10 loại độc dược chữa bệnh
Một số loài sinh vật có chứa chất kịch độc, nhưng con người đã khéo léo dùng “độc trị độc” để chữa nhiều bệnh
Sau đây là 10 loại độc dược “cải tà quy chính”:
Cựa lúa mạch
Nhân loại đã trải qua một chặng đường lịch sử lâu dài trong việc dính dáng đến cựa lúa mạch, đây là một loài nấm sống ký sinh trên thân cây lúa mạch. Chất độc từ cựa lúa mạch có khả năng gây nên chứng ảo giác, không kiểm soát được các hành vi, chấn động và thậm chí gây chết người. Các triệu chứng ngộ độc cựa lúa mạch khác bao gồm co thắt tử cung, buồn nôn, tai biến mạch máu và bất tỉnh nhân sự. Người bị ngộ độc nấm trên cựa lúa mạch có nguy cơ sẽ bị cắt cụt chi.
Kể từ thời Trung Cổ, người ta sử dụng các liều lượng thuốc đặc chế từ cựa lúa mạch để làm ngừng hẳn chứng chảy máu cho sản phụ sau khi sinh. Chất độc alkaloid từ cựa lúa mạch có chứa thành phần caffeine và ergotamine hay ergoline dùng để điều trị chứng đau nửa đầu. Chất độc từ cựa lúa mạch còn được dùng để trị chứng bệnh Parkinson. Ngoài ra chất độc từ cựa lúa mạch còn tạo ra dạng bệnh dịch hạch từng tấn công châu Âu vào thập niên năm 1500.
Nhện đen Chilê
Các nhà lý sinh từ Đại học Buffalo, New York, Mỹ đã sử dụng một chất đạm từ nọc độc của loài nhện đen Chilê vốn có khả năng gây nên các căn bệnh tim mạch dẫn đến tử vong ở người. Các bức vách bao quanh các tế bào của bạn có những ống nhỏ xíu sẽ mở ra khi tế bào được kéo căng ra.
Trong số các chức năng của cơ thể bạn, những chiếc ống này có nhiệm vụ co giãn các cơ tim. Khi các ống này giãn ra quá rộng, nó sẽ chuyển hoá một lượng lớn các iôn vào trong tế bào. Những iôn thêm vào này sẽ phá huỷ khu vực tim. Chất đạm từ nọc độc của loài nhện đen Chilê có khả năng bó chặt các ống dẫn này, gây nên biến chứng tim mạch.
Bò cạp vàng
Các nhà nghiên cứu tại Transmolecular Corporation ở Cambridge, đã phân ly một chất đạm có trong nọc độc của loài bò cạp vàng Israel. Chất đạm này có khả năng bó chặt các tế bào ung thư tìm thấy trong gliomas, một dạng ung thư não được xem là rất khó điều trị hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cũng đã sáng chế ra một dạng chất đạm nhân tạo mang iôn phóng xạ. Khi đi vào trong máu, chất đạm nhân tạo sẽ tiêu diệt các tế bào glioma và “cột chặt” chúng lại, thực hiện các hiệu ứng phóng xạ. Hiệu ứng phóng xạ sẽ tiêu hủy các tế bào ung thư não, kết thúc quá trình điều trị.
Cà độc dược
Atropine là một chất độc được chiết xuất từ cây cà độc dược. Chất độc atropine còn được sử dụng trong việc điều trị chứng bệnh Bradycardia (một chứng trụy tim cực kỳ nguy hiểm). Hoạt động của độc chất atropine còn tác động lên hệ thần kinh gây nên các triệu chứng như nhễu nước bọt, đổ mồ hôi và ảnh hưởng đến tuyến nước nhày.
Video đang HOT
Chất độc atropine còn được sử dụng trong việc điều trị chứng Hyperhidrosis và phòng ngừa hữu hiệu chứng đột qụy tim mạch. Bởi vì tính hữu dụng trong y học mà chất độc atropine còn được xem là hạt nhân cốt lõi trong “Danh sách các loại thuốc cần thiết” của Tổ chức Y tế Thế giới, rất cần thiết cho hệ thống chăm sóc y tế cơ bản.
