10 phim điện ảnh Hàn dựa trên câu chuyện có thật lấy nước mắt người xem
Không phải ai cũng biết những bộ phim này được dựa trên sự kiện rúng động hay nhân vật nổi tiếng có thật ngoài đời.
1. Bởi vì anh yêu em (2017)
Bởi vì anh yêu em (2017) là bộ phim tình cảm – hài hước có sự tham gia của loạt diễn viên nổi tiếng như Cha Tae Hyun, Kim Yoo Jung, Seo Hyun Jin,… Bộ phim kể về nhạc sĩ Lee Hyung (Cha Tae Hyun), vào ngày quan trọng nhất của cuộc đời, anh không may gặp tai nạn xe hơi và hôn mê. Từ đó, Lee Hyung trở thành hồn ma vất vưởng, bất đắc dĩ làm thần Cupid hàn gắn tình yêu cho mọi người để tìm lại từng mảnh ký ức của chính mình với sự giúp đỡ của Scully (Kim Yoo Jung).
Bộ phim được lấy cảm hứng từ cuộc đời của nhạc sĩ tài năng Yoo Jae Ha, ở tuổi 25, anh gặp tai nạn giao thông và ra đi khi cuộc đời còn đang nở rộ. Bài hát Because I love you (Saranghagi Ttaemune) được sử dụng trong phim cũng là bài hát cuối cùng Yoo Jae Ha dành tặng cho người con gái mình yêu, cũng là một nhạc sĩ.
2. Last Princess (2016)
Last Princess chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Kwon Bi Young, cũng là bộ phim tiểu sử về cuộc đời nàng Deok Hye – vị công chúa cuối cùng của triều đại Joseon. Người đã sống một cuộc đời tha hương suốt 38 năm ròng trên đất Nhật khi Joseon bị Nhật Bản xâm chiếm.
Trong phim, Son Ye Jin vào vai Deok Hye, vị công chúa bị Thực dân Nhật bắt cóc làm con tin, cũng là niềm hi vọng cuối cùng của người dân Hàn. Nàng có một tình yêu đẹp với Jang Han, một chiến binh bảo vệ độc lập, người có nhiệm vụ giải cứu công chúa về Hàn Quốc an toàn.
3. Himalayas (2015)
Himalayas dựa trên câu chuyện có thật về Um Hong Gil – chuyên gia leo núi hàng đầu Hàn Quốc, người đã hoàn thành 38 chuyến du ngoạn ở những dãy núi khác nhau. Nhưng chuyến đi lần này của Hong Gil không phải là để chinh phục “nóc nhà” thế giới mà mục đích thực sự chính là tìm thi thể của ba người bạn đồng hương đã không may bỏ mạng tại đây.
Từ câu chuyện cảm động về tình bạn ấy, Himalayas đã được bấm máy. Bộ phim kể về cuộc thám hiểm chưa từng có trong lịch sử của Um Hong Gil và hội bạn của mình: họ đã quay lại khu vực có tên Vùng chết thuộc dãy Himalaya để tìm thi thể của người bạn mất tích Park Moo Taek.
4. Hope (2013)
Hope kể về cô bé mang tên “hi vọng” Im So Won, không may trên đường đi học, em bị một tên nát rượu hãm hại. Sự việc gây ra nhiều tổn thương về thể xác lẫn tinh thần cho em. Tưởng rằng So Won sẽ không thể vượt qua nỗi đau này nhưng bằng tình yêu, sự quan tâm của gia đình và xã hội, em đã can đảm hơn để bước tiếp cuộc đời của mình.
Những điều kinh khủng trong phim không phải là hư cấu mà thực sự xảy ra ngoài đời thật, thậm chí còn đáng sợ hơn rất nhiều. Bộ phim dựa trên vụ án ấu dâm chấn động Hàn Quốc, nạn nhân là Na Young 8 tuổi, em bị cưỡng bức và tra tấn dã man tại nhà vệ sinh của một nhà thờ khi đang trên đường đi học về. Vụ việc khiến cô bé bị trầm cảm, thương tổn giọng nói, mất khả năng làm mẹ và phải đeo hậu môn giả như trong phim đã miêu tả.
5. Don’t Cry Mommy (2013)
Video đang HOT
Nhiều khán giả rùng mình khi biết những tình tiết trong Don’t Cry Mommy đều dựa trên một vụ án có thật đã làm dậy sóng dư luận Hàn Quốc vào năm 2004. Đó là vụ cưỡng hiếp tập thể nghiêm trọng ở Miryang, Nam Gyeong Sang. Nạn nhân là một nữ sinh mới chỉ 15 tuổi và thủ phạm là 41 nam sinh.
