10 quán ăn Việt nổi tiếng trên đất Mỹ
Sài Gòn 44 năm về trước có tới hàng ngàn người di cư đến Mỹ, khiến nhu cầu về đồ ăn Việt luôn ở mức cao. Phở, Bánh Mì, Bún Bò Huế đã nhanh chóng trở thành những món ăn được rất nhiều người Mỹ yêu thích.
Nhiều người nói rằng, nước Mỹ đang trong kỉ nguyên vàng của đồ ăn Việt Nam.
Đây là những nhà hàng Việt nổi tiếng trên đất Mỹ.
1. Au Lac
Thung lũng Fountain & Los Angeles, California.
Khi Au Lac được thành lập vào năm 1996, chế độ ăn uống thuần chay chưa trở nên phổ biến như ngày nay. Mai Nguyễn mở nhà hàng sau khi chế độ ăn hoàn toàn từ thực vật đã giúp cô khỏi bệnh. Cô muốn chia sẻ nó với những người khác. 23 năm sau, Au Lac không chỉ là huyền thoại trong Quận Cam, nó còn là nhà hàng chay lâu đời nhất và tốt nhất trong khu vực. Nền tảng của thực đơn bao gồm các sản phẩm hữu cơ, các thành phần tự nhiên và nước được lọc qua thẩm thấu ngược. Từ đó xây dựng lên những món Việt chay nổi tiếng từ Bún Bò Huế, Bò lúc lắc đến Cá nướng trui – món ăn cuốn trong bánh tráng được chuẩn bị rất đẹp mắt. Khó có thể tin được những món ăn này hoàn toàn là thực phẩm chay.
2. Ba Bar
Seattle, Washington.
Với ba cơ sở ở Seattle, Ba Bar của anh em nhà Eric và Sophie Banh phục vụ khách ăn cả ngày. Lấy cảm hứng từ các món ăn đường phố Việt Nam sử dụng nguyên liệu địa phương, nhà hàng nổi tiếng với món Phở Bò, thịt viên xíu mại, Chả cá Lã Vọng, và món bánh cuốn nhà làm tuyệt ngon nhưng chỉ phục vụ vào cuối tuần.
3. Brodard Restaurant
Fountain Valley, California.
Toàn bộ một đế chế có thể được xây dựng trên một món ăn duy nhất không? Trong trường hợp của Nhà hàng Brodard, câu trả lời là có. Người ta ước tính rằng mỗi ngày, tại ba nhà hàng của Brodard, có hơn 10.000 chiếc nem nướng cuốn, được mang ra phục vụ khách. Giống như món bánh gập David Chang’s Momofuku, món ăn đã sinh ra vô số phiên bản copy kể từ khi nó được giới thiệu lần đầu tiên cách đây gần hai thập kỷ, nhưng không ai có thể bắt chước được vị ngon của món chả giò của Brodard. Nem nướng cuốn là một kiệt tác của xúc xích nướng tỏi, hoành thánh chiên giòn, cà rốt ngâm, hành lá, và một công thức bí mật không ai biết.
4. Di An Di
New York City.
Video đang HOT
Nhà hàng phong cách, sành điệu này ở khu vực NYC Green Greenpoint đã thu hút người hâm mộ kể từ thời điểm khai trương. Ngoài thiết kế nổi bật đã giành giải thưởng, nhà hàng nổi tiếng với những món ăn phổ biến với người Việt. Ở đây phục vụ những bát phở bò kiểu Hà Nội với nhiều hành lá và trứng trần hay như món pizza Việt Nam làm từ bánh tráng nướng với trứng thái chỉ, thịt lợn và ớt ngâm.
5. Hai Hai
Minneapolis, Minnesota.
Thật dễ dàng để rơi vào tình yêu với Hai Hai. Những chiếc ghế xanh mang đến cảm giác về những quán cà phê ven đường ở Việt Nam. Lấy cảm hứng từ những ký ức ẩm thực thời thơ ấu của Christina Nguyen, những món ăn được trình bày đẹp mắt và xinh xắn. Bánh bèo với đậu xanh, tôm khô, hành và tóp mỡ. Bánh xèo ăn kèm rau xanh hay món xôi xéo Hà Nội với hành phi, trứng kho và thịt, tất cả đều khiến những thực khách lần đâu đến đây khó lòng thờ ơ được với thực đơn của quán.
6. HaiSous
Chicago, Illinois.
Từ những đánh giá tích cực của các nhà phê bình ẩm thực địa phương đến những giải thưởng trong ngành, rất nhiều lời khen đã dành cho nhà hàng Việt Nam đương đại của vợ chồng Thái và Danielle Dang. Những món ăn ở đây có linh hồn và hương vị phong phú, mang âm hưởng truyền thống Việt Nam. Nổi tiếng nhất là món cánh gà chiên nước sốt, gỏi đu đủ với thịt bò khô, bò nướng tỏi và cá vược Địa Trung Hải nướng.
7. HaVL
Portland, Oregon.
