10 năm tù oan: Tâm sự nhói lòng của mẹ già
Bà bảo rằng mình rất sợ – sợ cái ngày con trai được ra tù mà mẹ không còn sống trên đời nữa.
“Thằng Chấn bị oan, bị tù tội, sống tủi nhục nhiều năm trong tù và ở ngoài, cả gia đình nó cũng đâu tránh khỏi những nỗi oan ức. Từ khi bố bị kết tội giết người, cả 4 đứa con phải sống trong khổ cực, tủi nhục”, bà Phạm Thị Vì – mẹ anh Nguyễn Thanh Chấn đã có những tâm sự với PV Báo GĐ&XH về cuộc sống gia đình mình trong 10 năm oan khuất.
Hàng xóm đến chia vui với bà Vì. Ảnh: P.B
Luôn tin tưởng con vô tội
Những ngày qua, ngôi nhà của bà Phạm Thị Vì (72 tuổi) luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Chứng kiến ngày anh Chấn trở về đoàn tụ gia đình, bà nói “đã mãn nguyện lắm rồi”. Bởi lẽ, hơn ai hết, linh tính của một người mẹ mách bảo rằng anh Chấn vô tội, hung thủ thật sự của vụ án đang lẩn khuất đâu đó. Niềm tin ấy khiến bà và gia đình vượt qua mọi “búa rìu” của dư luận, cố gắng sống để đi tìm công lý cho con trai.
Những ngày anh Chấn vẫn sống trong tù, bà bảo rằng mình rất sợ – sợ cái ngày con trai được ra tù mà mẹ không còn sống trên đời nữa. “Tôi tin lần này các cơ quan pháp luật sẽ làm đúng, công tâm để con trai tôi được minh oan. Đã 10 năm nay, ngày nào tôi cũng thắp hương lên bàn thờ chồng để xin ông ấy phù hộ cho con trai”, bà Vì nghẹn lời.
Đằng đẵng gần 4.000 ngày bà và con dâu cùng các cháu nội sống trong mặc cảm, đau đớn vì sự ghẻ lạnh của hàng xóm láng giềng. Trong tột cùng nỗi đau ấy, bà và người thân đã cam chịu, bí mật dò xét, đi tìm những chứng cứ để minh oan cho anh Chấn. “Ở địa phương, nhiều người tin là con tôi không giết người. Thế nhưng, cũng có nhiều người tỏ vẻ ra mặt, họ chẳng thèm nhìn chúng tôi chứ chưa nói đến việc đến quán để mua hàng hay trò chuyện”, bà Vì chua xót nói.
Hơn 10 năm trôi qua, cứ nghĩ đến đứa con trai đang chịu tù đày oan ức là bà lại ôm mặt khóc vì sự nghiệt ngã của số phận ập xuống gia đình mình. Cũng chính vì sự kỳ thị của một số người mà con dâu bà đổ bệnh, phải vào viện tâm thần. Mấy đứa cháu nội không xin được việc, phải lưu lạc sang xứ người… Bà bảo rằng, nếu chồng bà không là liệt sĩ, có lẽ cái bia mộ mang tên Nguyễn Thanh Chấn đã mờ phai theo thời gian rồi!
Video đang HOT
“Ngày công an xuống hỏi tôi có giặt quần áo dính máu của thằng Chấn không, tôi đã trả lời là không có. Họ bảo, nếu không khai thật thì con tôi sẽ bị tử hình. Là mẹ nên tôi hiểu tính nó, từ tấm bé đến giờ, Chấn lành như cục đất, nó đâu có gan làm ra chuyện tày trời ấy”, bà Vì nói.
Bà bảo rằng, từ ngày con trai bị bắt giam vì tội “giết người”, ra đường bà không dám ngẩng mặt nhìn ai, nước mắt lúc nào cũng lưng tròng. Ngày xét xử ở tòa án, bà bị người ta chỉ trỏ mắng nhiếc không tiếc lời. Thậm chí, khi tòa tuyên án, người ta còn xô bà ngã túi bụi ngay tại công đường, con dâu thì ngất xỉu phải vào viện cấp cứu. Mấy đứa cháu nội ôm nhau khóc ở một góc tòa. Đã 10 năm rồi, hình ảnh đó bà bảo không bao giờ quên được.
Bố đi tù, ai oán con chịu
Nhắc đến mấy đứa cháu nội, bà lại khóc và bảo “đứa nào cũng khổ khi bố nó vào tù”. Bà Vì kể: “Khi Chấn bị bắt, cháu nội tôi là Nguyễn Chí Quyết đã bỏ thi đại học, đi làm thợ xây, sau đó chuyển sang đi mổ heo cho mẹ bán. Thế nhưng buôn bán thường bị ế vì khách hàng tẩy chay nên thua lỗ triền miên. Thậm chí, nhà có cái máy xát cũng không còn ai đến thuê… Đau đớn, tủi nhục mà không biết giải thích sao cho người ta hiểu”.
Bà Phạm Thị Vì đau đớn khi nghĩ về những ngày con cháu bị hàm oan. Ảnh: P.B
Nói về người con dâu thủy chung, bà Vì chạnh lòng: “Trong 10 năm liên tục đi kêu oan cho chồng, cộng với việc phải chứng kiến các con sống trong sự ghẻ lạnh của dân làng, con dâu tôi suy sụp. Hai năm nay, làm việc gì nó cũng quên, đến cả quần áo nhiều khi tôi cũng phải giặt giúp. Gần đây mấy đứa con phải đưa mẹ đi Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang chữa trị nhưng bệnh tình không khỏi. Mấy hôm nay, khi chồng được trở về, có lẽ do quá mừng nên nó lại phát bệnh. Mong thời gian tới nó chữa hết bệnh để được sống những ngày hạnh phúc với chồng con”.
