10 năm thảm họa động đất – sóng thần tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn âm ỉ
Ngày 11/3, tròn 10 năm sau thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản, những dấu vết tàn phá của thiên nhiên dù không còn nhiều nhưng trong tâm thức của không ít người dân nơi đây vẫn còn đó những nỗi đau âm ỉ.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại Minamisoma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/3/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong số 3 tỉnh chịu tác động mạnh nhất gồm Iwate, Miyagi và Fukushima, thì thành phố Ishinomaki ở Miyagi chịu thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 3.300 người dân đã vĩnh viễn ra đi trong thảm họa.
Tại Công viên Ishinomaki Minamihama, khoảng 50 quan chức địa phương và khách mời đã tham gia lễ khánh thành tượng đài tưởng niệm các nạn nhân trước khi công viên chính thức mở cửa vào ngày 28/3 tới. Phát biểu mở đầu buổi lễ, Thị trưởng thành phố Ishinomaki, Hiroshi Kameyama, chia sẻ là nơi chịu nhiều mất mát hơn cả, thành phố muốn lưu giữ những ký ức để nhắc nhở đời sau về một sự hy sinh lớn lao.
Video đang HOT
Tên của hơn 3.600 nạn nhân, tương đương 90% dân số của Ishinomaki, được khắc trên tượng đài đặt ở mạn phía Tây của lối vào chính công viên, gần Trường tiểu học Kadonowaki vốn bị sóng thần cuốn trôi chỉ còn trơ lại vài tàn tích. Trong số những nạn nhân vẫn có những có dòng chú thích mất tích và có cả những người qua đời sau đó do di chứng từ thảm họa như bệnh tật hay thậm chí là tự vẫn.
Rie Sato, 44 tuổi, người đã vĩnh viễn mất đi người em gái yêu quý Ikumi trong sóng thần, đã đại diện cho gia đình các nạn nhân tham gia buổi lễ. Sato chia sẻ với cô mọi cảm xúc vẫn nguyên vẹn như cách đây 10 năm. Dù chính quyền thành phố dự định mời nhiều gia đình nạn nhân tham gia buổi lễ hơn nhưng do đại dịch COVID-19 nên số lượng người tham gia được hạn chế.
Trong khi đó, Richard Halberstadt, người Anh, đã sinh sống lâu năm tại Ishinomaki, lại dành tâm sức xây dựng một văn phòng chuyên cung cấp thông tin về thảm họa này, về những thiệt hại và tiến trình tái thiết thành phố. Tình yêu dành cho thành phố Ishinomaki đã thúc giục Halberstadt, từng là giảng viên tại Đại học Senshu 10 năm trước, ở lại đây dù Đại sứ quán Anh tại Nhật Bản liên tục khuyên anh về nước vì lo ngại nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 tại thị trấn Namie, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 11/3/2021. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Tại thành phố Higashimatsushima kế bên, người thợ mộc Shinichi Endo vẫn lặng lẽ làm việc tại xưởng mộc của mình trong ngày kỷ niệm. Anh Shinichi Endo, 52 tuổi, đã mất cả 3 người con trong thảm họa năm 2011. Anh không tham gia những sự kiện tưởng niệm quy mô lớn mà lựa chọn những buổi lễ riêng tư với một nhóm nhỏ những người đồng cảnh ngộ.
Người thợ mộc 52 tuổi chia sẻ: “Nỗi buồn vì không còn được nhìn thấy những đứa con của mình sẽ không bao giờ nguôi ngoai, dù là 10 năm hay 20 năm” và anh đã cảm nhận cuộc sống không còn ý nghĩa trong suốt một thời gian dài sau thảm họa. Tuy nhiên, anh đã dần thay đổi nhờ sự hỗ trợ và sẻ chia từ những người xung quanh để giờ đây, sau 10 năm, anh có thể nói ra rằng “tôi không còn muốn chết”.
Dòng chia sẻ đầy ám ảnh của Endo có lẽ cũng là lời nhắn gửi của không ít người dân chịu mất mát to lớn trong thảm họa. Dù 10 năm hay nhiều năm nữa, với họ, những vết sẹo tinh thần vẫn còn đó và những người ở lại đang nương tựa vào nhau để bước tiếp, để hồi sinh cuộc sống tại chính nơi in dấu đau thương này.
Nhiều học sinh Nhật Bản muốn chia sẻ trải nghiệm về thảm họa động đất, sóng thần
Khoảng 90% học sinh trung học tại 6 ngôi trường ở vùng Đông Bắc Nhật Bản đều bày tỏ mong muốn những trải nghiệm của mình sau thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân hồi tháng 3/2011 sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai với hy vọng họ có thể rút ra những bài học kinh nghiệm. Đây là kết quả của cuộc khảo sát do hãng Kyodo thực hiện và công bố ngày 9/3.
Nhà cửa bị hư hại trong trận động đất tại Koriyama, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 14/2/2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong cuộc khảo sát đối với 210 học sinh ở các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima, 89% trong số này, tương đương 187 học sinh, cho biết muốn chia sẻ những ký ức về thảm họa trên đến những người chưa từng trải qua. Các lý do được viện dẫn bao gồm để "ngăn chặn một thảm họa tương tự", để "không quên nỗi buồn" do thảm họa gây ra, hoặc để "bày tỏ lòng biết ơn".
Em Iori Shiga, 17 tuổi, đến từ tỉnh Fukushima, bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà của mình ở tỉnh Chiba, gần Tokyo. Shiga đã chuyển đến chung sống cùng ông bà sau khi phải rời khỏi quê hương vì thảm họa trên. Shiga chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ của họ mà chúng em có được như ngày hôm nay". Em chia sẻ muốn "đền đáp" công ơn này bằng cách truyền lại kinh nghiệm của mình cho những người thân nhỏ tuổi hơn.
Khi được hỏi liệu có còn đau đớn khi hồi tưởng về thảm họa trên hay không, 26% học sinh khảo sát, tương đương 54 em, đều có chung câu trả lời là "Có". Các em đưa ra những lý do bao gồm sự thay đổi cơ sở hạ tầng của các thị trấn và thành phố và ký ức về nỗi sợ hãi do hậu quả của trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân. Có 21% học sinh khảo sát, tương đương 45 em, chia sẻ rất miễn cưỡng khi nói về thảm họa trên với bạn bè và gia đình. Một nam sinh đến từ tỉnh Iwate cho biết: "Em không thể nói về thảm họa đó một cách dễ dàng bởi họ có thể đã có những trải nghiệm đầy khó khăn". Tuy nhiên, một số người cho biết có thể "vượt qua" ám ảnh của thảm họa bằng cách nói về nó, trong khi những người khác bày tỏ hy vọng rằng kinh nghiệm cá nhân của họ có thể "hữu ích."
Trận động đất có độ lớn 9,0 kéo theo trận sóng thần đã tàn phá vùng Đông Bắc Nhật Bản vào ngày 11/3/2011. Tổng cộng có 15.899 người đã thiệt mạng, 2.529 người mất tích và khoảng 470,000 người phải sơ tán. Thảm họa này cũng gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Chính phủ Nhật Bản thông qua chính sách mới về tái thiết khu vực thảm họa Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 9/3, Nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách mới về việc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần ở vùng Đông Bắc vào tháng 3/2011 và các sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Nhà cửa bị phá hủy trong trận...