Đây là quán ăn của Christina Ha Luu mở vào năm 2006, nằm ẩn trong một trung tâm thương mại, trang trí đơn giản, nhưng phục vụ những món ăn đầy hương vị. Món phở của nhà hàng đã giành được giải thưởng James Beard trong ba năm liên tiếp, các món bún phục vụ khác nhau trong từng ngày. Thứ 5 có món bún chả ốc, thứ 7 là Bún bò huế, còn Chủ nhật là mì Quảng – món mì với thịt lợn, tôm và bánh tráng nướng giòn.
8. Khai Restaurant
San Francisco, California.
Sau 12 năm làm đầu bếp điều hành và chủ sở hữu của Ana Mandara, một nhà hàng Pháp-Việt cao cấp mà anh đồng sở hữu với Don Johnson và Cheech Marin, đầu bếp Khải Dương đã nghỉ 5 năm để về thăm quê hương. Sau đó, anh trở lại vào năm 2016 với một nhà hàng phục vụ thực đơn nếm thử 10 món mà anh gọi là ẩm thực Nouveau của Việt Nam. Thực đơn của Dương định nghĩa lại các món ăn Việt Nam theo định dạng ẩm thực cao cấp: Chả cá Lã Vọng làm từ cá tuyết đen, tôm hùm bơ phục vụ và bánh cuốn với sầu riêng.
9. Les Ba’get
Houston, Texas.
Khởi nghiệp với căn bếp nhỏ xíu, chủ nhà hàng Les Ba’get bị hạn chế rất nhiều trong các món ăn. Nhưng với sự ra mắt của nhà hàng mới tại khu vực Garden Oaks ở Houston, giờ đây anh đã có chỗ để mày mò những món mới trong bếp theo mong muốn của mình. Kết quả là một thực đơn Việt Nam đương đại ra đời. Bánh mì kẹp với thịt bò bụng và ức bò hun khói. Phở làm từ thịt bò ăn cỏ Black Angus từ trang trạng 44 hoặc bò A5 Wagyu của Nhật. Món Việt Nam truyền thống là bún riêu với thịt cua nghiền và cà chua.
10. Madame Vo
New York City.
Chào mừng bạn đến với nhà hàng của đôi vợ chồng Jimmy Ly và Yen Vo (còn gọi là Madame Vo). Nhà hàng này ngay lập tức lọt vào danh sách các nhà hàng Việt Nam tốt nhất trong thành phố chỉ trong vòng vài tháng khai trương. Các công thức nấu ăn gia đình làm tăng thêm hương vị và đặc trưng của từng món. Với tính thẩm mỹ của Ly và chất lượng nguồn nguyên liệu, các món ăn của nhà hàng trở nên đáng nhớ. Các món được yêu thích nhất là Phở bò kiểu miền nam với miếng sườn to khổng lồ, bánh bột chiên, cua lột rang me, và sinh tốt bơ ngọt ngào.
Theo Thrillist
Đến Đà Lạt nhất định phải ăn bánh căn
Người Đà Lạt có thói quen ăn sáng với món bánh căn. Đó cũng là thói quen buổi tối nhưng ít hơn, có lẽ để nhường chỗ cho du khách muốn được ngồi hít hà hơ tay bên lò lửa ấm than hồng.
Đến Đà Lạt sáng, tối phải ăn bánh căn
Gia đình chị Nguyễn Đặng Quỳnh Trang (28 tuổi, bìa trái) đã có bốn đời bán bánh căn - Ảnh: M.VINH
Dạo một vòng ở Đà Lạt, vào buổi sáng ở các con phố có nhiều tiệm bánh căn như Tăng Bạc Hổ, Nhà Chung, Đào Duy Từ thì thấy thực khách của món bánh căn đa số là người trẻ.
Bánh căn có phải đặc sản của Đà Lạt?
Ông Nguyễn Trịnh Hùng (55 tuổi), một người bán bánh căn ở phố Tăng Bạc Hổ, lý giải: "Có lẽ bánh căn hơi khô, nên buổi sáng người trung niên và lớn tuổi chọn các món nước. Ngay người địa phương lớn tuổi cũng ít ăn bánh căn buổi sáng. Cũng có thể người trẻ tò mò về những trải nghiệm rất riêng gắn bó với mỗi người dân Đà Lạt quanh lò bánh căn".
Du khách Huỳnh Thanh Thanh (21 tuổi) thì bảo: "Buổi sáng đến tiệm bánh căn, ngồi áp gần lò nướng tự dưng tưởng mình là người Đà Lạt. Thấy buổi sáng khác hẳn những buổi sáng khác".
Du khách đặt chân đến Đà Lạt không ai không biết đến món bánh căn. Khi được hỏi, những du khách đến đây lần đầu cho biết sẽ sắp xếp dành bụng để ăn bánh căn. Còn những người đến Đà Lạt thường xuyên để hưởng lạnh sẽ ăn bánh căn ít nhất một bữa vào sáng hoặc tối trong một ngày nào đó của chuyến đi.
