10 năm qua tôi thấy mình tội nghiệp khi cố tìm sự chung thủy nơi chồng
Trong bóng đêm tôi khóc cho mình khi là một người vợ, tuy không hận thù nhưng không còn yêu thương nồng nàn, không còn lòng tin mà lại chẳng thể từ bỏ.
Ảnh minh hoạ
Hôm nay tôi viết ra những suy nghĩ đã kéo dài gần 10 năm qua, những suy nghĩ này như những cơn giông gió có khi ào ào kéo đến quật ngã tôi, cũng có khi tôi tự trấn an mình mà bước tiếp để giữ gìn cái mình đang có. Nhưng đêm qua, sau những giây phút vợ chồng của mình…, trong bóng đêm chẳng nhìn rõ mặt nhau, quay mặt đi tôi thấy khóe mắt mình đầy nước mà không kiềm chế được. Tôi thương lấy mình, thương cho những giây phút mình đang trải qua, tự hỏi vì sao lại như thế nhưng không tìm được giải pháp. Tôi chia sẻ ra đây, mong tìm được sự đồng cảm của những ai có cùng cảm nhận như tôi, mong được chia sẻ để biết rằng con đường mình đi là không sai, vì mình chỉ có một con đường và chỉ bước tới không được rẽ ngang.
Tôi là một phụ nữ đã ở độ tuổi trung niên, lập gia đình được 14 năm sau gần 6 năm quen biết yêu thương. Tính đến nay vợ chồng tôi đã có 20 năm đồng hành trên cuộc đời này. Chúng tôi có 2 cô con gái ở tuổi thiếu niên cần sự chăm sóc của ba mẹ, hai con học giỏi, ngoan ngoãn, xinh xắn đáng yêu. Cuộc sống gia đình tôi nhìn bề ngoài sẽ là một hình mẫu tuyệt vời mà bao nhiêu người mong ước. Vợ chồng đều có công việc ổn định từ các công ty có tên tuổi trong nước. Tôi là một cán bộ quản lý cấp cao trong công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng, bao nhiêu năm trôi qua tôi cứ luôn muốn mình kết thúc mối quan hệ vợ chồng này, bởi 8 năm trước tôi phát hiện chồng ngoại tình khi đi công tác tỉnh.
Vì những điều to lớn cần phải gìn giữ cho con, cho gia đình, tôi đã tha thứ khi anh hứa chấm dứt. 3 năm sau cô bé ấy đã theo học lớp học có liên quan đến ngành nghề của anh, để có lý do nhờ anh giúp đỡ, hướng dẫn. Tiếp theo 4 năm sau đó tôi lại biết rằng họ vẫn còn hẹn hò với nhau khi cô bé ấy đến thành phố này. Cô ấy lại xin lỗi và hứa không làm phiền đến chúng tôi nữa. Cho đến tận giờ, xung quanh anh cũng có rất nhiều cô gái 8x, 9x hâm mộ, cảm kích vì những tài lẻ như tư vấn công việc chuyên môn, chụp ảnh miễn phí, có khiếu hài hước. Thời gian lẽ ra là của gia đình, dành cho gia đình thì người chồng tử tế của tôi thỉnh thoảng ra khỏi nhà săn ảnh, chụp miễn phí cho những cô nàng 9x mà anh ấy thấy dễ thương, đáng yêu. Tôi trải qua thời gian mệt mỏi với cuộc sống chung như thế này của anh, có lẽ chúng tôi là hình ảnh trái ngược nhau về quan điểm, về lối sống.
Tôi ngoài công việc chỉ chuyên tâm cho gia đình, còn anh luôn là những cuộc vui cùng các hội nhóm bên ngoài, tiệc tùng nhậu nhẹt với đủ lý do, tần suất nhậu của anh tuần 3-4 ngày là bình thường, về nhà khoảng nửa đêm đến 1, 2 giờ sáng. Trước đây tôi còn hay trao đổi và góp ý với chồng về những điều không vừa ý. Gần đây tôi không còn quan tâm nữa, tự thay đổi mình và xem như chúng tôi không là gì của nhau. Tôi thấy mình dễ chịu hơn. Tôi không mong đợi anh về nhà vào mỗi tối, hầu như không muốn giao tiếp với chồng mình. Trong tôi chỉ còn sự quan tâm là hai đứa nhỏ. Tôi tự hỏi mình, liệu cuộc sống như vậy có đúng không? Cuộc sống của tôi luôn mong chờ một gia đình mà người chồng chỉn chu, một cuộc sống lành mạnh không có những đêm dài chờ cửa chồng say rượu quay trở về mỗi đêm, những câu chuyện được chia sẻ với nhau mỗi ngày.
