10 sự thật bất ngờ về streamer – công việc “hái ra tiền” bao người mơ ước ở Trung Quốc
Chẳng ai có thể nhàn nhã nằm một chỗ rồi hàng tháng tiền vẫn đổ về tài khoản đều đều đâu. Và tất nhiên, các streamer cũng có không ít những góc khuất mà nhiều người chẳng hề hay biết.
Streamer hay còn được gọi là Caster, là người truyền phát các nội dung trực tuyến. Công việc này giống như bình luận viên nhưng trước đây họ chủ yếu bình luận cho các trò chơi điện tử, còn hiện tại những nội dung của streamer đang ngày càng được mở rộng hơn, từ MV ca nhạc, phim ảnh, cho tới mỹ phẩm, làm đẹp…
Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng mạng xã hội, ở nhiều nước trên thế giới cũng xuất hiện ngày càng nhiều streamer. Rất nhiều người đã đổi đời nhờ công việc này, thậm chí tin tức về thu nhập khủng của các streamer nổi tiếng khiến cho đám đông quần chúng không khỏi choáng váng.
Nhận ra tiềm năng của ngành nghề mới mẻ ấy, giới trẻ Trung Quốc cũng rủ nhau đổ xô đi làm streamer. Có không ít người đã thu được những thành quả rực rỡ, nhưng tất nhiên cũng có nhiều người phải ngậm đắng nuốt cay mà từ bỏ.
Nghe nói một streamer ăn nên làm ra ở Trung Quốc có thể kiếm được hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn vạn tệ mỗi tháng (1 vạn tệ tương đương 10.000 tệ ~ 34 triệu đồng). Lẽ nào đây chính là “việc nhẹ lương cao trong truyền thuyết” mà bất kỳ ai cũng đều mong ước đó sao?
Tuy nhiên, thực tế thì công việc này không chỉ đơn giản là ngồi trước ống kính rồi “chém gió” vài tiếng đồng hồ như nhiều người vẫn tưởng. Để trở thành một streamer chân chính cũng cần phải có kiến thức, phải có độ hiểu biết sâu sắc về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó. Và mặc dù thường xuyên xuất đầu lộ diện, nhưng ngành nghề này lại không theo kiểu “có nhan sắc là có tất cả”, chỉ những người đủ chăm chỉ, đủ thông minh, đủ may mắn mới có thể bám trụ lại được.
Lý Giai Kỳ – streamer, beauty blogger từng giành kỷ lục Guinness “người đánh son cho nhiều người nhất trong vòng 30 giây” và được mệnh danh là “ông hoàng son môi” ở Trung Quốc từng có lần chia sẻ, bởi vì phải online thường xuyên nên anh không thể sống một cuộc sống bình thường như trước kia. Streamer sinh năm 1992 đã bị mất rất nhiều mối quan hệ, bạn bè ngày càng ít đi, số lần ra ngoài giao lưu với xã hội cũng thưa thớt dần. Tuy thành đạt, anh vẫn không được hưởng thụ cảm giác thành tựu, thay vào đó là áp lực trĩu nặng đôi vai.
Anh cho biết, trong suốt 1 năm trời, bản thân luôn trong trạng thái đang livestream hoặc chuẩn bị livestream. Tần suất livestream khoảng 389 lần/năm khiến anh dường như không có lúc nào được thả lỏng. Nhìn vẻ hào nhoáng khi lên hình, không ai có thể biết được những bóng đen tâm lý mà anh đang phải đối mặt mỗi ngày.
Vốn dĩ khi xưa Lý Giai Kỳ luôn hào hứng mỗi lần livestream, nhưng lâu dần, niềm vui ấy đã chuyển thành gánh nặng. Chính vì vậy, Lý Giai Kỳ từng có thời kỳ phải tuyên bố tạm dừng công việc để điều chỉnh cuộc sống.