Bánh căn là một trong số ít các món ăn bán vào cả buổi sáng và buổi tối tại Đà Lạt. Người bán nhóm lò lúc trời vừa hửng sáng hoặc khi chập choạng tối, và công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu đã làm kỹ càng trước đó. Việc buôn bán chỉ kéo dài độ ba giờ đồng hồ. Đó là lúc bột gạo xay đã hết.
Những người Đà Lạt sống lâu năm cho hay bánh căn thực chất không phải đặc sản của Đà Lạt. Loại bánh này phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ. Theo dòng di dân trong quá khứ, món bánh căn được mang đến Đà Lạt. Bánh nóng hợp với trời mát lạnh đã khiến món ăn này trở nên nổi tiếng và được biết đến như thể đó là đặc sản của đất cao nguyên.
Bánh căn là một món ăn đường phố nổi tiếng ở Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH
Có nhiều thông tin cho rằng món bánh căn có nguồn gốc là món của người Chăm, mặc dù chưa ai xác tín chuyện này. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là những cư dân vùng Tây Nam Trung Bộ - Tây Nguyên đã học hỏi và làm món ăn này sinh động hơn bằng sự sáng tạo trong cách dùng nước chấm và bổ sung thêm nguyên liệu trên nền bột gạo để hương vị đa dạng và nhiều dinh dưỡng.
Ở góc nào đó, bánh căn cũng được xem là món ăn đường phố, dụng cụ làm bánh chỉ gói gọn trong một gánh hàng. Một góc phố, hiên nhà nào đó đủ đặt gánh và vài ba bộ bàn ghế là đủ thành "quán" bánh căn.
Ngồi chờ nhưng không ai khó chịu
Bánh căn ở Đà Lạt còn gọi là bánh chờ. Giữa trời lạnh ăn bánh nóng mới ngon. Muốn vậy phải chờ vì bánh chỉ bắt đầu được đúc khi khách đến.
Không phải người đến trước thì được ăn trước. Người đúc bánh mang đến lần lượt cho từng bàn, ăn đến khi no thì thôi. Bởi vậy gặp lúc khách đông cả quán phải ngồi chờ.
Đôi khi phải chờ lâu, nhưng chẳng mấy ai khó chịu vì ai cũng thấy người làm bánh hối hả luôn tay đổ bột, luôn tay gỡ bánh ra khỏi lò để người phụ bếp kịp mang đến từng bàn các đĩa bánh căn còn bốc khói ấm trong khí trời sáng sớm nhiều khi lạnh tê tái.
Người bán thường đặt bếp làm sao để người ăn có thể ngồi xung quanh tận dụng hơi nóng của lò làm ấm tay chân trong lúc chờ. Chính lúc chờ đã để lại cho du khách những cảm xúc khó quên về miền đất lạnh và món ăn dân dã tên bánh căn.
Có những người lớn lên ở Đà Lạt, khi đi xa họ nhớ thật nhiều khoảnh khắc thuở nhỏ sớm sớm ngồi chờ bên lò bánh căn đợi một bữa no nê rồi quảy cặp đến trường - Ảnh: MAI VINH
Những người làm bánh căn ở Đà Lạt cho biết lửa là bí kíp của nghề. Lửa không cứ đều là được, mà lúc to lúc nhỏ để bánh có thể chín đều và giòn phần đế. Thậm chí có thời điểm lửa được khêu lớn để miếng bánh có lớp cháy vừa đủ vàng ở đế bánh.
Anh Nguyễn Vũ Quân (37 tuổi, chủ một lò đúc bánh căn) khẳng định: "Cách dùng lửa là tay nghề của người đúc bánh. Trong một quán bánh căn, có thể thuê người ngoài làm nhiều việc nhưng việc đúc phải do người nhà làm.
Đúc bánh phải cẩn thận, quý khách như quý nguồn sống của gia đình mới cho ra mẻ bánh ngon. Còn cẩu thả khi dùng lửa thì mẻ bánh kiểu gì cũng cháy ngoài sống trong, khách cắn vào phải nhè ra ngay".
Du khách Võ Thị Trân Châu (25 tuổi) khẳng định chắc nịch: "Đến Đà Lạt phải ăn bánh căn". Với Châu, bánh căn không ngon tê tái, nhưng trải nghiệm bên lò bánh nho nhỏ ở góc đường, mái hiên rất đủ đầy cho một chuyến đi đến Đà Lạt.
Theo Tuoitre
Gợi ý lịch trình khám phá ẩm thực Hải Phòng trong 24 giờ Dưới đây là gợi ý hoàn hảo dành cho những ai còn băn khoăn về lịch trình khám phá ẩm thực trong một ngày tại thành phố Cảng. Sáng: Sau khi đặt chân đến Hải Phòng, việc đầu tiên bạn nên làm là tự thưởng cho mình một bát bún cá nóng hổi. Quán bún cá cay ở 66 Lê Lợi là địa...