Tôi mong ước và hỏi mình rằng trên cuộc đời này việc người đàn ông có duy nhất một người phụ nữ và ngược lại là điều khó khăn, không thể hay sao? Bạn thân nói tôi đừng sống một cuộc sống ngôn tình nữa, đừng đòi hỏi cái mà người khác không có. Tôi có quyền mơ ước một tình yêu chung thủy hay không? Việc từ bỏ là không thể và trước giờ dẫu có giận hờn tôi vẫn không từ chối việc quan hệ vợ chồng với anh. Tôi chưa bao giờ lấy chuyện này làm vũ khí cấm vận để giải quyết xung đột… Thế nhưng, khi tôi không còn tha thiết, không đặt lòng tin vào đối tác này, tôi lại thấy mình tội nghiệp trong những giây phút vợ chồng đầu ấp tay gối. Trong bóng đêm tôi khóc cho mình khi là một người vợ, tuy không hận thù nhưng không còn yêu thương nồng nàn, không còn lòng tin mà lại chẳng thể từ bỏ. Để tiếp tục sao quá khó khăn, mỗi ngày trôi qua tôi luôn phải học cách tha thứ cho mình, tha thứ cho những ngày không mạnh mẽ dứt khoát. Tôi có quyền thay đổi cuộc sống của mình không hay phải tiếp tục sống cuộc sống quên mình vì những điều cần gìn giữ khác? Tôi có tội gì?
Theo VNE
Video đang HOT
Mong ước của các bà mẹ không phải ra phi trường tiễn con sau Tết
Sau Tết mọi người lại quay trở lại với những lo toan đời thường, những mong ước to lớn, những mục tiêu cho năm mới. Còn có những mong mỏi bình dị đến nhói lòng như thế này từ những người mẹ.
Không phải gia đình nào cũng có được cái may mắn đoàn viên, bên nhau khi Tết đến xuân về. Hoặc có gặp được nhau cũng chỉ bên nhau được một thời gian rất ngắn rồi lại phải tiễn biệt nhau. Chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, dòng chảy cuộc đời luôn không theo ý bản thân. Rất nhiều gia đình đã và đang trong hoàn cảnh "lòng thì nhớ nhung, nhưng nghìn trùng xa cách".
Dưới đây là những chia sẻ vô cùng chân thật từ gia đình nhỏ của nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, bà chủ của HAL Group - một trong những tập đoàn phân phối mỹ phẩm cao cấp lớn nhất Việt Nam. Và cũng là một người mẹ hết mực yêu thương con, người vợ hết lòng vì chồng và là người con trọn đạo hiếu.
Doanh nhân Lê Hoài Anh.
Những chia sẻ chân thành của nữ doanh nhân Lê Hoài Anh.
Nội dung chị Hoài Anh chia sẻ:
"Nếu bạn hỏi ước mơ lớn nhất trong 5 năm tới của tôi là gì ? Câu trả lời thật lòng có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy , cả gia đình tôi bao gồm các con , cháu sẽ sinh sống quây quần gần nhau tại Việt Nam , tại Sài gòn.
Đó là câu trả lời sau nhiều năm suy nghĩ vì với tôi không đâu thoải mái và sung sướng bẳng một cuộc sống êm đềm thanh bình trên chính quê hương mình khi các con đã trưởng thành và tự lập .
Định cư ở nước khác đối với gia đình chúng tôi không khó , các con tôi đều đang sống , học tập và làm việc ở nước ngoài . Tại đâu thì các con của tôi cũng đều nhập cư theo những cách hợp lệ nhất và đang kinh doanh để tự nuôi bản thân mình và gia đình , chỉ đóng thuế , đóng ghóp cho xã hội nơi đó chứ không ăn tiền trợ cấp thất nghiệp , hay bất cứ phúc lợi gì trên đất nước nơi chúng sinh sống .
Con tôi,cháu tôi học trường tư chứ không học trường công miễn phí . Vẫn đang hàng ngày làm việc tự nuôi bản thân , và đóng thuế cho đất nước đó. Tại sao bản thân tôi vẫn ở Việt Nam tới giờ này , dù tôi đủ điều kiện và tiềm lực để đi đầu tư lấy quốc tịch ở bất cứ nơi nào tôi muốn , vì cuộc đời tôi thật sự luôn biết ơn và gắn bó với mảnh đất sinh ra và nuôi tôi trưởng thành , với quê hương tôi và đất nước tôi.
