10 năm sau thảm kịch MH370: Cuộc tìm kiếm thách thức nhất lịch sử lại được khởi động
Sự biến mất của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất mọi thời đại.
Một cuộc tìm kiếm mới có thể sẽ sớm bắt đầu.
Đường bay ban đầu (vạch đỏ) và dự kiến (vạch đứt đỏ) và đường bay lệch hướng của MH370 (vạch xanh). Ảnh: Wikimedia Commons
Vào ngày 8/3/2014, chuyến bay số hiệu 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang bay từ Kuala Lumpur, Malaysia, đến Bắc Kinh thì đi chệch khỏi lộ trình dự kiến, rẽ về hướng Tây qua Bán đảo Mã Lai.
Chiếc máy bay Boeing 777 chở 239 người, từ 15 quốc gia, được cho là đã đổi hướng và bay chéo phía Tây Nam trong vài giờ sau khi mất liên lạc với radar. Một số quan chức tin rằng nó có thể đã rơi ở đâu đó ở phía Nam Ấn Độ Dương sau khi hết nhiên liệu, nhưng những nỗ lực tìm kiếm mở rộng trong nhiều năm đã không mang lại câu trả lời. Không có nạn nhân nào hay xác máy bay được tìm thấy.
Lý do máy bay MH370 đi chệch hướng và vị trí chính xác của nó ngày nay vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất mọi thời đại. Trong tuần này, các quan chức Malaysia đã đề nghị mở một chiến dịch tìm kiếm mới.
Dưới đây là toàn cảnh những gì chúng ta biết về sự biến mất của chiếc máy bay xấu số sau 10 năm.
Giai đoạn đầu tiên của cuộc tìm kiếm kéo dài 52 ngày và được tiến hành chủ yếu từ trên không, với phạm vi 4,5 triệu km2, liên quan đến 334 chuyến bay tìm kiếm. Không có mảnh vỡ nào được tìm thấy.
Tiếp đó, hai cuộc tìm kiếm dưới nước ở Ấn Độ Dương cũng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về địa điểm chính của vụ tai nạn.
Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển đầu tiên, do Australia dẫn đầu, bao phủ 120.000 km2 và kéo dài 50 hải lý qua vòng cung thứ 7. Tháng 1/2017, chính phủ Australia, Malaysia và Trung Quốc chính thức ngừng cuộc tìm kiếm dưới nước sau khi rà soát khoảng 74.000m2 đáy Ấn Độ Dương, trong nỗ lực tốn kém 150 triệu USD.
Thiết bị lặn tự hành Bluefin-21, giống loại được sử dụng để tìm kiếm chiếc MH370 dưới đáy đại dương. Ảnh: nationalgeographic
Video đang HOT
Tháng 1/2018, chính phủ Malaysia bắt đầu một cuộc tìm kiếm dưới nước khác với sự hợp tác của công ty Ocean Infinity sau khi chịu áp lực từ gia đình các hành khách và phi hành đoàn mất tích. Sau hơn 3 tháng, nỗ lực tìm kiếm do Ocean Infinity dẫn đầu kết thúc mà không tìm thấy bằng chứng nào về tung tích của chiếc máy bay.
Có mảnh vỡ nào được tìm thấy không?
Mặc dù chiếc máy bay bị đắm chưa bao giờ được tìm thấy, khoảng 20 mảnh vỡ nghi là của chiếc phi cơ này được phát hiện dải rác dọc theo bờ biển lục địa châu Phi và trên các đảo Madagascar, Mauritius, Réunion và Rodrigues.
Vào mùa hè năm 2015, các nhà điều tra xác định rằng một vật thể lớn dạt vào bờ biển Réunion, một hòn đảo của Pháp ở Ấn Độ Dương, là một mảnh cánh phụ từ một chiếc Boeing 777, nên có khả năng đó là mảnh vỡ của MH370.
Một mảnh vỡ khác, một mảnh hình tam giác bằng hỗn hợp sợi thủy tinh và nhôm có dòng chữ “No Step” được viết ở bên cạnh, được tìm thấy vào tháng 2/2016 trên một bãi cát không có người ở dọc bờ biển Mozambique.
