10 phim hành động hay nhất năm qua
Trong vòng 12 tháng qua, fan của dòng phim hành động được thưởng thức hàng loạt các tác phẩm ấn tượng và mãn nhãn.
Mad Max: Fury Road: 30 năm kể từ sau phần ba của loạt phim hành động – phiêu lưu hậu tận thế, đạo diễn George Miller mới đưa đứa con tinh thần trở lại với câu chuyện và dàn diễn viên mới toanh. Ở tuổi 70, ông tỏ ra vẫn còn rất phong độ khi mang đến cho khán giả một tác phẩm thuần chất hành động, chứa đựng hàng loạt trường đoạn chiến đấu, cháy nổ, truy đuổi mãn nhãn chưa từng thấy. Mad Max: Fury Road nhận được vô số lời khen ngợi từ giới phê bình lẫn khán giả, thậm chí trở thành đối thủ nặng ký trên đường đua Oscar 2016.
Fast & Furious 7: Loạt phim hành động tốc độ của Vin Diesel và Universal ngày một thể hiện sức hút khi phần bảy đạt doanh thu kỷ lục lên tới hơn 1,5 tỷ USD. Không chỉ gây tò mò cho khán giả bởi cái chết của tài tử Paul Walker từ trước khi phim hoàn thành,Fast & Furious 7 còn hấp dẫn bởi nhiều cảnh quay hành động kịch tính, hoành tráng hơn hẳn các phần trước.
Kingsman: The Secret Service: Trong một năm có hàng loạt bộ phim mang đề tài điệp viên, “tân binh” Kingsman vẫn trở nên nổi bật, không hề thua kém những “lão làng” nhưMission: Impossible hay 007. Bộ phim của Matthew Vaughn thành công trong việc tái hiện phong cách điệp viên Anh quốc cổ điển, kết hợp với nội dung đơn giản nhưng hấp dẫn, hài hước. Ngoài ra, các cảnh hành động trong phim được thực hiện công phu, bạo lực và đẹp mắt.
Mission: Impossible – Rogue Nation: Phần năm Nhiệm vụ bất khả thi tiếp tục khẳng định sức hút khó cưỡng của Tom Cruise và thương hiệu hành động tạo nên tên tuổi của anh. Ở tuổi 53, tài tử chứng minh phong độ ổn định của bản thân bằng việc trực tiếp thực hiện nhiều pha hành động nguy hiểm mà không cần đóng thế. Điều đó giúp tạo ra điểm nhấn cho Mission: Impossible – Rogue Nation, trở nên chân thực, kịch tính hơn hẳn nhiều tác phẩm cùng thể loại.
Avengers: Age of Ultron: Các siêu anh hùng của Marvel thêm một lần nữa tập hợp trong phần hai của Avengers. Dù mảng nội dung không được đánh giá cao như tập đầu năm 2012, Age of Ultron vẫn khiến khán giả mãn nhãn bằng nhiều đại cảnh hành động hấp dẫn, với điểm nhấn là trận ác chiến giữa Iron Man trong bộ giáp Hulkbuster với Hulk tại Wakanda, cùng trận chiến cuối cùng giữa nhóm Avengers và binh đoàn tay sai của Ultron tại Sokovia.
Sicario: Đạo diễn Denis Villeneuve đem đến cho khán giả một tác phẩm hành động, tội phạm đầy ám ảnh. Sicario miêu tả trần trụi cuộc chiến trống ma túy tại điểm nóng biên giới giữa Mỹ và Mexico, với không khí nặng nề, căng thẳng xuyên suốt. Các trường đoạn hành động trong phim không nhiều, nhưng được thực hiện theo hướng chân thực, tàn bạo. Các cảnh đấu súng, đột kích diễn ra nhanh gọn, hiệu quả, không rườm rà, hoa mỹ, nhưng vẫn đảm bảo được sự kịch tính cần thiết.
