10 năm, chưa công chức nào mua dâm bị công khai danh tính
“Nếu vượt được rào cản đạo đức, văn hóa thì việc công khai danh tính người mua dâm cũng bình thường. Thế nhưng, liệu có ai đồng ý người thân mua bán dâm? Do vậy, thời điểm này, lập phố “đèn đỏ” hay công nhận nó là một nghề đều không nên”.
Ngày 4/8, ông Lê Minh Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tện nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) – trao đổi với phóng viên Dân trí về những vấn đề liên quan đến việc Hà Nội đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung hình thức công khai danh tính người mua dâm vào điều 22, Pháp lệnh lệnh phòng, chống mại dâm.
Ông Lê Minh Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tện nạn xã hội
Tình hình mại dâm trên địa bàn thành phố diễn ra thế nào sau 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, thưa ông?
Chủ trương chính là kìm hãm gia tăng tệ nạn mua bán dâm, Hà Nội đã làm được điều đó. Còn đề cập đến việc dẹp bỏ tệ nạn này thì Hà Nội chưa dẹp được và sẽ không bao giờ làm được điều đó.
Liệu có phải tình hình mại dâm ngày càng phức tạp nên Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm?
Mại dâm trá hình ngày càng phức tạp hơn, tinh vi hơn. Còn việc công khai danh tính người mua dâm cũng không nằm ngoài mục đích kìm hãm sự gia tăng của tệ nạn này.
Video đang HOT
Vậy thành phố đã lường trước được những hậu quả từ việc công khai danh tính người mua dâm chưa, thưa ông?
Theo quan niệm của tôi chẳng có việc gì hoàn hảo 100%. Nếu muốn được cái này thì phải chịu mất mát một phần cái kia. Bây giờ phải cân nhắc giữa cái được và không được – cái nào hơn thì đề xuất thôi. Thực tế khi đi thống kê phát hiện các trường hợp hoạt động trên địa bàn có nguy cơ bán dâm, chúng tôi viết thông báo về gia đình và nhiều trường hợp trong số đó, gia đình đã thuyết phục được họ về nhà làm ăn chân chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu công khai danh tính người mua dâm có thể sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình của những người này?
Trong Pháp lệnh mới xử lý người bán dâm, chứ người mua dâm thì chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong khi đó, cũng nhiều lần nói là phải xử lý mạnh hơn người mua dâm nhưng chưa làm. Do vậy, nhân tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh, chúng tôi nhắc lại và đề nghị cấp trên nghiên cứu chứ chưa thực hiện.
Trường hợp đề xuất công khai danh tính người mua dâm được áp dụng thì có nên phân biệt nam và nữ không?
Không phân biệt nam, nữ mà chỉ phân biệt hành vi mua dâm và bán dâm. Hành vi bán dâm thì các giải pháp đều rất rõ. Còn hành vi mua dâm kể cả nam và nữ mới chỉ bàn mà chưa có giải pháp cụ thể nào.
Tệ nạn mại dâm tại Hà Nội còn vô cùng phức tạp
Thực tế điều 27, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm cũng đã quy định rõ cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi mua dâm sẽ bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục và xử lý kỷ luật. Vậy xin ông cho biết sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh, đã công khai danh tính trường hợp nào chưa?
Trong Pháp lệnh quy định rõ như vậy nhưng chưa công khai trường hợp nào. Mới chỉ “nói” vậy thôi, chứ có lẽ cần phải thận trọng việc này. Vì vậy chúng tôi mới nhắc lại việc công khai danh tính người mua dâm khi tổng kết 10 năm thi hành pháp lệnh.
Nếu bổ sung quy định “công khai danh tính người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục” vào điều 22, rất có thể 10 năm nữa khi tổng kết pháp lệnh, vẫn không trường hợp nào bị xử lý?
Quy định nêu rất rõ cán bộ, công chức hoặc người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm thì thông báo về địa phương, nhưng đã làm được đâu. Chúng ta đưa ra như thế mà không làm được thì rất sáo rỗng và không công bằng, có khi còn nảy sinh thêm tiêu cực. Có lẽ khi pháp luật được thực hiện rất nghiêm túc thì mới làm được điều đó.
Nhiều người đã lí luận rằng với họ mua dâm an toàn là giải quyết nhu cầu sinh lý bình thường của con người?
Nhu cầu sinh lý của con người là tất yếu nhưng chúng ta phải nắn chỉnh hành vi sao cho phù hợp với chuẩn mực, đừng mang bệnh cho người khác, đừng mang cái xấu cho xã hội. Ai mà biết được người mua dâm có biện pháp an toàn đến mức nào? Tôi thấy có trường hợp cô gái bán dâm thừa nhận mình có HIV, yêu cầu người mua đi bao cao su nhưng người mua vẫn nhất quyết không chịu. Rõ ràng ở đây vì nhu cầu tình dục mà có hành vi không chuẩn mực ở ngoài, để lây bệnh cho chính mình và cho cả vợ ở nhà.
Quy định xử lý hành vi bán dâm rất cụ thể, nhưng thực tế thành phố cũng thừa nhận mới chỉ hạn chế được nó. Đến nay, mại dâm vẫn là vấn đề thách thức trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại Thủ đô. Vậy tại sao chúng ta chưa thể đề xuất công nhận nó thành một nghề, xây dựng “phố đèn đỏ” cho dễ quản lý?
Nếu vượt qua được rào cản về đạo đức, văn hóa thì ngay cả việc công khai danh tính người mua dâm cũng là chuyện bình thường. Còn trường hợp công nhận bán dâm là một nghề cũng chỉ để chúng tôi dễ quản lý thôi. Thế nhưng thử nghĩ xem ai đồng ý cho vợ, chồng mình đi mua bán dâm? Do vậy, ở thời điểm này, công nhận nó là một nghề là không, lập phố đèn đỏ lại càng không!
Ông quan niệm thế nào về hành vi mua bán dâm trong bối cảnh hiện nay?
Đây là hành vi xấu. Vì thế mà không nhà ai đồng ý để con cháu bán dâm. Trường hợp trong gia đình có người mua bán dâm thì không ai trong gia đình là không hổ thẹn.
Quan điểm của tôi là không giải quyết nhu cầu theo con đường tìm đến mại dâm. Phải hướng làm sao cho lành mạnh an toàn. Không thể hướng theo nhu cầu cởi mở mà cứ cho mua dâm, bán dâm thoải mái được.
Xin cảm ơn ông!
UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất Quốc hội sửa Pháp lệnh phòng chống mại dâm theo hướng công khai danh tính người mua dâm đến các đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục. Theo bạn:
Qui định như trên sẽ “đánh” vào danh dự cá nhân, có tác dụng ngăn ngừa nạn mại dâm
Thực hiện như vậy sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ con và người thân người mua dâm
Ý kiến khác
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri