10 năm dằn vặt của người đàn ông bại liệt, vợ bỏ đi: “Em mong một ngày được chết trước mẹ”
Cố đỡ con ngồi dậy, bà Hai loay hoay lau những vết thương lở loét của anh Định. Ở cái tuổi 38, sau tai nạn dập tủy, điều duy nhất anh Định có thể làm là nằm một chỗ, nhìn người mẹ già ngày một tiều tụy vì chạy lo cơm ngày 3 bữa.
Con nợ mẹ một gia đình trọn vẹn…
Nhiều năm qua, người dân ở ấp 3, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh một người mẹ già tay cầm cọc vé số đi bán khắp nơi, chiều về lại đẩy đứa con trai bại liệt ngồi trên chiếc xe lăn để tập vận động.
10 năm ròng rã, anh Định chỉ biết nằm một chỗ, nhìn mẹ già chạy vạy lo từng bữa cơm
Dù đã ở cái tuổi xế chiều nhưng cuộc sống của bà Nguyễn Thị Hai (66 tuổi) chưa một ngày nhàn hạ khi anh Trần Quốc Định (38 tuổi) bị liệt nửa người, một phần cơ thể lở loét, hoại tử sau tai nạn vào năm 2012.
Ngồi lặng một góc trên chiếc giường tre ọp ẹp, bà Hai cố nheo đôi mắt mờ của mình đếm lại những tấm vé số còn trong cặp, lẩm bẩm tính. Cách đó vài bước chân, anh Định cố gượng người ngồi dậy nhìn về phía bà Hai, chua xót.
“Con làm khổ mẹ rồi”, anh Định thở dài.
Anh Định bật khóc khi bản thân đã làm khổ mẹ già
10 năm trước, trong lúc theo đoàn dân quân ở xã đi cưa cây để kéo điện cho một số hộ nghèo trong ấp, anh Định vô tình bị nhánh cây bạch đàn đè trúng khiến anh gãy đốt sống, dập tủy. Dù được đưa lên Chợ Rẫy chữa trị, tuy nhiên vì chấn thương rất nặng, các bác sĩ cho biết anh Định không thể đi đứng bình thường như trước kia. Khi đó, anh Định mới 28 tuổi, còn đứa con trai chỉ vừa lên 4.
“Anh sốc lắm, ở trên Chợ Rẫy được 20 ngày, bác sĩ cho chuyển về Trà Vinh để tập vật lý trị liệu, ròng rã 8 tháng trời, điều duy nhất anh có thể làm là gắng ngồi dậy. Mà rồi…”, nói đến đây anh Định bật khóc.
“Anh như vậy nên vợ anh cũng bỏ đi”.
Đứa con trai lớn lên thiếu đi sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ…
Theo anh Định, trước khi xảy ra tai nạn, vợ anh làm công ty ở gần nhà, đến khi anh gặp chuyện, vợ anh cũng nghỉ việc để về phụ chăm sóc. Được 1 năm, người vợ cũng lặng lẽ bỏ đi, lâu lâu mới quay về hỏi thăm, riêng đứa con chung 4 tuổi khi đó được gửi nhờ bà ngoại nuôi dưỡng.
“Vợ anh đi cũng không nói gì rõ ràng, bây giờ lâu lâu nếu có điều kiện, vợ anh mới về thăm. Hai vợ chồng vẫn chưa có ly hôn, nếu mà vợ anh muốn, anh cũng chấp nhận chứ mình đã tàn tật như vậy rồi, anh không muốn cô ấy khổ thêm”, anh Định nghẹn lời.
Thời gian đầu vợ bỏ đi, anh Định chỉ biết nằm một chỗ, tự trách bản thân mình tật nguyền, không chăm lo được cho gia đình. Buồn riết rồi thành quen, anh cũng không nhớ đã khóc bao nhiêu lần, tự dằn vặt bản thân.
Quốc Minh buồn bã khi thấy những vết lở loét trên cơ thể của cha
“10 năm rồi, anh cứ nằm đây thôi, lâu lâu anh cũng ngồi dậy, mẹ đẩy xe lăn đi cho thoải mái. Từ vùng hông trở xuống, anh không còn cảm giác gì nữa, lở loét khắp cả rồi”, vừa nói, anh Định dở tấm khăn che nửa thân dưới của mình, mảng da thịt lở loét, tạo thành hố sâu khiến chúng tôi chết lặng.
Video đang HOT
“May mà nó không còn cảm giác đau, chứ nhìn con, bà xót quá, nó không dám ăn uống gì nhiều vì nó sợ đi tiêu tiểu không tự chủ, bà lại cực khổ lau dọn”, bà Hai ứa nước mắt.
