10 màn “cải lão hoàn đồng” đáng chú ý Hollywood: Iron Man bị chê “ảo lòi”, Paul Walker hồi sinh ai cũng nổi da gà xúc động
Rất nhiều diễn viên đã được sống lại thời kì mới 20, 30 hay thậm chí được hồi sinh nhờ vào công nghệ “trẻ hóa” tân tiến của Hollywood.
Công nghệ “trẻ hóa bằng kỹ thuật số” (de-aging) chính là thứ phụ trách sự biến hóa kỳ diệu của các diễn viên trong phim, có thể khiến họ trông trẻ ra nhiều tuổi chỉ với đồ họa máy tính (CG- Computer Graphic). Rất nhiều những bộ phim Hollywood đã phải nhờ đến công nghệ này cho những cảnh phim hồi tưởng, hay thay cho việc tìm diễn viên đóng thế. Dưới đây là những lần các diễn viên được “phẫu thuật bằng công nghệ” trên màn ảnh rộng.
1. Patrick Stewart và Ian McKellen (X-Men: The Last Stand)
X-men: The Last Stand (Dị Nhân: Phán Xét Cuối Cùng) được coi là một trong những tác phẩm điện ảnh đầu tiên sử dụng kỹ xảo “trẻ hóa”. Phân cảnh mở đầu của phim là hồi tưởng lại thời điểm “Giáo sư X” Charles Xavier (Patrick Steward) và Magneto (Ian McKeller) tìm đến một căn nhà để gặp gỡ và chiêu mộ bé gái với khả năng đáng kinh ngạc: Điều khiển đồ vật chỉ bằng suy nghĩ. Đứa bé đó sau này đã trở thành Jean Grey với sức mạnh “Dark Phoenix” phi thường và tàn ác.
Hình ảnh trước và sau khi sử dụng CGI
Hơn 10 năm sau nhìn lại, ta hẳn thấy công nghệ xóa nếp nhăn của thập niên đầu thế kỷ 21 khá “thô sơ” và còn kém chất lượng khiến cho khuôn mặt của diễn viên bị đơ cứng và khá gượng gạo. Đây chính là một trong những lý do những năm về trước các nhà làm phim thường ưa chọn những diễn viên đóng thế giúp cho hình ảnh được phim chân thực hơn.
2. Brad Pitt (The Curious Case of Benjamin Button)
Bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn của văn hào F. Scott Fitzgerald, nội dung xoay quanh cuộc đời của một người đàn ông với vòng đời “lão hóa ngược”: Sinh ra là ông lão, trẻ dần tới khi qua đời dưới hình hài một đứa trẻ.
Lúc già
Khi trẻ
Với nội dung “làm khó” đạo diễn David Fincher thế này, CGI đã được nhờ đến để trẻ hóa lẫn “già hóa” nam chính Brad Pitt qua nhiều lứa tuổi.
The Curious Case of Benjamin Button (Dị Nhân Benjamin) đánh dấu lần đầu tiên công nghệ CGI biến đổi tuổi tác diễn viên đóng góp quan trọng vào mặt hình ảnh của một bộ phim. Thành tựu này đã giúp mang về cho bộ phim Giải Oscar giành cho Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất năm 2009.
3. Robert Downey Jr. ( Captain America: Civil War)
Captain America: Civil War (Đội Trưởng Mỹ: Nội Chiến Siêu Anh Hùng) là một trong những bộ phim được yêu thích và đánh giá cao trong MCU. Không chỉ gây sốt với trận đánh ngoạn mục giữa hai phe siêu anh hùng, bộ phim còn gây “náo động” với cảnh tái hiện Iron Man (Robert Downey Jr.) khi còn trẻ.
Mặc dù là một cảnh phim có chiều sâu và được xây dựng tốt, chính kỹ xảo “trẻ hóa” lại được nhận xét là khá gượng và không quá chân thật, tạo nên một khiếm khuyết về mặt hình ảnh của phim. Tuy vậy, cảnh hồi tưởng này vẫn gây ấn tượng sâu sắc với người hâm mộ.
