10 sự kiện thế giới nổi bật 2012
Những trận bão, lũ lớn trong năm qua khiến hàng nghìn người chết và mất tích Một vụ xả súng vô cớ ở Mỹ cũng cướp đi hàng chục sinh mạng,… Trong bối cảnh đó, người dân thế giới hồi hộp chờ đợi ảnh hưởng từ những nhà lãnh đạo nhiệm kỳ mới ở Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên, Nga…
1. Ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất Trung Quốc
Tân Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình
Trung Quốc bầu ra thế hệ lãnh đạo thứ 5, trong đó Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình ngày 15/11 được bầu làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương (đầu năm tới đảm nhiệm thêm chức vụ Chủ tịch nước).
Theo các nhà phân tích, ban lãnh đạo mới này gồm nhiều nhân vật có xu hướng bảo thủ (mà ông Lưu Văn Sơn và ông Trương Đức Giang là đại diện tiêu biểu), nên ít có khả năng họ sẽ đưa ra những chủ trương, chính sách mang tính cải cách, tiến bộ. Trong số ủy viên thường vụ này, ông Lý Khắc Cường và ông Vương Kỳ Sơn được đánh giá là có tư tưởng cởi mở, thông thoáng nhất. Có khả năng hai ông này sẽ đưa ra một số chính sách cải cách kinh tế, tài chính quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Theo giới quan sát, ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ hành động thận trọng. Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt ban lãnh đạo mới, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã tuyên bố chống tham nhũng một cách quyết liệt.
Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc được các nước rất quan tâm, vì Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao của nước này cũng đang mạnh lên trong những năm gần đây.
2. Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ
Tổng thống Barack Obama đã đánh bại đối thủ Cộng hòa Mitt Romney để tái đắc cử
Ông Obama đắc cử nhiệm kỳ 2 trong bối cảnh nước Mỹ gặp nhiều khó khăn, bất ổn về kinh tế, xã hội. Chính vì thế, tạp chí Time của Mỹ hôm 19/12 lại một lần nữa vinh danh ông Obama là nhân vật của năm, cho rằng ông “vừa là biểu tượng, vừa là kiến trúc sư của sự thay đổi”. Ông Obama là tổng thống thuộc đảng Dân chủ đầu tiên kể từ sau Tổng thống Franklin Roosevelt đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp với hơn 50% phiếu bầu, đồng thời là tổng thống đầu tiên kể từ năm 1940 tái đắc cử trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vượt 7,5%. Do ông Obama đã và đang xử lý được nhiều vấn đề tồn tại từ thời người tiền nhiệm George W. Bush, nên cử tri cho ông thêm 4 năm để phục hồi nền kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thêm việc làm.
3. Bão, lũ gây thiệt hại lớn về người và của
Video đang HOT
Bão Bopha đã khiến hơn 1.000 người chết và mất tích ở Philippines
Đầu tháng 7, lũ lớn trên diện rộng tại Ấn Độ khiến 121 người thiệt mạng và khoảng 6 triệu người rời bỏ nhà cửa. Cuối tháng 1, đầu tháng 2, băng giá kỷ lục ở Đông Âu, hơn 50 người chết. Tháng 8, bão nhiệt đới Saola quét qua nhiều nước châu Á, 44 người chết. Tháng 7, lũ lớn ở Triều Tiên, 16.000 người mất nhà. Đầu tháng 12, bão lớn ở Philippines khiến hơn 1.000 người chết và mất tích, 40.000 người sơ tán. Tháng 11, Bắc Kinh đón trận bão tuyết lớn nhất nửa thế kỷ qua, Moscow cũng tương tự. Cuối tháng 10, bão Sandy, một trong những cơn bão lớn nhất đánh vào bờ đông nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, làm thiệt mạng hơn 90 người, gây thiệt hại về kinh tế tới 50 tỷ USD.
