10 tác phẩm kinh điển của kỷ nguyên vàng phim hành động
Thập niên 1980 là thời hoàng kim của dòng hành động với những người hùng cơ bắp. Những tựa đề như “ The Terminator”, “ Predator”, “ Die Hard” vẫn giữ nguyên sức ảnh hưởng tới hôm nay.
Raiders of the Lost Ark (1981): Bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg đã đặt ra chuẩn mực mới cho dòng phim phiêu lưu hành động, đồng thời giới thiệu với công chúng một trong những người hùng vĩ đại nhất: Indiana Jones, dưới sự thể hiện của Harrison Ford. Nhà khảo cổ học đã dẫn dắt khán giả qua nhiều vùng đất trên thế giới, đưa họ qua những khoảnh khắc thót tim, sợ hãi, rồi vỡ òa. Raiders of the Lost Ark là bộ phim gần như hoàn hảo, và giúp mở ra thương hiệu giải trí gần 40 năm tuổi.
Mad Max 2 (1981): Kinh phí 4,5 triệu USD của Mad Max 2 cao gấp 10 lần so với phần đầu tiên. Với số tiền mới, đạo diễn George Miller đã nâng tầm thương hiệu khi bộ phim tiến bộ hơn hẳn so với phần một ở mọi khía cạnh kỹ thuật. Tất cả giúp người xem quên đi một thực tế rằng nội dung hai bộ phim tương đối giống nhau. Mad Max 2 chính là nước cờ cần thiết và quan trọng để loạt Max Điên có thể tiếp tục kéo dài tới tận ngày nay.
First Blood (1982): Không chỉ dừng lại ở các cảnh hành động bạo lực, First Blood còn đem lại cho khán giả cái nhìn về chân dung người lính Mỹ sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam. Có một điều thú vị rằng John Rambo (Sylvester Stallone) đã lấy mạng của hơn 500 đối thủ suốt cả loạt phim, nhưng chỉ một trong số đó diễn ra ở phần đầu tiên. Do đó, First Blood rất khác biệt so với các tập Rambo sau này, cũng như nhiều phim hành động cùng thời, và trở nên vô cùng đáng nhớ.
The Terminator (1984): Thực chất chỉ là một phim độc lập, nhưng câu chuyện một chiến binh tương lai và một người máy tương lai du hành về quá khứ để giao chiến đã giúp mở ra một thương hiệu kéo dài hơn 30 năm. James Cameron tạo ra những điều chưa từng thấy trước đây tại Hollywood với The Terminator, còn người máy T-800 lập tức trở thành vai diễn biểu tượng của Arnold Schwarzenegger. Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của tác phẩm, dù cho đến những phần gần nhất, thương hiệu Kẻ hủy diệt đã xuống sức rõ rệt.
Video đang HOT
Aliens (1986): Thực hiện phần tiếp theo cho tác phẩm kinh điển Alien (1979) là nhiệm vụ không hề đơn giản. Song, James Cameron đã làm được. Trái với đồng nghiệp Ridley Scott, Cameron không chọn yếu tố kinh dị làm chủ đạo, mà biến Aliens thành như một tác phẩm hành động. Kết quả là khán giả được theo dõi một tác phẩm giật gân từ đầu tới cuối. Aliens sau đó giành hai tượng vàng Oscar cho các hạng mục kỹ thuật, và giúp Sigourney Weaver có đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Predator (1987): Đạo diễn John McTiernan quy tụ một dàn diễn cơ bắp, với Arnold Schwarzenegger đứng đầu, để rồi từng người trong số họ lần lượt ngã xuống vì một sinh vật bí ẩn. Predator cứ thế khiến người xem mong chờ rồi tiếc nuối với từng gương mặt một, cho tới khi Dutch (Arnie) ra tay. Suốt hơn 30 năm qua, không có bất cứ phim hậu truyện, tiền truyện hay ngoại truyện nào của Predator có thể vượt qua tập đầu. Điều đó cho thấy bộ phim mở ra thương hiệu tốt đến thế nào.
RoboCop (1987): Nhiều pha hành động bạo lực, một nhân vật có vẻ ngoài giúp các vật phẩm ăn theo bán chạy, nhưng RoboCop còn đáng nhớ hơn thế. Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Paul Verhoeven, nhiều thông điệp ẩn dụ sâu cay về văn hóa Mỹ len lỏi khắp trong phim. Đây là điều giúp RoboCop trở nên đặc biệt trong con mắt khán giả và báo chí suốt hơn 30 năm qua. Đáng tiếc thay, các phim hậu truyện sau đó không thể tiếp nối thành công ấy.
