10 người chết, thiệt hại 1.000 tỷ đồng do mưa lũ
Mưa lớn gây ngập lụt ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã làm 10 người chết, hàng nghìn ngôi nhà ngập nước, tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ ở Tây Nguyên và Nam Bộ kéo dài nhiều ngày đã khiến 10 người chết, một người mất tích và 4 người bị thương. Trong đó, Đắk Nông thiệt hại về người nhiều nhất với 5 người chết.
Ngoài ra, còn có hơn 3.700 ngôi nhà bị ngập nước, gần 800 hộ phải di dời. Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề với hơn 18.000 ha hoa màu bị ngập, 703 ha cây trồng lâu năm, hơn 130.000 gia súc, gia cầm chết và cuốn trôi.
Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính lên đến hơn 992 tỷ đồng.
Mưa lớn trong ngày 6-7/8 gây ngập lụt tại tỉnh Đắk Lắk, tỉnh lộ 1 nối huyện Buôn Đôn và Ea Súp bị cô lập. Ảnh: Minh Lộc.
Mưa lớn khiến hồ Đắk Kar xảy ra sự cố kẹt van xả, đường ống áp lực bị vỡ, sạt mái hạ lưu đe dọa nghiêm trọng an toàn cửa đập và khu vực hạ du. 5.000 hộ dân ở Bình Phước và 500 hộ ở Đắk Nông phải di dời đến nơi an toàn.
Tại hồ Đắk Sin 1, mưa lớn kéo dài khiến cây cối, đất đá vùi lấp, làm hư hỏng nhà dân, đường ống áp lực, nhà máy và đường giao thông. Công ty đã ngừng phát điện, đưa toàn bộ công nhân ra khỏi vị trí nguy hiểm, đồng thời xả lũ khẩn cấp qua tràn nhằm giảm mực nước hồ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ ngày 2/8 đến 9/8, huyện đảo Phú Quốc có mưa lớn với tổng lượng mưa đo được trên 1.000 mm. Mưa lớn đã làm ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản của người dân.
Cụ thể, hơn 8.000 ngôi nhà bị ngập, gần 2.000 người phải sơ tán, 63 km đường bị ngập do mưa. Ước tính thiệt hại về kinh tế do mưa lớn tại Phú Quốc là 107 tỷ đồng.
Mưa lớn tại Phú Quốc gây ngập lụt nghiêm trọng, lượng mưa vượt mức lịch sử trong vòng 22 năm trở lại đây. Ảnh: Phan Thừa.
Theo dự báo của đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, mưa tại Phú Quốc sẽ còn tiếp diễn trong ngày 10/8 nhưng giảm hơn so với những ngày trước. Đến ngày 11/8, mưa chỉ còn tập trung vào chiều tối.
Trước đó, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông kết hợp với gió mùa Tây Nam cường độ mạnh khiến khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa lớn kéo dài trong các ngày 6-9/8. Mưa lớn tập trung tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng, Kiên Giang gây ngập lụt nặng nề tại các khu vực này.
Cơ quan khí tượng dự báo mưa lớn tại các tỉnh sẽ tiếp tục kéo dài đến hết ngày 11/8. Từ 12-16/8, mưa giảm xuống, chỉ còn xuất hiện rải rác và tập trung vào chiều và đêm.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phát đi công điện khẩn yêu cầu các tỉnh thành tập trung khắc phục các sự cố sau mưa lũ, tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, khử độc, tẩy trùng, không để xảy ra dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân về sinh hoạt bình thường.
Theo New zing.vn
Nước ngập nhà máy thuỷ điện, nhiều công nhân may mắn thoát chết
Trong quá trình vận hành, nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 gặp sự cố khiến nước từ bên ngoài tràn vào trong, gây ngập lụt. Rất may thời điểm trên, công nhân làm việc trong nhà máy kịp thời thoát được nguy hiểm.
Chiều tối ngày 9/8, ông Đinh Xuân Nhơn, Giám đốc Nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 (xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết, hiện nay nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 đang bị ngập lụt nghiêm trọng. Nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn để khắc phục sự cố. Trước đó, đơn vị này cũng có báo cáo đến UBND tỉnh Đắk Nông về việc xả lũ khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho đập chứa.
