10 kỳ vọng game thủ đặt vào Final Fantasy XVI (Phần 2)
Có rất nhiều thứ có thể khiến Final Fantasy XVI trở nên hấp dẫn, nhưng trong khuôn khổ bài viết chỉ nêu lên 10 thứ chủ đạo, nếu bạn tò mò muốn biết những thứ còn lại là gì thì hãy theo dõi tiếp bài viết nhé.
5. Mang trở lại yếu tố “Fantasy” vào trong Final Fantasy
Final Fantasy XII là một trong những tựa game đậm chất “Fantasy” nhất.
Final Fantasy XIV là một trong những tựa game Final Fantasy xa rời cái chất “Fantasy” nhất từ trước tới nay của Square Enix. Final Fantasy XII năm 2006 là phiên bản mang đậm chất “Fantasy” nhất mà chúng ta từng biết, cũng đã hơn một thập kỷ trôi qua. Kể từ đó, Final Fantasy hầu như chỉ lấy bối cảnh hiện đại (Final Fantasy XV) hoặc tương lai (Final Fantasy XIII), mặc dù cả hai tựa game này đều rất tuyệt vời, nhưng chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy có cái gì đó sai sai, khi mà Final Fantasy mà không hề có bao nhiêu yếu tố “Fantasy” để trải nghiệm.
Final Fantasy XVI không nhất thiết phải mang nặng yếu tố “Fantasy” truyền thống, nhưng Square Enix vẫn có thể khéo léo kết hợp các yếu tố “Fantasy” xen lẫn hiện đại sao cho hấp dẫn nhất, Final Fantasy VI là môt ví dụ điển hình. Việc kết hợp không phải là bất khả thi, một trong những tựa game đã và đang làm rất tốt trong việc kết hợp này là Final Fantasy XIV thuộc đại gia đình Final Fantasy, chỉ tiếc là tựa game này lại không thuộc dòng chính thống.
4. DLC đặc sắc hơn
Episode Ardyn chính là DLC cuối cùng của Final Fantasy XV.
Bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, Final Fantasy XV là tựa game đầu tiên trong toàn bộ thương hiệu được Square Enix phát hành các DLC riêng, tuy nhiên, cách mà Square Enix thực hiện các DLC hoàn toàn không hay chút nào.
Các DLC của Square Enix trong Final Fantasy XV hầu như chỉ cung cấp những nội dung nhỏ lẻ như vũ khí, trang phục, phương tiện,… mục đích là để “hút máu” game thủ càng nhiều càng tốt. Trong khi CD Projekt RED thì không hề như vậy, những loại DLC nhỏ lẻ đều được họ tặng miễn phí, và chỉ tính phí những DLC lớn cung cấp nhiều nội dung cốt truyện mới.
Thời gian sau này, có lẽ Square Enix đã rút kinh nghiệm khi mà họ tập trung nhiều hơn vào các DLC lớn, tuy nhiên, với sự ra đi của giám đốc chịu trách nhiệm nội dung, nhiều gói DLC dự tính sẽ phát hành đã bị hủy bỏ, điều này thực sự rất đáng tiếc. Chúng ta có quyền hy vọng vào những DLC chất lượng cao bổ sung những nhiệm vụ mới, hoặc cốt truyện mới để người chơi có thể tiếp tục khám phá dài lâu, sau khi đã hoàn thành game.
3. Không chỉ là Final Fantasy phiên bản tiếp theo
Bên cạnh Final Fantasy phiên bản tiếp theo, Square Enix nên tập trung nhân lực vào cả phiên bản sau đó nữa.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, Square Enix đang trì trệ thế nào trong việc phát triển Final Fantasy phiên bản tiếp theo. Điểm lại những thế hệ console trước đây, thế hệ PS1 có tổng cộng 3 tựa game Final Fantasy được phát hành gồm VII, VIII, và IX. Đến thế hệ PS2 thì có 2 tựa game gồm X và XII, không tính XI là một game MMORPG.
Video đang HOT
Thế hệ PS3 bắt đầu có dấu hiệu “chậm dần đều” khi chỉ có 1 tựa game là XIII, và hàng tá tựa game Remaster khác, tuy nhiên, điều này cũng có thể chấp nhận, khi mà lúc này Square Enix đã chia bớt nhân lực để phát triển Final Fantasy Type-0 và Crisis Core cho hệ máy PSP.
