10 năm tù oan: “Bố các con bị bắt đi rồi”
Ngày ông Nguyễn Thanh Chấn ra đi với tiếng xấu là ghẹo gái và giết người, vợ ông chỉ biết nhìn con, thẫn thờ: “Bố các con bị công an bắt đi rồi”.
“Bố các con bị bắt đi rồi”
Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn (ở thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội giết người. Nhưng mới đây, một thanh niên là Lý Nguyễn Chung đã đứng ra đầu thú, thừa nhận mình chính là người gây án. Do vậy, ông Chấn được tạm trả tự do, chờ phiên xử tái thẩm.
Ngày ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt, Nguyễn Thế Anh (con út của ông) mới học lớp 8. Cậu thanh niên nhà quê 15 tuổi ngày đó đâu có hiểu gì. Mấy hôm, cậu nghe người trong làng kháo nhau chuyện có người phụ nữ bị sát hại. Nhưng thông tin đó cũng trôi qua nhanh chóng không để lại ấn tượng gì
Hồi đó là cuối tháng 8, Thế Anh sắp bước vào năm học mới. Một buổi chiều, cậu về nhà thấy không khí buồn rười rượi. Cậu bỗng nhìn thấy mẹ ngồi trong góc nhà vẻ mặt thất thần. Linh cảm có điều chẳng lành, cậu tiến vào nhà, lặng yên, nhìn mẹ. Rồi bà Chiến thông báo: “Bố các con bị công an bắt đi rồi.”
Hồi đó, nghe chuyện công an bắt là một điều quá khủng khiếp với đám trẻ con. Thế Anh cũng không hiểu vì sao bố bị bắt. Rồi cậu thấy mẹ và các anh chị đều khóc. Tối hôm đó, gia đình cậu cũng quên luôn chuyện cơm nước. Mái ấm gia đình bỗng chốc lâm vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha. Ông Chấn ra đi với cái tiếng tủi nhục: ghẹo gái, giết người. Bóng tối bỗng chốc đóng sầm trước mắt họ.
Kể từ ngày đó, Thế Anh như đứa trẻ lạc loài. Đến lớp, dù không ai nói ra, nhưng cậu biết, phía sau mình luôn có những ánh mắt dò xét. Bạn bè không nhắc chuyện trước mặt, nhưng nhiều lần cậu biết, gia đình mình đang là chủ đề bàn tán ở nhiều góc lớp. Theo học thêm mấy lớp rồi Thế Anh bỏ giữa chừng, đi xin việc làm thêm kiếm sống.
Hai người con trai của ông Nguyễn Thanh Chấn kể về nỗi uất ức gia đình phải chịu đựng 10 năm nay
Cái cảm giác tự ti, mặc cảm dần đóng chặt gia đình bà Chiến. Càng ngày họ càng ít ra ngoài tiếp xúc với làng xóm. Trong làng, có người muốn qua lại động viên an ủi, nhưng trước hoàn cảnh như thế, họ cũng ngại, sợ bị hiểu lầm. Bởi vậy mà cuộc sống gia đình người mang án giết người như tách biệt khỏi thế giới thôn quê.
Kể từ khi ông Chấn bị bắt, cuộc sống của gia đình bà Chiến bị đảo lộn. Anh Nguyễn Trí Quyết (32 tuổi, con trai cả của ông Chấn) nhớ lại những lần anh và các em cầm đơn đi xin việc làm bị từ chối mà không nén nổi sự phẫn uất.
“Chúng tôi đi xin việc làm ở ngoài huyện, các cơ quan tuyển dụng họ nói gia đình tôi có “lý lịch đen” nên không nơi nào chịu nhận. Thế là chúng tôi đành phải về nhà lao động tự do ai thuê gì làm nấy”, anh Quyết kể.
Nỗi đau người vợ liệt sỹ
Trong ngày vui đoàn tụ, chị Nguyễn Thị Thu (25 tuổi, con thứ ba của ông Chấn) vẫn như có cái gì chẹn nơi cổ họng.