Ở ngoài đời thực cũng như trong phim, do sự lỏng lẻo của pháp luật và thế lực của gia đình các nam sinh, vụ án đã không được xét xử công bằng. Thậm chí, nạn nhân còn bị lộ danh tính và trở thành trò đùa trên mạng. Ngược lại, các nam sinh có tội được sống yên ổn, tương lai hứa hẹn như chưa có chuyện gì xảy ra. Don’t Cry Mommy là tiếng nói đòi sự công bằng của pháp luật, đồng thời tái hiện chân thực nỗi đau, sự ám ảnh và cả những oan ức mà nạn nhân và gia đình phải chịu đựng.
6. Han Gong Ju (2014)
Cũng dựa trên vụ án cưỡng bức rúng động Hàn Quốc giống Don’t Cry Mommy, Han Gong Ju tái hiện lại cuộc sống khổ sở của nữ sinh Gong Ju sau khi em cùng bạn của mình bị cưỡng hiếp tập thể bởi hơn 40 nam sinh khác. Người bạn kia đã tự sát còn Gong Ju bị ép buộc rời khỏi nơi mình sống để đến một nơi thật xa dưới áp lực của cha mẹ thủ phạm.
Sau khi chuyển đến trường học mới, Gong Ju sợ hãi, thu mình sống đơn độc, ít kết bạn, luôn tìm cách thoát khỏi sự ám ảnh của những bi kịch đã xảy ra. Những vết nhơ từ vụ cưỡng hiếp còn khiến ước mơ âm nhạc của em trở nên xa vời. Bộ phim đã lên án thái độ thờ ơ của xã hội, hiện tượng đổ lỗi nạn nhân của nhiều người – điều đã đẩy các nạn nhân vào bước đường cùng là cái chết.
7. Những năm tháng rực rỡ (2014)
Những năm tháng rực rỡ là bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Kim Ae Ran, được lấy cảm hứng từ một gia đình có thật tại Hàn Quốc. Nội dung ý nghĩa lại có sự tham gia của bộ đôi Kang Dong Won và Song Hye Kyo, Những năm tháng rực rỡ để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Ah Reum là kết quả của tình yêu học trò ở tuổi 18 của mẹ và bố, không may em mắc chứng bệnh lão hóa sớm. Vì thế, tuy mới chỉ tuổi 16, gương mặt của cậu bé đã nhìn như một ông cụ 80. Bằng tâm hồn trong sáng và lạc quan của mình, Ah Reum vẽ nên những ước mơ giản đơn, những giả tưởng về chính bản thân, viết lại chuyện tình yêu bồng bột tuổi trẻ của cha mẹ. Cuộc sống tuy đầy trở ngại và khó khăn nhưng gia đình 3 người vẫn bên nhau đầy ắp tiếng cười, cùng nhau trân trọng những tháng năm ngắn ngủi nhưng rực rỡ.
8. Cart (2014)
Sun Hee là bà mẹ hai con làm thu ngân trong một trung tâm thương mại lớn. Cô chăm chỉ làm việc suốt 5 năm để được nhận làm nhân viên chính thức và có mức lương ổn định hơn. Rất nhiều người khác tại siêu thị cũng có hi vọng giống như Sun Hee. Nhưng một ngày, mọi hi vọng đều đổ vỡ khi họ nhận được thông tin nhân viên hợp đồng sẽ bị sa thải mà không có một lời giải thích từ lãnh đạo.
Từ ấy, các nhân viên nhỏ bé không tiếng nói bắt đầu hợp sức lại cùng nhau tổ chức những cuộc biểu tình, đình công đòi quyền lợi. Bộ phim dựa trên vụ lùm xùm năm 2007, khi một chuỗi siêu thị thuộc tập đoàn E-land đã tự ý sa thải nhân viên hợp đồng, chủ yếu là phụ nữ, để “lách” luật thuê lao động. Các nhân viên bị sa thải đã đình công, biểu tình suốt 512 ngày trước cửa siêu thị cho đến khi vấn đề được giải quyết.
9. Silenced (2011)
Sự việc bắt nguồn từ phiên tòa phúc thẩm xét xử thầy giáo của một trường học dành cho trẻ em khuyết tật ở tỉnh Gwangju, Nam Hàn Quốc. Hắn ta bị buộc tội cưỡng bức bé gái 13 tuổi bị khiếm thính và mức án dành cho bị cáo là 1 năm tù. Bản án quá nhẹ đã gây bức xúc dư luận Hàn Quốc.
Tác phẩm điện ảnh Silenced (2011) được dựa theo câu chuyện trên để lên án nạn tấn công tình dục học đường bị bưng bít ở Hàn Quốc và tái hiện cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân. Bộ phim kể về Kang In Ho (Gong Yoo), giáo viên mới được bổ nhiệm tại một trường học khiếm thính. Ở đây, In Ho phát hiện ra những chuyện không tưởng do các giáo viên trong trường thản nhiên thực hiện với chính học sinh của mình.
