10 người Ấn Độ chết, hơn 90 người bị cách ly vì virus mới nổi Nipah
Virus lây lan thành dịch tại Ấn Độ, tỷ lệ tử vong lên 40-75%, giới chức y tế lo ngại nguy cơ bùng phát đại dịch.
Theo giới chức y tế Ấn Độ, 18 mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm thì có 12 mẫu dương tính virus Nipah, trong đó có 10 bệnh nhân đã tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất là một nữ y tá 31 tuổi, có thể phơi nhiễm với virus chết người này khi chăm sóc các bệnh nhân. Thi thể của nữ y tá được hỏa táng để tránh phát tán virus.
Dịch bệnh bùng phát ở phía nam Ấn Độ. Hàng chục người đang được điều trị tại bệnh viện, hơn 90 người bị cách ly. Chuyên gia y tế Ấn Độ cho biết virus này khó phát hiện, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 18 ngày.
Theo AFP, Nipah được coi là virus mới nổi nguy hiểm. Các nhà khoa học phát hiện virus này có thể lây truyền từ dơi sang các loài khác trong đó có con người trong 20 năm qua. Bệnh hiện chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu và có thể lây truyền từ người sang người. Tỷ lệ tử vong cao lên đến 40-75%.
Giới chức y tế Ấn Độ đang làm mọi biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia lo ngại virus Nipah tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một đại dịch chết người. Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới xếp virus này trong nhóm cần được ưu tiên nghiên cứu khẩn, cùng với các bệnh khác như Ebola và SARS.
Virus này được phát hiện lần đầu tại Malaysia vào năm 1998, khi 265 người bị lây nhiễm một căn bệnh kỳ lạ dẫn đến viêm não, sau khi họ tiếp xúc với lợn hoặc người ốm. Trong đại dịch năm ấy, 105 người đã chết, tỷ lệ tử vong 40%. Từ đó, thi thoảng vẫn phát hiện những vụ dịch nhỏ tại Ấn Độ và Bangladesh, với 280 bệnh nhân, trong đó 211 người tử vong, tức tỷ lệ tử vong trung bình 75%. Virus lây truyền từ loài dơi ăn quả (đặc biệt tại những nước trồng cọ lấy dầu như Malaysia), có thể từ lợn sang người.
Trong lần đầu được phát hiện, virus này lây truyền từ lợn sang người. Nhà chức trách đã phải tiêu hủy hơn một triệu con lợn để ngăn chặn dịch lây lan. Kể từ đó, các nhà khoa học phát hiện một số loài dơi ăn quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus này.
Biểu hiện của bệnh cũng rất đa dạng. Một số bệnh nhân bị sốt, đau đầu, sau đó buồn ngủ, lơ mơ. Một số khác lại có biểu hiện giống như bị cúm; có trường hợp tiến triển đến hôn mê trong 1-2 ngày.
Việt Nam nằm trong vùng có thể lưu hành virus này, tuy nhiên hiện chưa có ca bệnh nào.
Phương Trang
Theo vnexpress.net
Lời trăn trối của nữ y tá Ấn Độ chết trong dịch virus Nipah
"Em sẽ không thể gặp lại anh nữa. Xin lỗi. Hãy chăm sóc các con thật tốt", nữ y tá Lini Puthusheri nhắn nhủ chồng.
Trong khu vực cách ly, Lini Puthusheri viết từng chữ nguệch ngoạc bằng bút mực xanh. Nhiễm virus Nipah từ các bệnh nhân do mình chăm sóc, nữ y tá 31 tuổi lúc ấy đang chờ cái chết.
"Em nghĩ sắp đến lúc rồi. Em sẽ không thể gặp lại anh nữa. Xin lỗi", Lini nhắn nhủ chồng. "Hãy chăm sóc các con thật tốt. Yêu anh rất nhiều".
Nữ y tá Lini Puthusheri khi còn sống. Ảnh: BBC.
Theo The Hindu, chồng Lini là Sajeesh cho biết vợ mắc bệnh sau khi chăm sóc Mohammed Sadik, một trong những bệnh nhân nhiễm virus Nipah đầu tiên được phát hiện hồi đầu tháng 5 ở bang Kerala. "Một hai ngày sau cái chết của Sadik, cô ấy bỗng dưng sốt cao", Sajeesh kể.
Ngày 20/5, nghe tin Lini ốm nặng, Sajeesh khẩn trương về nhà từ chỗ làm nhưng vợ anh đã được chuyển vào khu vực cách ly. "Cô ấy phải đeo ống thở vì lượng oxy quá thấp", Sajeesh nghẹn ngào. "Lini không thể nói được nên nắm chặt lấy tay tôi".
Lini trút hơi thở cuối cùng ngày 21/5. Lúc này, thân nhân nữ y tá mới tiết lộ lời nhắn của cô gửi tới chồng. Để tránh nhiễm virus, thi thể Lini không được trao trả cho gia đình mà hỏa táng dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế.
Theo AFP, từ đầu tháng 5 đến nay, ít nhất 10 người Ấn Độ đã tử vong và hơn 90 người bị cách ly vì virus Nipah. Bị xếp vào danh sách các mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Nipah lây truyền qua dơi, lợn hoặc tiếp xúc giữa người với người.
Virus Nipah gây sốt cao, co giật, nôn mửa, viêm não và khiến 75% bệnh nhân tử vong. Đây là virus mới xuất hiện và hiện chưa có văcxin. Biện pháp điều trị duy nhất là chăm sóc hỗ trợ nhằm đem lại sự thoải mái cho bệnh nhân.
Minh Nguyên
Theo vnexpress.net
Virus cổ xưa có 'họ hàng với HIV' đột nhiên trỗi dậy HTLV-1, virus có trên xác ướp 1.500 năm, vốn bị lãng quên giờ đây tăng đột biến không rõ nguyên nhân và đe dọa mạng sống con người. "Chưa bao giờ HTLV-1 phát triển đến vậy", tiến sĩ Robert Gallo, đồng sáng lập kiêm giám đốc Viện Virus học thuộc Đại học Y Maryland, nơi tìm ra HTVL-1 vào năm 1979 nhận định....