10 nhân vật được yêu thích nhất trong phim hoạt hình của Pixar
Dory, Woody, Wall-E cùng những bộ phim hoạt hình đặc sắc của Pixar đã trở thành một phần không thể nào quên của nhiều khán giả trên toàn thế giới.
Trong 21 năm hoạt động, xưởng hoạt hình Pixar đã cho mắt 17 bộ phim hoạt hình, mới đây nhất là Finding Dory. Mỗi bộ phim không chỉ là một câu chuyện ý nghĩa, một trải nghiệm thị giác mỹ mãn mà còn đem tới cho khán giả những nhân vật mang tính biểu tượng. Từng nhân vật, dù chính hay phụ, đều có cá tính riêng nổi bật và truyền tải những thông điệp khiến khán giả ghi nhớ. Cùng điểm lại một số cái tên được yêu quý trong các phim của Pixar.
1. Dory – Finding Nemo
Cô cá xanh đãng trí sở hữu một fanpage hơn 25 triệu Likes! Ra mắt lần đầu tiên năm 2003 trong phim hoạt hình Finding Nemo, Dory chỉ là nhân vật thứ chính – người bạn đồng hành cùng cá bố Marlin trên đường vượt đại dương tìm con. Tuy nhiên, nhờ sự lạc quan và tinh thần nhiệt tình giúp đỡ người khác nên Dory nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả. Chứng mất trí nhớ ngắn hạn của cô nàng cũng góp phần đem tới không ít tình huống hài hước cho bộ phim.
Quan trọng hơn cả, tuy là nhân vật phụ sở hữu khiếm khuyết cố hữu nhưng Dory không hề bị coi là trò đùa ngu ngốc. Cô cá nổi tiếng với câu nói “Just Keep Swimming” – Hãy cứ bơi đi, đồng thời là người không bao giờ bỏ rơi bè bạn.
Dory trở lại màn ảnh rộng trong vai trò nhân vật chính của bộ phim Finding Dory đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc. Hành trình tìm lại gia đình, khám phá bản thân của Dory khiến khán giả thêm hiểu và thêm yêu nhân vật này. Dory được lồng tiếng bởi nữ minh tinh Ellen DeGeneres – người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng.
2. Woody – Toy Story
Woody – chàng cao bồi gỗ của Câu Chuyện Đồ Chơi là một trong những nhân vật đầu tiên được Pixar tạo ra cho bộ phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên của họ. Suốt 20 năm qua, chàng thủ lĩnh đồ chơi được khán giả khắp nơi yêu mến bởi sự quyết tâm, đam mê, tận tụy với bè bạn và trung thành với cậu chủ Andy.
Thành công quá lớn của Toy Story cho Woody cơ hội trở lại màn ảnh nhiều lần, với nhiều câu chuyện khác nhau. Khi thì cậu phải đối mặt với nguy cơ bị thay thế khi cậu chủ Andy có người bạn mới hiện đại hơn là Buzz Lightyear (Toy Story – 1995); lúc lại phải lãnh đạo nhóm đồ chơi và tự giải thoát mình trong lúc cậu chủ đi trại hè (Toy Story 2 – 1999) và cuộc phiêu lưu gần nhất là trong Toy Story 3 – 2010, khi cậu chủ Andy đã lớn và đồ chơi phải lên đường tới nhà trẻ Sunnyside.
Hiện tại, Toy Story 4 đang trong quá trình sản xuất và dự kiến ra rạp năm 2018. Khán giả sẽ lại gặp Woody trong nhiệm vụ mới, với giọng nói quen thuộc từ nam diễn viên gạo cội Tom Hanks.
3. Mike Wazowski – Monster Inc
Quái vật một mắt màu xanh nõn chuối được giới thiệu tới khán giả vào năm 2001, trong bộ phim hoạt hình được đề cử Oscar Monster Inc.. Anh chàng là bạn đồng hành tuyệt vời của nhân vật chính – quái vật Sully và giành được nhiều tình cảm từ người xem nhờ phong thái đào hoa và thích đùa giỡn. Tuy là một quái vật chuyên đi hù dọa trẻ con, nhưng tính hài hước và những hành động lãng mạn phía sau cánh cửa giúp Mike trở thành cái tên nổi bật trong “công ty” và trong lòng khán giả.
