10 phim hoạt hình thần thoại đẹp nao lòng về nước Nhật
Bên cạnh những tuyệt phẩm hoạt hình như “Spirited Away” hay “Mononoke Hime”, “Kubo and the Two Strings” là bộ phim mới nhất thể hiện nét đẹp của xứ sở Mặt trời mọc.
Từ bấy lâu nay, Nhật Bản ghi dấu ấn trong lòng bao nhiêu lữ khách với nét đẹp cổ kính, trầm mặc như chính con người của xứ sở này. Những bộ phim hoạt hình dưới đây cho chúng ta thấy nhiều góc nhìn khác nhau về cảnh sắc kỳ thú của Nhật Bản.
1. Tonari no Totoro (Hàng Xóm Của Tôi Là Totoro)
Tương tự như chuột Mickey đối với Walt Disney, gần 30 năm sau từ ngày ra đời, Totoro vẫn là một biểu tượng chưa thể thay thế của Studio Ghibli. Tonari no Totoro kể về cuộc gặp gỡ kì diệu của Satsuki và Mei với vị thần rừng mang hình dáng một con thú khổng lồ mà hai chị em gọi là Totoro sau khi chuyển về vùng quê sinh sống. Sự xuất hiện của Totoro đã mang đến cho hai cô bé cuộc hành trình đầy mới lạ, cùng nhiều kỷ niệm đáng yêu tuyệt vời.
Phim lấy bối cảnh Nhật Bản vào năm 1958, khung cảnh chủ yếu là rừng núi, vườn tược, được miêu tả hết sức chân thực, sinh động và tinh tế. Cùng với cốt truyện giản dị mà ấm áp, Tonari no Totoro khơi dậy trong lòng người xem những tình cảm thuần khiết nhất, mang chúng ta trở về tuổi thơ, đến bên cạnh thiên nhiên đẹp đẽ và yên bình.
2. Mononoke Hime (Công Chúa Mononoke)
Mononoke Hime là câu chuyện mang hơi hướg sử thi, nói về việc hoàng tử Ashitaka bị cuốn vào cuộc chiến giữa công chúa Mononoke – con nuôi thần Sói trắng – với bà Eboshi – người mang đến vũ khí và súng ống, ý đồ chiếm toàn bộ khu rừng của Tây vực. Cuối cùng, bằng lòng nhân hậu và sự chân thành, anh đã dần làm dịu nỗi oán hận loài người trong lòng công chúa Mononoke, đồng thời cũng khiến Eboshi phần nào thức tỉnh trước sai lầm và hiểu ra rừng và con người có thể chung sống hòa bình.
Bối cảnh phim là những cánh rừng bạt ngàn và bí ẩn xen lẫn nhiều yếu tố kỳ ảo, đưa người xem trở về giai đoạn cuối thời Muromachi (1392 – 1572), khi người Nhật đã đẩy mạnh công cuộc khai phá, khiến thiên nhiên dần bị hủy hoại. Mononoke Hime mang đến cảnh báo và lời kêu gọi bức thiết về việc bảo vệ môi trường.
3. Hotarubi no Mori e (Lạc Vào Khu Rừng Đom Đóm)
Phim hoạt hình Nhật Bản luôn dành nhiều sự ưu ái cho mùa hè, như thể khi mùa hè đến, mọi giấc mơ và những cuộc gặp gỡ đều có thể xảy ra. Trong lần về quê nội chơi trong kỳ nghỉ, cô bé Hotaru lạc vào một khu rừng thần bí nơi trú ngụ của thần linh và các linh hồn, thì được Gin – một chàng trai mang mặt nạ mèo – giúp đỡ. Gin là một linh hồn được Thần Núi thu nhận, anh không được phép chạm vào con người, một cái chạm khẽ cũng đủ khiến Gin tan biến mãi mãi. Kể từ đó, Hotaru trông ngóng từng kỳ nghỉ hè để trở lại vùng quê ấy tìm Gin. Cảm xúc lớn dần trong lòng cô bé, nhưng cuối cùng tình yêu đó cũng giống như loài đom đóm, có sinh mệnh yếu đuối và ngắn ngủi.