4. Paul Walker ( Fast and Furious 7)
Video đang HOT
Đây có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất trong danh sách bởi ở Fast and Furious 7 (Quá Nhanh Quá Nguy Hiểm 7), kỹ xảo CGI không chỉ dùng để trẻ hóa gương mặt diễn viên, mà còn để tái sinh một con người trên màn ảnh.
Khi phần 7 của series The Fate of the Furious còn chưa đóng máy, nam tài tử Paul Walker (thủ vai Brian O’Connor trong loạt phim) đã không may qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Các nhà làm phim đã phải viện đến sự trợ giúp của hai người em trai của Paul Walker là Caleb và Cody Walker tham gia diễn xuất nhằm hoàn thành nốt những cảnh phim còn dang dở.
Kỹ xảo máy tính đã tái tạo lại các đặc điểm trên khuôn mặt của Caleb và Cody, giúp cho họ có diện mạo giống nhất với người anh quá cố của mình. Có thể coi màn “phẫu thuật số” gương mặt trong Fast and Furious 7 là một trong kỹ xảo hình ảnh xuất sắc nhất từ trước đến giờ, góp phần tạo nên thành công của phần phim được coi là đã vực dậy cả loạt phim sau một thời gian dài.
5. Carrie Fisher (Rogue One: A Star Wars Story)
Vào thời điểm quay Rogue One, diễn viên Carrie Fisher lúc này đã gần 60 tuổi. Để phù hợp với mạch truyện của vũ trụ Star Wars, kỹ xảo “trẻ hóa” đã được “nhờ đến” để xóa đi các nếp nhăn và cải thiện đường nét khuôn mặt của nữ diễn viên.
Mặc dù minh tinh Carrie Fisher đã qua đời vào năm 2016, công chúa Leia đã được xác nhận sẽ trở lại trong phần Star Wars thứ 9 sắp tới. Để có thể đưa hình ảnh diễn viên quá cố Carrie Fisher lên màn ảnh một lần nữa, đạo diễn J.J. Abrams sẽ cần phải sử dụng đến CG, tương tự như những gì đã được làm với tài tử Paul Walker.
6. Colin Firth (Kingsman: The Golden Circle)
Trong phim, một phân cảnh hồi tưởng lại quá khứ của nhân vật “Galahad” Harry (Colin Firth) đã cần sử dụng CGI cho gương mặt của diễn viên. Phân cảnh khá ngắn và không để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Có thể thấy kỹ xảo được sử dụng trong phân cảnh này không được đầu tư quá nhiều, chủ yếu đã lợi dụng ánh sáng để cải thiện những khiếm khuyết thấy rõ.
7. Samuel L. Jackson (Captain Marvel)
Captain Marvel (Đại Úy Marvel) lấy bối cảnh vào những năm 90, khi Nick Fury và Phil Coulson có tuổi đời còn trẻ. Diễn viên Samuel L. Jackson (70 tuổi) cần dùng đến công nghệ xóa nếp nhăn và làm mịn khuôn mặt, nhằm giúp cho phần hình ảnh của bộ phim được chau chuốt và chân thực hơn.
Việc sử dụng kỹ xảo khá thành công, giúp cho bộ phim nhận được những đánh giá tích cực về phần kỹ thuật và tạo hình.
9. Robert De Niro ( The Irishman)
Là một trong những bộ phim mới nhất có sử dụng công nghệ “de-aging”, The Irishman (Tạm dịch: Người Ai-len) dưới sự chỉ đạo của vị đạo diễn tên tuổi Martin Scorsese chỉ vừa ra mắt đã nhận được “cơn mưa lời khen” từ phía giới phê bình và khán giả.
Mặc dù những phân cảnh “trẻ hóa” trong phim chiếm thời lượng khá lớn, ekip làm phim đã sử dụng sự trợ giúp của kỹ xảo một cách tài tình. Phim được dự đoán sẽ trở thành một trong những đối thủ “nặng ký” trong mùa Oscar năm 2020 sắp tới.