Mike Wazowski có dịp trở lại màn ảnh rộng trong bộ phim kế tiếp, Monster University, ra mắt năm 2013. Hiện tại, fanpage của Mike Wazowski có hơn 11 triệu Likes, gấp đôi anh bạn lông lá James P. Sullivan.
Video đang HOT
4. Remy – Ratatouille
Chú chuột đầu bếp đã trở thành một biểu tượng cho thông điệp “cho dù bạn là ai, bạn vẫn có thể đạt thành quả xứng đáng với tài năng và đam mê của mình”. Chuyến phiêu lưu của Remy tới kinh đô Paris hoa lệ không chỉ hàm chứa bài học về gia đình, sự trung thực, cái tôi hay nỗ lực theo đuổi đam mê mà còn đưa khán giả vào thế giới ẩm thực tuyệt diệu. Một số món ăn Pháp tới nay vẫn còn gắn liền với thương hiệu “chú chuột đầu bếp” khi nhắc tới.
Remy cũng là minh chứng cho sự đột phá của Pixar trong tạo hình nhân vật và ứng dụng kỹ xảo điện ảnh. Remy mang màu xám và hình dáng lông lá xấu xí y như những chú chuột bình thường, không hề được tô vẽ hay “dễ thương hóa”, tuy nhiên vị trí của anh chàng trong phim cũng như những cử động uyển chuyển đã được Pixar cộp mác độc đáo.
5. Wall-E – Wall-E
Tạo ra một nhân vật chính không biết nói trong phim hoạt hình chiếu rạp là rủi ro quá lớn, nhưng Pixar đã thực hiện và thành công với Wall-E. Vốn là một robot cũ kỹ được bỏ lại Trái Đất với nhiệm vụ thu gom và đóng gói rác thải, Wall-E cô độc lặp đi lặp lại các hoạt động thường ngày. Dần dà, anh chàng có thêm những người bạn không lời, những thói quen và cá tính y như con người, thậm chí cả sự rung động tình yêu với robot hiện đại Eve được cử về Trái Đất để dò tìm sự sống.
Một bộ phim “kiệm lời”, chỉ có Wall-E, nhưng lại thu hút sự chú ý đặc biệt và đạt thành công bất ngờ. Câu chuyện cảm động và nhân văn về sự sinh tồn, nỗi cô đơn tới nay vẫn chạm sâu vào trái tim khán giả mỗi khi nhắc tới chú robot thu gom rác thải này.
6. Russell – Up
Vẻ ngoài mũm mĩm tròn xoe, khác hẳn với ông già cau có vuông vức Carl Fredricksen là điểm thu hút đầu tiên của Russell với khán giả. Với vai trò hướng đạo sinh, cậu bé xuất hiện trước cửa nhà Carl với mong muốn giúp đỡ người già, nhưng cuối cùng lại bất đắc dĩ thành bạn đồng hành của ông trong căn nhà bóng bay chu du tới xứ thiên đường.
Khán giả ấn tượng với Russell bởi sự ngây thơ, hài hước, vụng về nhưng lại có tinh thần dũng cảm. Vốn là một đứa trẻ ồn ào, hiếu động, hay tò mò, Russell gây ra không ít rắc rối cho ông già Carl, nhưng chính tinh thần luôn tiến về phía trước để khám phá thế giới của cậu mới đưa cả hai tới đích đến cuộc hành trình.
7. Lightning McQueen – Cars
Chiếc xe đua màu đỏ – một nhân vật “nhân hóa” thành công khác của Pixar – chinh phục người xem qua quá trình thay đổi bản thân để trở thành một nhà vô địch thế giới. Ban đầu, anh chàng xe đua trẻ tuổi rất ngạo mạn, ích kỷ và không biết điều, nhưng cuộc sống và đường đua dạy cho McQueen nhiều bài học khiến cậu cuối cùng trở thành một thủ lĩnh sáng suốt, dũng cảm; một người bạn chân thành và hết lòng vì người khác.