10. Memory of Murder (2003)
Năm 1986, tại tỉnh Gyunggi (Hàn Quốc), cảnh sát tìm thấy xác chết 2 người phụ nữ, đều xinh đẹp và bị trói bằng đồ lót rồi hãm hiếp trước khi bị sát hại. Hai thám tử địa phương là Park Doo Man và Cho Yong Koo thiếu kinh nghiệm nên đã dùng bạo lực tra khảo những người tình nghi nhưng không tìm được manh mối. Thám tử Seo Tae Yoon được cử đến từ Seoul để giúp đỡ cuộc điều tra. Lúc những dấu vết đầu tiên lộ diện thì họ tìm thấy xác chết thứ ba.
Memory of Murder đã ghi lại toàn cảnh vụ giết người hàng loạt có thật tại thành phố Hwaseong, tỉnh Gyunggi trong khoảng những năm từ 1986 đến 1991. Số nạn nhân lên tới 10 người, đều là phụ nữ trẻ bị sát hại dã man với cùng một phương thức. Cho đến nay, vụ án này vẫn là một bí ẩn lớn vì cảnh sát Hàn Quốc chưa thể tìm được kẻ thủ ác.
Theo VNE
5 bộ phim ấn tượng nhất màn ảnh Hàn 2016
Phim điện ảnh Hàn năm qua chứng kiến nhiều chuyển biến bất ngờ cả về đề tài lẫn doanh thu.
The Handmaiden (Người hầu gái)
Kim Min Hee trong vai nữ tiểu thư có cuộc sống phức tạp và buồn thảm.
Bộ phim xuất sắc của đạo diễn Park Chan Wook trở thành điểm sáng được chú ý trên màn ảnh Hàn năm 2016. Phim được Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh Hàn chọn vào Top 10 phim Hàn hay nhất trong năm. Đi tranh giải tại LHP Cannes, The Handmaiden giành một giải phụ nhưng vẫn đủ sức gây chú ý lớn với công chúng nước ngoài.
4 diễn viên chính trong phim đều diễn chắc tay, tạo nên thành công cho tác phẩm.
Phim xoay quanh chuyện tình cảm của một tiểu thư từ nhỏ phải sống trong nhiều bất hạnh và chịu sự giáo dục đầy cưỡng ép của một người chú dượng. Nhân vật tiểu thư do nữ diễn viên Kim Min Hee thủ vai từng được giải "Nữ diễn viên xuất sắc nhất" tại giải Rồng xanh 2016.
Tuy nhiên, scandal Kim Min Hee ngoại tình với đạo diễn đã có vợ con khiến cô không thể tới nhận giải và tránh xa truyền thông một thời gian dài. Đây cũng là điểm trừ đáng tiếc trong câu chuyện hậu trường của Người hầu gái.
Nói về những điều gây sốc nhất của The Handmaiden, phải kể tới các chi tiết khổ dâm, bạo dâm trong phim. Bên cạnh việc khai thác chuyện tình đồng tính của nữ tiểu thư và người hầu gái, đạo diễn Park Chan Wook còn đi vào bóc trần mảng tối về đời sống tâm lý tình ái của giai cấp quý tộc xưa. Với góc quay trực diện, các diễn viên phải hy sinh vì nghệ thuật bằng việc cởi áo, thực hiện các phân cảnh nóng.
Thành công của chủ đề gây sốc và các cảnh quay 19 khiến bộ phim nhanh chóng tạo được cơn sốt, trở thành phim triệu view trên phòng vé xứ Hàn khi ra mắt vào tháng 9 năm nay.
Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử)
Bộ phim có doanh thu cao nhất màn ảnh Hàn năm 2016 chính là Train to Busan với hơn 11,5 triệu lượt khán giả tới rạp, đứng thứ 9 trong lịch sử điện ảnh Hàn từ trước tới nay.
Stephen King, bậc thầy kinh dị, giả tưởng đã viết trên trang cá nhân những lời khen ngợi dành cho Train to Busan. Ông đánh giá đạo diễn Oh Woo Gam đã tạo nên một tác phẩm về đề tài xác sống còn xuất sắc hơn cả The Walking Dead của Mỹ. Ông cũng nhận định đây là phim điện ảnh zombie (thây ma) hay nhất từng xem.
Người xem được sống trong những cảm xúc nghẹt thở cùng các hành khách trên chuyến tàu từ Seoul đến Busan đấu tranh chống lại đại dịch xác sống. Sau khi ra mắt tại Hàn vào tháng 7 năm nay, phim được khởi chiếu tại thị trường Bắc Mỹ vào tháng 11 và nhận được phản ứng tích cực. Chuyên trang phê bình phim của Mỹ IndieWire đã chọn Train to Busan đứng thứ 13 trong số các phim kinh dị hay nhất trong năm.