Cây độc cần
Độc cần là một trong những loại độc dược phổ biến nhất, chất độc quan trọng nhất trong cây độc cần là coniine, có cấu trúc hoá học tương tự như nicotine. Coniine là một chất độc thần kinh, ảnh hưởng của nó là phá hủy cơ chế làm việc của hệ thống thần kinh trung ương, gây độc cho cả người và các loại gia súc.
Coniine có thể gây chết người bằng cách làm tê cứng khả năng hoạt động của các cơ bắp tương tự như nhựa độc cây Cura. Các cơ hô hấp sẽ ngừng hoạt động gây nên cái chết do thiếu hụt ôxi ở tim và não. Cái chết diễn ra từ từ trong khoảng thời gian từ 48 đến 72 giờ đồng hồ sau đó. Người lớn chỉ cần ăn hơn 100 mg chất coniine (tương đương từ 6 đến 8 lá độc cần tươi, hoặc một liều nhỏ hạt hoặc rễ cây) là có thể chết bất đắc kỳ tử.
Mặc dù được xem là Cây tử thần nhưng chất độc của cây độc cần còn được y học sử dụng để điều chế ra thuốc giảm đau cũng như dùng làm thuốc trị các chứng co thắt. Các thầy thuốc người Hy Lạp và Ba Tư đã sử dụng cây độc cần để trị các chứng viêm khớp.
Rắn hổ mang
Nọc độc của rắn hổ mang được ước tính rằng với một liều lượng tương đương 100 mg đã đạt đến mức tử vong. Tuy vậy, nọc độc của loài rắn hổ mang còn có một chất đạm gọi là “Contortrostatin” có khả năng ngừng sự tăng trưởng của các tế bào ung thư và có thể ngăn cản khả năng lây lan của các khối u sang các vị trí khác. Trong tương lai gần, chất độc Contortrostatin đang được hy vọng là chất chống ung thư rất hiệu quả.
Cây mao địa hoàng
Có nhiều giống khác nhau, nhưng tựu chung các cây mao địa hoàng tồn tại một vài chất độc chết người ảnh hưởng trực tiếp đến tim mạch. Vì vậy, mao địa hoàng được loài người đặt cho nhiều cái tên rất ấn tượng như Chuông gọi hồn, Găng tay phù thủy… Toàn bộ thân cây đều hiện diện các chất độc (bao gồm cả rễ và hạt), nhưng phần lá mọc trên thân cây là có uy lực giết người ghê gớm.
Độc chất của cây mao địa hoàng còn được gọi là “Digitalin”, có khả năng gia tăng sự co giãn của tim và là một chất chống lại chứng loạn nhịp tim, đặc biệt là triệu chứng tim đập không đều, thường là đập rất nhanh.
Ốc nón
Những loài ốc nón có kích thước từ trung bình đến rất to, nó là những động vật săn mồi đáng gờm trong lòng đại dương. Loài ốc này săn mồi và giữ chặt con mồi bằng cách sử dụng một bộ răng sắc kèm theo tuyến nọc cực độc có khả năng hủy hoại hệ thần kinh của con mồi, miệng của ốc này có cơ chế hoạt động giống như một mũi lao.
Loài ốc nón này cũng làm cho con người phát ngán vì những cú đâm vào da gây nhức nhối không thể tả. Cú chích của các con ốc nón nhỏ thì không đáng ngại như cú chích của loài ong, nhưng cú chích của một vài con ốc nón loại lớn như loài ốc nón nhiệt đới có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho con người.
Nọc độc của một số loài ốc nón như ốc nón ma thuật, ốc nón Conus có công hiệu mạnh 1000 lần, có khả năng dùng thay thế cho morphine. Nọc độc của loài ốc nón được dùng để điều trị căn bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và chứng bệnh động kinh.
Warfarin
Warfarin là thuốc chống đông tụ, lúc đầu nó được quảng cáo là thuốc trừ sâu có tác dụng diệt chuột, thứ thuốc này còn có sự hiện diện của một số chất độc mà tiêu biểu là chất độc brodifacoum. Cách đây vài năm, warfarin dùng để phòng ngừa chứng huyết khối và sự tắc mạch máu. Warfarin được sử dụng làm thuốc vào đầu thập niên năm 1950 và đến ngày hôm nay nó vẫn có hiệu lực. Warfarin được đại đa số dân cư khu vực Bắc Mỹ sử dụng làm thuốc chống đông.