“Nhìn thấy nhiều người bị đột quỵ rồi chết, anh cũng ước được như vậy… “
Từ ngày gặp tai nạn bất ngờ, vợ bỏ đi, đứa con trai duy nhất của 2 vợ chồng gửi nhờ bà ngoại chăm sóc, anh Định trải qua chuỗi ngày sống không bằng chết. Nhiều lúc nghĩ quẩn, anh chỉ muốn chết đi để mẹ già bớt khổ.
Những tấm vé số giúp là niềm hi vọng duy nhất giúp 2 mẹ con bà Hai cầm cự mỗi ngày
“Anh chỉ sống nằm một chỗ, ban đầu anh cũng cố gắng, hi vọng sẽ khỏe lại nhưng cuối cùng phải chấp nhận, không còn hi vọng hay suy nghĩ gì nữa. Đôi khi nhìn thấy nhiều người bị đột quỵ bất ngờ rồi chết, anh cũng ước được như vậy…
10 năm qua trong lòng anh buồn lắm mà không nói được câu nào, giờ mọi việc chăm sóc đều do mẹ cả. Cơm mẹ nấu cho ăn, tiêu tiểu một tay mẹ thay tã, lau dọn. Anh chỉ mong được đi trước mẹ, chứ sợ mẹ mất đi, mẹ không an tâm về mình”, anh Định bật khóc.
Nắm lấy bàn tay cha, Trần Quốc Minh (14 tuổi) chốc chốc lại nhìn về những vết thương hở, mắt ngân ngấn lệ. Năm 4 tuổi, tổ ấm gia đình của Minh tan vỡ khi cha gặp tai nạn, mẹ buộc lòng rời nhà để đi làm ăn xa, con phải dọn về sống với bà ngoại. Dù sớm mất đi sự quan tâm, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ nhưng Minh rất ngoan ngoãn. Lâu lâu, con lại xin phép ngoại để chạy về thăm cha.
Minh ước một ngày nào đó, cha có thể khỏe mạnh trở lại
Dù lớn lên không có được sự chăm sóc, đỡ đần của cha nhưng Minh chưa bao giờ giận hờn, trách móc gì anh Định
“Ngoại kể cho con nghe về cha, con thấy buồn lắm. Mẹ cũng kêu con phải thường xuyên về thăm cha, con ước cha con hết bệnh để mẹ quay về sống với hai cha con”, Minh thỏ thẻ.
Nhìn đứa con trai đang ngày một lớn lên trong khi bản thân mình không thể lo lắng, chăm sóc gì được cho con, anh Định chỉ biết tự trách bản thân mình. “Anh làm cha mà không lo được cho con, để nó phải khổ từ nhỏ, cũng may vợ anh bỏ đi, chứ vợ mà ở lại, anh cứ như thế này, anh náy náy không sống nổi… “, anh Định nghẹn lời.
Đưa đôi tay quệt nước mắt, bà Hai cho biết để có tiền 2 mẹ con sinh sống, mỗi ngày bà phải đi bán vé số. Ngày nào đắt thì được hơn 100 tờ, ngày nào ế, chỉ kiếm được 50 ngàn để về lo cơm mắm. 10 năm bán vé số nuôi con, bà Hai không biết mình có thể đi cùng đứa con trai số khổ này thêm được bao lâu nữa.
Bà Hai bật khóc khi sức khỏe ngày một yếu đi, bà sợ bà đi rồi, anh Định sẽ không ai chăm sóc…
“Dì rầu lắm, nó cũng nói cho con chết mà sao con chết không được. Nhiều lúc dì cũng nghĩ uống liều thuốc rồi 2 mẹ con chết cùng, mà mình cho con mình chết trước, rồi mình không chết được thì sao?
Dì chỉ sợ mình mà đi trước, bỏ con lại tội nghiệp. Nói thật, dì muốn nó chết trước để dì lo cho nó tròn, chứ biết chị em có lo bằng mẹ không ? Cha nó chết năm nay là 19 năm rồi, phải có cha nó thì đỡ đần cho dì”, bà Hai bật khóc.
Có lẽ, điều mong muốn lớn nhất của bà Hai là trong những ngày ít ỏi còn lại, bà có đủ tiền để mua thuốc men, sữa tã cho anh Định. Biết là nói ra sẽ đau lòng, nhưng ước gì: “Hai mẹ con có thể ra đi cùng lúc, chứ sống trong cảnh như thế này, đau lắm con ơi!”.
