10 trải nghiệm không nên bỏ lỡ ở Quy Nhơn hè này
Ghé bãi đá trứng, đi qua cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, cắm trại trên bãi Kỳ Co, thưởng thức bánh hỏi lòng heo là những trải nghiệm hút khách ở Quy Nhơn, Bình Định.
Ghé thăm Ghềnh Ráng
Bãi đá trứng khổng lồ nằm dưới chân đồi Ghềnh Ráng là ấn tượng đầu tiên khi bạn đặt chân đến nơi đây. Cảnh sắc hữu tình với những phiến đá hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng óng lên màu xanh huyền bí nổi bật giữa sóng biển.
Thăm vườn thơ Hàn Mặc Tử
Bắt đầu từ dốc đá hay còn gọi là dốc Mộng Cầm, bạn đi bộ men theo con đường đá quanh co uốn lượn, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng nơi đây. Lên lưng chừng dốc, viếng mộ Hàn Mặc Tử và thấy các bài thơ được viết trên những tảng đá lớn, không gian xanh mướt với khuôn viên rừng dương thoáng đãng.
Chạy qua cầu Thị Nại
Đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội, dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Công trình kỳ vĩ này được xây dựng trong 4 năm và hoàn thành năm 2006. Cầu gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn đầu cầu. Đầm Thị Nại cũng là một điểm đến với cảnh quan yên bình.
Video đang HOT
Thuộc xã Nhơn Hải, gần bến tàu ra Hòn Khô, làng chài Hải Nam còn giữ nhiều nét hoang sơ. Vòng quanh làng, bạn sẽ bắt gặp những người dân ngồi đan lưới, hay khoảng sân ngập nắng phơi đầy các mẹt cá, mực. Cuộc sống bình dị nơi làng chài Hải Nam sẽ giúp bạn trải nghiệm một Quy Nhơn thật khác khi qua cầu Thị Nại.
Cắm trại trên bãi Kỳ Co hoang sơ
Bãi Kỳ Co thuộc địa phận xã Nhơn Lý, cách Quy Nhơn khoảng 25 km về phía đông bắc. Vì một mặt giáp biển, ba mặt còn lại là đồi núi, cảnh quan ở đây rất hoang sơ, sơn thủy hữu tình. Với những người ưa khám phá, cắm trại nghỉ qua đêm tại Kỳ Co sẽ là trải nghiệm đáng nhớ. Mang theo lều, hải sản (cá gáy, sò, ốc… đặc sản vùng biển Nhơn Lý) để làm tiệc nướng BBQ. Đêm nghe tiếng sóng vỗ mơn man bờ cát, sáng ngắm bình minh trên biển Kỳ Co, bạn sẽ được hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của nơi này.
Tham quan Tháp Đôi 800 tuổi
Tháp Đôi là một trong tám cụm tháp Chăm còn lại trên đất Bình Định, một trong những di tích kiến trúc văn hóa Chăm mang màu sắc tôn giáo đặc sắc. Tháp Đôi có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13 trong giai đoạn phong cách Bình Định. Đây cũng là thời kỳ có sự giao lưu thường xuyên giữa Chăm Pa và vương quốc Khmer nên nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc Angkor có ảnh hưởng ít nhiều vào kiến trúc của tháp.
Uống cà phê ngắm biển đêm Quy Nhơn
Quy Nhơn với đường biển dài chạy ôm quanh thành phố tạo thành hình bán nguyệt duyên dáng, nước xanh trong. Ban ngày biển Quy Nhơn mang vẻ đẹp hiền hòa, khi đêm xuống, dưới ánh điện lung linh, đường bán nguyệt trở nên lung hơn. Hãy chọn cho mình một điểm cao, như tầng thượng Saigon Quy Nhơn Hotel để nhâm nhi ly cà phê và ngắm đường ven biển.