(Theo Sức khỏe & Đời sống/Science)
Biệt đội cảm tử Fukushima 50: Tự hào được chết
"Fukushima 50" được giao trọng trách khôi phục hệ thống làm lạnh ở 4 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima. Đội cảm tử này đã được người dân Nhật Bản xem là những samurai cao quý.
Số phận của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số I đã được định đoạt khi Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan ngày 31.3 khẳng định phải chôn vùi nó. Điều đó cũng có nghĩa là nhiệm vụ ngăn chặn phóng xạ phát tán rộng ra bên ngoài của "biệt đội cảm tử Fukushima 50" đã thất bại.
Được gọi là "Fukushima 50" vì ban đầu nhóm công nhân này chỉ gồm 50 người, được giao trọng trách đặc biệt là khôi phục hệ thống làm lạnh ở 4 lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima, vốn bị tàn phá nặng nề sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11.3.
Nhóm Fukushima 50 đang nỗ lực sửa chữa hệ thống điện tại nhà máy .
Những người hùng vô danh
Khi nhận nhiệm vụ này, nhóm "Fukushima 50" đã hình dung trước về những hậu quả mà mình phải hứng chịu khi họ biết sẽ phải làm việc trong môi trường đầy rẫy phóng xạ. Thậm chí cả cái chết cũng đã được nhóm này tính đến, vì dù có mặc đồ phòng hộ nhưng không ai dám chắc rằng phóng xạ sẽ không xâm nhập vào cơ thể. Do vậy, đội cảm tử này đã được người dân Nhật Bản xem là những samurai cao quý - như các chiến binh gan dạ sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước trong lịch sử.
Sau hơn một tuần triển khai, nhóm Fukushima 50 được bổ sung thêm gần 600 người, hầu hết là kỹ sư, binh lính, lính cứu hỏa để làm việc theo ca. Họ là hy vọng cuối cùng để cứu Nhật Bản khỏi một thảm họa hạt nhân tương tự như từng xảy ra ở nhà máy Chernobyl tại Ukraina năm 1986.
Hơn 20 ngày qua, các thành viên của Fukushima 50 hàng ngày phải lao vào nhà máy trong vòng từ 10-15 phút để bơm nước biển làm mát các thanh nhiên liệu trong 4 lò phản ứng bị nung nóng đến mức tan chảy, kiểm tra lò và dọn dẹp những đống đổ nát của các vụ nổ trước. Ca khác sẽ tiếp sức ngay vì càng phơi lâu trong môi trường phóng xạ càng nguy hiểm đến tính mạng.
Trong các ngõ ngách của nhà máy Fukushima bị bóng tối bao phủ vì hệ thống điện bị hư hại, những người anh hùng khoác bộ đồ bảo hộ chống phóng xạ màu trắng bọc kín người phải mò mẫm làm việc chỉ bằng chiếc đèn pin. Bên ngoài nhà máy, các tốp công nhân khác đang phải chạy đua với thời gian để nối lại hệ thống truyền tải điện.
Ông Keiichi Nakagawa - Giáo sư ngành nguyên tử ở Tokyo khẳng định: "Fukushima 50 chẳng khác gì những chiến binh quyết tử trong chiến tranh. Họ không e ngại cái chết và tự hào được chết vì đất nước".
Các chuyên gia cho rằng bộ đồ bảo hộ không thể ngăn chặn được các bức xạ vô hình thấm vào cơ thể các chuyên viên cảm tử này. Hiện 500 trung tâm cấy tuỷ xương ở 27 nước châu Âu đã được báo động chuẩn bị sẵn sàng điều trị cho họ.
Ý thức rõ sứ mệnh...
