tuy nhiên, ngày 10.5, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel bin Ahmed al-Jubeir thông báo rằng Quốc vương sẽ không đi Mỹ "vì vào thời điểm diễn ra hội nghị, ông bận tham dự đàm phán ngừng bắn nhân đạo tại Yemen và phải đi dự lễ khai mạc trung tâm cứu trợ nhân đạo mang tên ông".
Sự vắng mặt của Quốc vương Salman có thể được xem như một động thái lạnh nhạt đối với chính quyền Obama, Bloomberg dẫn lời ông Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ.
"Quyết định của Quốc vương cho thấy ông nghĩ rằng mình có nhiều việc đáng làm hơn", ông Alterman cho hay.
Quốc vương Salman đã gửi Hoàng thái tử Mohammed bin Nayef, người đang giữ chức phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ả Rập Xê Út, và Hoàng tử Mohammed bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng, đi dự hội nghị, theo thông báo của Ả Rập Xê Út.
Bloomberg nhận định quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út đã trở nên căng thẳng trong bối cảnh Mỹ và nhiều cường quốc khác đang đàm phán với Iran về chương trình phát triển hạt nhân của nước này. Ả Rập Xê Út và các quốc gia Vùng Vịnh khác lo ngại Washington sẽ quá dễ dãi với Tehran.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều về quyết định không sang Mỹ của Quốc vương Salman. "Hai hoàng tử sang Mỹ nắm giữ mọi thứ tại Ả Rập Xê Út. Đây không phải là hành động lạnh nhạt vì Quốc vương Salman trị vì, còn họ thì điều hành vương quốc", Bloomberg dẫn lời Barnett Rubin, chuyên gia phân tích cấp cao tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế thuộc trường Đại học New York.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Thái Lan: Quốc vương xuất viện, người dân xuống đường ăn mừng Ngày 10/5, Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã xuất viện sau khi được tiến hành phẫu thuật cắt túi mật. Nhiều người dân Thái Lan đã đổ ra đường ăn mừng khi thấy đoàn xe của Quốc vương đi qua. Quốc vương Thái Lan, 87 tuổi, đã phải điều trị tại bệnh viện Siriraj ở thủ đô Bangkok tháng 10 năm ngoái...