Theo báo cáo của Nhà máy thủy điện Đắk Sin1, sự việc xảy ra khoảng 6h ngày 8/8/2019, khi ca vận hành thủy điện đang làm việc thì gặp sự cố, nước trào vào nhà máy gây ngập lụt.
Thủy điện Đắk Sin 1 xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn
Nguyên nhân sự cố do mưa lớn làm cho một số triền núi bị sạt lở nghiêm trọng, làm dịch chuyển ống áp lực, gây mất liên kết toàn bộ nước từ đường ống đổ vào nhà máy gây hư hỏng nặng. Phần nhà máy bị ngập nước toàn bộ tua pin, máy phát và các thiết bị điện khác.
Cũng theo báo cáo này, rất may, khi sự cố xảy ra, các công nhân của ca vận hành đã kịp thoát khỏi khu vực làm việc nên không có thiệt hại về người. Sự cố cũng được can thiệp kịp thời nên nhà máy không bị nước cuốn trôi.
Con đường độc đạo dẫn vào nhà máy thủy điện đang bị sạt lở
Ngoài ra, mưa lớn đã cắt đứt, làm sụt lún khoảng 5km trên tuyến đường đèo độc đạo vào nhà máy. Nhiều cây cổ thụ đã bật gốc, đất đá đổ sập chắn ngang đường, cắt đứt hoàn toàn tuyến giao thông qua đây.
Theo dự báo, sẽ vẫn còn có nhiều cơn mưa lớn, hiện tượng lở núi, vùi lấp, sụt lún và nguy hiểm vẫn còn tiếp diễn trong khu vực nhà máy thủy điện Đắk Sin 1.
Hiện tại, Nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 đã đóng được cửa nhận nước của nhà máy, các công nhân đã dùng bao cát lấp thêm của vào để hạn chế nước vào nhà máy và khắc phục các đoạn sạt lở trên đường vào nhà máy thủy điện.
Thủy điện Đắk Kar đứng trước nguy cơ bị vỡ do nước đổ về lớn
Trước đó, trong 2 ngày 7/8 và 8/8, trên địa bàn xã Đắk Sin xuất hiện mưa rất to và không dứt, lượng mưa lên đến 200mm/ngày. Rạng sáng 8/8, khu vực thủy điện này đã xảy ra một vụ sạt lở cướp đi sinh mạng của 3 người trong một gia đình.
Cũng trong chiều 9/8, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ lợi đã đến kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố tại Thủy điện Đắk Kar. Trước đó, hồ chứa của thủy điện này đứng trước nguy cơ vị vỡ, đe dọa hàng ngàn hộ dân đang sinh sống phía hạ lưu thuộc ba tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước.
Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuỷ lợi đã đến kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố tại Thủy điện Đắk Kar
Sau khi đi kiểm tra tại hiện trường, ông Tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần sớm khắc phục sự cố kẹt van xả lũ, đưa vào vận hành để điều tiết nước, đảm bảo an toàn cho hồ đập và người dân. Bên cạnh đó, phải có phương án để làm giảm lưu lượng nước trong hồ, tránh nguy cơ gây vỡ đập.
Trong khi đó, ông Lê Viết Thuận - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, chủ đầu tư của công trình thủy điện Đắk Kar không chuẩn bị trước phương án xả lũ, cánh xả tràn chưa vận hành thử và hiện tại vẫn chưa hoạt động được.
"Chủ đầu tư quá chủ quan, thủy điện này mà vỡ thì gây thiệt hại lớn cho hàng ngàn người", ông Thuận nói.
Theo Dương Phong (Dân trí)
Phú Quốc sơ tán hàng nghìn người dân khỏi nơi ngập nguy hiểm Đến tối 9/8, mưa vẫn đổ xuống Phú Quốc (Kiên Giang) khiến tình hình ngập lụt trên đảo càng nghiêm trọng, người dân tiếp tục được sơ tán đến nơi cao ráo. Lực lượng cứu hộ sơ tán dân tại đường Mạc Cửu, thị trấn Dương Đông. Ảnh: Nguyễn Tuấn Chính quyền địa phương huy động hơn 1.000 người thuộc các lực lượng...