10 ngôi sao từ chối quảng bá bộ phim của mình
Quảng bá tác phẩm mà mình tham gia được cho là nghĩa vụ của các diễn viên. Tuy nhiên, nhiều lý do khiến không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra.
Lindsay Lohan với The Canyons (2013): Trong quá trình thực hiện The Canyons, đạo diễn Paul Schrader từng đuổi cổ Lindsay Lohan vì lối làm việc không chuyên nghiệp và thường xuyên mất tích khỏi trường quay. Chỉ khi nhà sản xuất can thiệp, đôi bên mới hòa giải. Dẫu vậy, Schrader vẫn tỏ ra bất ngờ khi LiLo không buồn tham gia quảng bá The Canyons tại Liên hoan phim Venice. Ngôi sao giải thích cô vắng mặt vì muốn giữ sức khỏe và chưa bao giờ cam kết xuất hiện. Sau cùng, Schrader vẫn dành lời khen cho Lohan về màn trình diễn của cô trong phim trên mặt báo.
Jim Carrey với Kick-Ass 2 (2013): Danh hài hoàn toàn vui vẻ khi vào vai Colonel Stars and Stripes. Nhưng anh quyết định đứng ngoài quá trình quảng bá Kick-Ass 2 do bộ phim ra mắt sau thời điểm bi kịch xả súng ở Sandy Hook xảy ra. Anh chia sẻ: “Tôi quay bộ phim một tháng trước bi kịch. Giờ tôi không thể ủng hộ mức độ bạo lực đó. Tôi xin lỗi toàn bộ ê-kíp. Tôi không cảm thấy xấu hổ về tác phẩm, nhưng bi kịch vừa qua đã khiến con tim tôi thay đổi”. Chia sẻ này sau đó gây tranh cãi bởi Jim Carrey cuối cùng vẫn nhận đủ thù lao từ dự án.
Daniel Craig và Rachel Weisz với Dream House (2011): Tác phẩm kinh dị – giật gân Dream House đã giúp Craig và Weisz đến bên nhau. Song, bản thân bộ phim là một thảm họa. Sự can thiệp quá tay từ hãng phim Morgan Creek Entertainment không chỉ khiến cặp sao, mà cả đạo diễn Jim Sheridan cũng từ chối tham gia quảng bá thành phẩm. Phim sau đó chỉ thu 40 triệu USD so với tiền đầu tư 50 triệu USD, cũng như bị báo chí chê bai với điểm 6% trên Rotten Tomatoes.
Mo’Nique với Precious (2009): Precious là tác phẩm giúp Mo’Nique nhận giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Nhưng trước đó, cô vướng vào lùm xùm với nhà sản xuất trong quá trình quảng bá bộ phim. Trong hợp đồng trị giá 50.000 USD, Mo’Nique chỉ nhận đi dự sự kiện tại Mỹ. Hãng phim muốn cô tới Liên hoan phim Cannes ở Pháp để trả lời phỏng vấn, nhưng nữ diễn viên yêu cầu thêm thù lao. Không đạt được thỏa thuận, Mo’Nique rốt cuộc ngồi nhà và vẫn khẳng định rằng mình chỉ làm đúng như hợp đồng ban đầu.
Video đang HOT
Edward Norton và The Incredible Hulk (2008): Edward Norton nổi tiếng là người khó hợp tác tại Hollywood và mối quan hệ giữa tài tử với Marvel Studios đổ vỡ sau đúng một dự án. Sắm vai Bruce Banner/Hulk, Norton nảy sinh tranh cãi với biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất. Tới khi The Incredible Hulk hoàn thành, anh bỏ đi nghỉ mát, để mặc Liv Tyler và đạo diễn Louis Leterrier với chuyến hành trình quảng bá kéo dài. Sau dự án, Norton bị Marvel Studios thay thế bởi Mark Ruffalo.