Hotarubi no Mori e giúp người xem tiếp cận phong tục – hoạt động đậm nét văn hóa, bước vào thế giới cổ tích Nhật Bản kỳ ảo, nơi những vị thần, linh hồn và yêu quái cùng trú ngụ trong khu rừng sâu thẳm. Câu chuyện giống như một giấc mơ giữa trưa hè, ngắn ngủi, thoáng buồn và đẹp đẽ.
4. Heisei Tanuki Gassen Ponpoko – Cuộc Chiến Gấu Mèo
Khi quá trình đô thị hóa cũng như sự xuất hiện của con người thu hẹp diện tích rừng và gây nguy hại đến tồn vong của gia tộc Tanuki, đó là khi gấu mèo quyết định đứng lên hành động. Chúng dùng đủ mọi cách từ hù dọa bằng phép thuật, phá hoại cho đến vũ lực để xua đuổi con người con người và bảo vệ nhà của mình nhưng rốt cuộc vẫn không thành công. Heisei Tanuki Gassen Ponpoko thu hút, dẫn dắt chúng ta bằng cảm giác vui nhộn nhưng lại kết chuyện bằng sự xúc động, nuối tiếc.
Bộ phim đã thành công nhân hóa loài gấu mèo vốn rất quen thuộc với người Nhật. Bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của nhiều yếu tố văn hóa thần thoại mang đậm bản sắc tôn giáo và dân tộc Nhật Bản như mèo phát tài, rồng, quỷ núi, thần phật… Những nhân vật cổ xưa này nhằm nhắc nhở con người về nguồn gốc, về khoảng thời gian sống gần gũi và tôn thờ tự nhiên.
Video đang HOT
5. Kaguya-hime no Monogatari (Chuyện Nàng Công Chúa Kaguya)
Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão vào rừng đốn tre thì phát hiện một cây tre phát sáng, bên trong là một đứa trẻ bé bằng ngón tay cái. Mừng rỡ, ông quyết định đem cô bé về và nuôi nấng cùng với vợ, họ đặt tên cô là Kaguya. Điều kỳ diệu tiếp tục xảy ra khi ông lão phát hiện thêm hai cây tre phát sáng có chứa rất nhiều vàng và vải vóc đắt tiền. Ông đưa gia đình đến sống tại cung điện lớn mua bằng số vàng trên. Từ đó Kaguya xa thôn làng và bạn bè, phải sống cảnh cá chậu chim lồng, cho đến một ngày cô quyết định dứt bỏ mọi thứ để tìm về với ký ức yêu dấu.
Bằng những khung hình được vẽ tay chi tiết, cẩn thận nay lại càng đậm đà phong cách tranh cổ Nhật Bản, Tsudio Ghibli đã kể lại câu chuyện xưa tích cũ dưới cái nhìn đầy sáng tạo. Kaguya-hime no Monogatari không đơn thuần là một bộ phim hoạt hình, mà đã trở thành tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, với phần nội dung, hình ảnh, âm nhạc tuyệt đẹp, bay bổng và giàu chất thơ, là sự giao hòa tuyệt mỹ giữa cái cũ và cái mới.
6. Momo e no Tegami (Thư gửi Momo)
Sau cái chết của cha, cô bé Momo cùng mẹ chuyển về sống trên một hòn đảo. Cuộc cãi vã cuối cùng với cha và bức thư ông để lại chỉ vỏn vẹn hai chữ “gửi Momo” cứ đè nặng trái tim cô bé. Tuy nhiên, nhờ sự xuất hiện của ba yêu quái nghịch ngợm, vết thương lòng của Momo đã dần khép lại.
Hình ảnh yêu quái trong anime được mượn từ Thần Đạo – tín ngưỡng chính của người Nhật. Tuy nhiên trái với diện mạo hung tợn, ba yêu quái này vừa hài hước, lại vừa ấm áp dịu dàng. Màu sắc nhẹ nhàng và nét vẽ tỉ mỉ dẫn dắt người xem theo chân nhân vật chính cởi mở tấm lòng, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên đẹp mê ly.