Cũng tương tự Lý Giai Kỳ, “ngôi sao” Taobao (trang bán hàng online phổ biến hàng đầu Trung Quốc) Vi Á cũng có những nỗi niềm chẳng ai hiểu thấu. Nhiều người cho rằng cô quá may mắn, nhưng kỳ thực, để có được thành công rực rỡ, Vi Á đã phải trả giá rất lớn. Chưa bàn tới những thứ khác, mà chỉ riêng thời gian biểu hàng ngày của cô thôi cũng đủ khiến cho người ta choáng váng:
- 15h: Thức dậy.
- 16h-19h: Đến công ty lựa chọn và dùng thử hàng ngàn sản phẩm.
- 19h-19h30: Duyệt kịch bản, thực hiện công tác chuẩn bị.
- 19h30-20h: Makeup.
- 20h-0h: Livestream.
- 0h-6h: Tổng hợp thành quả livestream, lọc sản phẩm, bàn bạc công việc với đối tác.
- 6h-10h: Trở về nhà, ăn cơm.
Đấy là còn chưa kể trong khoảng thời gian 4-5 tiếng đồng hồ tạm trống để nghỉ ngơi, Vi Á còn phải chạy đi chạy lại tới công ty giải quyết nốt những vấn đề phát sinh.
Video đang HOT
Nhìn vào lịch trình sinh hoạt của cô, nhiều người không khỏi lắc đầu cảm thán: “Đúng là chẳng ai có thể ung dung nằm một chỗ rồi hàng tháng tiền vẫn đổ về tài khoản đều đều cả!”
Tuy bề ngoài có vẻ nhàn hạ, thậm chí là sung sướng, nhưng các streamer cũng có những lúc vừa mỉm cười ngoài mặt vừa lén nuốt nước mắt vào trong. Chỉ cần ống kính được giơ lên, họ lập tức phải trưng ra dáng vẻ thoải mái, tươi tỉnh. Không những thế, việc ngồi một chỗ quá lâu sẽ gây ra những tổn hại khó lường cho cơ thể con người. Nhưng trong thời gian livestream, bất luận là dài mấy tiếng đồng hồ hay đói đến mức độ nào, nhiều người cũng không dám uống miếng nước hay chạy ra ngoài đi vệ sinh, bởi ai cũng sợ khán giả của mình sẽ bỏ đi mất.
Đa phần streamer đều là những “trạch nam, trạch nữ” (những người chỉ ở ru rú trong nhà, không có nhiều cơ hội giao lưu với mọi người). Không chỉ mất dần những mối quan hệ đời thực, nhiều người thậm chí còn rơi vào tình trạng “mất liên lạc với thế giới bên ngoài”. Nghĩ mà xem, mỗi lần tắt livestream đi, cảm giác cô đơn và trống rỗng ập tới mới đáng buồn làm sao!
Kỳ thực, ngành nghề nào cũng đều có những mặt sáng – mặt tối mà chỉ người trong cuộc mới hiểu thấu. Và để có cái nhìn toàn diện hơn, hãy cùng khám phá 10 sự thật về nghề streamer ở Trung Quốc dưới đây:
1. Streamer vùng Đông Bắc có nhiều fan nhất
Có một sự thật khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, đó là trong hầu hết các BXH độ hot của giới streamer Trung Quốc thì số người đến từ vùng Đông Bắc luôn chiếm đến 1/2. Kết quả một cuộc khảo sát trên mạng cho thấy những streamer người Đông Bắc đa phần được yêu thích bởi tính cách thoải mái, thành thật và rất biết cách dẫn dắt câu chuyện, cũng bởi vậy mà lượng fan của họ luôn tăng rất nhanh.
2. Thu nhập chênh lệch so với nhiều ngành nghề truyền thống
Ước tính có khoảng 6,6% streamer toàn thời gian ở Trung Quốc có mức thu nhập cao hơn 30.000 tệ (tương đương 102 triệu đồng)/tháng, 35% có mức thu nhập cao hơn 8.000 tệ (tương đương 27 triệu đồng)/tháng. Những streamer làm việc bán thời gian có mức thu nhập cao hơn 8.000 tệ/tháng vào khoảng 5%.
