10 năm đón “gió” tam nông và những miền quê đáng sống
Sau 73 năm ngày độc lập, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là sau hơn 10 năm đón “làn gió” từ Nghị quyết tam nông, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nhiều địa phương đã có sự thay đổi vô cùng ấn tượng. Vẫn biết vẫn còn khoảng cách giàu – nghèo, những bất cập trong phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống hạ tầng nhưng sự đổi thay ấy với nhiều người giống như một giấc mơ.
Những miền quê đáng sống
10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh như một cái chớp mắt, có những đổi thay trong đời sống của người dân xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) thì có thể cảm nhận thấy rõ rệt. Bộ mặt nông thôn của xã thay đổi toàn diện, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển và chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét. Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt 40,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,71%.
Nhiều địa phương khởi sắc nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: tư liệu
Điều đáng ghi nhận là, các hình thức tổ chức sản xuất mới ngày càng phát triển ở Bình Hòa. Xã đã thành lập được 1 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 3 tổ hợp tác sản xuất, 6 câu lạc bộ nông dân, hầu hết nông dân đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, địa phương mạnh dạng chuyển lúa từ 2 vụ lên 3 vụ, với tổng diện tích gieo trồng cả năm là 3.936,2ha. Toàn xã đã có 26 máy cày, xới, 9 máy gặt đập liên hợp, 17 máy sấy đảm bảo cơ giới hóa 100% diện tích. Đặc biệt, nghề may mùng, mền của địa phương phát triển mạnh với 45 cơ sơ san xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 400 lao động.
Về Bình Hòa hôm nay, có thể thấy làn gió tam nông đang lan tỏa. Hầu hết các tuyến đường đều đã được bê tông cứng hóa, đảm bảo giao thông thông suốt. Các cơ sở y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư; hệ thống điện, thủy lợi được cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Còn tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Nghị quyết 26 đã giúp biến vùng đất nghèo nơi “chảo lửa túi mưa” thành một “miền quê đáng sống”. So với năm 2008, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp của xã năm 2017 đã đạt 46%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 98 tỷ đồng, tăng 36 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21% xuống còn 4,9%; thu nhập bình quân từ 5,6 triệu đồng/người (năm 2008) tăng lên 31,03 triệu đồng (năm 2017).
Với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho tam nông tăng bình quân 13%/năm, Thượng Lộc ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó, các công trình giao thông nông thôn được tập trung đầu tư bình quân 18,6 tỷ đồng/năm. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 80%. Toàn xã có 3 doanh nghiệp, 6 HTX, 9 tổ hợp tác, 367 mô hình kinh tế, trong đó có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao; các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Sản phẩm cam Thượng Lộc đã được chứng nhận thương hiệu, đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2017, xã Thượng Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới một cách bền vững, riêng thôn Sơn Bình được đánh giá cao trong việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, trở thành một miền quê đáng sống.
Tam nông khởi sắc
Video đang HOT
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sau 10 năm, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt nhiều thành quả quan trọng: Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 tăng gần 6 lần so với năm 2008.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 – 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 16 thế giới.
Nông thôn có nhiều đổi mới. Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. Một trong những chuyển biến tích cực là việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, trong đó chú trọng vào xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, thu hút đầu tư doanh nghiệp.
Nhờ vậy, đến hết năm 2017, cả nước có 11.668 HTX nông nghiệp (gấp gần 2 lần năm 2008). Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước) lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.
Về việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ NNPTNT nhận định, dự kiến, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay. Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội. Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%). Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80%.
Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu khó đạt: Tốc độ tăng trưởng đạt 3,5 – 4%/năm (giai đoạn 2008 – 2017 mới đạt 2,66%/năm); tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50% (đến hết năm 2016 mới đạt 34,14% và trung bình chỉ tăng 3,11%/năm).
Đánh giá cao những thành tích mà ngành nông nghiệp đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông nhưng ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trước những thách thức từ biến đổi khí hậu, cạnh tranh diễn ra ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại sản xuất; xây dựng cơ chế chính sách; làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nâng cao năng lực, cũng như vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo Danviet
Thủ tướng: "Đừng để gió Lào thổi bay lời hứa đầu tư!"
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình 2018, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư khi đến với Quảng Bình đừng để gió Lào "thổi bay lời hứa đầu tư".