Vince Vaughn với Four Christmases (2008): Four Christmases là bộ phim hài không đáng nhớ, nhưng lại gây chú ý bởi câu chuyện hậu trường. Sau khi đóng chung, hai ngôi sao Vince Vaughn và Reese Witherspoon căng thẳng tới độ không nhìn mặt nhau. Vaughn sau đó quyết định bỏ chuyến quảng bá tác phẩm, thậm chí không thèm dự sự kiện thảm đỏ ra mắt bộ phim. Hai ngôi sao cũng không cùng tham gia bất cứ dự án nào trong hơn 10 năm qua.
Katherine Heigl với Knocked Up (2007): Bộ phim hài của đạo diễn Judd Adaptow bất ngờ thắng lớn tại phòng vé, đồng thời biến Katherine Heigl thành sao hạng A với biệt danh “cục cưng nước Mỹ”. Nhưng Heigl sau này liên tục nói xấu Knocked Up trên mặt báo, nói rằng mình không thích thú gì bộ phim và nhân vật của cô. Càng khó hiểu hơn khi Adaptow và bạn diễn Seth Rogen sau đó tiết lộ phân nửa màn trình diễn trong phim của Heigl đến từ sự ứng biến của cô. Mãi tới sau này, trên sóng truyền hình, cô đã có lần rút lại lời chê về Knocked Up và cho rằng mình thật ngốc khi từng công khai chỉ trích tác phẩm.
Paris Hilton với Pledge This! (2006): Paris Hilton tức giận khi bộ phim hài nhạt nhẽo có thêm một vài cảnh nóng nằm ngoài kịch bản ban đầu và quyết định không tham gia quảng cáo Pledge This! Các nhà đầu tư sau đó đã kiện cô, đòi bồi thường 8,3 triệu USD vì cho rằng hành động của Hilton gây ảnh hưởng tới doanh thu bộ phim. Người đẹp bào chữa rằng cô thực tế đã tham gia buổi họp báo ra mắt tác phẩm trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes và nghĩ rằng hợp đồng chỉ có thế. Cuối cùng, nhờ đội ngũ luật sư bào chữa tài ba, Paris Hilton đã thoát khỏi án phạt.
Robin Williams với Aladdin (1992): Danh hài quá cố là người lồng tiếng cho nhân vật Thần Đèn trong bộ phim hoạt hình năm 1992. Nhưng gần thời điểm Aladdin khởi chiếu, ông còn tham gia một dự án khác là Toys (1992). Robin Williams đã yêu cầu Disney gạch tên ông khỏi quá trình quảng bá bất cứ khi nào có thể, cũng như không dùng giọng của mình trong các tư liệu quảng cáo. “Nhà chuột” ban đầu đồng ý, nhưng sớm rút lời. Hậu quả là Toys thua lỗ thê thảm tại phòng vé. Dù nhận giải đặc biệt tại Quả cầu vàng 1993 nhờ Aladdin, Robin Williams vẫn giận Disney và sau đó từ chối tham gia phần tiếp theo The Return of Jafar (1994).
Michael Caine với Jaws: The Revenge (1987): Cho tới phần bốn, thương hiệu Hàm cá mập đã có dấu hiệu bị bào mòn và xuống sức rõ rệt. Dù là ngôi sao tác phẩm, Michael Caine đã thấy trước tương lai đen tối và gần như không tham gia trả lời phỏng vấn về bộ phim. Trong một cuốn sách sau này về bản thân, ông viết: “Tôi sẽ nhớ về bộ phim đó như quãng thời gian giành giải Oscar, có thể mua nhà cho mẹ và có kỳ nghỉ tuyệt vời. Cũng không đến nỗi thảm họa lắm”. Đầu năm 1987, Caine thắng giải Oscar với Hannah and Her Sisters (1986), nhưng không thể trực tiếp nhận giải vì bận quay chính Jaws: The Revenge. Nhưng thù lao từ bộ phim đã giúp ngôi sao mua tặng mẹ mình một ngôi nhà.
Nguyên tắc và luật lệ dành cho các sao Vũ trụ siêu anh hùng Marvel
Các ngôi sao lớn như Robert Downey Jr. hay Chris Evans đều phải tuân theo những điều khoản hợp đồng khắt khe nhằm bảo đảm danh tiếng và nội dung cho Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU).
Phải hành xử như một siêu anh hùng trên màn ảnh lẫn đời thực: Ngay cả khi rời khỏi phim trường, các diễn viên MCU vẫn phải duy trì hình tượng "kiểu Disney". Ngoài tránh vướng vào bê bối, họ thường xuyên đến thăm các bệnh viện nhi hoặc làm từ thiện, điển hình là "Black Widow" Scarlett Johansson hợp tác với USA Harvest và Oxfam, "Người khổng lồ Xanh" Mark Ruffalo hỗ trợ thổ dân ở North Dakota nhằm chống lại dự án đường ống dẫn dầu, hay "Người Sắt" Robert Downey Jr. với vô số hoạt động từ thiện - nổi bật nhất là lần tài tử hóa thân thành tỷ phú Tony Stark để tặng một cánh tay cơ điện sinh học lấy cảm hứng từ bộ giáp Người Sắt cho bệnh nhân nhí mất một bên tay. Ảnh: People.
Tuân thủ chế độ dinh dưỡng và tập luyện khắc nghiệt: Đây là điều khoản tất yếu mà các diễn viên phải thực hiện để sở hữu hình thể hoàn hảo. Phần lớn các ngôi sao phải tập đủ hai tiếng mỗi ngày, với thịt gà luộc và yến mạch khô là món ăn quen thuộc. Nếu bỏ qua chỉ một bài tập, họ sẽ bị cảnh cáo. Chuơng trình tập luyện rất khốc liệt, đến mức như "Captain America" Chris Evans có lần tiết lộ anh từng nôn thốc nôn tháo ở phòng tập. Ảnh: Getty Images.
Từ bỏ quyền sáng tạo đối với nhân vật của bản thân: Quyết định cuối cùng thường nằm ở đạo diễn, nhưng diễn viên vẫn có thể điều chỉnh vai diễn của bản thân sao cho phù hợp. Nhưng MCU thì không thế, bởi mỗi nhân vật lại là một mắt xích trong nhiều câu chuyện giao nhau. Theo đó, dàn diễn viên phải hoàn toàn làm theo hướng dẫn. Với những ngôi sao hạng A vốn đã quen được làm theo ý mình, đây là điều không tưởng. Đơn cử là trường hợp của Edward Norton. Anh cảm thấy bị bó buộc ở The Incredible Hulk (2008) và nảy sinh bất đồng với Marvel Studios. Rốt cuộc, hãng đã chọn Mark Ruffalo làm người thay thế cho vai Hulk từ năm 2012.
Tuyệt đối giữ bí mật kịch bản: Các diễn viên phải tuân thủ nhiều quy tắc an ninh khi tiếp xúc với kịch bản. "Scarlet Witch" Elizabeth Olsen từng bật mí cô phải giao nộp điện thoại trước khi vào một căn phòng bảo mật được thiết kế không có cửa sổ. Mỗi người chỉ được vào đó một lần và một mình, nên chỉ được đọc hết kịch bản trong một buổi. Dàn diễn viên từng chẳng biết gì về nội dung của Infinity War cho đến khi họ tập trung trong một chiếc xe van bí mật để được nghe tóm tắt. Sau khi quá trình quay bắt đầu, nhiều thành viên mới nhận ra kịch bản đã đọc có nhiều tình tiết sai lệch. Đó là cách để hãng phim xác định xem thông tin bị tuồn ra từ ai khi có chuyện xảy ra. Ảnh: Getty Images.
Luôn phải sẵn sàng đến phim trường ghi hình lại: Reshoot là điều không lạ lẫm, nhưng với MCU là bắt buộc bởi luôn có nhiều hơn một mạch truyện diễn ra cùng lúc. Để đảm bảo tiến độ, các ngôi sao nhà Marvel buộc phải tham gia ghi hình lại, dù họ có bận đến đâu. Idris Elba (vai Heimdall) cho biết những buổi ghi hình lại cho Thor: The Dark World rất vất vả, đến mức tài tử từng thốt lên: "Đây đúng là tra tấn. Tôi không muốn quay nữa," nhưng người đại diện của anh kiên quyết rằng: "Anh phải làm, vì đây là hợp đồng". Ảnh: Getty Images.