Mảnh vỡ được cho là từ chiếc MH370 được trưng bày vào năm 2019. Ảnh: EPA
Sau đó, vào tháng 9/2016, chính phủ Australia xác nhận rằng mảnh cánh máy bay dạt vào đảo Tanzania là của chuyến bay MH370. Cục An toàn Giao thông Australia đã khớp số nhận dạng của nó với số của chiếc Boeing 777 mất tích.
Các giả thuyết xung quanh sự biến mất của MH370
Có vô số giả thuyết, từ kỳ quái đến khiêu khích, về nguyên nhân khiến chiếc máy bay biến mất. Việc thiếu thông tin về những gì đã xảy ra với chuyến bay đã khiến dư luận và các nhà điều tra đi theo nhiều hướng khác nhau.
Một số quan chức tin rằng máy bay bị hết nhiên liệu, trong khi có giả thuyết cho rằng các phi công đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp trên biển. Những người khác cho rằng một hoặc cả hai phi công đã mất quyền kiểm soát máy bay, người đó là phi công lừa đảo hoặc máy bay đã bị không tặc.
Báo cáo chính thức của chính phủ nói gì?
Sau hơn 4 năm tìm kiếm và điều tra, một báo cáo dài 495 trang công bố năm 2018 của nhà chức trách Malaysia đã không đưa ra câu trả lời thuyết phục nào về số phận của chiếc máy bay. Việc thiếu câu trả lời cụ thể đã khiến gia đình các nạn nhân tan nát vì họ hy vọng có một sự kết thúc nào đó.
Kok Soo Chon, người đứng đầu nhóm điều tra, cho biết các bằng chứng hiện có – bao gồm cả việc máy bay bị điều khiển thủ công bay lệch hướng và việc tắt bộ phát đáp – đã chỉ ra “sự can thiệp bất hợp pháp”, có thể cho thấy máy bay đã bị tấn công. Nhưng lại không có bằng chứng nào cho thấy ai đó có thể đã can thiệp hoặc tại sao.
Các nhà điều tra cũng kiểm tra chặt chẽ tất cả hành khách, phi công Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid. Trong báo cáo, họ đã xem xét tình trạng tài chính, sức khỏe, giọng nói qua radio và thậm chí cả dáng đi của người liên quan khi họ đi làm ngày hôm đó. Không có bất thường nào được phát hiện.
Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia rà quét vùng biển phía nam Ấn Độ Dương trong chuyến bay tìm kiếm chiếc MH370 năm 2014. Ảnh: Al Jazeera
Vì sao một nỗ lực tìm kiếm lại được khởi động?
Lúc này, dù đã tròn một thập kỷ sau thảm kịch MH370 biến mất bí ẩn, một cuộc tìm kiếm mới có thể sẽ sớm được tiến hành.
Các quan chức Malaysia cho biết trong một tuyên bố trong tuần này rằng chính phủ sẵn sàng thảo luận về một hoạt động tìm kiếm mới sau khi được công ty Ocean Infinity tiếp cận.
Oliver Plunkett, giám đốc điều hành của Ocean Infinity, cho biết trong một tuyên bố rằng công ty hiện có thể mở lại cuộc tìm kiếm máy bay, sau khi nỗ lực vào 6 năm trước không mang lại câu trả lời.
Ông Plunkett nói: “Cuộc tìm kiếm này được cho là cuộc tìm kiếm thách thức nhất và thực sự thích hợp nhất hiện nay. Chúng tôi đang làm việc với nhiều chuyên gia, một số bên ngoài Ocean Infinity, để tiếp tục phân tích dữ liệu với hy vọng thu hẹp vùng tìm kiếm xuống một khu vực có khả năng đạt được thành công.”
Kể từ thời điểm những cuộc tìm kiếm dưới nước đầu tiên, công nghệ đã được cải thiện rất nhiều. Ocean Infinity đang sử dụng một đội phương tiện tự hành dưới nước với độ phân giải được cải thiện. Hoạt động tìm kiếm được đề xuất cũng sẽ sử dụng các tàu mặt nước được điều khiển từ xa.