Ăn bánh hỏi lòng heo
Được làm từ bột gạo, bánh hỏi có thể xem như một biến tấu khác của bún tươi nhưng nhiều sợi xếp chằng chịt lên nhau, rưới lên trên một chút dầu có lá hẹ xắt nhỏ để điểm màu xanh và hương vị. Phần ăn đầy đủ gồm đĩa bánh hỏi, đĩa lòng chín nóng hổi, tô cháo nhỏ, rau sống, bánh tráng và chén nước chấm đầy đủ hương sắc. Ở thành phố Quy Nhơn, khắp các tuyến đường đều có quán bán bánh hỏi, lòng heo vào mỗi sáng. Những nơi dễ tìm món này nhất là các đường Diên Hồng, Ngô Mây, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Thái Học, giá từ 15.000 đến 25.000 đồng một đĩa.
Ăn vặt ở hẻm Trần Độc
Bước vào con hẻm này, bạn sẽ bị “choáng ngợp” bởi hàng quán san sát nhau, bán đủ món ăn vặt từ bún riêu, gỏi cuối, gỏi khô bò, xiên que nướng… đến các món chè, sinh tố, đáp ứng tiêu chí “ngon bổ rẻ”.
Đi chợ mua khô hải sản
Những món khô hải sản như khô mực, khô cá bò, cá chỉ vàng… là đặc sản xứ Nẫu có thể mua làm quà cho bạn bè. Bạn nên ghé chợ Quy Nhơn, chợ Khu 6… để khám phá các sạp khô hải sản.
Theo VNExpress
Thiên đường dưới đáy biển ở Nhơn Hải
Ở Nhơn Hải, chỉ cần giữ mình nổi trên mặt nước rồi úp mặt xuống là thấy được điều kỳ diệu dưới đáy biển rồi.
Biển Nhơn Hải cách TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng gần 10 km. Bạn đi qua cầu Thị Nại rồi hỏi người dân nơi đây đường xuống làng chài Nhơn Hải là sẽ dễ dàng tìm thấy. Nhắc đến lặn biển ngắm san hô chắc chắn nhiều người sẽ bình chọn cho Cù Lao Chàm hay vùng biển Nha Trang - Khánh Hòa là nơi lặn biển lý tưởng nhất. Nhưng chắc chắn nếu một lần được đắm mình xuống làn nước trong vắt của biển Nhơn Hải thì chắc chắn bạn sẽ phải thay đổi quan điểm.
Biển Nhơn Hải là một xóm chài nhỏ, không phải khu du lịch sầm uất.
Dọc theo con đường bê tông ven biển vào xóm chài nhỏ là cảnh sinh hoạt rất đời thường của ngư dân nơi đây, người đan lưới, người đang nhặt nhạnh đôi ba con cá cho bữa tối của gia đình, người xối nước tắm rửa cho con...
Những chiếc thuyền thúng nằm rải rác trên bờ cát như đang nghỉ ngơi sau một ngày dài ra khơi. Xóm chài nhỏ ngập tràn trong thứ mùi mặn mà nồng đượm hương vị của biển, và lúc nào cũng vang vọng trong tiếng sóng biển rì rào. Con đường nhỏ dẫn vào xóm bình yên đến lạ lùng và khiến người ta thấy nhẹ nhõm, thanh thản khi vừa thoát khỏi chốn xô bồ nơi phố thị. Đường lát bê tông nhưng nhiều đoạn vẫn phủ đầy cát trắng.
Nhơn Hải chẳng phải khu du lịch sầm uất gì, cũng chẳng có hàng quán với tiếng chèo kéo người mua kẻ bán. Chú tôi quen gia đình người ngư dân chuyên đổ buôn hải sản cho các nhà hàng ở đây, nên chú đưa chúng tôi vào nhà trò chuyện với chủ nhà một lúc. Người đàn ông làng chài với làn da chai sạn vì nắng biển đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc kính tự chế. Gọi là kính tự chế vì người dân ở đây chỉ dùng một miếng kính dũa cho mịn cạnh rồi dùng thêm miếng sắt và buộc cho khít lại bằng dây cao su, khi đeo vào giống như cái hộp tròn ở mắt và kín luôn cả phần mũi là có thể ra biển và lặn được. Chú khoe ngư dân ở đây chẳng ai có kính lặn chuyên dụng nhưng vẫn lặn và đi biển bao năm nay. Chú dặn dò chúng tôi một hồi, đại ý là không biết bơi cũng lặn được, không phải lo. Điều đặc biệt nhất đó là lặn biển ở đây không cần đến chân nhái mà thay vào đó là phải mang giày. Tôi nghĩ đi biển nên mang theo đôi dép xỏ ngón từ nhà, ông chú làng chài thấy vậy thì nói tôi ráng giữ cho chắc không trôi luôn dép là đi chân trần về.
