10 nhân viên không lưu bị dừng hợp đồng vì kém tiếng Anh
Theo Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam, có 130 kiểm soát viên không lưu chưa đạt chuẩn tiếng Anh nên không được bố trí trực, phải đi học lại, ngoài ra 10 người khác bị tạm dừng hợp đồng.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết đã tổ chức 3 đợt đánh giá, phần lớn về trình độ tiếng Anh của các kiểm soát viên không lưu theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông.
Một kíp trực ở đài kiểm soát không lưu tại Tân Sơn Nhất (ACC Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Đoàn Loan.
Kết quả đánh giá cho thấy, có 130 người trên toàn hệ thống chưa đạt yêu cầu mức 4 (mức khai thác) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Một khóa đào tạo cấp tốc cho 60 người trong nhóm kiểm soát viên không đạt chuẩn được mở ra, tuy nhiên vẫn có 10 người không đạt.
Tổng giám đốc Công ty quản lý bay đã có báo cáo gửi Hội đồng thành viên đề nghị tạm dừng hợp đồng, không trả lương với 10 nhân viên này và buộc phải đi học tiếp, nếu không đạt yêu cầu sẽ bị sa thải. Những kiểm soát viên chưa đạt chuẩn không được bố trí trực điều hành chính, chỉ làm công tác hiệp đồng với các đơn vị khai thác mặt đất, phòng không…
Theo ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay, những nhân viên chưa đạt yêu cầu sẽ sớm được đưa ra khỏi dây chuyền điều hành để đào tạo lại và nếu thi lại vẫn không đạt chuẩn, Tổng công ty kiên quyết dừng hợp đồng.
Liên quan đến sự cố máy bay quân sự cắt mặt máy bay Vietnam Airlines và mất điện tại Trung tâm kiểm soát không lưu và tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM), ông Đinh Việt Thắng vừa ký văn bản yêu cầu lãnh đạo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Công ty Quản lý bay miền Nam phải làm kiểm điểm.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông, ông Hoàng Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay và các phó giám đốc phụ trách các bộ phận liên quan cũng phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra 2 sự cố trên.
Video đang HOT
Công ty Quản lý bay miền Nam cũng phải kiểm điểm giám đốc, phó giám đốc và tổ trưởng tổ an toàn, kíp trưởng, các nhân viên kíp trực đảm bảo kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu vì để xảy ra sự cố liên quan đến phần trách nhiệm công việc được giao. Các bản kiểm điểm trên phải hoàn thành trước 30/11.
Trước đó, khi xảy ra sự cố, trực thăng quân sự cắt ngang mũi máy bay Vietnam Airlines, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay rà soát lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực, cho nghỉ việc toàn bộ số nhân viên yếu kém.
Phương Sơn
Theo VNE
Cận cảnh trung tâm ứng cứu mất điện sân bay
Trong bối cảnh Trung tâm quản lý bay đường dài HCM (ACC HCM) mất khả năng điều hành do sự cố mất điện không lưu hôm 20/11, dẫn đến nguy cơ uy hiếp an toàn bay, rất may hệ thống điều hành dự phòng tại ACC Hà Nội đã được đưa vào sử dụng và ứng phó thành công sự cố ngoài mong đợi.
Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy hàng không quốc gia thuộc ACC Hà Nội là "Trung tâm đầu não" quản lý điều hành bay quốc gia và thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo không lưu, nhưng hiện công trình mới chỉ đang trong giai đoạn nghiệm thu.
Trong sự cố hôm 20/11, khi ACC HCM đột ngột mất điện, uy hiếp an toàn bay của gần 100 máy bay, ACC Hà Nội đã được đưa vào sử dụng để ứng phó sự cố khẩn nguy đang diễn ra tại Tân Sơn Nhất và toàn bộ Vùng Thông báo bay HCM (FIR Hồ Chí Minh).
Những hình ảnh tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hà Nội ứng phó thành công sự cố mất điện đài không lưu Tân Sơn Nhất hôm 20/11:
ACC Hà Nội được xây dựng tại đường Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội), thay thế cho ACC Hà Nội hiện tại đang đặt tại khu vực Sân bay Quốc tế Nội Bài. Sau 2 năm thi công đến nay dự án đã hoàn thành và đang hoàn thiện việc lắp đặt máy móc, thiết bị phục vụ công tác điều hành bay. Các thiết bị ở đây đều được nhập từ các nước phát triển thuộc nhóm G7. Tổng kinh phí đầu tư của Trung tâm được phê duyệt khoảng 710 tỷ đồng.
Trung tâm có 2 máy phát điện dự phòng, mỗi máy có thể cung cấp điện cho toàn bộ trung tâm. Trong trường hợp nguồn điện lưới bị mất thì 2 máy phát này sẽ tự động nổ và cung cấp điện cho trung tâm điều hành bay.
Khác với ACC HCM, ACC Hà Nội có 4 cục lưu điện (UPS). Mỗi UPS có thể duy trì hoạt động cho hệ thống trong 2h. Hệ thống UPS được thiết kế riêng biệt theo 2 cặp song song nên nếu khởi động lại 2 máy thì 2 máy kia vẫn hoạt động cung cấp điện cho trung tâm điều hành bay, do vậy không thể xảy ra sự cố như ACC HCM hôm 20/11 vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó TGĐ Tổng công ty Quản lý bay VN cho biết: Mỗi UPS có cửa đóng khóa bảo vệ hệ thống ấn nút (bật, tắt) nguồn điện.
Khu vực chứa và truyền dữ liệu được xem như bộ não của trung tâm đang được các chuyên gia người Ý lắp đặt và cho chạy thử nghiệm.
Phòng điều hành chính là vị trí của kíp trưởng và các nhân viên nhập số liệu chuyến bay. Các vùng FIR được phân khá rõ. Theo đó, FIR Hà Nội từ vĩ tuyến 17 trở ra có diên tích khoảng 32.000 km2 được chia làm 2 phân khu, FIR HCM có diện tích 1 triệu km2 được chia làm 5 phân khu.
Sự cố mất điện không lưu tại Tân Sơn Nhất đã được khắc phục nhờ hệ thống điều hành bay dự phòng tại ACC Hà Nội. Ngoài khả năng điều hành bay thay cho FIR HCM thì công nghệ áp dụng tại Trung tâm này có thể tính toán để phát ra tín hiệu cảnh báo về nguy cơ va chạm giữa các máy bay.
Mỗi vị trí trực có một nhân viên điều hành chính và một nhân viên hiệp đồng bay (liên lạc với không quân và các đơn vị liên quan), trong trường hợp lượng máy bay cao thì tăng cường thêm. Ngoài khả năng điều hành bay thay cho FIR HCM, công nghệ áp dụng tại trung tâm này có thể tự tính toán để phát ra các cảnh báo về nguy cơ va chạm giữa các máy bay.
Chảo vệ tinh kết nối thông tin giữ liệu từ các nơi vể Trung tâm ACC Hà Nội và được phân phối cho điều hành bay ở các vùng.
Theo Vietnamnet
Bộ trưởng Thăng: Làm rõ vụ máy bay Vietnam Airlines suýt đụng máy bay quân sự Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương điều tra làm rõ sự cố máy bay Vietnam Airlines suýt đụng máy bay quân sự và sự cố mất điện tại ACC Hồ Chí Minh làm tê liệt hoạt động điều hành bay Tân Sơn Nhất. Cục Hàng không đang họp với Bộ Tổng...