Ước mơ của tôi là đất nước mình sẽ ngày càng phát triển , hoà bình ổn định , tự do và dân chủ để các con tôi và các thế hệ thanh niên sẽ trở về sinh sống và làm việc tại quê hương mình .
Tôi hay tâm sự hay lên tiếng trước những bất cập của xã hội , những việc làm sai hoặc thói hư tật xấu cũng chỉ vì mong cho con người Việt Nam ( trong đó có bản thân tôi và con cháu tôi ) sẽ ngày càng trở nên tốt hơn đẹp hơn để góp phần thay đổi và xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp. Sáng nay con đi rồi mới kể , mỗi lần đưa cháu đi mẹ tôi lại khóc, con tôi cũng khóc, còn tôi thì nuốt nước mắt vào trong.
Chiều về chồng tôi nói, các con đi rồi, nhà vắng quá, anh cũng mong ước sau này các con trưởng thành rồi gia đình mình quây quần sống gần bên nhau thế thôi."
Doanh nhân Lê Hoài Anh cùng con gái.
Là một người mẹ có con đang sống và làm việc tại nước ngoài chị cũng như bao nhiêu người mẹ khác cùng hoàn cảnh luôn mang một ước mơ đau đáu, mong cả nhà được đoàn tụ, quây quần bên nhau không chỉ khi Tết đến xuân về. Mà tất cả những ngày còn lại trong năm các con đều bên mẹ. Gia đình luôn có đầy đủ các thành viên. Hình ảnh ấm áp ấy cứ khắc sâu mãi trong lòng chị.
Chỉ trong vài giờ chia sẻ dòng trạng thái của chị đã đạt được 7,2 nghìn lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận.
Cũng chung hoàn cảnh đó chị Huỳnh Thị Ngọc Mỹ (45 tuổi, Bình Thạnh) chia sẻ: "Con gái chị đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc mấy năm rồi không về được, Tết năm nay nó về được tôi nghe nó nói qua điện thoại sẽ về cứ vậy mà tôi khóc, về chơi chưa được bao lâu. Mới đây nó lại phải đi, từ khi biết ngày nó đi lòng tôi cứ lo sợ đến cái ngày đó, cứ nhìn lịch là lòng lại lo sợ. Ngày tiễn con đi tôi không dám khóc, sợ con lại buồn lo lắng cho mẹ. Chỉ mong con làm vài năm nữa có vốn rồi về với gia đình."
Cũng có con đang đi du học nước ngoài chị Hồ Thị Ly (Nha Trang) chia sẻ: Gia đình cũng chỉ mong cho con có tương lai tốt hơn, tươi sáng hơn, nên cũng chạy lo cho cháu đi du học bên Singapo. Bên đó có dì của cháu, nên gia đình cũng không lo lắm, nhưng nhiều khi nhớ con rồi chi phi không cho phép 1 năm gặp nhau cũng không được bao nhiêu lần. Rồi Tết về không được mấy ngày lại phải đi, nhưng vì tương lai của con tôi cũng ráng dằn lòng."
Chị Ly cùng con gái.
Nhưng có nhiều vị phụ huynh khác lại có tư tưởng để con định cư sinh sống bên nước ngoài. Hoặc bản thân họ cũng muốn sang đó đoàn tụ với con, thì chị một người mẹ và cũng là một nữ doanh nhân với lối suy nghĩ chị lại muốn con mình quay về. Bởi chị cho rằng không đâu bằng quê hương mình với niềm tin, tình yêu chị dành cho đất nước.
Mỗi khi xuân về, những bà mẹ này lại mong ngóng đón những đứa con yêu quay về ngôi nhà xưa. Và lại tiễn con đi trong niềm thương, nỗi nhớ...
Theo Phununews
Nếu được, xin đừng gặp nhau lúc ta còn quá trẻ Bởi những năm tháng thanh xuân cuồng nhiệt nhất đời người, lại thường đánh mất đi những người quan trọng mà ta yêu thương nhất... Người ta ai cũng mong ước, chuyện tình yêu của mình đừng quá gian nan vất vả. Nếu như, gặp được người ấy thật sớm, cùng nhau trải qua bao nhiêu sóng gió vui buồn, rồi nắm chặt...