Sang đến thế hệ PS4, cũng chỉ có duy nhất một game Final Fantasy XV được phát hành, điều mà đáng lý ra phải được hoàn thành từ thế hệ PS3. Và cho tới hiện tại, Final Fantasy VII Remake chỉ mới gần hoàn thành được một Episode trong tổng số không biết bao nhiêu Episode phải làm, tựa game này được dự tính phát hành cho PS4 vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020 đã chuẩn bị bước sang thế hệ PS5, như vậy, nhiều khả năng Final Fantasy VII Remake cùng hàng tá Episode sẽ được phát hành trải dài đến hết vòng đời của thế hệ console mới nhất này.
Mặc dù chúng ta cũng có thể thông cảm cho Square Enix, khi mà họ không chỉ làm việc với Final Fantasy, mà nhân lực của họ còn trải đều ra khắp các tựa game chủ lực khác như Kingdom Hearts, Dragon Quest,… Do đó, việc chậm tiến độ Final Fantasy là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không chỉ mỗi Square Enix mới phải làm việc với nhiều tựa game khác nhau, những nhà phát triển lớn khác như Ubisoft, EA, hay Activision cũng đều như vậy, nhưng họ chỉ cách mỗi 1-2 năm là cho ra đời một phiên bản mới của một thương hiệu lớn như Assassin’s Creed, Battlefield, hay Call of Duty,…
Trong số những thương hiệu lớn của Square Enix, rõ ràng Final Fantasy là thương hiệu lớn nhất của họ, việc họ chậm tiến độ phát hành các phiên bản mới như vậy sẽ thật khó chấp nhận. Sẽ thật tuyệt vời, nếu chúng ta được thấy các phiên bản Final Fantasy mới được phát hành cách nhau 2-3 năm, chứ không phải 5-10 năm như hiện tại.
2. Hệ thống chiến đấu Active Time Battle (ATB) cải tiến
Final Fantasy VII Remake sở hữu hệ thống chiến đấu khá độc đáo.
Điều có thể khiến Final Fantasy khác biệt so với những tựa game nhập vai khác, không gì khác ngoài hệ thống chiến đấu ATB. Đây là một hệ thống chiến đấu theo lượt đầy sáng tạo và linh hoạt. Tuy nhiên, khi sang đến những phiên bản Final Fantasy sau này, cụ thể là Final Fantasy XV, hệ thống này đã bị loại bỏ hoàn toàn, thay bằng hệ thống hành động thời gian thực hiện đại.
Rất khó để nói điều này là tốt hay là xấu, nếu đi sâu vào thì mỗi hệ thống chiến đấu đều sẽ có điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt, và điều này cũng đã dấy lên rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Tuy vậy, một tựa game Final Fantasy sẽ khó có thể là Final Fantasy nếu bị loại bỏ hoàn toàn hệ thống chiến đấu ATB, vốn đã làm nên tên tuổi của nó.
Do đó, điều mà chúng ta mong đợi bây giờ là một hệ thống chiến đấu ATB cải tiến, có thể kết hợp cả yếu tố chiến thuật của ATB, lẫn yếu tố hành động tốc độ cao thời gian thực. Một tín hiệu đáng mừng là, có lẽ Square Enix cũng đã xem xét điều đó, và đã tích hợp một hệ thống chiến đấu hoàn toàn mới vào trong Final Fantasy VII Remake. Cho đến hiện tại vẫn rất khó nói hệ thống chiến đấu này sẽ mang lại hiệu quả hay không, chỉ dựa vào trailer của game thì chúng ta cũng có thể cảm nhận được phần nào sức hấp dẫn, nhưng thực tế thì phải chơi tận tay mới biết được.
1. Hệ thống phân chia Class
Square Enix nên tìm ra cách để đưa hệ thống phân chia Class như trong Final Fantasy Tactics vào dòng game chính thống.
Kể từ sau khi Final Fantasy V, hệ thống phân chia Class của Final Fantasy đã chìm vào quên lãng, mặc dù hệ thống này rất thú vị với vô vàn các tùy biến. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà các phiên bản game sau này chú trọng hơn tới cốt truyện xoay quanh các nhân vật, mỗi nhân vật đều có những vai trò nhất định, ứng với những Class đặc trưng của riêng họ. Sẽ rất khó khăn, nếu cốt truyện kể về một tên ăn trộm, nhưng Class lại không phải Thief mà đã bị chúng ta biến thành Mage đúng không nào?
Vì vậy, Square Enix đã đưa ra một giải pháp khá hợp lý, đó là đưa hệ thống phân chia Class vào các tựa game MMORPG dựa theo Final Fantasy của họ. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khó mà chấp nhận điều đó, bởi vì MMORPG chưa bao giờ được xem là thuộc dòng chính của cả series, mà hệ thống Class thực sự rất hấp dẫn. Đã đến lúc Square Enix nên nghiêm túc nghĩ tới điều này, họ nên nghĩ cách làm sao để tích hợp hệ thống Class vào dòng game chính sao cho không xung đột với cốt truyện. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có thể tự do tùy biến nhân vật theo ý thích của mình, điều này sẽ tạo nên sự đa dạng thể hiện cá tính của mỗi người chơi.
