10 phim kinh dị gây tranh cãi nhất về mức độ bạo lực
“ A Serbian Film”, “I Spit on Your Grave” hay “ Psycho” là những tác phẩm kinh dị từng gặp chỉ trích dữ dội từ công chúng vì mức độ bạo lực mà chúng đem lại.
A Serbian Film (2010): Cưỡng hiếp, loạn luân, quan hệ với xác chết và nhiều tình tiết bệnh hoạn khác được đạo diễn Srdjan Spasojevic cài cắm trong bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất kể từ đầu thế kỷ XXI. Theo ông, hàng loạt hình ảnh kinh dị ấy giống như ẩn dụ cho sự tàn bạo của cuộc chiến tranh vùng Balkan. Nhưng các nhà kiểm duyệt tại nhiều nơi trên thế giới không chia sẻ quan điểm đó. Phim bị cấm hoàn toàn tại Tây Ban Nha, Na Uy, Brazil, Australia, New Zealand…
The Human Centipede (First Sequence) (2009): Một bác sĩ phẫu thuật bệnh hoạn người Đức bắt cóc ba du khách, rồi khâu họ lại với nhau nhằm tạo ra một sinh vật giống như con rết. Đạo diễn Tom Six quảng cáo rằng The Human Centipede hoàn toàn dựa trên cơ sở y khoa và mở đầu cho hàng loạt tranh cãi. Sau một vài buổi chiếu họp báo, nhiều phóng viên kêu gọi cấm vĩnh viễn bộ phim bởi tính bạo lực và bệnh hoạn cả về hình ảnh lẫn nội dung. Bất chấp tất cả, Tom Six sau đó còn tiếp tục làm thêm hai phần nữa cho The Human Centipede.
Silent Night, Deadly Night ( 1984): Một cậu bé 5 tuổi chứng kiến kẻ sát nhân trong trang phục ông già Noel sát hại cha mẹ mình, để rồi bị ám ảnh và thực hiện hành vi tương tự khi lớn lên. Rất nhiều phụ huynh đã phàn nàn về nội dung của Silent Night, Deadly Night, bởi nó có thể khiến trẻ em có cái nhìn méo mó về ông già tuyết. Bản thân chất lượng nội dung tác phẩm không cao, nên nó lại càng bị giới phê bình trù dập. Cuối cùng, phản ứng từ các nhà thờ Công giáo khiến phim bị cấm chiếu tại nhiều bang của nước Mỹ.
Cannibal Holocaust (1980): Mang phong cách giả tài liệu với nội dung xoay quanh một nhóm thám hiểm người Mỹ bị lạc đến vùng đất của bộ tộc ăn thịt người ở vùng Amazon, Cannibal Holocaust của đạo diễn Ruggero Deodato bị rút khỏi rạp tại Italy chỉ sau 10 ngày dù đang ăn khách. Chính quyền đã yêu cầu Deodato cùng các diễn viên phải trình diện trước tòa, bởi những cảnh đâm chém trong phim quá đỗi chân thực và khiến cho nhiều khán giả tưởng rằng họ đã thực sự bỏ mạng.
I Spit on Your Grave (1978): Đây là tác phẩm kinh dị xoay quanh cuộc báo thù của một người phụ nữ sau khi cô bị cưỡng hiếp tập thể dã man. I Spit on Your Grave từng bị cấm chiếu ở nhiều nước, như Iceland, Đức, Na Uy…, đồng thời bị nhà phê bình quá cố Roger Ebert gọi là “phim tệ nhất mọi thời đại”. Điều gây tranh cãi nhiều nhất ở tác phẩm là trường đoạn cưỡng hiếp kéo dài, khiến nhiều khán giả nữ lên tiếng phản đối dữ dội. Bất chấp tất cả, I Spit on Your Gravevẫn có lượng người hâm mộ nhất định và mới được làm lại năm 2010.
Video đang HOT
The Texas Chainsaw Massacre (1974): Gã sát nhân cầm cưa mang mặt nạ da người Leatherface từng bị cấm cửa tại nhiều nơi trên thế giới, như Brazil, Chile, Phần Lan, Pháp, Iceland, Ireland, Na Uy, Singapore, Thụy Điển và Tây Đức, vì những hành vi bạo lực ghê rợn trên màn ảnh. Nhưng chỉ sau 8 năm, thế giới nhìn nhận lại The Texas Chainsaw Massacre và bộ phim được đón nhận hơn, qua đó được triển khai thêm nhiều phần nữa cho tới tận ngày nay.
The Exorcist (1973): Bộ phim kinh điển của đạo diễn William Friedkin giống như tác phẩm mở đường cho nhánh quỷ ám trong dòng chảy kinh dị. Khi ra mắt, The Exorcist khiến nhiều khán giả bị sốc bởi hàng loạt hình ảnh bạo lực, lời thoại tục tĩu, và nhiều thông điệp ngầm ẩn giấu trong phim. Cho đến giờ, vẫn có tin đồn cho rằng từng có người chết vì đau tim khi theo dõi The Exorcist hồi thập niên 1970.