Không thể diễn những cảnh bị cho là quá nguy hiểm: Một số diễn viên thích tự thực hiện những cảnh mạo hiểm. Nhưng nếu Disney đã quyết cảnh nào là quá rủi ro, hợp đồng sẽ cấm các sao MCU thực hiện chúng. Rủi ro chấn thương có thể làm chậm tiến độ sản xuất, nhất là khi các nhân vật xuất hiện trong nhiều phim khác nhau; và càng ít chấn thương thì nỗi lo chi phí bảo hiểm cũng vơi bớt. Ảnh: Getty Images.
Không được từ chối tham gia dự án: So với hợp đồng thông thường ký kết theo từng bộ phim điện ảnh hoặc truyền hình tham gia, thì hợp đồng ban đầu của Marvel Studios đã nêu sẵn số lượng tác phẩm mà diễn viên dự kiến góp mặt trong vai chính. Không chỉ thế, nó còn bao gồm điều khoản yêu cầu diễn viên phải tham gia các phim MCU khác khi hợp đồng vẫn còn thời hạn. Điều đó có nghĩa là hãng phim có thể cho một nhân vật xuất hiện trong bất cứ phim nào mà diễn viên không có quyền từ chối, kể cả khi thời lượng lên hình chỉ vỏn vẹn 5 giây với tư cách khách mời (cameo) trong một dự án về nhân vật khác. Ví dụ tiêu biểu là Captain America trong Spider-Man: Homecoming (2017). Ảnh: Sony.
Phải tham gia quá trình quảng bá dài ngày: Để quảng bá cho tác phẩm, các diễn viên phải tham gia nhiều sự kiện báo chí khác nhau trên khắp thế giới. Khi rời phim trường cũng là lúc họ bắt đầu chuẩn bị hành lý để tham gia phỏng vấn, họp báo... Những hành trình kiểu này khá dài và có thể khiến diễn viên kiệt sức, nhất là khi phải di chuyển bằng đường hàng không qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có múi giờ khác nhau nhằm tăng tối đa độ phủ sóng của thành phẩm. Có những lúc, việc quảng bá bắt đầu từ khi quá trình sản xuất chưa hoàn tất, nên lịch sự kiện phải xen kẽ với lịch quay. Ảnh: Getty Images.
Phải hợp tác sản xuất các sản phẩm khác: Không dừng lại ở việc tham gia phim và quảng bá bất cứ khi nào hãng phim yêu cầu, các diễn viên cần đáp ứng cả nhà sản xuất hàng hóa mang thương hiệu Marvel: từ dự sự kiện ra mắt ở các địa điểm bán hàng khắp nước Mỹ đến diễn trên phông xanh để thu biểu cảm cho nhân vật trò chơi điện tử... Điều này rất dễ hiểu khi các sản phẩm gắn mác Marvel có khi thu về lợi nhuận còn lớn hơn cả phim chiếu rạp. Ảnh: Getty Images.
Bị điều tra lý lịch kỹ càng: Phim MCU thường không có những yếu tố gây sốc như bạo lực lộ liễu, khỏa thân, chửi thề để mở rộng giới hạn độ tuổi khán giả. Marvel Studios đồng thời mong muốn diễn viên của mình phải gương mẫu như Captain America kể cả trong đời thực. Người vào vai phản diện Ebony Maw trong Infinity War là Tom Vaughan-Lawlor cho biết Marvel Studios đã điều tra không chỉ anh mà còn nhiều diễn viên khác. Tài tử tiết lộ: "Họ điều tra lý lịch để đảm bảo tôi không phải một gã cuồng thuyết người da trắng thượng đẳng, và họ không thuê nhầm người có vấn đề". Ảnh: Getty Images.
10 ngôi sao điện ảnh tự tay hủy hoại sự nghiệp Nhiều nguyên nhân khác nhau khiến lần lượt Amber Heard, Lindsay Lohan, Mel Gibson hay Kevin Spacey đến nay phải chật vật đi tìm chỗ đứng, dù từng có thời là ngôi sao hạng A. Lindsay Lohan: Lindsay Lohan sớm bước chân vào showbiz từ khi mới 3 tuổi với vai trò người mẫu nhí. Duyên diễn xuất của cô nàng sớm được...