Cars ra mắt phần một năm 2006 và phần hai năm 2011. Vào tháng 6 năm 2017 tới đây, khán giả sẽ được gặp lại Lightning McQueen trong Cars 3 – khi anh chàng đã trở thành “cựu chiến binh” nhưng vẫn quyết tâm quay lại đường đua. Nhân vật này được lồng tiếng bởi nam diễn viên Owen Wilson.
8. Sadness – Inside Out
Đại diện cho một trong những cảm xúc thường xuyên của con người – Sadness, Bé Buồn Bã – là nhân vật được khán giả nhắc tới nhiều nhất sau sự thành công của siêu phẩm sáng tạo Inside Out ra mắt năm 2015. Với màu xanh dương đặc trưng, thân hình mũm mĩm, thỉnh thoảng lại lười biếng vì “quá buồn để nhấc chân đi”, Sadness không ít lần khiến khán giả phải phì cười.
Thế nhưng điều khiến cô nàng này được yêu quý chính là sự đồng cảm từ hầu hết người xem. Ai cũng có lúc buồn, có lúc khóc, và đó là một cách để cân bằng cuộc sống và suy ngẫm sâu hơn về mọi điều xảy đến.
9. Spot – The Good Dinosaur
Không phải một bộ phim được đánh giá cao với khán giả Bắc Mỹ, nhưng Chú Khủng Long Tốt Bụng ghi điểm mạnh mẽ khi ra rạp tại Việt Nam. Bên cạnh khủng long cổ dài màu xanh lá Arlo, thì Spot chính là nhân vật được nhắc tới nhiều nhất trên mạng xã hội.
Cậu bé “người rừng” không biết nói, hành xử y như loài vật nhưng lại hết sức gan dạ. Chính Spot “cứu nguy” cho Arlo trong nhiều tình huống bất ngờ trên đường tìm về tổ ấm. Không chỉ vậy, Spot gợi nhắc cho Arlo về tình cảm gia đình, tình bạn giữa những giống loài khác biệt và sự dũng cảm cần có để sinh tồn độc lập trong một thế giới hiểm nguy.
10. Hank – Finding Dory
Nhân vật mới toanh chỉ vừa ra mắt khán giả cách đây một tuần! Bạch tuộc Hank trong Finding Dory – một cư dân của Viện hải dương học California với tài ngụy trang thần sầu. Tuy Hank lúc nào cũng cau có, hay kêu ca và không muốn trở về cuộc sống thiên nhiên, nhưng chú bạch tuộc này lại chính là ân nhân của Dory, luôn xuất hiện vào giờ phút nguy nan nhất.
Pixar thừa nhận đây là nhân vật khó nhất mà họ từng tạo ra bởi những cử động của Hank yêu cầu nhiều thao tác phức tạp, chưa kể số lượng bảng màu không đếm xuể để hiện thực hóa việc Hank ngụy trang, hòa mình vào các đồ vật. Bên cạnh Dory, “bảy tuộc” đem lại nhiều tiếng cười cho khán giả.
Theo Thanh Trần / Trí Thức Trẻ
5 trứng phục sinh ở "Finding Dory" sẽ khiến bạn nhớ tới "Finding Nemo"
Bài viết có chứa vài tình tiết tiết lộ nội dung phim nho nhỏ. Nhưng nếu bạn chưa xem "Finding Dory" mà đọc xong thì cũng không sao đâu.
Finding Dory là bộ phim hoạt hình mới nhất của hãng Disney/Pixar, và nó tiếp tục chứng minh sức mạnh vô địch của hãng phim hoạt hình nổi tiếng này khi vừa xác lập kỷ lục là Bộ phim hoạt hình có doanh thu mở màn cao nhất mọi thời đại.
Phim là phần hậu truyện của bản gốc Finding Nemo ra rạp từ năm 2003. Dù rằng trong thực tế, các khán giả phải chờ đợi trong 13 năm ròng rã để xem tiếp câu chuyện về cha con Nemo và cô cá hay quên Dory. Thì bối cảnh trong phim chỉ diễn ra vào khoảng 1 năm sau khi Nemo được cá hề cha Marlin và Dory tìm về. Và có những chi tiết nho nhỏ được cài cắm trong Finding Dory sẽ khiến bạn có cảm giác như mình chỉ vừa mới được xem Finding Nemo vào ngày hôm qua.