Theo Game4V
10 kỳ vọng game thủ đặt vào Final Fantasy XVI (Phần 1)
Final Fantasy XV gần như phải mất cả thập kỷ mới được Square Enix chính thức phát hành, lần đầu tiên tựa game này lộ diện trước công chúng là vào năm 2006 với tên gọi Final Fantasy Versus XIII.
Trải qua cả thập kỷ phát triển với những giai đoạn thăng trầm khác nhau, Final Fantasy XV đã đưa game thủ đi từ hết bất ngờ này tới bất ngờ khác, tựa game hầu như không còn bao nhiêu điểm tương đồng khi so với lần đầu được tiết lộ. Hệ thống nhân vật thay đổi, hệ thống cốt truyện thay đổi, lối chơi cũng khác đi đôi chút, thế giới mở rộng lớn,... có những thứ thay đổi trở nên ấn tượng hơn, nhưng cũng có những thứ trở nên tồi tệ hơn, nhưng nhìn chung, game đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Điều đáng tiếc là, Final Fantasy XV đã không hoàn toàn được như kỳ vọng của game thủ, thậm chí còn xảy ra việc giám đốc chịu trách nhiệm nội dung rời khỏi công ty, khiến các bản DLC vốn đã được Square Enix ra kế hoạch từ trước cũng bị cắt giảm, cốt truyện cuối cùng của game hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Điều này cũng dễ hiểu, khi mà sức hút của Final Fantasy XV thực tế không hề lớn như Square Enix đã từng mong đợi.
Cơn sốt Final Fantasy XV đã qua đi, Final Fantasy VII Remake lại đến, và cho đến hiện tại, thông qua các đoạn trailer và gameplay hấp dẫn, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Square Enix đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, Final Fantasy VII Remake hứa hẹn sẽ không phụ sự kỳ vọng của fan hâm mộ.
Mặc dù Final Fantasy VII Remake vẫn còn chưa được phát hành, nhưng cũng đã đến lúc chúng ta bàn về Final Fantasy XVI, một tựa game nhập vai bom tấn khác sẽ đến từ Square Enix trong tương lai. Dưới đây là danh sách những thứ mà chúng ta hy vọng Square Enix sẽ tích hợp vào trong tựa game Final Fantasy mới nhất.
10. Thế giới mở rộng lớn
Thế giới trong Final Fantasy XV vốn đã rất rộng lớn.
Thế giới trong Final Fantasy XV vốn dĩ đã rất lớn, nhiều khả năng Final Fantasy XVI sẽ còn lớn hơn nữa. Với một thế giới rộng lớn, chúng ta có quyền mơ về những thành phố khổng lồ, những hoạt động diễn ra bất kể ngày đêm, những hầm ngục quy mô khủng với hàng loạt những quái vật mang nét đặc trưng riêng biệt.
Mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên hy vọng quá nhiều vào điều này. Bởi vì, để tạo nên một thế giới rộng lớn và sinh động thì phải kèm theo rất nhiều thứ khác nhau phải làm, để mọi thứ thật tương xứng, từ đó lại phát sinh chi phí lẫn thời gian phát triển kéo dài. Có lẽ chúng ta cũng không muốn đợi 10 năm nữa mới được thưởng thức phiên bản Final Fantasy tiếp theo đúng không?
9. Hệ thống nhiệm vụ phong phú
Những nhiệm vụ đánh Boss khủng là nhất định phải có.
Một thế giới rộng lớn sẽ trở nên vô nghĩa nếu không đi kèm với những nhiệm vụ đa dạng. Vì vậy, thành thật mà nói, một hệ thống nhiệm vụ phong phú sẽ còn quan trọng hơn cả một thế giới rộng lớn nhưng không có gì hay ho để làm.
Xu hướng phát triển chung của thể loại RPG hiện tại, là nội dung sẽ ngày càng dài hơn, người chơi sẽ mất càng nhiều thời gian hơn để hoàn thành game. Hệ thống nhiệm vụ phong phú sẽ giúp giữ chân người chơi lâu hơn mà không khiến họ cảm thấy nhàm chán.
Một trong những trò chơi có hệ thống nhiệm vụ xuất sắc phải kể đến The Witcher 3: Wild Hunt, những nhiệm vụ trong game hầu như không mang tính chung chung chỉ để làm cho có, mà mỗi cái đều có những câu chuyện và sắc thái riêng biệt. Trải nghiệm từng nhiệm vụ trong game, cũng giống như bạn đang trải qua từng mảnh ghép nhỏ có thể ghép thành một bức tranh tổng thể vậy.