Star Wars: The Force Awakens: Thần lực đã trở lại và mạnh mẽ hơn bao giờ hết! Star Wars: The Force Awakens đang trên đường phá vỡ hàng loạt kỷ lục tại phòng vé chỉ sau đúng ba tuần ngoài rạp. Phần bảy Chiến tranh giữa các vì sao được khán giả khen ngợi nhờ sự trung thành với bộ ba phim gốc, diễn xuất của dàn diễn viên trẻ tài năng, cùng hàng loạt đại cảnh hành động ấn tượng, mang đậm dấu ấn Star Wars.
Diệp Vấn 3: Đây là phần kết viên mãn cho câu chuyện truyền kỳ về cuộc đời nhất đại tông sư Vịnh Xuân quyền. Tập trung nhiều hơn vào cuộc sống tình cảm gia đình của sư phụ Diệp Vấn, bộ phim của đạo diễn Diệp Vỹ Tín không quên đem đến cho khán giả những pha hành động võ thuật đẹp mắt, không hề thua kém hai tập trước. Với sự tham gia của cựu võ sĩ quyền anh Mike Tyson, khán giả được chứng kiến trận song đấu có một không hai giữa anh với ngôi sao Chân Tử Đan.
Sát Phá Lang 2: Không có sự tham gia của Chân Tử Đan và Hồng Kim Bảo, cũng như nội dung không liên quan đến tập phim cùng tên năm 2005, Sát Phá Lang 2 vẫn có được sức hấp dẫn riêng. Với sự góp mặt của ngôi sao võ thuật Thái Lan Tony Jaa và Ngô Kinh, phim xoay quanh nạn buôn người nhức nhối tại Hong Kong, với những trận ác chiến giữa cảnh sát và tổ chức tội ác. Các màn giao đấu đẹp mắt giữa Tony Jaa và Ngô Kinh, cũng như trường đoạn hành động dài hơi cuối phim, chắc chắn khiến fan của dòng phim hành động võ thuật cảm thấy thỏa mãn.
Video đang HOT
Veteran:Là bộ phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2015, Veteran là trận chiến không khoan nhượng giữa cảnh sát và các tập đoàn kinh tế với những tội ác bẩn thỉu phía sau. Đạo diễn Ryoo Seung Wan đem đến cho khán giả nhiều pha hành động ấn tượng, kết hợp hài hòa giữa phong cách hài hước trong các phim của Thành Long với chất bạo lực thường thấy trong những tác phẩm Hàn Quốc cùng thể loại.
Theo Zing
10 khoảnh khắc điện ảnh ấn tượng nửa đầu 2015
Lời tạm biệt tới Paul Walker, tay guitar kỳ quái trong "Mad Max", sự xuất hiện của The Vision... là những trường đoạn đáng nhớ của làng điện ảnh trong sáu tháng đầu năm.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước nội dung của một số phim
Lời chia tay dành cho Paul Walker (Fast & Furious 7)
Sau nhiều màn hành động rượt đuổi, cháy nổ dồn dập, bom tấn Fast & Furious 7 khép lại với cảnh biệt đội tốc độ của Dominic Toretto (Vin Diesel) ngắm nhìn Brian O'Conner (Paul Walker) chơi đùa cùng vợ Mia (Jordana Brewster) và bé Jack trên bãi biển. Dom định lẳng lặng ra đi, nhưng anh bị Brian bắt kịp và bảo rằng: "Anh nghĩ mình có thể đi mà không nói lời tạm biệt sao?"
Đoạn kết Fast & Furious 7 là lời tri ân cảm động dành cho tài tử xấu số Paul Walker.
Sau đó, người xem được chứng kiến những khoảnh khắc ấn tượng nhất của Paul Walker trong loạt Fast & Furious trên nền ca khúc See You Again, trước khi Dom kết lại rằng: "Cậu sẽ luôn ở bên tôi. Cậu sẽ luôn luôn là người anh em của tôi". Thế rồi, xe của hai nhân vật rẽ sang hai ngả đường khác nhau. Màn hình dần dần hóa trắng và dòng chữ "For Paul" xuất hiện.