The Last House on the Left (1972): Trên đường tới dự một buổi hòa nhạc, hai thiếu nữ bị tấn công, tra tấn, cưỡng hiếp, và giết hại bên cánh rừng. Kẻ thủ ác thậm chí còn cả gan tới nhà của một trong hai nạn nhân, để rồi nhận được kết cục không lấy gì tốt đẹp. Nhiều trường đoạn trong tác phẩm kinh dị của đạo diễn Wes Craven bị đánh giá là gây buồn nôn và không khác gì được trích ra từ các phim khiêu dâm hạng nặng. Bản thân diễn viên chính Fred Lincoln thì có lần chia sẻ: “Tôi ước gì nó bị cấm tại nước Mỹ”.
Night of the Living Dead (1968): Một tàu không gian nổ tung trong bầu khí quyển Trái đất và khiến người chết đội mồ sống dậy, tấn công con người. Chỉ với 114.000 USD, đạo diễn George Romero đã khơi dậy dòng phim zombie như thế. Nhưng khi Night of the Living Dead ra mắt, bộ phim gặp không ít trắc trở, chủ yếu đến từ việc ông chiếu phim trước khi kiểm duyệt. Nhiều khán giả được xem sớm bộ phim phàn nàn về mức độ bạo lực chưa từng thấy và báo chí thậm chí còn đòi đưa Romero ra tòa. Nhưng trải qua thời gian, đây trở thành tác phẩm kinh điển đối với thể loại kinh dị.
Psycho (1960): Trước thời điểm năm 1960, chưa có tác phẩm nào khiến công chúng khiếp hãi như Psycho của Alfred Hitchcock. Bộ phim phá vỡ những nguyên tắc về cảnh nóng và bạo lực trên màn ảnh. Nhà làm phim hứa hẹn với chính quyền sẽ gia giảm chúng trước khi trình chiếu tác phẩm rộng rãi, nhưng ông rốt cuộc đã nuốt lời. Hậu quả là Psycho gây ra tranh cãi lớn, khiến một số khán giả ngất đi vì sợ hãi, và bị cắt xén ở nhiều quốc gia. Nhưng cho đến giờ, nó cũng được xếp vào hàng ngũ kinh điển của lịch sử điện ảnh.
Theo Zing
Những bộ phim kinh dị khiến diễn viên ám ảnh
Hàng loạt các phim kinh dị kinh điển như "The Shining", "Poltergeist", "Alien" hay "Rosemary's Baby" từng khiến chính người diễn viên tham gia bị ám ảnh vì nhiều lý do khác nhau.
Dàn diễn viên phim The Blair Witch Project (1999): Khi thực hiện tác phẩm kinh dị mang phong cách giả tài liệu trong vòng 8 ngày, đội ngũ đạo diễn rất hạn chế tiếp xúc với dàn diễn viên trong phim, ngoại trừ buổi gặp gỡ đầu ngày để giao thêm nhu phẩm và chỉ dẫn điểm đến tiếp theo. Tới ban đêm, chính các đạo diễn tìm cách đập phá lều trại, rồi dần dà cung cấp ít đồ ăn thức uống cho họ hơn. Kết quả là cho đến ngày quay cuối cùng, đội ngũ diễn viên trở nên giận dữ, mệt mỏi trước ống kính, đúng như yêu cầu dành cho nhân vật trong phim.
JoBeth Williams trong Poltergeist (1982): Poltergeist luôn bị coi là một trong những bộ phim bị nguyền rủa, bởi tài tử Oliver Robbins suýt chết khi đang quay phim, Heather O'Rourke qua đời sau khi phim ra mắt vài năm, còn Dominique Dunne sau này bị sát hại bởi bạn trai cũ. Với JoBeth Williams, người sắm vai bà mẹ trong phim, cô cảm thấy sốc nặng khi biết đạo diễn Steven Spielberg sử dụng xương người thật thay vì đạo cụ khi quay phim. Mỗi lần trở về nhà từ trường quay, cô "thần hồn nát thần tính" đến độ tưởng tượng rằng những bức tranh trên tường nhà mình luôn xê dịch, dù nữ diễn viên có chỉnh lại bao nhiêu lần đi nữa.
Shelley Duvall trong The Shining (1980): Nữ diễn viên Shelley Duvall thừa nhận rằng 5 tháng quay The Shining với Stanley Kubrick như "địa ngục trần gian" bởi những yêu cầu khắt khe đến từ vị đạo diễn. Cô cho rằng mình luôn phải cầm theo nước trên trường quay vì đã khóc hết nước mắt cho những cảnh kinh dị. Bất chấp điều đó, Kubrick vẫn bắt Duvall thực hiện một cảnh quay với cây gậy bóng chày những 127 lần! Bạn diễn Jack Nicholson thì ngợi ca Duvall mới chính là lý do tạo nên thành công cho bộ phim, nhất là khi cô đủ sức chịu đựng ê-kíp suốt quãng thời gian dài như thế.