Lethal Weapon (1987): Lethal Weapon là một đỉnh cao của dòng phim buddy cop. Kịch bản phim không quá đột phá, nhưng sự ăn ý giữa Mel Gibson với Danny Glover đã biến bộ đôi cảnh sát Riggs – Murtaugh trở nên kinh điển trong mắt khán giả. Đồng thời, phim cũng khéo léo cân bằng yếu tố hành động với tâm lý xoay quanh đời tư của hai nhân vật chính. Lethal Weapon sau đó có thêm bốn phần hậu truyện, và phần 5 vẫn được ấp ủ bấy lâu nay, dù Gibson và Glover nay đã lớn tuổi.
Die Hard (1988): John McClane (Bruce Willis) trông không cơ bắp như nhiều nhân vật hành động cùng thời. Nhưng sự máu lửa của chàng cảnh sát thành phố New York trong cuộc giải cứu vợ khỏi bọn khủng bố trên tòa tháp Nakatomi Plaza thì khó ai sánh bằng. Nhiều lời thoại và pha hành động trong Die Hard đã trở thành kinh điển, được các bộ phim sau này học hỏi theo. Thật tiếc khi chất lượng các phần hậu truyện của Die Hard cứ thế giảm dần, và tương lai của Die Hard 6 bị đặt dấu hỏi sau khi Disney thâu tóm Fox.
The Killer (1989): Nối tiếp thành công của A Better Tomorrow (1987), đạo diễn Ngô Vũ Sâm và tài tử Châu Nhuận Phát tiếp tục hợp tác qua The Killer - tác phẩm được ví như tượng đài của dòng hành động, và gây ảnh hưởng tới nhiều bộ phim Hollywood nổi tiếng sau này như Desperado, Leon, Jackie Brown… Trường đoạn đọ súng cuối phim được Ngô Vũ Sâm thực hiện chỉn chu, kỹ lưỡng. Theo truyền thông, trong thập niên 1990, đã có rất nhiều bộ phim ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương cố gắng bắt chước theo The Killer.
Ôn lại những điều đáng nhớ về Rambo- thương hiệu hành động được yêu thích hàng đầu Hollywood
Đã gần 40 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên anh hùng chiến trận Rambo được giới thiệu tới khán giả, và cũng đã hơn 10 năm kể từ phần phim thứ tư ra mắt, ngôi sao cơ bắp Sylvester Stallone nay tái xuất với chương cuối cùng mang tên Rambo: Hồi Kết Đẫm Máu.
Siêu phẩm kinh phí thấp
Ý tưởng khởi nguồn của loạt phim Rambo bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết First Blood phát hành năm 1972. Nhân vật chính Rambo trong tiểu thuyết được mô tả là một cựu binh bất hạnh nhưng cũng vô cùng tàn bạo, thậm chí xuống tay hạ sát nhiều người. Đến khi chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên năm 1982, đạo diễn Ted Kotcheff đã biến Rambo thành một người hùng thực thụ. Hình ảnh người chiến binh với hình thể vạm vỡ đầy nam tính đã khiến khán giả Mỹ thời bấy giờ "phát cuồng". Chỉ với kinh phí sản xuất 15 triệu Dollar, First Blood đã thu về 125 triệu Dollar doanh thu trên toàn cầu. Phần phim thứ hai ra đời sau đó ba năm nâng mức danh thu lên 300 triệu. Sau bốn phần phim, thương hiệu "hốt bạc" Rambo đạt mức doanh thu phòng vé gần 800 triệu Dollar. Đây là mức lợi nhuận khổng lồ với loạt tác phẩm có kinh phí mỗi phần chỉ vẻn vẹn tám chữ số, đưa Rambo trở thành một trong số những thương hiệu phim hành động được yêu thích nhất trong lịch sử điện ảnh.
Tác phẩm định nghĩa thể loại hành động
Là một thương hiệu hành động đúng nghĩa, chắc hẳn Rambo sẽ khiến không ít khán giả bất ngờ khi nhớ lại ở phần đầu tiên, người lính thiện chiến này chỉ lấy mạng đúng một người duy nhất do tai nạn. Tới phần hai, số lượng đối thủ phải nằm xuống đã tăng lên con số 58 và tới phần ba là 78. Rambo đã đi tới nhiều quốc gia, nhiều chiến trường khốc liệt với sức mạnh không thể ngăn cản. Hình ảnh Rambo đơn thương độc mã san bằng các chiến trận đã trở thành biểu tượng nam tính tại Hollywood và định nghĩa nên thể loại bom tấn hành động.
Rambo mở đầu cho một thập kỷ cơ bắp của Hollywood.
