10 sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán 2015
Trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính – tiền tệ thế giới có nhiều biến động bất lợi, TTCK Việt Nam năm 2015 vẫn mang gam màu sáng, với nhiều sự kiện có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của ngành chứng khoán trong dài hạn.
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật theo sự bình chọn của các phóng viên, biên tập viên Báo ĐTCK.
1. Dấu mốc 15 năm hoạt động của TTCK Việt Nam
Tháng 7/2015, TTCK Việt Nam tròn 15 năm mở cửa hoạt động. Trong 15 năm hoạt động của TTCK Việt Nam, tổng giá trị vốn huy động qua TTCK đạt gần 2 triệu tỷ đồng và thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua TTCK đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tương đương gần 60% cung tín dụng qua hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy, TTCK đang ngày càng trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện trên TTCK có hơn 900 mã cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch với tổng giá trị vốn hóa khoảng 34% GDP, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên gần 5.000 tỷ đồng. Trên thị trường trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu chính phủ, thanh khoản thường xuyên đạt 2.000 tỷ đồng/phiên.
2. Rút ngắn thời gian thanh toán về T 2
Ngày 18/12/2015, Trung tâm Lưu ký chứng khoán ban hành Quyết định số 211/QĐ-VSD về quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo đó, việc thanh toán giao dịch chứng khoán được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền (DVP) tại ngày thanh toán. Ngày thanh toán giao dịch trái phiếu là ngày làm việc liền kề sau ngày giao dịch (T 1). Ngày thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ là ngày làm việc thứ hai sau ngày giao dịch (T 2).
Ngày thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được rút ngắn từ T 3 xuống T 2 là nỗ lực của các chủ thể tham gia TTCK, nhất là khối CTCK, ngân hàng thanh toán, tạo dấu ấn cho TTCK Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi lẽ, thông lệ quốc tế về thời gian thanh toán giao dịch hiện vẫn là T 3.
3. Quốc hội thay đổi quan điểm về kỳ hạn trái phiếu chính phủ
Video đang HOT
Tại kỳ họp thứ 10 (từ ngày 24 – 27/11/2015), Quốc hội khóa XIII đã ra Nghị quyết 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước 2016, theo đó, trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn ngắn nhất mà Chính phủ được phép phát hành trong năm 2015 – 2016 là 3 năm (loại TPCP kỳ hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm không quá 30% tổng khối lượng phát hành, 70% tổng khối lượng phát hành là trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên).
Trước đó, ngày 10/11/2014, Quốc hội có Nghị quyết số 78/2014/QH13 về dự toán ngân sách nhà nước 2015, trong đó có quy định, “từ năm 2015, phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên”. Quy định TPCP có kỳ hạn tối thiểu 5 năm đã dẫn đến việc huy động vốn qua kênh này có nhiều phiên không thành công, vì “khẩu vị” của các NĐT trên thị trường trái phiếu là kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, nhiều năm qua, thị trường TPCP đã trở thành kênh chủ đạo trong huy động vốn cho ngân sách. Giai đoạn 2011 – 2015, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 23%/năm, dẫn đầu trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như ASEAN 3.
4. Cho phép giao dịch T 0 và bán chứng khoán chờ về
Ngày 21/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC thay thế cho Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 về hướng dẫn giao dịch trên TTCK.
Một số quy định đột phá của Thông tư 203 là cho phép NĐT được đặt lệnh vừa mua, vừa bán trong từng lần khớp lệnh liên tục; NĐT có thể thực hiện lệnh giao dịch khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng lưu ký. Đặc biệt, Thông tư 203 tạo cơ sở pháp lý cho phép triển khai giao dịch bán chứng khoán chờ về và giao dịch trong ngày (T 0).
5. Bổ sung tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán
Ngày 27/11/2015, Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2016. Theo đó, đối với lĩnh vực chứng khoán, ngoài 3 tội danh được quy định trong Luật hiện hành (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tội thao túng giá chứng khoán), các nhà làm luật đã bổ sung tội danh: tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.
Việc bổ sung này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK.