Theo Cục thống kê Trung Quốc, thu nhập bình quân của người lao động trong các cơ quan nhà nước vào năm 2016 là 5.630 tệ (tương đương 19 triệu đồng)/tháng. Nhìn chung thì mức thu nhập của streamer cao hơn khá nhiều so với một số ngành nghề truyền thống.
3. Streamer cũng mắc bệnh nghề nghiệp
84% streamer khi được hỏi đều thừa nhận vì thường xuyên phải làm việc với cường độ cao nên họ đều mắc các bệnh nghề nghiệp. Trong đó, có 3 nguyên nhân chính khiến họ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe: áp lực tâm lý quá lớn, thoái hóa đốt sống cổ và ngủ không đủ giấc.
Bệnh nghề nghiệp của nam và nữ streamer cũng có đôi chút khác biệt. 25,5% nam streamer than phiền cổ họng của họ phải hoạt động hết công suất dẫn đến đau họng, tổn thương dây thanh quản; 24% cho biết thời gian làm việc mỗi ngày đều rất dài nên thường ngủ không đủ giấc. 30% nữ streamer cảm thấy thời gian ngồi trong không gian hẹp quá lâu khiến họ ít được vận động, gây ảnh hưởng đến đốt sống lưng và đốt sống cổ; 23,5% lại nói áp lực công việc quá lớn, luôn cần phải điều chỉnh cảm xúc.
4. Thế hệ 9X là chủ lực
Thời đại công nghệ số cũng tạo nên những thay đổi trong việc lựa chọn ngành nghề của thế hệ trẻ. Theo thống kê của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, cùng với một số ngành như chuyên viên makeup, diễn viên lồng tiếng, chuyên viên đánh giá và phát triển game…, streamer cũng là một công việc mà ngày càng nhiều các bạn trẻ 9X đều hướng tới.
5. Học thức rất quan trọng
Thu nhập của streamer cao hay thấp đôi khi cũng phụ thuộc vào bằng cấp của họ. Theo thống kê, trong số những streamer có thu nhập trên 8.000 tệ thì có tới 63% là sinh viên và thạc sĩ. Số lượng nam streamer có thu nhập cao cũng nhiều hơn là nữ, 16% nam streamer có thu nhập trên 8.000 tệ, nguyên nhân là do số lượng nam giới chọn công việc này ít hơn nữ giới nên tỷ lệ cạnh tranh cũng thấp hơn.
6. Nhan sắc không phải là điều kiện tiên quyết
Không thể phủ nhận đối với cộng đồng mạng, nhan sắc là thứ vũ khí vô cùng quan trọng, thường thì những người xinh đẹp sẽ dễ dàng được đón nhận hơn. Thế nhưng, theo một báo cáo được thực hiện vào năm 2017, chỉ 10% người được khảo sát đồng ý với quan điểm “đẹp là có quyền”, còn phần đông khán giả lại cho rằng 3 yếu tố quyết định độ hot của một streamer bao gồm: hài hước, có tài năng và giao tiếp tốt.
Có thể thấy, để trở thành một streamer được chú ý thì nhan sắc không phải là điều kiện tiên quyết, mà thứ họ cần chính là một cá tính riêng, một vài tài năng ở lĩnh vực nào đó và khả năng biểu đạt ngôn ngữ xuất sắc.
7. Nam giới thích xem livestream hơn nữ giới
So với nữ giới thì nam giới có xu hướng thích xem những nội dung được truyền phát trực tiếp hơn. Có tới 49,7% nam giới được hỏi đã cho biết họ thường xem livestream mỗi ngày, trong khi con số này ở nữ giới là 41%.