Năm 1984, người máy Terminator ra đời trên màn ảnh rộng, được coi là một phiên bản mang tính khoa học viễn tưởng của Rambo. Và hai năm sau nữa, một bộ phim hành động đẫm máu khác là Predator ra đời với sự xuất hiện của Arnold Schwarzenegger. Và trong suốt thập niên 80, liên tiếp những tác phẩm hành động có nhân vật trung tâm là những diễn viên nam tính, sở hữu kỹ năng chiến đấu xuất sắc được ra đời như Die Hard, Days Of Thunder, Robocop,... Tất cả đều tiếp bước xu hướng làm phim mà Rambo đã mở ra cho lớp khán giả khao khát những phút giây giải trí "nặng đô" cùng các pha bạo lực, cháy nổ mãn nhãn. Chính cơ bắp của Sylvester Stallone đã gây dựng nên một thể loại phim và cả bộ mặt điện ảnh Mỹ thập niên 80.
Những món vũ khí huyền thoại
Nếu những thương hiệu hành động như James Bond hay Die Hard thường gắn liền với những kiều nữ xinh đẹp thì Rambo lại là loạt phim của những món vũ khí hạng nặng. Qua các phần phim, khán giả được chứng kiến Rambo sử dụng các vũ khí từ dao găm đến cung tên, súng ngắn, súng trường, tiểu liên, súng phun lửa, súng máy và thậm chí là cả bệ phóng tên lửa có thể dễ dàng thổi bay chiếc trực thăng trên bầu trời. Độ thăng cấp hoành tráng của vũ khí tỉ lệ thuận với mức độ gay cấn, kịch tính của những màn đối đầu.
Loạt vũ khí phong phú mà Rambo sử dụng qua các phần phim.
Tuy nhiên, những tháng ngày mà khán giả ra rạp chỉ để giải trí bằng đánh chém đã qua. Ở phần phim mới nhất và cũng là phần phim cuối cùng, khán giả sẽ không được thấy Rambo vác theo mình những món vũ khí cồng kềnh và đánh bắn đầy bạo lực nữa. Người anh hùng nay đã trở về quê nhà, lựa chọn cuộc sống yên bình cần một mục đích khác và một phương thức chiến đấu khác.
Rambo đã thay đổi qua các phần phim.
Rambo: Hồi Kết Đẫm Máu mở ra bối cảnh tại nông trại ở Arizona, nơi Rambo đã có gia đình mới của mình: em gái Maria và cháu gái Gabriela. Gabriela - cô gái có mẹ đã qua đời từ rất lâu và bị chính cha ruột của mình bạo hành, bỏ rơi được Rambo yêu quý và nuôi dạy như con gái. Khi trở thành thiếu nữ, Gabriela lại muốn chạm mặt người cha nhẫn tâm ấy và tự mình tìm lời giải đáp cho sự tệ bạc của lão năm xưa. Buổi sáng hôm sau khi cô con gái thương yêu ra đi và không trở về nhà, bản năng đã mách bảo Rambo rằng có điều gì đó chẳng lành. Ông đã lên đường để tìm Gabriela và nỗi sợ kinh hoàng nhất của Rambo đã trở thành hiện thực khi ông chứng kiến Gabriela bị những thành viên của một băng đảng xã hội đen khét tiếng đánh thuốc và lạm dụng. Lòng ngập tràn hận thù và sự căm phẫn trỗi dậy sau nhiều năm ngủ yên, Rambo đã sẵn sàng cho một trận chiến khốc liệt.
Trong cuộc chiến này, Rambo sử dụng các kỹ năng của một người lính đặc nhiệm và kinh nghiệm tận dụng môi trường sống quanh mình để truy lùng và giăng bẫy con mồi. Bộ phim vẫn sẽ được dàn dựng thực tế hơn để phù hợp hơn với thị hiếu khán giả hiện đại nhưng vẫn đảm bảo vô số những phân cảnh hành động dữ dội, những màn đấu súng gay cấn và những màn trả thù đẫm máu không kém những phần phim đình đám trước đây.
Rambo: Hồi kết đẫm máu khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ thứ ba ngày 24.12.2019.
Theo yeah1
Liệu 'quầy ăn nhanh' 2 tỷ USD có thể thay đổi thói quen xem phim? Quibi được rót cho 2 tỷ USD tiền đầu tư. Đây là ứng dụng cung cấp các tác phẩm có độ dài dưới 10 phút và được ví như "quầy bán đồ ăn nhanh" của ngành công nghiệp giải trí. Các nhà đầu tư đã rót cho dự án Quibi cả một gia tài lên tới gần 2 tỷ USD nhằm mục đích...