Nói về những ngày tháng bị sống trong sự ghẻ lạnh của dư luận, người con trai đầu của anh Chấn là Nguyễn Chí Quyết cho biết: “Khi bố đi tù, trong nhà chỉ còn lại chiếc xe ngựa cũng phải bán rẻ vì không có ai thuê. Ở làng quê, người dân quý người bao nhiêu thì khi xảy ra những chuyện tày đình “hiếp dâm, giết người” thì người ta xa lánh bấy nhiêu. Mấy anh em tôi đã phải bỏ học vì không chịu nổi “búa rìu” của dư luận. Thậm chí, đứa em út là Nguyễn Thế Anh (SN 1989) thi đậu một trường cao đẳng cũng phải bỏ học khi bạn bè biết tin có bố “giết người, hiếp dâm”. Em gái là Nguyễn Thị Quyền (SN 1984) đang làm giúp việc bên Đài Loan, mỗi khi gọi điện về cho gia đình thì khóc nức nở qua điện thoại, nói với bà nội rằng khi nào bố còn ngồi tù thì còn làm ô sin để kiếm tiền nuôi bố”.
Theo Phùng Bình
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn: Triệu tập những người bị cho là ép cung
Chiều 7.11, ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đã về nhà riêng của ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) để thăm hỏi và động viên, đồng thời cho biết đang chỉ đạo các đơn vị chức năng họp bàn, khẩn trương làm rõ trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Linh (phải) thăm hỏi, động viên ông Chấn
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Linh cho biết ông mới nghe qua báo chí việc TAND tối cao công bố hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, chứ chưa nhận được báo cáo cụ thể nào từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh.
Theo ông Linh: "Dù vụ việc của ông Chấn đã diễn ra hơn 10 năm nay, nhưng nó vẫn hết sức đau lòng. Hiện phía lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Công an tỉnh tổ chức họp bàn rút kinh nghiệm, xử lý những trường hợp sai phạm".
Liên quan tới việc bà Nguyễn Thị Chiến (48 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung) là vợ của ông Chấn, liên tục ròng rã trong hơn 10 năm đi khắp nơi gửi đơn thư kêu oan, ông Linh cho biết: "Mỗi năm tỉnh Bắc Giang nhận hàng chục nghìn lá đơn. Giờ nói có tiếp nhận được đơn thư của bà Chiến hay không thì phải rà lại quyết định cũ. Nhưng gần 3 năm phụ trách tôi chưa nhận được đơn của bà Chiến kêu oan".
Vẫn theo ông Linh, trong trường hợp tiếp nhận được đơn của bà Chiến thì UBND cũng không có thẩm quyền giải quyết mà sẽ chuyển cho cơ quan tư pháp.
Chiều 7.11, trao đổi với Thanh Niên Online, đại tá Dương Văn Chức, Chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết Công an tỉnh đã cho triệu tập các điều tra viên có liên quan tới vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn lên để viết bản tường trình.
Vẫn theo đại tá Dương Văn Chức, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh có việc các điều tra viên của vụ án ép cung ông Chấn, nhưng sự việc đúng sai thế nào thì phải chờ kết quả xác minh, điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang.
Ông Chấn ngày được thả về sau hơn 10 năm ngồi tù
Cùng ngày, bà Bùi Thị Ngân, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang, cũng cho hay cơ quan này đang kiểm tra để làm rõ sai phạm trong việc truy tố của những cá nhân, tập thể trong vụ án ông Chấn ngồi tù hơn 10 năm. Trong số những cá nhân được gọi có cả ông Đặng Thế Vinh là kiểm sát viên, người mà ông Chấn cho rằng đã đánh và ép ông này ký vào bản nhận tội.
Bà Ngân cho biết thêm, ngoài việc kiểm tra tất cả những người liên quan, phía Viện còn kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ xem có sai phạm ở mức độ nào, báo cáo lên Viện KSND tối cao trong thời gian sớm nhất để có hướng xử lý.
Để làm rõ hơn vấn đề, Thanh Niên Online đã nhiều lần tìm gặp, gọi điện trực tiếp vào máy điện thoại di động của các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và kể cả chủ tọa phiên tòa xử ông Chấn nhưng đều bất thành.
Ở hướng thông tin khác, tối 7.11, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Hữu Bờ (65 tuổi, ở thôn Me) là bố của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, cho biết: Mới đây vợ của Lý Nguyễn Chung đã gọi điện từ Đắk Lắk để nói lời xin lỗi với ông và gia đình về tội lỗi của người chồng đã gây cách đây hơn 10 năm nay. Vợ Chung cho biết hiện cô đang mang bầu đứa con thứ hai của Chung và hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn nên không thể bắt xe khách ra tạ lỗi cùng gia đình ông Bờ.
Vẫn theo ông Bờ, qua báo chí ông cũng chỉ biết được Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và nhận mình là người giết chị Hoan và ông Chấn được hủy bản án. Nhưng sự thật đúng sai thế nào và ai là hung thủ chính thì phải đợi kết luận của công an. Và hiện ông Bờ cũng không muốn nhắc nhiều tới nỗi đau mà gia đình ông đã phải mang hơn 10 năm nay.
Theo TNO
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang lên tiếng vụ án oan 10 năm Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, bày tỏ sự chia sẻ với ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị tù oan sai và gia đình ông; yêu cầu các cấp khẩn trương hỗ trợ gia đình ông về mặt kinh tế. Tại buổi trao đổi với PV Dân trí chiều ngày 7/11, ông Nguyễn Văn Linh cho...