4. Kim Jong-un nối nghiệp Kim Jong-il
Ông Kim Jong-un cho biết Triều Tiên sẽ phóng nhiều vệ tinh hơn nữa
Ông Kim Jong-un nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất của Triều Tiên sau khi cha là nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời tháng 12/2011. Ông Kim tỏ ra có đường lối cứng rắn, tiếp tục thực hiện chính sách “tiên quân” (quân sự trước tiên) của cha mình. Sau khi lên nắm quyền, ông liên tục thay Bộ trưởng, thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 4 (quân đoàn gần biên giới với Hàn Quốc trên Hoàng Hải)… bằng những người được đánh giá là có lòng trung thành tuyệt đối và có quan điểm rất cứng rắn.
Sau khi ông Kim Jong-un nhậm chức, Triều Tiên hai lần phóng tên lửa tầm xa, nói là để đưa vệ tinh quan sát trái đất vào quỹ đạo, nhưng nhiều nước lên án và cho rằng đó là để thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Vụ phóng hồi tháng 4 thất bại, vụ phóng ngày 12/12 thành công, đưa được vệ tinh vào quỹ đạo. Sau đó, ông Kim Jong-un nói rằng, Triều Tiên cần phóng nhiều vệ tinh hơn nữa, phát triển nhiều tên lửa đẩy hơn nữa. Ngày 23/12, giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, sau khi nghiên cứu mảnh vỡ tên lửa Unha-3, có thể kết luận tên lửa của Triều Tiên có tầm bay hơn 10.000 km, tới tận miền tây nước Mỹ.
5. Bất đồng trong Hội nghị ngoại trưởng ASEAN
Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, hồi tháng 7, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN kết thúc mà không công bố thông cáo chung, do bất đồng giữa các nước trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông. Chủ nhà Campuchia bị cho là ngả theo Trung Quốc. Phía Philippines chỉ trích Campuchia không làm tròn trách nhiệm của đương kim chủ tịch luân phiên ASEAN, cản trở sự đồng thuận của 10 nước thành viên về thông cáo chung. Đây bị coi là bước thụt lùi của ASEAN với tư cách một tổ chức quốc tế, ảnh hưởng đáng kể thể diện của khối vốn được coi là rất đồng thuận, đoàn kết. Mặt tiêu cực của việc không ra được thông cáo chung là thế giới bên ngoài nhận thấy ASEAN đang bị phân hóa, thậm chí chia rẽ, cụ thể là quan điểm của các quốc gia liên quan tranh chấp biển Đông có những khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy ASEAN đã trưởng thành hơn và đang trực tiếp đối mặt vấn đề gai góc, không né tránh như xưa.
6. Căng thẳng về chủ quyền biển đảo
Trên Biển Đông, tàu cá, tàu hải giám Trung Quốc bao quanh bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham, dẫn đến tình trạng tranh chấp căng thẳng với Philippines. Trung Quốc cũng tự ý thành lập thành phố Tam Sa, mời thầu dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, phát hành hộ chiếu in bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”. Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc công bố kế hoạch kiểm tra, khống chế tàu thuyền nước ngoài trên biển Đông từ 1/1/2013… Một số nhà phân tích cho rằng đây là sách lược tiến 3 bước lùi 2 bước của Trung Quốc trong việc từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Theo đó, Trung Quốc liên tục đưa ra các yêu sách, thực hiện các hành động gây căng thẳng nếu bị phản đối mạnh thì sẽ nhượng bộ một chút, nhưng rốt cục vẫn thu lợi.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Căng thẳng Trung – Nhật cũng gia tăng và kéo dài từ hồi tháng 4 khi thị trưởng Tokyo công bố kế hoạch mua lại chuỗi đảo tranh chấp với Trung Quốc, sau đó hồi tháng 9, Nhật Bản mua lại 3/5 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân. Hồi tháng 9, biểu tình chống Nhật diễn ra ở khắp Trung Quốc, gây thiệt hại nhiều cho các doanh nghiệp Nhật. Nhiều sự kiện lớn liên quan hai bên bị phía bên kia hủy bỏ. Trung Quốc gửi nhiều tàu thuyền tới Senkaku/Điếu Ngư. Căng thẳng cũng diễn ra giữa Nhật Bản và Hàn Quốc quanh các đảo tranh chấp.