10. Will Smith ( Gemini Man)
Will Smith một lúc cần đảm nhận hai vai diễn, một là Henry Bogan của hiện tại, thêm nữa là bản sao của Henry với vẻ ngoài trẻ hơn đến 20, 30 tuổi. Nhờ có công nghệ “trẻ hóa” được chăm chút và đầu tư, tạo hình nhân vật trong phim không hề gượng ép mà rất chân thực và ấn tượng.
Kỹ xảo của bộ phim dưới sự chỉ đạo của vị đạo diễn kỳ cựu Lý An vô cùng mãn nhãn. Cho dù nội dung của bộ phim chưa được đánh giá cao, không thể phủ nhận chất lượng đỉnh cao về phần kỹ thuật và chau chuốt hình ảnh của Gemini Man.
Ngoài các trường hợp được liệt kê, cũng có rất nhiều những bộ phim khác đặc biệt sử dụng công nghệ “trẻ hóa gương mặt” có thể kể đến như Tron: Legacy (Trò Chơi Ảo Giác), Blade Runner 2049 (Tội Phạm Nhân Bản 2049), Aquaman (Aquaman: Đế Vương Atlantis)… Như vậy đã đủ để kết luận rằng công nghệ “trẻ hóa” bằng CGI tuy vẫn còn mới nhưng đã có độ phát triển nhanh chóng lên đến mức tinh vi, tinh xảo.
Theo helino
Kỹ xảo trẻ hóa của điện ảnh đạt tầm cao mới với The Irishman và Gemini Man
Một cuộc chiến kỹ xảo trẻ hóa (de-aging VFX) xứng tầm Oscar đang diễn ra giữa The Irishman của Martin Scorsese và Gemini Man của Lý An.
Đây là năm của kỹ xảo trẻ hóa khi công nghệ bắt kịp nhu cầu của các bộ phim đòi hỏi cao về mặt hình ảnh như The Irishman của Martin Scorsese và Gemini Man của Lý An.
Ảnh: Netflix
Industrial Light & Magic (một studio chuyên về kỹ xảo và đồ họa điện ảnh) đã phát triển một kỹ thuật điện ảnh nắm bắt được sự chuyển động của khuôn mặt (facial capture - đây là một nhánh nằm trong kỹ thuật motion capture dùng để ghi lại chuyển động của vật thể và con người) mang tính đột phá để giúp Robert De Niro, Al Pacino, và Joe Pesci trẻ ra cả chục tuổi khi hóa thân lần lượt các nhân vật sát thủ Frank Sheeran, lãnh đạo Teamster (một tổ chức có thật chuyên bảo về quyền lợi của người lao động) Jimmy Hoffa, và trùm tội phạm Rusell Bufalino trong The Irishman.
Còn Weta Digital (công ty chuyên về kỹ xảo có trụ sở ở New Zealand) đã xây dựng ra một phiên bản kỹ thuật số 23 tuổi hoàn thiện nhất từ trước đến nay của diễn viên Will Smith để phục vụ cho phân cảnh trận đối đầu giữa nhân vật chính 50 tuổi và phiên bản 23 tuổi của chính mình trong Gemini Man.
Trong khi đó, công ty chuyên về kỹ xảo được Marvel tin tưởng Lola VFX đã đạt được một bước ngoặt trong việc trẻ hóa nhân vật. Thông qua quá trình làm mịn da và uốn nắn các khối hình được hãng sử dụng cho bộ phim Captain Marvel, các chuyên gia kỹ xảo của Lola VFX, lần đầu tiên, thành công trong việc làm Samuel L. Jackson trẻ ra cả chục tuổi trên phim mà không cần sử dụng thế thân. Ngoài ra, Lola VFX cũng góp phần làm trẻ hóa một chút các phiên bản người lớn của Losers' Club trong It Chapter Two (Gã Hề Ma Quái 2).
Ảnh: Netflix
Khi Netflix đem dự án điện ảnh dài 3 tiếng rưỡi được mong chờ nhất hiện nay của Martin Scosese The Irishman đến LHP New York, thử nghiệm kỹ xảo tốn kém của Industrial Light & Magic (ILM) - một trong những nguyên nhân đẩy kinh phí sản xuấ tcủa phim lên đến $160 triệu - đã đem lại thành quả ngọt ngào cho Netflix khi truyền tải màn trình diễn đạt tiêu chuẩn Oscar của Robert De Niro hiện ở tuổi 76, Al Pacino 79 tuổi, và Pesci đã ngót nghét 76 tuổi trong các nhân vật trẻ hơn hàng chục năm của phim.