Just Keep Swimming
Câu nói kinh điển của cô nàng Dory trong phần 1. Và dĩ nhiên là trong phần 2 này, khi Dory trở thành nhân vật chính thì câu nói truyền cảm hứng ấy lại có dịp được nhắc lại nhiều hơn. "Cứ bơi đi" trở thành cụm từ nổi tiếng sau khi Finding Nemo ra mắt, nhưng trong Finding Dory, chúng ta sẽ được tìm hiểu nguồn gốc của câu nói ấy. Thì ra đó là giai điệu trong một bài hát mà Dory được cha mẹ mình dạy bảo, và dù mắc căn bệnh mất trí nhớ ngắn hạn thì có những điều vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí cô cá này xuyêt suốt tuổi trưởng thành.
"Cứ bơi đi" - ừ thì cá mà không bơi thì thành cá chết sao?
Băng đảng Cá Mập
Trong phần mở đầu phim, Marlin, Nemo và Dory đã cùng nhau nhìn lại hành trình vượt biển kỳ thú của mình trong phần 1. Và Marlin đã thổ lộ rằng anh đã phải chiến đấu chống lại 4 con cá mập hung hãn. Nemo và Marlin tranh cãi với nhau rằng thực sự có ba hay bốn con. Con số chính xác chỉ là ba, nhưng do trí óc lộn xộn của Dory nên ông bố láu cá Marlin thực sự cũng có hơi "phóng đại" một chút.
Rùa biển Crush
Cá Mập thì không trở lại, nhưng cụ rùa 150 tuổi thì có. Trong Finding Dory, sẽ có cảnh phim khi đám cá Marlin hội tụ với Crush để đi tìm cha mẹ của Dory. Cảnh này gợi nhắc tới cảnh biển đầy hấp dẫn trong phần 1, khi Marlin và Dory lần đầu gặp Crush và đi "quá giang" cùng ông qua đoạn hải lưu. Lần này thì cậu bé Nemo đã có thể tận mắt chiêm ngưỡng một con rùa biển thực sự rồi.
"150 tuổi, anh bạn, và ta vẫn còn trẻ lắm!" - Sang phần 2 thì cụ đã 150 rưỡi rồi.
Darla trở lại
Cơn ác mộng của lũ cá kiểng cũng như của chính các khán giả. Trong một khoảnh khắc khi Dory tới viện hải dương học, bạn có thể thấy tấm ảnh Darla treo trên bức tường phía sau. Và trong lúc đang theo dõi câu chuyện giữa Dory và bạch tuộc Hank, chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy sự đáng sợ từ cái nhìn chằm chằm của Darla đang quan sát cả hai.
Pixar/Disney cũng rất biết cách biến trẻ con thành nỗi ám ảnh kinh hoàng
Dory nói tiếng cá voi
Một trong những khoảnh khắc quyến rũ và đáng nhớ nhất của Finding Nemo là khi Dory trổ tài nói tiếng cá voi, đặc biệt cô nàng còn "khoe mẽ" khả năng khi liên tục phóng to âm lượng cũng như chậm rãi trình bày bài diễn văn của mình. Trong Finding Dory, chúng ta còn có dịp chứng kiến toàn bộ khả năng nói tiếng cá voi ấy khi cô giao tiếp với chú cá voi sát thủ Destiny.
Giỏi ngoại ngữ bao giờ cũng có lợi, dù cho bạn có ở giữa đại dương bao la
Theo Ngọc Minh / Trí Thức Trẻ
6 bài học về cuộc sống mà "Finding Dory" mang lại cho khán giả Không chỉ là một bộ phim hoạt hình đơn thuần, "Finding Dory" còn mang đến nhiều bài học về cuộc sống đến với khán giả. Tiếp nối thành công của Finding Nemo 10 năm trước, Finding Dory đã mang khán giả quay trở về đại dương tuyệt đẹp của Pixar. Nhưng không chỉ dừng lại ở mục địch giải trí, Finding Dory còn...