Chị Thu nhớ lại ngày bố bị bắt, mẹ và các anh (đã lớn) đều chán nản, suy sụp. Không ai còn thiết tha gì chuyện làm ăn kiếm sống. Mẹ chị ốm đau liên miên, điều trị từ viện này sang viện khác. Khả năng lao động của bà Chiến gần như không có. Hằng ngày, bà chỉ quanh quẩn, thẫn thờ. Người đàn ông trụ cột gia đình ra đi trong điều tiếng nhục nhã đã để lại cho bà nỗi đau quá lớn.
Video đang HOT
“Anh em chúng tôi đã trải qua 10 năm đen tối cùng cực” – chị Thu rưng rưng
Chị Thu cho hay, từ lâu, bà Chiến đã mắc chứng trầm uất, không như người bình thường. Những khi tỉnh táo, bà lại làm đơn đi kêu oan cho chồng.
“Anh em chúng tôi đã trải qua 10 năm đen tối cùng cực. Đến ngày cưới con gái, bố cũng không có mặt ở nhà uống chén rượu mừng.”, chị Thu rưng rưng.
Mấy năm sau khi ông Chấn bị bắt, anh em chị Thu gạt nước mắt tiếp tục cuộc sống chật vật vốn có. Họ vừa kiếm tiền nuôi nhau vừa lo chi phí để mẹ nhờ người đi kêu oan cho bố. Chị Thu lấy chồng cách đây vài năm. Chồng chị ở cùng huyện. Họ đã sinh được một bé gái kháu khỉnh.
Ngày ông Chấn được tự do, đứa cháu ngoại đã biết chạy ra gọi đón ông. Gia đình chị Thu đều làm nông nên cuộc sống gia đình tương đối khó khăn. Nhưng nỗi khó khăn cuộc sống không làm chị đớn đau bằng cảm giác bị người đời khinh bỉ. Nay bố về, chị Thu như gột bỏ khỏi thân minh bao nỗi chua cay từ lâu chất chứa bởi miệng đời.
Ngày con trai về đoàn tụ, bà Phạm Thị Vì (72 tuổi, mẹ đẻ ông Chấn) cũng đã phấn chấn hẳn lên. Hôm lên trại đón con từ trại giam nhân ngày tự do, bà mẹ già chỉ biết ôm con mà khóc. Bà khóc vì thương cho nỗi oan ức của con suốt 10 năm tù oan, cùng với những ngày tháng người thân ở nhà phải chịu gian khổ.
Bà Vì quả quyết, bà tin con mình không phạm tội. Bà biết tính con mình. Ông Chấn từ nhỏ vốn là người hiền lành chất phác. Lớn lên, ông vẫn được bà con lối xóm thương yêu quý mến.
Nhưng từ khi ông Chấn bị bắt, hàng xóm cũng dị nghị, bàn tán, nhìn gia đình bà bằng ánh mắt khác. Người thân bỏ bê việc làm nông, ngại giao tiếp với bà con lối xóm. Nỗi đau của người vợ liệt sỹ vốn đã dai dẳng khôn nguôi, nay lại càng tăng lên gấp bội.
Bà Vì kể, kể ra gia đình chị Hoan (nạn nhân) và gia đình anh có họ hàng gần. Nhưng kể từ khi vụ án mạng xảy ra, người thân chị Hoan nhìn người nhà anh với ánh mắt khinh bỉ, căm phẫn.
Con trai trở về, bà Phạm Thị Vì phấn chấn hẳn lên
Anh Quyết cho biết, gia đình chị Hoan (người bị sát hại) cứ thấy anh em nhà anh đi ngoài đường là chửi mắng thậm tệ. Thậm chí, ngày họp họ hàng nhân có công buổi, gia đình chị Hoan đề nghị đuổi nhà anh ra khỏi họ.
“Họ còn chửi thẳng vào mặt tôi là cái lũ giết người, họ hàng gì với nhà nó”, bà Vì chia sẻ.
Trước ngày ông Chấn ra đi, nhà cửa tuy không to lớn lộng lẫy nhưng cũng tươm tất, khang trang. Nay ông về, cửa nhà xơ xác tiêu điều. Bên cạnh người vợ bao năm đầu ấp môi kề mà ông chẳng biết nói gì.
Ông bảo: “Ngày ra đi, chẳng kịp chào các con, anh em làng xóm. Nay trở về, làng quê đã đổi khác nhiều. Bao năm xa cách, thương vợ, thương con nhưng đành bất lực. Chỉ mong sao những ngày còn lại được sống yên vui, sum vầy cùng gia đình là quá đủ rồi.”