7. Kappa no Ku to Natsuyasumi (Kỳ nghỉ hè của Kuu)
Kappa no Ku to Natsuyasumi là câu chuyện xúc động về một cậu bé Kouichi tình cờ nhặt được một hòn đá mà không ngờ rằng đó chính là Hà Đồng (Kappa) trong truyền thuyết. Kouichi đặt tên nó là Koo. Từ đó tình bạn giữa hai người đã mang đến bao rắc rối cũng như niềm vui cho gia đình cậu. Tuy nhiên sự tồn tại của Koo bị phát hiện, bị đem phơi bày trước truyền thông, Koo hoảng sợ và bỏ trốn. Đây là lúc Koo xót xa nhận ra mình đồng loại đã không còn tồn tại cũng như việc bản thân hoàn toàn không thuộc về thế giới này.
Từ câu chuyện của Koo -mảnh vỡ của thế giới thần thoại còn sót lại trong thế giới con người, bộ phim là cái nhìn đau đáu hướng về thiên nhiên, văn hóa, tín ngưỡng – những điều nhân loại đã tàn phá trong công cuộc khai hoang và phát triển.
8. Tatsu no Ko Tarou (Tarou – Đứa Con Của Rồng)
Phóng tác từ câu chuyện cổ tích cùng lên, Tatsu no Ko Tarou kể về cuộc hành trình đi về phương Bắc tìm mẹ của cậu bé Tarou. Mẹ của Tarou vướng phải một lời nguyền mà bị biến thành rồng. Tarou phải vượt qua bao khó khăn trắc trở, từ một đứa bé ăn chưa no lo chưa tới và rồi trở thành anh hùng nhỏ tuổi cứu giúp dân lành trên mọi nẻo đường cậu đi qua.
Nội dung phim cũng có nhiều điểm tương đồng với truyền thuyết Tiểu Long Nhân vốn quen thuộc với khán giả Việt Nam hơn 20 về trước. Được sản xuất cách đây hơn 30 năm, Tatsu no Ko Tarou đã quá cũ so với những anime hiện tại. Nhưng nếu có một lúc nào đó cần nhắc nhớ những ký ức ấu thơ, thì đây cũng là một lựa chọn không tồi chút nào.
9. Spirited Away (Kỳ nghỉ hè của Kuu)
Có thể nói cho đến ngày hôm nay, Spirited Away vẫn là một tác phẩm kỳ diệu nhất trong những anime mang màu sắc thần thoại. Gia đình cô bé Chihiro trong một lần chuyển nhà đã lạc vào một công viên bỏ hoang. Do ăn thức ăn ở đó nên bố mẹ cô đều bị vướng phải lời nguyền hóa thành lợn và mắc kẹt lại vùng đất của những linh hồn, cư dân là các vị thần và yêu quái, dưới quyền cai trị của mụ phù thủy Yubaba. Để giải cứu bố mẹ, Chihiro buộc phải làm việc cho Yubaba dưới cái tên “Sen”. May thay, tại đây cô bé đã gặp nhiều bạn bè và đồng minh tốt bụng, trong đó có chàng pháp sư bí ẩn Haku. Dần dần, Chihiro đã tìm thấy sức mạnh của mình để tồn tại trong xứ sở kỳ lạ này.
Thế giới thần thoại sinh động trong Spirited Away không chỉ có riêng dấu ấn của Nhật Bản mà còn thấp thoáng màu sắc của các nền văn hóa khác. Người Nhật rất giỏi trong việc dung hòa bản thân với những điều mới lạ mà vẫn không làm mất đi bản sắc của riêng mình. Chính vì vậy, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy tên của anime này tỏa sáng ở vị trí đầu trong vô số những bảng xếp hạng phim hoạt hình Nhật Bản.
10. Kubo and the Two Strings (Kubo và Sứ Mệnh Samurai)
Ra mắt vào tháng Tám năm nay, Kubo and the Two Strings là nốt nhạc mới nhất trong bản tình ca về nét đẹp của Nhật Bản. Càng đáng khâm phục hơn khi tác phẩm được thực hiện bằng công nghệ stop-motion tỉ mỉ với tạo hình nhân vật bằng đất sét, sau đó ghép vô số các cảnh tĩnh lại thành bộ phim. Đẳng cấp của hãng Laika đã lên đến mức thượng thừa khi tạo ra những cảnh mượt mà, trôi chảy đến mức người xem khó mà nhận ra nó được thực hiện bằng stop-motion.