Tại khu vực diễn ra cuộc tìm kiếm, đại dương có độ sâu khoảng 4.000 mét. Nhiệt độ nước là 1-2C, với dòng chảy thấp. Điều này có nghĩa là ngay cả sau 10 năm, hiện trường có thể vẫn tương đối nguyên vẹn. Vì vậy, khả năng cao là mảnh vỡ vẫn có thể được tìm thấy.
Nếu cuộc tìm kiếm trong tương lai thành công, điều này sẽ mang đến một kết cục khép lại không chỉ cho gia đình những người thiệt mạng mà còn cho hàng nghìn người đã tham gia vào nỗ lực tìm kiếm.
Thân nhân người gặp nạn vụ MH370 tưởng niệm 10 năm ngày máy bay mất tích
Một thập kỷ đã qua, nỗi đau từ thảm kịch lịch sử trong ngành hàng không vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng nhiều người ở lại.
Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke (đứng giữa hàng đầu tiên) cùng gia đình các nạn nhân thắp nến tưởng niệm. Ảnh: Hằng Linh/PV TTXVN tại Kuala Lumpur
Vào ngày 3/3, thân nhân của các hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất một cách bí ẩn 10 năm trước đã tiếp tục thúc đẩy một cuộc tìm kiếm mới, khi họ nói về nỗi đau dai dẳng suốt cả thập kỷ qua và cuộc đấu tranh để tự tìm ra lối thoát.
Ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370, chiếc máy bay Boeing 777 chở 239 người đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay, bất chấp cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử hàng không, chiếc máy bay vẫn chưa bao giờ được tìm thấy.
Khoảng 500 người thân và những người ủng hộ họ đã tập trung vào ngày 3/3 tại một trung tâm mua sắm gần thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia để tổ chức "ngày tưởng nhớ", Và nhiều người trong số đó, may mắn đã vượt qua nỗi đau mất người thân của họ.
Những người tham gia "ngày tưởng nhớ" có một số là đến từ Trung Quốc, nơi gần 2/3 số hành khách trên chiếc máy bay gặp nạn đều đến đó.
Bà Grace Nathan, một luật sư người Malaysia (36 tuổi) có người mẹ đã gặp nạn trên chuyến bay, nói với AFP: "10 năm qua như một chuyến tàu lượn cảm xúc lên xuống không ngừng nghỉ đối với tôi".
Phát biểu trước đám đông, cô kêu gọi chính phủ Malaysia tiến hành một cuộc tìm kiếm mới và nói: "MH370 không phải là lịch sử".
Bà Liu Shuang Fong (67 tuổi) đến từ tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đã mất đứa con trai 28 tuổi - Li Yan Lin trên chuyến bay định mệnh. Bà đã bay tới Malaysia để tham dự sự kiện lần này và cho biết: "Tôi yêu cầu công lý cho con trai tôi. Máy bay ở đâu? Việc tìm kiếm phải được tiếp tục".
Cuộc tìm kiếm kéo dài gần 3 năm trên diện tích 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương, nhưng hầu như không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của chiếc máy bay mà chỉ nhặt được một số mảnh vỡ.
Hoạt động tìm kiếm do Australia dẫn đầu đã bị đình chỉ vào tháng 1/2017. Đến năm 2018, một công ty thăm dò của Mỹ đã phát động cuộc săn lùng riêng MH370 nhưng cũng đành kết thúc sau nhiều tháng lùng sục dưới đáy biển mà không thành công.
Tuyên bố chấn động về vụ rơi máy bay MH370 Cựu sĩ quan hải quân Úc từng tham gia tìm kiếm MH370 tin rằng phi công đã cố tình cho máy bay rơi ở một địa điểm chưa từng được tìm kiếm trước đây. Tìm kiếm sai chỗ? Peter Waring, 41 tuổi, trở thành thành viên của nhóm tìm kiếm MH370 của hãng Malaysia Airlines sáu tháng sau khi chiếc máy bay biến...