Rồi người đàn ông tuổi ngoại ngũ tuần vốn đã ít nói lại ngồi lặng lẽ, trầm ngâm như để cảm nhận hương vị hạnh phúc gia đình nhỏ nhoi ngày đoàn tụ.
Theo Khampha
'Cơ quan tố tụng hồ đồ'
"Nhân chứng không có, các chứng cứ lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn vô tội nhưng HĐXX không chấp nhận", luật sư Nguyễn Đức Biền trao đổi với VnExpress.
Luật sư Biền.
- Là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước, theo ông, HĐXX đã căn cứ vào đâu để kết tội?
- Theo cáo trạng, ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang tổ chức giao lưu bóng đá, vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn bán nước ở sân. Khi tan trận, Chiến (vợ Chấn) bảo chồng đi múc nước. Trên đường đi qua nhà Hoan, nhìn thấy cô từ nhà tắm đi ra, Chấn vào sàm sỡ. Bị Chấn khống chế, Hoan đập vỡ chai bia để tự vệ. Chấn rút dao bấm trong người ra đâm nhiều nhát và dùng tay đập đầu Hoan xuống đất cho đến chết. Toàn bộ vụ án chỉ có vậy.
Theo VKS, Chấn đi múc nước lúc 19h, nửa tiếng sau thì về. Nhưng khi thực nghiệm điều tra chỉ hết có 15 phút, 15 phút còn lại được cho là thời gian gây án.
Quá trình thực nghiệm điều tra cho thấy Chấn thực hiện hành vi giết người rất thành thạo và phù hợp với các chứng cứ khác. Bên cạnh đó, quá trình khám nghiệm hiện trường các điều tra viên tìm thấy dấu bàn chân hung thủ để lại, ướm bàn chân của Chấn vào thì vừa. Và cuối cùng là Chấn miêu tả đồ vật tại nhà nạn nhân rất trùng khớp.
- Ông đánh giá thế nào về căn cứ buộc tội này?
- Đọc và nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy những chứng cứ trên "lỏng lẻo", hơn nữa nhân chứng không có. Viện kiểm sát cho rằng dấu chân hung thủ để lại hiện trường khớp với dấu chân của Chấn, nhưng kết luận này là hồ đồ vì đó là dấu chân chứ không phải vân chân. Với những người có khổ bàn chân tương đương nhau, khi ướm vào sẽ vẫn vừa.
Còn một tình tiết quan trọng là theo cáo trạng, Chấn khai có dùng con dao trong người để đâm hung thủ, dao bị gãy tại hiện trường, Chấn cầm chuôi về sau đó vứt tại một bãi sắt vụn. Thế nhưng cơ quan điều tra lại không tìm được hung khí đó.
Thời điểm xảy ra vụ án mạng, có người chứng kiến Chấn cho người gọi nhờ điện thoại, bảng kê cuộc gọi do bưu điện cung cấp cũng xác định cuộc gọi lúc hơn 19h. Đó là một chứng cứ ngoại phạm.
- Và ông đã bảo vệ thân chủ của mình như thế nào trước tòa sơ thẩm?
- Tôi nói rằng thời gian anh Chấn đi múc nước mà các nhân chứng kể lại đều mang tính chất áng chừng, không chắc chắn (khoảng 19h đi, khoảng 19h30 về). Hơn nữa, 15 phút để giết một mạng người là không thuyết phục.
Tình tiết thứ 2 là Chấn miêu tả đồ dùng trong nhà bị hại một cách rất thành thục. Điều này cũng là bình thường vì bị hại là người bán hàng, hơn nữa nhà bị cáo và bị hại lại ở gần nhau. Việc mô tả vị trí đồ vật như giường, tủ... trong nhà không có gì khó.
Nhận định nhân chứng vụ giết người không có, các chứng cứ thì lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo vô tội nhưng tòa không chấp nhận.
Ông Chấn được trở về sau 10 năm bị tuyên án Chung thân.
- Còn tại phiên phúc thẩm?
- Tôi rất trăn trở khi lần đầu gặp nhau, Chấn nói với tôi: "Anh ơi em bị oan". Tôi hỏi "Tại sao oan mà lại nhận tội". Chấn trả lời: "Cán bộ điều tra dạy em khai".