Vẻ đẹp của Nhật Bản thời cổ trong phim mang đậm chất thần thoại từ cảnh sông núi đến cả đáy biển sâu với những con quái vật một mắt. Văn hóa của xứ sở Mặt trời mọc được thể hiện trọn vẹn qua nghệ thuật xếp giấy Origami, lễ hội Obon hay câu chuyện samurai. Ngoài ra, bài học về tình yêu gia đình, lòng vị tha, sự trưởng thành của nhân vật chính Kubo cũng thấm đẫm tinh thần Nhật Bản. Có thể nói, năm nay Kubo and the Two Strings chính là chuyến tàu chở văn hóa Nhật ra thế giới, một tác phẩm đang rất được trông đợi sẽ tiếp nối Spirited Away giành thắng lợi tại giải Oscar danh giá.
Theo Ân Nguyễn – Đan Đan / Trí Thức Trẻ
"One Piece FIlm Gold" sẽ làm hài lòng các fan của băng Mũ Rơm!
Phim mới "One Piece Film Gold" vẫn giữ nguyên tinh thần của bộ truyện gốc cùng những pha hành động lôi cuốn tại rạp.
Ra đời từ năm 1997, bộ manga One Piece của tác giả Eiichiro Oda nói về hành trình của thuyền trưởng Luffy cùng băng hải tặc Mũ Rơm. Sau 19 năm, loạt truyện bán được hơn 320 triệu cuốn, vượt xa nhiều "huyền thoại" khác như Naruto, Dragon Ball, Detective Conan hay Doraemon để trở thành manga ăn khách nhất mọi thời đại.
Luffy trở lại, liệu có lợi hại hơn xưa?
Bên cạnh mảng truyện tranh, One Piece còn xuất hiện trên cả màn ảnh lớn và nhỏ. Kể từ năm 2000, tổng cộng đã có 13 phim điện ảnh về One Piece, trong đó tập mới nhất là One Piece Film Gold sẽ ra mắt khán giả Việt Nam trong tuần này. Nhìn chung, tác phẩm có nội dung độc lập so với truyện. Khán giả không cần xem qua bộ manga cũng có thể hiểu được phim. Bộ phim thậm chí còn có thể là động lực để những khán giả lạ lẫm với One Piece bắt đầu tìm hiểu những trang truyện đầu tiên.
Bối cảnh phim là Grantesoro, quốc gia độc lập nằm trên một con tàu giữa biển khơi. Nơi đây là khu giải trí và sòng bạc khổng lồ, điểm đến của giới hải tặc, hải quân và tỷ phú giàu sụ mà không bị chính phủ thế giới kiểm soát. Trên hành trình của mình, Luffy cùng đồng bọn nhìn thấy con tàu và lập tức ghé vào.
Con tàu Grantesoro lộng lẫy
Sau khi liên tiếp giành thắng lợi trong các trò chơi, nhóm Mũ Rơm chạm trán với chủ của con tàu là Gild.Tesoro và bị hắn gài bẫy. Để cứu thoát một thành viên trong bọn, họ phải thực hiện một phi vụ không tưởng chống lại kẻ phản diện hùng mạnh này.
Các fan của One Piece vẫn truyền tai nhau một "chân lý" rằng hễ phim nào có tác giả Oda tham gia thì sẽ hay, đơn cử như One Piece Film: Strong World và One Piece Film Z. Chính vì vậy, One Piece: Gold (Oda làm nhà sản xuất) lại một lần nữa làm người hâm mộ sướng rơn khi kết hợp được tinh hoa của phiên bản gốc vào một câu chuyện thú vị.
Toàn cảnh băng Mũ Rơm trong phim
Nhìn chung, chín thành viên của băng Mũ Rơm đều giữ được cá tính trong truyện tranh và có những khoảnh khắc tỏa sáng cho riêng mình, từ Franky bộc trực đến Zoro phái Tam kiếm mang tinh thần samurai, từ Chopper dễ thương đến gã Brook nhạc công. Song, với thời lượng của một phim điện ảnh thì đạo diễn Hiroaki Miyamoto chỉ có thể tập trung vào vài nhân vật. Ngoài thuyền trưởng Luffy là lựa chọn đương nhiên thì người có cơ hội để "tỏa sáng" trong tập này là cô nàng Nami.