7. Vụ án Bạc Hy Lai chấn động Trung Quốc
Bạc Hy Lai và con trai Bạc Qua Qua, phía sau là bức ảnh người cha Bạc Nhất Ba, một lão thành cách mạng của Đảng cộng sản Trung Quốc
Vụ bê bối giết người, tham nhũng… của vợ chồng Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh (Trung Quốc) Bạc Hy Lai – Cốc Khai Lai và Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân dần đi tới hồi kết. Bà Cốc Khai Lai lĩnh án tử hình, Vương Lập Quân lĩnh án 15 năm tù giam, ông Bạc Hy Lai mất hết chức vụ, bị khai trừ khỏi đảng, sắp bị xét xử hình sự. Vụ bê bối bắt đầu hồi giữa tháng 2, khi Vương Lập Quân chạy tới Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô, tố cáo vợ chồng Bạc – Cốc chủ mưu giết doanh nhân người Anh Neil Heywood, làm ăn phi pháp, tham nhũng, lộng quyền… Vụ việc gây chú ý mạnh mẽ vì ông Bạc được cho là một chính trị gia sáng giá, ứng viên nặng ký cho một suất trong Thường vụ Bộ Chính trị.
Ông Bạc Hy Lai tích cực ủng hộ phong trào Cách mạng Đỏ, ca ngợi sức mạnh tối cao của Đảng theo đường lối Mao Trạch Đông thời Cách mạng Văn hóa, dùng chiến dịch “bàn tay thép” để triệt phá tội phạm. Tuy nhiên, quan điểm của ông Bạc xung đột với đường lối của một số nhà lãnh đạo đương thời – những người chủ trương đẩy mạnh cải cách, mở cửa cả về chính trị và kinh tế.
8. Ông Putin đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 3
Ông Putin tuyên thệ nhậm chức
Tháng 5, ông Vladimir Putin nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 3 sau khi tái đắc cử hồi tháng 3. Cựu tổng thống Dmitry Medvedev trở thành thủ tướng theo sự đề cử của ông Putin. Bộ đôi quyền lực Medvedev-Putin phối hợp ăn ý nhiều năm qua, giúp nước Nga vượt qua khủng hoảng kinh tế – tài chính. Năm 2011, GDP của Nga đạt gần 4%, trong khi tỷ lệ lạm phát giảm xuống mức thấp nhất: dưới 7%. Bộ đôi này cũng có những chủ trương, chính sách ăn ý trong vấn đề đối ngoại, giúp làm chậm quá trình mở rộng về phía đông của NATO, kiềm chế người hàng xóm Gruzia, tái điều chỉnh quan hệ với Mỹ và châu Âu… Mặt khác, sự cầm quyền lâu năm của họ khiến nhiều phương Tây tỏ ý lo ngại rằng dễ dẫn tới những chính sách kiểu “nắm đấm sắt bọc nhung”, tạo nên một hệ thống độc tài toàn trị. Mới đây ông Putin đã lên tiếng bác bỏ ý kiến này.