Khi xử phúc thẩm, Viện kiểm soát có đưa ra bức thư Chấn gửi cho vợ, ghi là: "Kính gửi vợ, trong này anh đã nhận hết tội rồi". Họ cho rằng không ai dạy Chấn viết "Kính gửi vợ". Tuy nhiên, quan điểm của tôi là điều này không quan trọng. Nếu bị cáo nhận tội trước đó nhưng không phù hợp với các chứng cứ khác thì cũng không có giá trị. Tại phiên xử hôm đó, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm bị cáo vô tội.
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả công việc của công an, viện kiểm sát, tòa án trong vụ án này?
- Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan chức năng đã không quan tâm đánh giá chứng cứ buộc tội một cách khách quan. Lẽ ra phải lấy lời khai của bị cáo và đối chiếu với hiện trường, song theo như Chấn nói "điều tra viên đã dạy khai". Như vậy, cơ quan điều tra đã vi phạm luật tố tụng, áp đặt ý chủ quan của mình vào vụ án, làm mất đi tính khách quan.
- 10 năm qua, ông hỗ trợ gì gia đình ông Chấn kêu oan?
- Sau khi vụ án kết thúc, vì một số lý do, tháng 10/2004 tôi không làm luật sư nữa mà chuyển sang làm công chức nhà nước. Ông Hoạt là anh em đồng hao với Chấn thi thoảng đến gặp tôi để nhờ tư vấn. Tôi vẫn động viên gia đình tiếp tục kêu oan, kiên trì gửi đơn thư đến các cấp, nhất định sẽ được giải quyết. Tôi có niềm tin rằng đến một ngày nào đó Chấn sẽ được minh oan.
- Cảm xúc của ông như thế nào khi ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án trở về nhà?
- Hôm qua, khi đang đi trên đường thì có người gọi điện thông báo với tôi Chấn đã được thả. Tôi vô cùng xúc động. Cuối cùng thì niềm tin "chân lý là lẽ phải, sự thật là khách quan" của tôi đã thành hiện thực. Ông Hoạt cũng gọi điện cho tôi nói Chấn muốn gặp để cảm ơn. Sáng nay, Chấn đi thắp hương cho bố và chúng tôi sẽ gặp nhau trong nay mai.
Khi bào chữa cho Chấn, tôi 40 tuổi với khoảng 8 năm tuổi nghề. Đó cũng là vụ án đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm luật sư của tôi. Tôi tự hào là ngay từ ban đầu, tôi đã chứng minh bị cáo không phạm tội. Trước đó, trong vụ án Lê Văn Bảy tôi cũng tranh luận buộc tội của Viện kiểm soát là thiếu căn cứ, và sau 180 ngày tạm giam bị cáo đã được thả. Chấn thì mất nhiều thời gian hơn, tới tận 10 năm mới được tự do.
Diễn biến vụ án Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án Giết người Ngày 30/8/2003, Nguyễn Thanh Chấn, trú cùng thôn với nạn nhân, bị công an triệu tập. Ngày 29/9/2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội Giết người. Ngày 3/12/2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án Ngày 10/2/2004, VKSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người có tính chất côn đồ Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên Nguyễn Thanh Chấn phạm tội Giét người, án tù chung thân Ngày 26-27/7/2004, TAND Tối cao tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bản án phúc thẩm có hiệu lực. Ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có dơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung. Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản Ngày 29/10/2013, VKSND Tối cao dã khởi tố vụ án hình sự Giết người, cướp tài sản; khởi tố bị can với Chung về hai hành vi này. Cuối tháng 10, bố của Chung là Lý Văn Chúc bị bắt khẩn cấp về hành vi đe dọa giết nhân chứng của vụ án. Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án, trở về
Theo VNE
Vụ án 10 năm: Có ép cung hay không? Có hay không sự vi phạm tố tụng trong vụ án 10 năm trước. Lý do vì sao trong quá trình điều tra, ông Chấn cho rằng mình không phạm tội mà vẫn nhận tội? Như đã đưa tin, cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn bị tòa sơ thẩm tại Bắc Giang và phúc thẩm tại Hà Nội tuyên án...