Với câu tóm tắt của đạo diễn Scorsese về lòng trung thành, tình yêu, lòng tin, và cuối cùng là sự phản bội, nên không ai bất ngờ khi nhận ra sự tương đồng giữa The Irishman với Once Upon a Time in America của Sergio Leone, cũng có De Niro đóng chính. Tuy nhiên, cả hai có sự khác biệt nho nhỏ: Scorsese đã thay phân cảnh ảo giác gây ra bởi thuốc phiện của Aaronson (De Niro) bằng những màn hồi tưởng gai góc và mang tính nuối tiếc không kém.
Một trong những chiến thuật trong việc sử dụng sử dụng kỹ thuật trẻ hóa của Scorsese trong The Irishman là để một Sheeran đã già ngẫm lại cuộc sống của ông ta qua các cảnh hồi tưởng (mốc thời gian những năm 50, 60, và 70). Như vậy, thay vì xây dựng những bản sao trẻ hơn của cả ba De Niro, Pacino, và Pesci, Scorsese tập trung hơn vào thể hiện của các diễn viên với hành động cho thấy sức trẻ. Tại buổi hỏi đáp tại LHP New York, ông chia sẻ: "Quá trình này không chỉ là về ống kính và hình ảnh. Mà còn về dáng đi, cử chỉ, sự biểu cảm ánh mắt, và nhiều thứ khác nữa." Cho nên, vào buổi quay đầu tiên với Pacino, đạo diễn gốc Ý đã quay thêm nhiều phân cảnh nữa, như để Pacino nhảy lên trong giận dữ trên ghế khi xem sự kiện JFK trên TV cùng gia đình cho đến khi ông ra dáng một Hoffa 49 tuổi trên màn hình.
Về phần ILM, cái khó ở mặt kỹ thuật là nắm bắt được vùng khuôn mặt cần được trẻ hóa ở khâu hậu kì, vì De Niro không đồng ý đeo dụng cụ hỗ trợ. Quản lý Pablo Helman của hãng nói với tờ IndieWire: "Vào buổi trao đổi 4 năm trước, De Niro đã nói ông ấy không muốn đeo mũ camera hay các facial marker (các chấm nhỏ gắn trên mặt, phục vụ cho việc ghi lại các biểu cảm diễn viên trên máy vi tính). Ông ấy muốn trực tiếp diễn trên phim trường với các diễn viên khác. Và ông còn nói sẽ không thực hiện diễn xuất trong một môi trường bị kiểm soát, nghĩa là việc quay lại là không thể. Nếu sử dụng mũ camera, bạn có thể thực hiện điều chỉnh, nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn phải ngồi hóa trang đến 2 tiếng (De Niro chỉ cần hóa trang khi vào vai Sheeran ở những năm 80).
Helman nói thêm: "Một vấn đề nữa của facial marker là ánh sáng. Phần marker phải nhận được ánh sáng, nếu không thì marker sẽ không đọc được (chuyển động của cơ mặt). Công nghệ mà chúng tôi sáng tạo ra là kỹ thuật có tác dụng tương tự nhưng không dùng đến mũ camera hay marker."
Hệ thống camera và phần mềm do ILM thiết kế có thể ghi lại những biểu cảm gương mặt của diễn viên trên trường quay, và chuyển phần biễu diễn này thành các phiên bản CGI trẻ hơn với đầy đủ các đặc tính của họ. Trục ba camera đặc biệt của ILM, được hãng gọi là quái thú ba đầu, bao gồm 2 camera giám sát được trang bị cạnh máy quay chính của đạo diễn. 2 camera giám sát ghi lại phần lớn hình dạng của diễn viên ngay trên phim trường mà không cản trở cách quay phim chính.