Đây là đoạn phim nhằm tri ân Paul Walker, người đã qua đời trong một tai nạn xe hơi từ khi Fast & Furious 7 còn chưa hoàn thành, đồng thời cũng là lời từ biệt dành cho nhân vật Brian O'Conner. Đó đã có thể là một cái kết trọn vẹn và cảm động cho toàn bộ series tốc độ. Nhưng trước doanh thu khổng lồ lên tới hơn 1,5 tỷ USD của bộ phim, các nhà sản xuất sẽ tiếp tục thực hiện phần tám của Fast & Furious, dự kiến ra mắt năm 2017.
Tay guitar kỳ quái của Immortan Joe (Mad Max: Fury Road)
Toàn bộ Mad Max: Fury Road là cuộc đuổi bắt giữa hai nhóm nhân vật của Mad Max và Immortan Joe qua những vùng hoang mạc hậu tận thế bất tận. Trong số tay chân của Joe, người xem ấn tượng nhất với The Coma-Doof Warrior (cây guitar iOTA thủ vai), kẻ chuyên trị chơi cây đàn guitar khạc lửa nhằm cổ vũ tinh thần cho đồng bọn.
Coma-Doof Warrior là một sáng tạo thú vị của George Miller dành cho Mad Max: Fury Road.
Trong một trường đoạn gần cuối phim, chiếc mặt nạ của Coma-Doof bị tuột ra do gã có màn chạm trán với Max Điên (Tom Hardy). Người xem thoáng được thấy tay guitar không có mắt, làn da trắng nhợt, cùng một hàm răng lởm chởm.
Không có quá nhiều đất diễn, nhưng mỗi lần Coma-Doof Warrior xuất hiện đều là những khoảnh khắc đáng giá và giúp gã được yêu mến không kém gì hai nhân vật chính của Tom Hardy và Charlize Theron.
The Vision nhấc cây búa Mjlnir của Thor (Avengers: Age of Ultron)
Ở đầu phim, nhóm siêu anh hùng Avengers thi nhau nhấc cây búa thần của Thor (Chris Hemsworth), nhưng chỉ có Captain America (Chris Evans) mới có thể khiến nó nhúc nhích chút xíu.
Trong tương lai, The Vision sẽ là một thành viên quan trọng của Avengers. Anh gây dựng lòng tin ban đầu khi dễ dàng nhấc bổng chiếc búa Mjlnir của Thor.
Sau đó, nhiều tranh cãi xảy ra trong nội bộ Avengers khi Tony Stark (Robert Downey Jr.) cố gắng tạo ra một trí tuệ nhân tạo mới nhằm chống lại Ultron (James Spader). Bất chấp sự ngăn cản đến từ Cap, The Vision (Paul Bettany) rốt cuộc cũng sống dậy nhờ sấm sét của Thor.
Để chứng minh cho sự ngay thẳng của bản thân, The Vision nhấc bổng cây búa Mjlnir với không một chút khó khăn. Chi tiết đồng thời cho thấy anh là một sự bổ sung cần thiết cho trận chiến quyết định với Ultron tại Sokovia.
T-Rex xuất hiện (Jurassic World)
Ở đoạn cuối phần bốn Công viên kỷ Jura, Owen Grady (Chris Pratt), Claire Dearing (Bryce Dallas Howard) cùng hai người cháu trai của cô gái phải đối đầu với loài khủng long lai Indominus Rex. Những chú Velociraptor từng được Owen huấn luyện chỉ gây khó dễ chút ít cho sinh vật lai tạp và số phận của bốn con người như "chỉ treo mành chuông".
Khoảnh khắc T-Rex sắp sửa xuất hiện nhờ quyết định táo bạo của Claire Dearing.
Thế rồi, Claire đi đến một quyết định táo bạo: thả khủng long bạo chúa T-Rex ra để nó đối đầu với Indominus Rex. Suốt từ đầu phim, T-Rex hoàn toàn không xuất hiện và chỉ được nhắc tới qua loa khi các khoa học gia đưa ra các phép so sánh. Cùng sự giúp sức của một Velociraptor và chủng thằn lằn biển ăn thịt khổng lồ Mosasaurus, khủng long bạo chúa đã giành chiến thắng.