Hi vọng và cầu mong, sự giúp đỡ của mọi người sẽ giúp những ngày tháng ít ỏi còn lại của 2 mẹ con sẽ đỡ nhọc nhằn, cơ cực hơn…
Trước hoàn cảnh khó khăn của anh Định khi phải nằm 1 chỗ, vết thương lở loét khắp nơi bên người mẹ già yếu, chúng tôi hi vọng quý độc giả gần xa có thể quan tâm, hỗ trợ để anh có điều kiện sống tốt hơn trong những ngày ít ỏi còn lại.
Mọi sự đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại bà Hai: 0978915328.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 1027890756.
Chủ tài khoản: Nguyễn Thị Hai, chi nhánh tỉnh Trà Vinh.
Xin chân thành cảm ơn!
Ông bố dắt 2 con vào nghĩa địa ở, ngày đi bán vé số: Có những lúc không kiếm nổi 5k
Không có tiền thuê nhà, anh Luân dựng tạm căn chòi bên khu nghĩa địa để ở. Đó là nơi che nắng mưa cho 3 bố con suốt hơn 1 năm qua.
3 cha con nghèo khó, ngủ ở nghĩa địa
Cứ sáng sáng, anh Luân (SN 1987) lại ôm đứa con nhỏ 4 tháng ra ngã tư bán vé số. Nắng gắt, đứa bé khóc rặt, chốc chốc ông bố trẻ lại vừa dỗ con, vừa chào hàng người đi đường: "Ai vé số đây... Cô chú mua giùm con tấm vé số đi cô chú".
Cứ bán được một tờ vé số, anh Luân lãi được 1.000 đồng. Ngày nào khá khẩm, anh kiếm được khoảng vài chục đến một trăm ngàn. Công việc ấy đã diễn ra đều đặn suốt 2 tháng nay, kể từ ngày định mệnh đẩy vợ chồng anh Luân vào con đường nghèo khó.
Anh Lâm dắt con nhỏ đi bán vé số dạo
Quê ở Bình Dương, anh Luân lên thành phố, làm thợ hồ thuê kiếm sống. Duyên số khiến anh yêu và cưới người phụ nữ tên Nhi, kém anh 5 tuổi, làm nghề bán quần áo cũ ở chợ.
Sau khi chị Nhi sinh bé thứ 2 được 1 tháng, người ta mách vợ chồng anh có thể đi bán thêm quả chùm ruột, trang trải thêm thu nhập. Một hôm, khi đang hái quả trên cây cao, chị Nhi bị ngã dập người, gãy xương, được đưa vào Bệnh viện Bình Dương cấp cứu.
Sau tai nạn đó, vợ anh Luân bị liệt nửa người, phải nằm bất động, điều trị ở viện. Con mọn khát sữa, lại chẳng biết kiếm đâu tiền chạy chữa viện phí, anh Luân nghỉ công việc phụ hồ, ở nhà giữ 2 đứa nhỏ. Bé trai 4 tuổi tên Bin đã có thể tự ăn uống, chơi một mình, còn đứa nhỏ vẫn phải bú bình, rời xa hơi cha là khóc ngặt.
Trước đây anh Luân làm nghề thợ hồ ở nhà trông 2 đứa trẻ.
Trước đây, vợ chồng anh Luân thuê mướn nhà trọ, từ ngày dịch bệnh, lại phải lo tiền nuôi 2 đứa con, hai vợ chồng lại thêm khó khăn, lang thang nay đây mai đó. Một người phụ nữ tốt bụng, thương tình nên đã cho hai vợ chồng ở nhờ trong khu nghĩa đĩa cuối xóm Ngã 3 chùa (Hóc Môn, TP.HCM).
Anh dựng căn chòi che nắng mưa, đặt tấm đệm cạnh bia mộ để cho các con ngủ. Chỗ tắm rửa, giặt giũ hàng ngày, anh Luân được người dân gần đó cho dùng nhờ.
Trong căn chòi bé xíu vài mét vuông là ngổn ngang quần áo, chăn màn để la liệt. Chỗ phơi phóng cũng được rào ngay trên những tấm bia đá. Thấy mấy cha con sống ở nơi có phần hoang vu, lạnh lẽo, nhiều người ái ngại.
Nơi 3 cha con anh Luân sống
Anh Luân ban đầu cũng sợ, nhưng đã hơn 1 năm nay anh quen dần. Người cha nghèo nghĩ, tiết kiệm một phần chi phí thuê trọ sẽ giúp con anh có thêm tiền mua được vài hộp sữa.