Mặc dù đã rất nỗ lực song các samurai hiện đại vẫn không thể cứu vãn được nhà máy vì nó bị hư hại quá nặng nề sau thảm họa. Tình trạng rò rỉ phóng xạ vẫn ngày càng nghiêm trọng, đến mức Chính phủ Nhật Bản phải quyết định chôn vùi nhà máy. Tuy nhiên, những ngày gian khổ vật lộn trong nhà máy của biệt đội cảm tử Fukushima 50 không hẳn đã vô ích, vì nếu không có họ, phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng chắc chắn đã cao hơn giờ đây gấp nhiều lần.
Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, hiện đã có thêm 20 tình nguyện viên xung phong làm nhiệm vụ ở nhà Fukushima khi hoàn tất các chiến dịch làm nguội đầy gian khổ này. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, một cô gái bày tỏ niềm tự hào lẫn đau khổ khi hay tin người cha sắp về hưu của cô tham gia đội cảm tử Fukushima 50: "Cha tôi đã nói rằng, tương lai của điện hạt nhân phụ thuộc vào việc chúng tôi xử trí chuyện này như thế nào. Vì thế ông ra đi với ý thức rõ ràng về sứ mệnh của mình".
Trong lúc đó, hôm qua (1.4) mẹ của một thành viên trong nhóm Fukushima 50 nói rằng, các thành viên của nhóm đều biết mình sẽ chết vì nhiễm phóng xạ "chỉ trong vài tuần tới" hoặc sau này bị chết vì bệnh ung thư.
Trả lời phỏng vấn qua điện thoại với giọng đầy nước mắt, mẹ của một công nhân 32 tuổi nói với hãng tin Fox News: "Con trai tôi và các đồng nghiệp đã bàn bạc và nguyện sẽ chết nếu cần thiết để cứu đất nước. Họ biết chắc sẽ bị nhiễm xạ ở mức gây chết người".
Hiện các công nhân tại nhà máy được yêu cầu không tiếp xúc với báo chí hoặc chia sẻ thông tin chi tiết với người nhà để giảm thiểu sự hoảng loạn.
Tình trạng nhiễm xạ của các samurai Fukushima được tiết lộ trong bối cảnh có thông tin cho biết hàng nghìn thi thể nạn nhân động đất và sóng thần vẫn chưa được thu gom do lực lượng cứu hộ - cứu nạn lo sợ phóng xạ. Cảnh sát cho hay, thi thể các nạn nhân được phát hiện trong phạm vi 20km quanh nhà máy "đã bị nhiễm phóng xạ ở mức cao".
Trước đó, một thi thể đã được tìm thấy ở Okuma, chỉ cách nhà máy khoảng 5km, trong tình trạng bị nhiễm xạ cao độ. Lo ngại càng tăng cao khi các cảnh sát, bác sĩ và gia quyến của người chết nhiều khả năng bị nhiễm phóng xạ trong quá trình thu gom tử thi.
Theo các chuyên gia, quá trình hỏa táng thi thể các nạn nhân đang được hạn chế vì việc này có thể càng làm cho phóng xạ lan xa ra rộng hơn, trong khi việc chôn cất các nạn nhân có thể gây nhiễm xạ cho đất. Các nhà chức trách được tin là đang tính đến việc làm sạch các thi thể ngay tại nơi họ được tìm thấy.
Ngày 1.4, Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành rải nhựa thông để hạn chế sự phát tán của các chất phóng xạ ở nhà máy Fukushima số I. Nhà chức trách dự định sử dụng một robot điều khiển từ xa mượn của quân đội Mỹ để xịt nhựa thông lên khoảng 80.000m2 trong tổng diện tích 120.000m2 của nhà máy này.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản từng xem xét phương án sử dụng trực thăng để phun nhựa thông nhưng do khả năng vận tải hạn chế nên cần phải tiến hành khoảng 3.000 chuyến bay mới hoàn thành công việc này. Để bảo vệ an toàn cho phi hành đoàn, chính phủ đã từ bỏ phương án này.
Theo Dân Việt
Phóng xạ đã lan ra miền Bắc Việt Nam Ở Lạng Sơn và Đà Lạt hôm nay đều ghi nhận thấy phóng xạ hàm lượng nhỏ. Nó có tăng hay không phụ thuộc việc khắc phục sự cố hạt nhân ở Nhật Bản. Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ tối qua, 29-3, vừa thông báo,...