Theo Helman: "Quá trình hậu kì trôi qua khá chậm. Họ (diễn viên và đạo diễn) thì không bao giờ chờ chúng tôi. Khâu hậu kỳ lần này khá khác lạ so với những lần trước. Chúng tôi không đưa cho Martin các cảnh (đã qua chỉnh sửa) ngay lập tức. Ông ấy tin tưởng chúng tôi sẽ làm đúng, hoàn thành một phân cảnh, render (kết xuất đồ họa) đúng ánh sáng, rồi đưa ông ấy xem thành quả. Nếu ông ấy thấy cảnh đó mang lại cảm giác giống với cảnh gốc ông ấy đã chọn, thì chúng tôi lại tiếp tục."
Ảnh: Netflix
Nhưng nếu ngược lại, Martin và đội của Helman sẽ ngồi lại xem xét phần quay gốc và phần chỉnh sửa. Scorsese thì lại nhất quyết không sử dụng thủ thuật tăng cường hiệu ứng keyframe (keyframe là thuật ngữ chỉ quá trình một nhân vật thực hiện một hành động, kéo từ điểm bắt đầu và điểm kết thúc cho quá trình ấy trong phim ảnh.). ILM chỉ sử dụng mỗi dữ liệu thô để tạo nên nhiều mô hình (trên máy tính) cho cả ba diễn viên để có thể đạt được độ tương đồng cao nhất ở phần diễn xuất. De Niro vào vai một Sheeran hay dè dặt với cái cau mày đặc trưng, Pacino thì hóa thân thành Hoffa nóng nảy, còn Pesci lại là ông trùm Bufalino dữ dằn. Helman nhận xét: "Scorsese xây dựng những nhân vật này là những kẻ đã trải qua cuộc sống dữ dội. Vì thế, theo ông ấy, quá trình già đi của họ khác người thường, và họ có đầy những nếp nhăn và cử chỉ toát lên những gì họ đã trải qua trong đời. Điều đó làm mọi chuyện khác đi ngay. Giá trị của thành tựu chúng tôi đạt được hôm nay sẽ được đo bằng những gì nó làm được cho các nhà làm phim tương lai về sử dụng ánh sáng trên trường quay."
Cùng là vấn đề trẻ hóa nhân vật, nhưng các chuyên gia của Weta Digital (WD) lại có cách làm khác ở Gemini Man. Nhà quay phim Dion Beebe quay phim theo kiểu 3D với 120 khung hình/giây và sử dụng độ phân giải 4k (thường là 3840 x 2160 pixels hoặc 4096 x 2160 pixels). Các nhà làm phim của Gemini Man không muốn gọi kỹ thuật này là trẻ hóa (de-age). Theo đạo diễn Lý An: "Chúng tôi không làm Will Smith trẻ lại (trên phim) đâu. Thật ra, tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra nhân vật mới hoàn toàn, một Will Smith trẻ hơn." (tức là phiên bản trẻ hơn của Will Smith trên phim không giống với phiên bản trẻ hơn của Will Smith ngoài đời).
Quản lý của bộ phận kỹ xảo Gemini Man Bill Westenhofer nói: "Nếu nhìn dưới con mắt của người không chuyên về lĩnh vực kỹ xảo, thì kỹ thuật này là trẻ hóa. Nhưng thực sự trẻ hóa thường liên quan đến quá trình công ty Lola hay sử dụng. Ở đây, chúng tôi tạo ra một con người mới hoàn toàn. Chúng tôi biết mình phải làm ra một con người kỹ thuật số và khi chúng tôi thành công, điều hợp lý là áp dụng nó xuyên suốt."
Ảnh: Paramount Picture
Will Smith vừa vào vai nhân vật Henry ở tuổi trung niên, vừa hóa thân thành bản sao Junior trẻ hơn của nhân vật này. Weta tạo ra phiên bản CGI của Junior (dưới sự giám sát của Guy Williams) bằng cách nghiên cứu nguyên lý của sự lão hóa và áp dụng nó cho Will Smith. Sau đó, họ chỉnh lại làn da và khu vực mắt. Các chuyên gia đồ họa tạo ra phần mềm hoàn toàn mới để điều chỉnh các lỗ chân lông trên mặt, mô phỏng các khu vực giữa các lỗ chân lông và các nếp nhăn của gương mặt sao cho tự nhiên nhất, chỉnh lại đôi mắt sao cho có chiều sâu, và cung cấp thêm một bề mặt phim ngang phần mắt nữa để đạt được độ trung thực hơn.