8. Đa số đều không hề chán ghét nghề streamer như người ta vẫn tưởng
52,6% streamer cho rằng công việc của mình “ngoài thì hào nhoáng, trong thì chua chát”. 20% cảm thấy nghề này không được xã hội công nhận như các ngành khác. 44,5% streamer tiết lộ đang trong trạng thái độc thân, còn trong số những người đã có đôi có cặp thì có tới 76,1% cho biết người yêu của họ đều không hề chán ghét hay xem thường công việc này. 62,5% gia đình không hề cảm thấy phiền lòng với việc con mình suốt ngày ngồi lì trước ống kính livestream.
Ngoài ra, có tới 69,4% sẽ không ngăn cản, thậm chí còn ủng hộ người thân hoặc người yêu của mình trở thành streamer. Mà đối với một streamer, sự công nhận và cổ vũ từ những người thân yêu luôn là điều vô cùng quan trọng.
9. Cần phải bỏ vốn đầu tư
Streamer là một công việc cần có sự đầu tư về mặt vật chất. Để có thể truyền phát một cách thuận lợi và tạo ra nhiều nội dung phong phú, các streamer buộc phải chi tiền sắm sửa những trang thiết bị hiện đại: từ máy tính, đèn chiếu, micro cho đến những vật dụng trang trí.
Khoảng 15% streamer toàn thời gian đã chi ra hơn 5.000 tệ (tương đương 17 triệu đồng) để mua sắm phục vụ công việc, 2% thì đầu tư hẳn hơn 20.000 tệ (tương đương 68 triệu đồng) cho việc này. Thậm chí ngay cả những streamer bán thời gian cũng có đến 4,5% sẵn sàng chi ra hơn 5.000 tệ để mua sắm các công cụ cần thiết.
10. Hoàn cảnh sống khác biệt cũng tạo nên cái nhìn không giống nhau
Streamer vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ với nhiều người, vì vậy, không phải ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận cho người thân hay người yêu của mình làm công việc ấy.
Theo thống kê, 5 khu vực ở Trung Quốc có nhiều người tiếp nhận nghề streamer nhất bao gồm: Quảng Tây, Hải Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây và Quảng Đông. Trong đó, số người không cảm thấy phiền lòng hoặc sẽ ủng hộ người thân làm streamer chiếm tới 75%. Tuy nhiên, ở Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố phát triển khác, số người ủng hộ ngành nghề này lại khá thấp. 5 khu vực có mức phản đối nhiều nhất bao gồm: Thượng Hải, Bắc Kinh, Giang Tô, Thiên Tân và An Huy. Trong đó, mức phản đối mạnh mẽ nhất lên tới 42,6%.
So với nữ giới thì nam giới lại càng bận tâm hơn đến việc một nửa của mình làm streamer. 36,7% nam giới cho biết sẽ thấy phiền lòng khi bạn gái của mình có ý định dấn thân vào sự nghiệp streamer.
Tóm lại, tạm không bàn đến việc làm streamer sung sướng hay đau khổ nhiều hơn, đây vẫn là một ngành nghề đầy triển vọng trong mắt giới trẻ. Thiết nghĩ, chỉ cần đủ năng lực và đam mê thì thử sức một chút cũng chẳng hề hấn gì, bởi chẳng ai có thể nhàn nhã nằm một chỗ mà hàng tháng tiền vẫn đổ về tài khoản đều đều được đâu!
Vì sao giới trẻ Việt nở rộ trào lưu làm streamer 'hái ra tiền'?
Sự nổi tiếng đến một cách chóng vánh của những nhân vật trong giới streamer đã thu hút các bạn trẻ theo đuổi công việc đầy mơ ước này.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mọi người ở nhà nhiều hơn. Nhờ đó, các nền tảng livestream lớn trên thế giới như YouTube, Facebook hay Twitch đều báo cáo số lượng người dùng và số giờ xem tăng vọt.