Mấy chú cháu trèo lên chiếc thuyền thúng lênh đênh ra biển. Cảm giác tròng trành trên chiếc mủng tròn lần đầu vừa thú vị nhưng lại vừa sợ. Sợ rằng chỉ cần cựa quậy một chút thôi thì cả thuyền sẽ vì mình mà lật xuống biển mất. Ra xa bờ khoảng 15 phút, người đàn ông làng chài bảo chúng tôi đặt thử mặt kính lên nước biển rồi nhìn qua đó xem. Mới chỉ ở trên thuyền nhìn xuống chúng tôi đã thấy những rặng san hô đẹp đến khó tả thành lời rồi. Tôi từng lặn biển Cù Lao Chàm, đã ngắm san hô ở Nha Trang nhưng chưa bao giờ tôi thấy san hô đẹp đến thế và nhiều loại đến thế. Thậm chí không cần kính, qua làn nước trong vắt kia chúng tôi cũng có thể thấy được từng khóm san hô đang rung rinh theo làn nước. Đặc biệt hơn nữa, ở biển Nhơn Hải bạn không cần phải lặn xuống sâu như biển Nha Trang, chỉ ngồi trên thuyền thôi bạn cũng đã có cảm giác với tay xuống là chạm được vào san hô rồi.
Cuộc sống đời thường ở biển Nhơn Hải.
Chúng tôi lúc này bắt đầu nhẹ nhàng thả mình xuống nước. Lúc này tôi mới hiểu tại sao phải mang giày. Lặn biển ở đây chỉ cần giữ mình nổi trên mặt nước rồi úp mặt xuống nước là thấy được điều kỳ diệu dưới đáy biển rồi. Tôi đã thấy cả một thiên đường san hô cùng những loài cá với những màu sắc tuyệt đẹp mà có lẽ tôi đã từng nghĩ trong đời sẽ chỉ được thấy trên kênh Discovery mà thôi. Cảm giác được thả lỏng cơ thể lênh đênh theo sóng biển thật sự rất tuyệt. Bạn sẽ thấy mình bé nhỏ tựa một chú cá giữa biển khơi. Nếu để chìm người xuống chắc chắn chân bạn sẽ vướng vào san hô và nếu không mang giày thì chắc chắc chúng sẽ cứa và làm xước da bạn, vết xước khi ở trong nước biển mặn sẽ xót vô cùng.
Ngư dân nơi đây sống nhờ biển, sống cùng biển nên họ trân trọng và yêu biển đến da diết. Người đàn ông làng chài thân thiện và có phần rất quý chúng tôi nhưng nét mặt đều đanh lại mỗi khi nhắc đến chuyện không được làm hỏng san hô hay tìm cách bẻ chúng mang về nhà, túi trái cây chúng tôi mang theo để ăn lúc ngồi trên thuyền cũng nhất quyết phải gói lại đem vào bờ vất.
Biển Nhơn Hải tuyệt đẹp với làn nước xanh trong nhìn thấu đáy. Và có lẽ cũng bởi nơi đây còn chưa thực sự phát triển về du lịch nên nó vẫn giữ được cho mình sự hoang sơ như đúng những gì mẹ thiên nhiên đã ban tặng.
Theo ngôi sao
4 ngày khám phá đất võ Bình Định Đất võ đón khách với biển xanh, cát trắng, tháp Chăm hùng vĩ, võ thuật Tây Sơn cùng các đặc sản địa phương. Từ tháng 2 tới tháng 8 là thời điểm lý tưởng để du lịch Bình Định. Khoảng thời gian còn lại thường có bão lũ. Bạn có thể đến Bình Định bằng xe cá nhân, xe khách, tàu hỏa hay...