Sáng 27/8, tại TP Đồng Hới đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018 với chủ đề "Hợp tác và phát triển bền vững". Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Hội nghị còn có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Quảng Bình; đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng cùng hơn 700 Tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã, đang và sẽ đầu tư vào Quảng Bình.
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018
Hội nghị nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và quảng bá, xúc tiến đầu tư và Quảng Bình; là diễn đàn tập hợp, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, đối thoại với chính quyền, doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại địa bàn. Đưa ra định hướng, giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Quảng Bình; các diễn giả có uy tín trên các lĩnh vực.
Phát biểu Khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã khái quát những lợi thế, tiềm năng của địa phương này để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn về cơ hội đầu tư.
Thông qua Hội nghị, tỉnh Quảng Bình mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành Trung ương, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với mong muốn đưa Quảng Bình bứt phá đi lên, trở thành một tỉnh giàu và đẹp, một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi Chuyên gia Howard Limbert, người có công lớn trong việc khám phá và phát triển du lịch hang động tại Quảng Bình
Hội nghị đã ghi nhận lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản thoả thuận hợp tác đầu tư cho 66 dự án, với tổng vốn đầu tư 168.869 tỷ đồng, tương đương 7,34 tỷ USD. Trong đó, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án của 23 nhà đầu tư với tổng vốn 29.717 tỷ đồng, tương đương 1,29 tỷ USD; trao thoả thuận hợp tác đầu tư cho 30 dự án của 24 nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư 139.152 tỷ đồng, tương đương 6,05 tỷ USD.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành; lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các hiệp hội, các tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng cùng hơn 700 Tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã, đang và sẽ đầu tư vào Quảng Bình.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong việc chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức xúc tiến đầu tư.
Bất chấp mọi khó khăn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị thực sự là tấm gương vượt lên chính mình, tạo ra một "làn gió đại phong", đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.
Thủ tướng ấn tượng trước con số khách du lịch đến Quảng Bình năm 2017, đạt gần 3,5 triệu khách, tăng đến trên 71%, riêng khách quốc tế tăng 110% so với cùng kỳ. Thủ tướng cũng nhận xét, trong bối cảnh sân bay Việt Nam hoạt động dưới công suất thì năm 2018, sân bay Đồng Hới đã vượt công suất thiết kế.
"Nếu hạ tầng và phát triển ví như con gà và quả trứng thì ở một nơi có nhiều "tiên cảnh" như Quảng Bình phải gọi là "con gà đẻ trứng vàng". Do vậy tôi giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phát triển sân bay Đồng Hới; nâng cấp Cảng hàng không Đồng Hới trở thành sân bay quốc tế, nhằm đáp ứng điều kiện cho phép người nước ngoài xuất nhập cảnh bằng thị thực điện tử", Thủ tướng nói.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trao biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Bình cho ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh.
Thủ tướng khẳng định, Quảng Bình hoàn toàn có thể là một lựa chọn xuất sắc để tạo nên những ấn tượng mới lạ và sâu sắc về một Việt Nam được yêu thích ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Là vùng đất huyền bí, một "viên kim cương xanh" độc nhất vô nhị.
Đối với các nhà đầu tư đến với Quảng Bình, quê hương của gió Lào, Thủ tướng ví von hình ảnh "đừng để cơn gió Lào nào thổi bay lời hứa đầu tư và những cam kết nguồn lực, hứa nhưng không làm hoặc làm hoàn toàn không tương xứng với lời hứa mà không có lý do chính đáng thì tốt nhất, hãy tránh xa những hội nghị xúc tiến đầu tư".
Thủ tướng còn nhắn nhủ, việc phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với môi trường, không được đánh đổi môi trường lấy phát triển nóng.
Trước đó, Quảng Bình cũng đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Philippine (từ 8 đến 12/6). Hội nghị này đã ký kết được 2 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cam kết gần 400 triệu USD, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng.
Tiến Thành - Đặng Tài
Theo Dantri
Làn gió mới từ "nghị quyết tam nông" Lần đầu tiên, một nghị quyết chuyên đề đánh giá và đề ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã ra đời. Sau 10 năm, Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã góp phần tạo ra "làn gió mới" cho khu vực tam nông. Đổi thay mang...