Ngay từ ban đầu, đạo diễn Colin Trevorrow cho rằng bộ phim mới của ông là phiên bản "nâng cấp" của Jurassic Park năm 1993. Nó hẳn không thể thiếu T-Rex và nhà làm phim đã khéo léo giấu kín nó cho tới tận phút chót.
Cuộc thảm sát ở nhà thờ (Kingsman: The Secret Service)
Lần theo dấu vết của ông trùm công nghệ Richmond Valentine (Samuel L. Jackson), điệp viên Harry Hart (Colin Firth) đặt chân tới một nhà thờ ở Kentucky, nước Mỹ. Song, đây là cái bẫy khi Valentine khiến mọi người tại đó hóa điên nhờ chiếc SIM điện thoại được lão phát miễn phí từ trước.
Trường đoạn trong nhà thờ của Kingsman: The Secret Service là rất bạo lực.
Trên nền nhạc ca khúc kinh điển Free Bird của Lynyrd Skynrd, cuộc chiến đẫm máu giữa Harry Hart và những con người trong nhà thờ cứ thế diễn ra, thông qua một cú máy duy nhất. Người điệp viên hào hoa cứ hạ hết người này tới người khác, biến đây trở thành một trường đoạn bạo lực và khốc liệt.
Sự sáng tạo của đạo diễn Matthew Vaughn được thể hiện rõ qua đoạn phim. Nhưng nó cũng làm dấy lên không ít tranh cãi khi có liên quan tới nhà thờ, cũng như nạn nhân của Harry Hart xét cho cùng chỉ là những con người vô tội, không đáng phải chịu kết cục thảm khốc như trên màn ảnh.
Màn bốc phét của gã điệp viên Rick Ford (Spy)
Một trong những điểm nhấn của Spy đến từ Rick Ford, nhân vật gã điệp viên gàn dở do Jason Statham sắm vai. Ở đầu phim, gã chửi bới, có phần giận dỗi khi không được tham gia nhiệm vụ phá hoại tổ chức tội ác của ả Rayna Boyanov (Rose Byrne).
Thay vì chọn Rick Ford, giám đốc CIA đưa Susan Cooper (Melissa McCarthy) - một nhân viên chuyên ngồi bàn giấy, ra ngoài thực địa. Ngay khi tới địa điểm bí mật, Susan đã bị Ford dọa nạt bằng một màn "chém gió" trên trời dưới biển về những chiến công và kỳ tích của hắn.
Khán giả hoàn toàn biết Rick Ford chỉ bốc phét. Nhưng sự phô trương của gã thực sự trở nên lố bịch khi ở gần cuối phim, tưởng như Ford sẽ giải cứu Susan trước mũi súng kẻ thù, thì gã rốt cuộc lại lao thẳng đầu vào cửa rồi nằm bất tỉnh.
Gã cao kều ngoài cánh cửa (It Follows)
Bộ phim kinh dị độc lập It Follows xoay quanh một lời nguyền bí ẩn được truyền qua đường tình dục. Nạn nhân mới nhất là thiếu nữ Jay (Maika Monroe) và cô bị nhiều thực thể đeo bám khắp mọi nơi. Chúng có thể ẩn dưới hình dạng của bất cứ ai, một người thân hoặc một kẻ xa lạ, lầm lũi tiến về phía con mồi của nó.
Gã cao kều khiến không ít khán giả của It Follows thót tim.
Khi đang ở trong nhà cùng bạn bè, Jay cảm thấy hoảng sợ khi có ai đó cố gắng mở cửa phòng mình. Ban đầu, đó chỉ là một người bạn của cô, Yara (Olivia Luccardi). Khi mọi người định trấn an Jay, mở chiếc cửa ra thêm lần nữa, thì một gã cao kều bất thình lình xuất hiện phía sau Yara và tiến đến Jay.
Sự đáng sợ đến từ thân hình to kỳ quái, gương mặt bình thản, cùng dáng đi chậm rãi của gã đàn ông. Không khó để thoát khỏi sự truy đuổi của hắn, nhưng chẳng ai dám tưởng tượng Jay sẽ ra sao nếu bị tóm lấy.