9. Vụ xả súng tàn bạo trong trường học ở Mỹ
Gia đình một giáo viên bị sát hại trong vụ thảm sát ở Trường Sandy Hook khóc thương trong một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân
Vụ xả súng ở trường học tồi tệ thứ hai trong lịch sử nước Mỹ diễn ra ngày 14/12 tại trường tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut khiến 20 trẻ em và 6 giáo viên thiệt mạng. Trước khi vào trường thảm sát, hung thủ Adam Lanza 20 tuổi đã bắn chết mẹ mình ở nhà riêng. Khi cảnh sát tới hiện trường, Adam tự bắn vào đầu mình. Động cơ gây án chưa được làm rõ, nhưng dư luận cho rằng có hai vấn đề nổi cộm là sự tác động của yếu tố gia đình (bố mẹ Adam ly thân rồi ly hôn, mẹ hung thủ tích trữ nhiều súng đạn, từng đưa con tới trường bắn để tập bóp cò…) và chính sách quản lý mua bán, sở hữu súng trong dân.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tới thăm gia đình các nạn nhân vụ thảm sát ở bang Connecticut và phát biểu tại lễ tưởng niệm rằng: “Những thảm kịch như thế này phải chấm dứt và để chấm dứt chúng, chúng ta phải thay đổi”. Tổng thống Mỹ không đề cập cụ thể biện pháp kiểm soát súng đạn, nhưng theo các nhà phân tích, đây là cam kết mạnh mẽ nhất của ông đối với vấn đề này. Nhiều nghị sĩ đã đề nghị quản lý súng đạn nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, quyền sử hữu súng đạn của người dân được ghi rõ trong Hiến pháp Mỹ, nên khó có khả năng nước này cấm sở hữu súng đạn như nhiều nước đã làm. Thay vào đó, Mỹ sẽ siết việc đăng ký sở hữu súng.
10. Palestine được công nhận quy chế nhà nước quan sát viên
Với sự công nhận này của Đại hội đồng LHQ vào ngày 29/11, chính quyền Palestine lần đầu tiên có quyền đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế. Giữa tháng 11, Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza nã rocket, bom vào nhau trong hơn 1 tuần.
Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập năm 1988, sau đó được hơn 130 quốc gia công nhận. Tuy nhiên, do những tranh chấp kéo dài trong lịch sử, Israel đang kiểm soát tất cả cửa khẩu với Palestine và sử dụng phần lớn lao động Palestine.
Năm 2011, Ban lãnh đạo Palestine nhất trí đệ đơn xin gia nhập LHQ với tư cách Nhà nước Palestine độc lập theo những đường biên giới năm 1967. Phía Israel cho rằng, việc Palestine đơn phương đề nghị công nhận nhà nước độc lập sẽ phá hỏng tiến trình hòa bình Trung Ðông. Lập trường của Mỹ là nhà nước Palestine nên được thành lập thông qua một hiệp định hòa bình với Israel. Nhiều người cho rằng, dù là thành viên LHQ hay không, Palestine vẫn sẽ phải giải quyết vấn đề lãnh thổ với Israel.
Theo 24h
Palestine tin vào tương lai tốt đẹp
Rạng sáng 30-11 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu thông qua việc công nhận Palestine là nhà nước quan sát viên với 138 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc tìm kiếm sự công nhận của quốc tế về một Nhà nước Palestine độc lập sau nhiều thập kỷ chờ đợi.
Tại thành phố Ramallah, Hebron, Nablus và Jenin ở khu Bờ Tây, hàng trăm nghìn người dân Palestine đã đổ ra đường reo hò và hòa mình vào không khí lễ hội tại quảng trường chính của thành phố để ăn mừng quyết định lịch sử. "Lần đầu tiên chúng tôi có một nhà nước. Tôi có cảm giác về một tương lai tốt đẹp, hai nước Palestine và Israel sẽ sống chung trong hòa bình", chị Shereen, 29 tuổi vui mừng nói.
Với tư cách là nhà nước quan sát viên, mặc dù không có quyền bỏ phiếu tại LHQ, nhưng Palestine sẽ được phép tiếp cận các tổ chức quốc tế.
Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hối thúc lãnh đạo các nước Israel và Palestine nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo ANTD
Liên hợp quốc nâng cấp quy chế cho Palestine Rạng sáng nay theo giờ Hà Nội, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã bỏ phiếu công nhận Palestine là nhà nước quan sát viên phi thành viên, đem lại thắng lợi ngoại giao quan trọng cho Tổng thống Mahmud Abbas, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Mỹ và Israel. Tổng thống Mahmud Abbas kêu gọi công nhận Nhà...