Veronica Cartwright và Sigourney Weaver trong Alien (1979): Cảnh quay nhân vật Kane (John Hurt) tử vong khi bị loài quái vật chui ra từ ổ bụng từng gây kinh hãi cho nhiều thế hệ khán giả và chính dàn diễn viên của Alien. Toàn bộ trường đoạn không được mô tả trong kịch bản, và phản ứng của Veronica Cartwright hay Sigourney Weaver đều là thật. Nếu như Cartwright la hét rồi ngất lịm, thì Weaver sợ tới mức cô quên rằng mình đang đóng phim và cứ nghĩ bạn diễn John Hurt nguy kịch thực sự.
Kyle Richards trong Halloween (1978): Bởi là một diễn viên nhí của Halloween mà Kyle Richards vẫn được tới tham dự buổi công chiếu bộ phim dù khi ấy cô còn nhỏ xíu. Hậu quả là khi trở về nhà, Richards không dám ngủ một mình, tưởng tượng rằng có một kẻ nào đó đang lẩn trốn dưới gậm giường hoặc sau rèm cửa, chờ đợi ra tay. Nỗi ám ảnh đó kéo dài cho tới khi cô 15 tuổi, và Kyle Richards sau này cũng không bao giờ dám đóng phim kinh dị nữa.
Các diễn viên trong The Texas Chainsaw Massacre (1974): Để lấy được cảm xúc chân thực từ dàn diễn viên, đạo diễn Tobe Hooper quyết định giấu kín tạo hình đáng sợ của Leatherface do Gunnar Hansen thể hiện. Hậu quả là tất cả đều cảm thấy kinh hãi trong lần đầu chạm mặt tên sát nhân cầm cưa với chiếc mặt nạ da người. Đặc biệt, nữ diễn viên Marilyn Burns trong vai Sally gặp Leatherface lần đầu tiên khi đang bị trói chặt trên ghế. Mặc cho những tiếng thét gào của cô, ê-kíp làm phim vẫn tiếp tục bấm máy.
Linda Blair trong The Exorcist (1973): Ngôi sao nhí của tác phẩm kinh dị nổi tiếng chỉ cảm thấy mệt mỏi sau khi The Exorcist ra mắt. Linda Blair thường xuyên bị người lạ hỏi han về chuyện ma ám, niềm tin và đạo Thiên chúa, trong khi cô luôn coi bộ phim chỉ là một tác phẩm hư cấu. Cộng thêm những cuộc phỏng vấn liên miên với báo chí, Blair bị rơi vào tình trạng stress trong suốt quãng thời gian là một thiếu niên.
Malcolm McDowell trong A Clockwork Orange (1971): Tác phẩm gây tranh cãi bởi nội dung nhạy cảm của đạo diễn Stanley Kubrick từng bị cấm chiếu tại nhiều quốc gia, đồng thời khiến chính ngôi sao Malcolm McDowell khổ sở. Với trường đoạn tẩy não trong phim, tài tử buộc phải mở mắt liên tục bằng dám dụng cụ hỗ trợ, khiến anh sau đó bị mù tạm thời và xước giác mạc. Ngoài ra, McDowell có lần chia sẻ rằng A Clockwork Orangekhiến anh bị ám ảnh suốt thời gian dài sau đó.
Mia Farrow trong Rosemary's Baby (1968): Dẫu là người ăn kiêng nghiêm ngặt, Mia Farrow vẫn chiều lòng đạo diễn Roman Polanski trong tác phẩm kinh dị nổi tiếng Rosemary's Baby khi cô chịu ăn một miếng gan gà sống khi quay phim. Có điều, cảnh quay đó rốt cuộc phải thực hiện tới lui, đến mức người đẹp không thể chịu nổi. Ngoài ra, quãng thời gian quay Rosemary's Baby cũng là lúc Mia Farrow chuẩn bị ly hôn người chồng Frank Sinatra, và điều đó cũng gây ra sức ép không nhỏ cho người đẹp.
Tippi Hedren trong The Birds (1963): Ngôi sao của bộ phim kinh dị liên quan tới loài chim bị đạo diễn Alfred Hitchcock liên tục chèn ép trên trường quay để cô có thể lột tả cảm xúc chân thực nhất. Đỉnh điểm là khi nhà làm phim nói dối Tippi Hedren, sử dụng chim thật thay vì chim đạo cụ để tấn công nữ diễn viên. Hậu quả là cô bị chảy máu, sưng tấy và khủng hoảng tinh thần suốt một tuần lễ.
Janet Leigh trong Psycho (1960): Trường đoạn trong nhà tắm của Psycho là một trong những cảnh kinh dị nổi tiếng nhất mọi thời đại. Sau khi theo dõi lại bộ phim của đạo diễn Alfred Hitchcock, chính nữ diễn viên Janet Leigh cảm thấy ám ảnh tới mức cô sau này không dám đứng tắm dưới các vòi sen nữa.
Theo Zing