8. Hệ thống triệu hồi ấn tượng
Final Fantasy XIII cho phép điều khiển cả thần linh như những phương tiện.
Hệ thống triệu hồi là một trong những thứ vốn rất quen thuộc với các fan hâm mộ Final Fantasy, đã gắn liền với thương hiệu này kể từ thời SNES. Trong Final Fantasy VII, hệ thống này đã được nâng lên tầm cao mới, khi mà mỗi lần các thần linh thi triển kỹ năng, đều là những đoạn cắt cảnh tuyệt đẹp. Sang Final Fantasy VIII, hệ thống này lại được nâng cấp, khi mà các thần linh có thể tương tác được, giống như một nhân vật khác trong nhóm.
Tuy nhiên, khi sang đến Final Fantasy XV, chúng ta lại thấy một bước thụt lùi, khi mà số lượng thần linh ít ỏi, và việc thi triển kỹ năng thì quay trở lại thời kỳ như Final Fantasy VII, chỉ là những đoạn cắt cảnh hoành tráng mà không có bất cứ điều gì khác. Trong khi phiên bản trước đó, Final Fantasy XIII, hệ thống triệu hồi đã để lại ấn tượng rất tốt, khi mà các thần linh đã trở thành phương tiện, có thể điều khiển được, và có liên quan trực tiếp đến cốt truyện.
Chúng ta có quyền hy vọng, một lần nữa Square Enix đưa hệ thống triệu hồi lên tầm cao mới, với những thần linh có thể điều khiển được, cùng với hệ thống nhiệm vụ phụ lẫn cốt truyện xoay quanh họ.
7. Hệ thống nhân vật thú vị
Final Fantasy XIII có một hệ thống nhân vật vô cùng đặc sắc.
Final Fantasy XV là một câu chuyện kể về một nhóm bạn thân đi du lịch khắp đất nước, gắn bó với nhau mật thiết, chia sẻ mọi khó khăn gian khổ. Điều đó thật tuyệt vời, nhưng đối với phiên bản tiếp theo, chúng ta muốn thấy sự đa dạng về các nhân vật, không thể lại xoay quanh một nhóm nhỏ chỉ gồm 4 người như vậy được.
Hệ thống nhân vật thú vị nhất, phải kể đến Final Fantasy VII, khi mà chúng ta có thể thu phục đủ loại nhân vật khác nhau, đủ mọi thành phần. Final Fantasy XIII cũng có hệ thống nhân vật vô cùng đặc sắc từ chính diện tới phản diện. Sẽ rất tuyệt nếu phiên bản Final Fantasy tiếp theo cũng học hỏi điều tương tự, đặc biệt là cơ chế tùy chọn những nhân vật bí ẩn, không thể thu phục theo cách thông thường, như Vincent Valentine hoặc Yuffie Kisaragi, điều này sẽ cung cấp giá trị chơi lại rất lớn.
6. Hệ thống phương tiện đa dạng
Final Fantasy XV cung cấp khả năng tùy chỉnh phương tiện khá tốt.
Trong một thế giới mở rộng lớn, tất nhiên không thể thiếu các phương tiện di chuyển với đủ loại khác nhau. Final Fantasy XV đã cung cấp cho người chơi một chiếc xe để di chuyển và có thể tùy chỉnh được, cùng với rất nhiều phương tiện vận chuyển khác nhau được thêm vào sau đó dưới hình thức DLC.
Tuy nhiên, nhìn chung các phương tiện di chuyển trong Final Fantasy XV tỏ ra khá nhàm chán, khi mà không thể hiện được mấy cái chất "Fantasy" vốn có. Sẽ tốt hơn nếu Square Enix đưa vào trí tưởng tượng nhiều hơn, chúng ta có quyền hy vọng sự xuất hiện của những phương tiện mang đậm chất "Fantasy" hoặc những quái vật khác nhau để cưỡi, như chúng ta thường thấy trong các tựa game MMORPG.
(Còn tiếp...)
Theo Game4V
Đánh giá bản Remastered của Final Fantasy VIII: Xứng danh huyền thoại! Ở thời điểm hiện tại, các bạn đã có thể đặt mua Final Fantasy VIII Remastered trên Steam. Giá của game được niêm yết ở 450.000 VNĐ. Final Fantasy VIII được cho là phần game được đánh giá thấp nhất mọi thời đại. Phát hành sau Final Fantasy VII phần game đã rất thành công, nó đã dẫn đến rất nhiều so sánh...