The Wailing (Tiếng than)
Poster nhiều sức gợi của The Wailing với sự góp mặt của 3 diễn viên chính Kwak Do Won, Hwang Jung Min, Cheon Woo Hee.
Ra mắt vào tháng 7 năm nay, bộ phim thuộc thể loại hình sự, kinh dị của đạo diễn Na Hong Jin đã thu hút khoảng 6,9 triệu lượt người xem. Phim được mang đi LHP Cannes và giành nhiều lời khen ngợi từ các nhà làm phim về bối cảnh, góc quay, ánh sáng lẫn nghệ thuật dựng hình.
The Wailing xoay quanh những cái chết bất thình lình xảy ra tại ngôi làng trên núi. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, họ bị hành hạ bởi chứng tróc da ghê rợn. Ngài thanh tra không thể ngồi yên khi chính cô con gái bé nhỏ cũng có những triệu chứng kỳ lạ giữa tin đồn ma quái xảy ra trong làng. Thậm chí cả pháp sư cũng xuất hiện và mọi ngờ vực đổ dồn vào người đàn ông Nhật Bản mới tới. Nhưng mọi chuyện lại không như dự đoán.
Tại lễ trao giải Rồng xanh mới đây, The Wailing xuất sắc đoạt tới 4 giải thưởng cho thấy sức hấp dẫn không chỉ với khán giả mà ngay cả các nhà phê bình.
The Tunnel (Đường hầm)
Đề tài thảm họa luôn hấp dẫn các nhà làm phim lẫn người xem. The Tunnel khai thác câu chuyện một người đàn ông đang trên đường về nhà bỗng kẹt vào đống đổ nát của một vụ sập đường hầm nghiêm trọng không lối thoát. Jung Soo (Ha Jung Woo) là nạn nhân duy nhất nên anh phải xoay sở tìm cách thoát khỏi đống đổ nát để trở về với cô con gái đang chờ mình.
Ra mắt vào tháng 8 năm nay, bộ phim có sự hội tụ của Ha Jung Woo, Bae Doo Na, Oh Dal Soo... thu hút hơn 7,1 triệu lượt khán giả. Phim xếp thứ 3 trong số các tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất của Hàn Quốc trong năm 2016. Yếu tố hấp dẫn nhất trong phim là việc nhân vật chính bị đẩy vào tình huống sống còn khi chỉ có 1 chiếc điện thoại, 2 chai nước và 1 chiếc bánh kem giữa đống đổ nát của đường hầm bị sập.
Inside Man (Điệp vụ kép)
Lee Byung Hun mang đến cho người xem cảm giác thỏa mãn với nhân vật vừa phản diện vừa chính diện.
Đề tài tham nhũng và hối lộ trong các cơ quan cấp cao Hàn Quốc luôn là một vấn đề nhạy cảm ít nhà làm phim "dám" đưa lên màn ảnh. Đây cũng chính là lý do Inside Man tạo nên được cơn sốt với khán giả Hàn. Phim vén màn bí mật của các ông lớn cầm quyền.
Với dàn sao hạng A gồm Lee Byung Hun, Jo Seung Woo, Baek Yoon Sik, phim mang đến các tình huống nghẹt thở trong thế giới ngầm của chính trường Hàn Quốc. Lee Byung Hun đoạt giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" tại lễ trao giải Rồng xanh vừa qua. Tài tử vào vai An Sang Goo, một tay xã hội đen muốn thành danh nên dấn thân vào cơ quan cấp cao.
Anh trở thành tay sai đắc lực cho nghị viên ứng cử tổng thống Jang Pil Woo. Vì bị phát giác phản bội, đàn em thân tín của tay nghị viên đã chặt cánh tay phải và đẩy An Sang Goo vào cảnh tù tội. Anh liên kết cùng thanh tra Hoon (Jo Seung Woo) để trả thù.
Tính đến ngày 16/11/2016, Inside Man đã thu hút hơn 7 triệu lượt khán giả tại Hàn.
Theo VNE
6 diễn viên nhí được đánh giá là tương lai của điện ảnh Hàn Những cô, cậu bé này tuy tuổi còn nhỏ nhưng đã có khả năng nhập vai đáng nể. 1. Heo Jung Eun Heo Jung Eun năm 9 tuổi nhưng đã "bỏ túi" gia tài phim ảnh khá đồ sộ. Cô bé từng xuất hiện trong 10 drama và 2 phim điện ảnh. Tuy thời lượng lên hình khiêm tốn nhưng lần xuất hiện...