"Cha con em ở đây không phá phách, chòng ghẹo ai chi hết. Tối nào em cũng đốt nhang xin mấy cô chú ông bà ở đây phù hộ, giúp đỡ cho cha con em.
Ngày nào em cũng lau dọn, cấm con không được để gì lên mả. Người ta cho mình ngủ ở đây, sống nhờ rồi, nên mình cũng không dám bừa bộn. Từ đó tới giờ em không mê tín dị đoan, không biết cúng bái gì cả, có sao nói vậy.", anh Luân nói.
Chiếc chòi dựng tạm bên khu nghĩa địa
Những ân tình của bà con trong khu xóm nghèo
Biết hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu xóm nghèo quan tâm, giúp đỡ. Có người thương, hôm nào mưa to, chòi bị dột sẽ cho anh vào nằm nhờ võng trong nhà ngủ. Xóm có bà cô bán ve chai cũng nhiệt tình, nhận trông đứa con 4 tuổi giúp anh Luân.
Gửi con cho hàng xóm xong, anh mới yên tâm dắt đứa nhỏ còn lại đi bán vé số. Nhiều khi thấy hai cha con ăn mặc nhếch nhác, người ta tưởng anh bắt cóc, lừa đảo, đuổi đi nơi khác. Nhưng cũng có người tốt, cho anh vài chục, vài trăm mà chẳng đắn đo gì.
"Có cô bán nước, ngày đầu tiên em gặp, cô cho cha con em 500k. Cô cũng chẳng khá giả gì, còn trẻ mà cô tốt lắm. Có một lần khác em đi đường, quen một cô mà không biết tên tuổi gì hết, cô đi xe tay ga dừng lại, ngắt nửa cọc vé số, chẳng đếm gì mà đưa em 500k.
Em mừng quýnh trong lòng rồi, vì hôm đó em đi bán vé số có 60 tờ thôi, cô đưa vậy là cha con em lời nhiều lắm. Rồi cô hỏi hoàn cảnh xong, lại rút ví cho thêm 4 tờ 500k nữa. Hai cha con em cảm ơn cô.
Trời ơi 2 triệu lớn mà, bằng tiền lời cả tháng em bán vé số. Em chỉ biết về niệm phật, cảm ơn họ", anh Luân kể.
Bà con trong khu xóm nghèo giúp đỡ 3 cha con
Cuộc đời luẩn quẩn trong căn chòi với gánh nặng cơm áo gạo tiền, đã có lúc, anh Luân nghĩ đến cái chết. "Từ ngày vợ đau ốm, em ngồi suy nghĩ hoài, không biết làm kiểu gì ra tiền. Em thanh niên mà không kiếm nổi 5k mua nước đá cho con... Em chỉ biết nghĩ có khi nào chết đi cho đời đỡ khổ thôi".
Nhưng nhìn đứa trẻ vẫn đang gào khóc khát sữa, nghĩ đến người vợ đã mang nặng đẻ đau, cố giành giật sự sống trong viện để trở về với 3 bố con, anh Luân như được tiếp thêm sức mạnh.
"Em bảo con, hay cha con mình liều đi ăn xin, về nuôi mẹ thử coi. Nhưng từ bữa giờ em chưa dám cầm nón lá xin ai, chỉ ngồi ven đường vậy thôi. Mà nhiều người tốt quá, người ta như bồ tát vậy đó, chưa kịp hỏi gì đã cho 5, 10k rồi", anh Luân bày tỏ.
Biết được hoàn cảnh, chủ kênh Youtube - Nghĩa Trọng TV đã tới thăm và gửi tặng bố con số tiền nhỏ, kèm theo một chiếc điện thoại di động, một chiếc xe máy mới để anh Luân tiện liên lạc, di chuyển. 3 cha con không có ước mong gì nhiều, chỉ mong sớm qua giai đoạn khốn khó, vợ anh Luân khỏe mạnh, cùng chồng vun đắp lại tổ ấm, nuôi dạy con cái.
Nguồn: Nghĩa Trọng TV
Con gái dứt tình bỏ mẹ già ốm yếu lại bệnh viện, bác sĩ và người dưng thay nhau chăm sóc: "Bà tủi thân khóc hoài, mong sao cô gái đến nhận lại mẹ" Sau 2 tháng điều trị tại bệnh viện, bà Dư chẳng còn nơi nào để về khi người con gái duy nhất vô tình cắt đứt mọi liên lạc, không chịu đến nhận mẹ. Ngày cuối đời, bà sống lay lắt nhờ tình thương của những người xa lạ... Hết tiền xoay xở, con gái bỏ rơi mẹ già 12h trưa, cánh cửa...