Ava bay đến thế giới loài người (Ex Machina)
Trong bộ phim khoa học viễn tưởng Ex Machina, cô nàng robot Ava (Alicia Vikander) tìm đủ mọi cách để có thể đến với thế giới con người. Sau khi sát hại chủ nhân Nathan (Oscar Issac), cũng như bỏ mặc chàng lập trình viên Caleb (Domhnall Gleeson) trong cơ sở thí nghiệm, Ava mặc lên chiếc váy, rồi lên chiếc trực thăng để bay tới nền văn minh nhân loại.
Đoạn kết Ex Machina để lại cho khán giả nhiều suy ngẫm.
Ở cảnh kết phim, Ava ngắm nhìn dòng người đi lại, trong khi người xem không khỏi tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra với Caleb tại khu thí nghiệm, cũng như cô người máy sẽ còn dám làm gì trong tương lai. Cái kết mở của Ex Machina giúp đây trở thành một trong những bộ phim đáng nhớ nhất nửa đầu 2015.
Kevin khổng lồ (Minions)
Để cứu hai người bạn Stuart và Bob đang bị Scarlet Overkill (Sandra Bullock) bắt giữ, chú minion Kevin chui vào phòng thí nghiệm của Herb (Jon Hamm) và vô tình kích hoạt một thứ vũ khí tối thượng còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Kevin trở thành người hùng của các minion trong bộ phim riêng về nhóm "tiểu quái da vàng".
Kết quả là Kevin hóa khổng lồ, khiến cho mọi kẻ đang truy đuổi chú phải lập tức bỏ chạy. Cũng nhờ đó, cậu dễ dàng đánh bại Scarlet Overkill khi ả định giết hại toàn bộ các minion ngay giữa lòng London.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng, Scarlet tiếp tục phóng hỏa tiễn về phía Kevin. Những tưởng chú minion quả cảm sẽ bỏ mạng, nhưng quả rocket lại giúp chú trở về kích cỡ bình thường trong sự hân hoan của đồng loại. Biến một chú minion trở nên to lớn là một bất ngờ thực sự thú vị của bom tấn hoạt hình đến từ Illumination Entertainment.
Riley trở về bên gia đình (Inside Out)
Sau khi cảm xúc Buồn Bã (Phyllis Smith) ngăn chủ nhân Riley (Kaitlyn Dias) lên xe buýt trở về ngôi nhà cũ ở Minnesota, cô bé trở về bên cha mẹ. Rồi Vui Vẻ (Amy Poehler) cho phép Buồn Bã chạm vào những ký ức tại Minnesota, biến chúng từ vui sang buồn, giúp Riley giải thích với phụ huynh trong nước mắt rằng cô bé nhớ ngôi nhà cũ.
Đoạn kết Inside Out khiến nhiều khán giả phải rơi lệ.
Nhưng đó cũng là lúc Hòn đảo Gia đình trong tâm trí Riley trở lại và tình cảm với cha mẹ trong cô bé được khôi phục. Cùng với đó, các cảm xúc bên trong nhân vật trở nên phức tạp hơn và giúp Riley thực sự trưởng thành.
Đây là trường đoạn cảm động nhất trong Inside Out, bộ phim được giới phê bình đánh giá là hay nhất của Pixar kể từ sau Toy Story 3 (2010), có thể khiến cả trẻ em lẫn người lớn rơi lệ bởi ai cũng đều từng trải qua những gì bên trong tâm trí Riley.
Theo Zing
Những bộ phim đình đám suýt không thể ra đời Khán giả đã có thể không được chứng kiến những "Star Wars", "Blade Runner", "Donnie Darko" hay "Fast & Furious" nếu như không có sự can thiệp và nỗ lực từ các nhà sản xuất. Mad Max: Fury Road (2015): Tiêu tốn hết 150 triệu USD, George Miller phải mất đến ba thập kỷ mới có thể hoàn thành phần bốn của Mad...