Vốn xuất thân trộm cắp, Nami có tính cách thích hợp để trở thành tâm điểm trong câu chuyện tại sòng bạc. Ngoài ra, phim còn đưa thêm vào một nhân vật mới là Carina, một nữ siêu trộm khác làm đối trọng với Nami. Cô ra mặt trợ giúp nhóm Mũ Rơm và cũng theo đuổi mối lợi riêng cho mình. Kiểu nhân vật nửa chính nửa tà này luôn rất được khán giả yêu thích. Sẽ không ai biết mục đích thật sự của Carina là gì cho đến cuối phim và vỡ òa trong bất ngờ.
Nhân vật mới, cô nàng bí ẩn Carina
One Piece Film Gold có nhịp phim nhanh, các tình tiết diễn ra dồn dập từ đầu đến cuối. Một số nhân vật cameo được đưa vào cho có mặt nhưng không ảnh hưởng gì đến mạch chuyện chính. Kịch bản phim gọn gàng và có để dành một loạt những tình tiết bất ngờ trong cao trào. Và tất nhiên, một tác phẩm về One Piece không thể thiếu những tình huống hài hước sảng khoái.
Những pha hành động được dàn trải rải rác và có biên đạo hấp dẫn, đặc biệt là phân đoạn cuối có thời lượng lên đến nửa tiếng với nhiều trận chiến khác nhau, giữa Luffy và Gild.Tesoro, giữa các thành viên băng hải tặc và tay chân của ông trùm. Nếu vốn chỉ quen với kiểu đánh nhau nhanh gọn của phim Mỹ, One Piece Film Gold sẽ là trải nghiệm mới mẻ dành cho bạn khi cuộc đụng độ kéo dài với nhiều lần các nhân vật thay nhay lật ngược thế cờ.
Nhân vật bá đạo nào đây?
Trong phim, chi tiết "trái ác quỷ" được lồng vào một cách khéo léo. Chúng đem lại cho bọn xấu những siêu năng lực đa dạng, khiến các pha chiến đấu trở nên thú vị hơn. Một nhân vật nữ tay chân của Gild Tesoro có khả năng độc đáo, tạo nên những tình huống "khó đỡ" nhất phim. Trong đó, ông trùm có sức mạnh khá "vô đối" và là một trong những kẻ thù mạnh nhất mà nhóm Mũ Rơm từng đối mặt.
Trong phim, tình bạn giữa các nhân vật vẫn là ý tưởng được thể hiện xuyên suốt. Khi đồng đội bị giam giữ, nhóm Mũ Rơm bất chấp tính mạng để giải nguy. Lúc nguy cấp giữa trận chiến, những tên giang hồ hào sảng vẫn sát cánh bên nhau. Như thường lệ, tinh thần bất khuất của chàng thuyền trưởng Luffy luôn là đầu tàu để kéo cả nhóm đi lên.
Nami và Nico Robin, xem ai "hot " hơn nào?
One Piece: Gold vẫn giữ nguyên cách tạo hình thân thuộc của các nhân vật trong truyện gốc. Luffy dù vận com-lê hay áo cộc thì cũng không thể thiếu chiếc mũ rơm và dép lê huyền thoại. Zoro chiến đấu với hai thanh kiếm trên tay và một cây ngậm trong miệng, Usopp mang đầy "phụ kiện", Chopper siêu dễ thương còn Franky cực hầm hố ở nửa thân trên với cánh tay máy, nhưng ở dưới chỉ độc... chiếc quần đùi.
Cũng như mọi khi, các nhân vật nữ có tạo hình rất khêu gợi có thể làm nhiều thanh niên "xao lãng" việc đọc phụ đề. Lại một "điểm cộng" nữa để khán giả đến rạp vì băng hải tặc Mũ Rơm này...
One Piece Film Gold khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 26/08/2016.
Theo Ân Nguyễn / Trí Thức Trẻ