6. Nới “room” cho NĐT nước ngoài trên TTCK
Ngày 26/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, trong đó cho phép NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các DN đại chúng không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, NĐT nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN. Đây được đánh giá là bước đột phá về tư duy trong thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Ngày 19/8/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, trong đó có hướng dẫn các công ty đại chúng nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài theo quy định tại Nghị định 60. Theo đó, công ty đại chúng có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty.
Danh mục về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh (nếu có) thực hiện theo Điều ước quốc tế, quy định pháp luật đầu tư, pháp luật DN và các quy định pháp luật khác có liên quan.
7. Công ty đại chúng không niêm yết sẽ phải lên UPCoM
Ngày 13/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên UPCoM. Theo đó, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 (ngày Thông tư 180 có hiệu lực) mà không niêm yết sẽ phải đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 1 năm.
Trước đó, ngày 26/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/9/2015 quy định, trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng để cổ phần hóa DNNN và trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng của các DN khác (chưa niêm yết, đăng ký giao dịch), tổ chức phát hành phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Bên cạnh đó, ngày 8/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48/2015/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCK, có hiệu lực từ ngày 1/12/2015, cho phép thành lập Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc UBCK. Điều này sẽ góp phần thúc hàng nghìn DN đại chúng vào sàn, tuân thủ nghiêm các quy định trong lĩnh vực chứng khoán đối với các công ty đại chúng.
Năm 2015 đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng DN đưa cổ phiếu lên UPCoM, khi Sở GDCK Hà Nội (HNX) chấp thuận cho gần 100 DN mới lên sàn này (gấp 1,6 lần so với cả năm 2013 và 2014 cộng lại). Để tăng sức hấp dẫn cho UPCoM, HNX đã tăng biên độ giao dịch cổ phiếu lên 15% kể từ ngày 1/7/2015.
8. Ban hành cơ chế đấu giá cổ phần theo lô
Ngày 15/9/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg về việc bán cổ phần theo lô qua Sở GDCK khi Nhà nước thoái vốn tại các công ty cổ phần chưa niêm yết/đăng ký giao dịch. Theo đó, mỗi phiên đấu giá chỉ bán 1 lô cổ phần (trọn lô). Số lượng cổ phần của 1 lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần.
Ngày 19/11/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành Quyết định số 999/QĐ-UBCK ban hành Quy chế mẫu về bán đấu giá cổ phần theo lô, làm căn cứ cho các Sở GDCK, DN triển khai bán vốn theo lô.
Cơ chế bán cổ phần theo lô đã giúp tăng khả năng thành công của các đợt thoái vốn nhà nước. Bên cạnh đó, việc bán cổ phần theo lô tạo điều kiện cho DN có cơ hội thu hút được NĐT chiến lược.
9. Xác lập lộ trình và định hình khung pháp lý cho TTCK phái sinh
Ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.
Sau đó, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam triển khai xây dựng TTCK phái sinh, đặt mục tiêu đưa thị trường này vào hoạt động trong quý III – IV/2016.
Hiện Thông tư hướng dẫn Nghị định 42 và các quy trình, quy chế vận hành TTCK phái sinh đang trong quá trình hoàn thiện. Việc đưa TTCK phái sinh vào vận hành trong thời gian tới sẽ hỗ trợ TTCK cơ sở phát triển, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro cũng như mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận của các NĐT.
10. Giá cổ phiếu dầu khí giảm 38% vì giá dầu lao dốc
Giá dầu thế giới trong năm 2015 tiếp tục sụt giảm, xuống sát ngưỡng 30 USD/thùng. Giá dầu Brent rớt xuống mức thấp nhất trong 11 năm, còn giá dầu thô tại Mỹ lập đáy mới trong 7 năm. Sự sụt giảm của giá dầu và biến động mạnh của tỷ giá (chủ yếu do động thái giảm lãi suất đồng USD của Fed và Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ) là hai nguyên nhân chính khiến nhóm cổ phiếu dầu khí niêm yết mất giá trầm trọng.
Chỉ số thể hiện biến động giá của 31 mã cổ phiếu dầu khí trên TTCK thời điểm cuối năm 2015 giảm 38,3% so với đầu năm, trong khi toàn thị trường không biến động nhiều, VN-Index tăng 6,3%, HNX-Index giảm 3,4%, riêng UPCoM-Index giảm 14,5%
Theo ĐTCK (Đầu tư chứng khoán)