Kiểu quay phim 120 khung hình/giây đã đem lại cho Weta lợi thế trong việc tận dụng tính sắc nét và sinh động tự nhiên để làm mịn da của Smith trên phim, thay vì sử dụng các mẹo truyền thống. Westenhofer nhận định: "Để là hãng kỹ xảo đầu tiên xây dựng một nhân vật phim hoàn toàn từ kỹ thuật số có độ chân thật nhất, chúng tôi đã phải thử sức với các thử nghiệm táo bạo nhất mình có thể nghĩ ra."
Ảnh: Paramount Picture
Junior có thời lượng xuất hiện lên đến hơn nửa bộ phim và cần Smith vận dụng lối diễn xuất đa biểu cảm và trẻ trung. Cho nên, màn trình diễn của Smith là một bước đột phá đối với Weta.
Đối với Lola, chuyên gia trong lĩnh vực trẻ hóa nhân vật, đã có bước tiến quan trọng kể từ những năm tháng chỉnh sửa hình ảnh cho những diễn viên như Patrick Stewart và Ian McKellen trong X-Men: The Last Stand (2006), Brad Pitt trong The Curious Case of Benjamin Button (2008), Michael Douglas trong Ant-Man (2015), Robert Downey Jr. trong Captain America: Civil War (2016), Kurt Russell trong Guardians of the Galaxy Vol. 2 (2017), và bộ ba Douglas, Michelle Pfeiffer, và Laurence Fishburnetrong Ant-Man and the Wasp (2018).
Ảnh: Marvel Studio
Christopher Townsend, phụ trách khâu kỹ xảo của Captain Marvel, chia sẻ: "Trước đây, chúng tôi thường sử dụng thế thân. Diễn viên chính sẽ thực hiện các phân đoạn cần thiết, diễn viên thế thân sẽ quan sát, và người đó sẽ thực hiện lại phần của diễn viên chính. Nhưng Samuel L. Jackson lại có thời lượng xuất hiện gần hết phim, nên chuyện đó là không thể. Nó sẽ ngốn nhiều thời gian, mà còn gây khó khăn cho việc căn chuẩn màn diễn xuất qua từng cảnh quay nữa."
May thay, Jackson có diện mạo đẹp lão tuyệt vời và một nước da đẹp, nên Lola không cần đến thế thân nữa. Họ chỉ sử dụng công cụ hóa trang để kéo ngược làn da cổ của ông lại và dựa vào diễn xuất không cần kỹ thuật ghép hình (khi lên phim), làm mịn và săn nước da lại. Theo Trent Claus, quản lý kỹ xảo đến từ Lola: "Việc trẻ hóa một nhân vật quan trọng từ đầu đến cuối phim thú vị lắm. Với dự án cỡ này, chúng tôi phải chỉnh sửa những phương pháp hay sử dụng trước đây để thực hiện công cuộc trẻ hóa ấy."
Tựu trung, việc trẻ hóa một nhân vật phải luôn luôn phục vụ cho màn diễn xuất của các diễn viên. Scorsese nói: "Bạn xây dựng tất cả những việc này. Thành phẩm như những mô hình sống vậy. Hơn nữa, theo cách họ diễn giải, đây quả là một trải nghiệm phi thường."
Theo moveek
Giờ đến lượt bạn của đạo diễn gạo cội Scorsese - Francis Ford Coppola lên tiếng rằng phim Marvel "thật đáng khinh" Coppola là một nhân vật đình đám khác lên tiếng sau khi những bình luận của Scorsese khiến các đạo diễn của Guardians of the Galaxy - James Gunn, Josh Whedon, Kevin Smith,.. lên tiếng phản đối. Tiếp nối mô tả của Martin Scorsese rằng những bộ phim Marvel "không điện ảnh" thì đạo diễn đồng nghiệp Francis Ford Coppola đã lên tiếng...