Không có số liệu cụ thể ở thị trường Việt Nam, nhưng với kỷ lục về lượng người xem streamer Việt liên tục bị phá trên hai nền tảng phổ biến là YouTube và Facebook Gaming, nhiều bạn trẻ đã xem đây là một cơ hội đổi đời nếu biết nắm bắt thời cơ đúng lúc.
Môi trường đầy cám dỗ
Livestream là con đường đầy cám dỗ với những người trẻ mong ước đổi đời. Thật vậy, nếu chỉ thỉnh thoảng đọc tin tức, người ta cũng dễ dàng nghe đến những vụ donate của fan cho các streamer số tiền lên tới cả chục triệu đồng ở Việt Nam, hoặc cả chục nghìn USD ở trên thế giới.
Donate là hình thức tặng quà ảo hoặc tặng tiền cho thần tượng ở các buổi livestream với số lượng không hạn chế. ViruSs, Baroibeo hay Độ Mixi là những streamer nằm trong nhóm được donate khủng nhất Việt Nam hiện nay, với mỗi buổi phát trực tiếp có thể nhận ít nhất từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
ViruSs được nhận 100.000 Sao (khoảng 23 triệu đồng) chỉ trong một lần donate
Phương thức kiếm tiền của các streamer này là vừa chơi game, vừa bình luận hoặc trò chuyện với các fan để thu hút người xem. Đây được xem là hình thức lao động chân chính và lành mạnh.
Ngoài cách thức trên, còn nhiều hình thức livestream 'bẩn' biến tướng khác nằm ngoài phạm vi bài viết này, thu hút được lượng người donate không hề nhỏ nhờ những hành động phản cảm
Có thể nói, số tiền donate khổng lồ mà các streamer nhận được chính là thứ kích thích các bạn trẻ tham gia và theo đuổi con đường này bất chấp mọi hậu quả của việc livestream 'bẩn'.
Thời của livestream ở Việt Nam
Trước Facebook Gaming, không một nền tảng nào đủ sức đe dọa vị thế thống trị của YouTube ở Việt Nam. Thậm chí, đã có những nền tảng phải ngậm ngùi rời cuộc chơi trong cay đắng dù trước đó rót rất nhiều tiền đầu tư như Cube TV của Bigo Live hay Azubu của một startup ở Bắc Mỹ.
Xa hơn nữa, cuộc chơi livestream ở Việt Nam từng được khơi mào bởi TalkTV của VNG, nhưng sau đó đành bất lực đóng cửa vì không thể kiểm soát được tình trạng phát phim nhạy cảm và chiếu trực tiếp bóng đá vi phạm bản quyền trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, điều đó không làm cho làn sóng đầu tư vào cuộc chơi livestream ở Việt Nam bị dừng lại cho đến ngày nay. Gần đây, Facebook Gaming đã chi rất mạnh tay để chèo kéo những cái tên nổi bật như PewPew hay ca sĩ Khởi My làm việc trên nền tảng này ít nhất 3 giờ mỗi ngày.
Trước đó, Facebook Gaming được cho là đã bỏ ra không dưới 25.000 USD/tháng (khoảng 580 triệu đồng) để giữ chân thần đồng Chim Sẻ Đi Nắng cùng cộng đồng fan trung thành với Đế chế.
Cuộc chiến nền tảng livestream ở Việt Nam đã kéo theo sự nở rộ của nghề streamer
Một nền tảng khác là Nonolive cũng bỏ ra tới 20.000 USD/tháng (khoảng 460 triệu đồng) để ký hợp đồng độc quyền với Linh Ngọc Đàm hồi năm 2018. Những streamer đình đám vẫn đang hợp tác với nền tảng này có thể kể đến Baroibeo, DũngCT hay AS Mobile.
Ít nổi bật hơn cả là Nimo TV, dù nền tảng này đã thành công trong việc chèo kéo streamer số 1 Việt Nam hiện nay là Độ Mixi. Gần đây, Độ Mixi đã xác lập kỷ lục 242.000 người xem cùng lúc trên YouTube, gần gấp đôi kỷ lục của những đàn em như Nam Blue hay Chim Sẻ Đi Nắng trên Facebook.
Nonolive thuộc sở hữu của Douyu còn Nimo TV là thương hiệu nước ngoài của Huya, hai nền tảng livestream lớn nhất nhì Trung Quốc. Cổ đông lớn nhất ở cả Douyu và Huya chính là Tencent như ICTNews đã đưa tin cách đây không lâu.
Có thể thấy, túi tiền không đáy của những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Tencent hay Google đang giúp cho mảnh đất livestream ở Việt Nam màu mỡ hơn bao giờ hết. Cơ hội vì thế chia đều cho tất cả những bạn trẻ từ vô danh đến đã có sẵn tên tuổi được tự do nhảy sang các nền tảng khác nhau, miễn là có được một bản hợp đồng béo bở.
Một ngành công nghiệp hóa
Thời kỳ đầu, chỉ với những thiết bị cơ bản như webcam, tai nghe kèm mic cùng một bộ máy tính cấu hình vừa phải cũng là đủ để ai cũng có thể làm streamer nếu có đủ đam mê và kiên trì.
Sau đó, một thế hệ các tuyển thủ eSports lớn tuổi giải nghệ cũng gia nhập con đường này. Thị trường livestream bỗng chốc trở nên sôi động bởi họ là những người đã có tên tuổi, có kỹ năng và lượng fan hùng hậu.
Khi livestream phát triển mạnh mẽ, ngay cả các tuyển thủ lẫn BLV còn đang làm công việc chuyên môn cũng nhấn nhá vào con đường này. Những thâm cung bí sử, những câu chuyện hậu trường được tiết lộ phần nào tạo ra một thế giới streamer đầy rẫy drama cuốn hút người xem.
Xa hơn, khi những khoản tiền đầu tư được rót vào liên tục, livestream ở Việt Nam đã phát triển thành một ngành công nghiệp hóa đến mức độ khó tin. Ở đó, đằng sau mỗi streamer thành công có hẳn cả một ekip từ trang điểm, lên kịch bản, biên tập video đến quản lý hình ảnh, xây dựng thương hiệu và rất nhiều người khác.
Các streamer hàng đầu được quản lý bởi những công ty chuyên nghiệp không khác gì giới showbiz
Các công ty đào tạo streamer cũng mau chóng mọc lên không khác gì những lò đào tạo ca sĩ, diễn viên trong giới showbiz. Ở đó, các streamer cũng được tuyển chọn gắt gao với những tiêu chí như ngoại hình, biết cách trò chuyện, có khả năng chơi game đổi lại sẽ được các công ty này 'đẩy' lên thành sao chỉ trong thoáng chốc.
Thậm chí, các streamer còn được công ty chủ quản mở đường tấn công showbiz Việt và tạo ra những câu chuyện không kém phần kịch tính, tiêu biểu có thể kể đến cặp đôi rùm beng một thời PewPew và Trâm Anh, hay mới đây là NoWay và Cara, ViruSs và Ngân Sát Thủ.
Một khi dòng tiền vẫn còn đổ vào các nền tảng livestream, các công ty ươm mầm streamer vẫn tiếp tục phát triển mạnh, số lượng streamer sẽ vẫn tiếp tục nở rộ. Thậm chí ngay cả khi không còn nhà đầu tư nào, các streamer vẫn có thể sống khỏe nếu người Việt vẫn duy trì tỷ lệ xem YouTube đứng đầu như năm 2019.
Bất ngờ trước trình độ "học vấn" của Shroud, Ninja và những streamer nổi tiếng: Hóa ra chẳng ai tốt nghiệp được đại học Có lẽ nhiều người sẽ phải bất ngờ với trình độ học vấn của những tên tuổi như Shroud, Ninja hay Pokimane. Học tập không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Lịch sử cho thấy rằng cả những người có trình độ học vấn cao (như Stephen Hawking, người có bằng tiến sĩ vật lý) và những người có...