10 đồng tiền dễ tổn thương nhất vì nhân dân tệ
Ngân hàng Morgan Stanley vừa đưa ra danh sách 10 đồng tiền chịu ảnh hưởng lớn nhất sau khi Trung Quốc có động thái phá giá nhân dân tệ. Trong số này, có 4 đại diện châu Á.
Rupee của Ấn Độ là một trong số 10 bản tệ chịu rủi ro cao khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ – Ảnh: Bloomberg
Hiện tại, khi nhắc về tiền tệ các nước, nhiều chuyên gia tại ngân hàng Morgan Stanley không còn lo lắng về “Bộ năm dễ vỡ” mà nói nhiều hơn đến “Bộ mười rắc rối”. Đó là danh sách 10 đồng bản tệ có nguy cơ diễn biến xấu nhất khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Hans Redeker, chuyên gia về chiến lược ngoại hối của Morgan Stanley ở London (Anh), nói: “Các “nạn nhân” chủ yếu của chính sách thay đổi từ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là bản tệ của các nước có quan hệ xuất khẩu lớn với Trung Quốc và cạnh tranh xuất khẩu với nước này”.
Trước đây, ngân hàng Morgan Stanley đã đúng về “Bộ năm dễ vỡ”, gồm: Lira của Thổ Nhĩ Kỳ, rand của Nam Phi, rupee của Ấn Độ, rupiah của Indonesia và real của Brazil. 4 trong số 5 cái tên trên cũng có mặt trong danh sách 8 nội tệ các nước đang phát triển có diễn biến xấu nhất thế giới kể từ khi cụm từ ra đời vào năm 2013.
Chuyên gia Redeker cho hay tăng trưởng toàn cầu yếu đi là thách thức lớn nhất hiện nay.
Video đang HOT
Trong khi ngân hàng trung ương các nước và khu vực như Nhật Bản, châu Âu cùng Mỹ tung ra gói kích thích kỷ lục, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn dự báo kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trung Quốc không thể dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và các đối tác thương mại của nước này sẽ chịu tác động đáng kể.
Morgan Stanley cho rằng “Bộ mười rắc rối” hiện bao gồm: đồng baht của Thái Lan, đô la Singapore, đô la Đài Loan, peso của Colombia, peso của Chile, rúp Nga, real Brazil, rand Nam Phi, sol của Peru và đồng won của Hàn Quốc.
Trung Quốc là điểm đến của hàng xuất khẩu từ phần nhiều trong số 10 nước nói trên, theo dữ liệu của Bloomberg. Đơn cử, 37% hàng xuất khẩu của Nam Phi và 30% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm ngoái cập cảng Trung Quốc.
Ngoài ra, ngay cả khi nguy cơ về nhân dân tệ tiếp tục sụt giá chưa biến mất, giới đầu tư vẫn cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ thực hiện kế hoạch lần đầu tiên tăng lãi suất sau 9 năm. Theo Steven Englander, chuyên gia về tiền tệ của Citigroup, “sẽ có thêm ít nhất một chương đau buồn nữa” dành cho nội tệ các thị trường mới nổi.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Tác động toàn cầu khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ
Rúp Nga, đô la Singapore, won Hàn Quốc và real Brazil là vài trong số các đồng tiền sụt giá mạnh nhất sau khi Trung Quốc liên tiếp phá giá nhân dân tệ. Xu hướng lao dốc của tiền tệ thị trường mới nổi đang lan ra toàn cầu.
Nhiều đồng tiền trên thế giới lao đao vì Trung Quốc phá giá nhân dân tệ - Ảnh: Shutterstock
Hai ngày liên tiếp, Trung Quốc gây bất ngờ cho cả thế giới với lần phá giá đồng nội tệ lớn nhất trong lịch sử nước này.
Chuyên gia kinh tế kiêm nhà đầu tư Stephen Jen tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết động thái của Trung Quốc có thể khiến nhiều đồng tiền thế giới, từ đồng real Brazil đến rupiah Indonesia sụt giảm trung bình từ 30% đến 50% trong vòng 9 tháng tới. Biến động của nội tệ các thị trường mới nổi vốn đã diễn ra ngay trước động thái bất ngờ của Đại lục.
Theo Bloomberg hôm nay 12.8, các đồng tiền có tên trong danh sách sụt giá mạnh nhất trong ngày 11.8, ngay sau khi RMB được phá giá là: rúp Nga, đô la Singapore, đồng won Hàn Quốc, đô la Đài Loan, real Brazil, peso của Colombia, đồng rand Nam Phi, peso Mexico, ringgit của Malaysia, đồng rupee của Ấn Độ, rupiah Indonesia, đô la Hồng Kông và lira của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong hôm nay, chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar giảm 0,9% xuống mức đáy 6 năm. Chỉ số chứng khoán MSCI Asia Pacific thì tuột 1,6%. Won Hàn Quốc, ringgit Malaysia và rupiah Indonesia sụt ít nhất 0,9% giá trị so với USD.
Jen, đồng sáng lập quỹ đầu tư SLJ Macro Partners ở London (Anh) nói: "Nếu đây là sự khởi đầu của giai đoạn mới trong chính sách tiền tệ của Bắc Kinh, sẽ là động thái đáng chú ý nhất của tiền tệ thế giới trong năm nay. Xu hướng lao dốc của tiền tệ thị trường mới nổi nay đã lan ra toàn cầu".
Jen khuyến khích việc bán đồng real của Brazil, rupiah của Indonesia và rand của Nam Phi - tất cả nội tệ của các nước xuất khẩu hàng hóa, có nguồn ngoại tệ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Chỉ số theo dõi giá cả hàng hóa Bloomberg Commodity đã giảm 11% kể từ giữa năm nay, khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990.
Theo David Woo, chuyên gia về tỷ giá và nghiên cứu ngoại hối của Bank of America ở New York (Mỹ), việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ sẽ châm ngòi cho một làn sóng sụt giá tiền tệ.
"Điều này sẽ kích hoạt việc cạnh tranh phá giá khắp thế giới, điều sẽ bắt đầu ở châu Á và chắc chắn không kết thúc ở châu Á", Woo nói. Chuyên gia Woo đã dự báo rằng Trung Quốc sẽ thực hiện hành động bất ngờ hôm 11.8 từ tháng 1 năm nay.
Các chuyên gia trong cuộc khảo sát của Bloomberg cho rằng 19 trong số 31 đồng nội tệ của các thị trường mới nổi dẫn đầu thế giới sẽ giảm đến giữa năm sau. Mỹ La tinh và Đông Âu là hai khu vực có tiền tệ giảm mạnh nhất.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Tỷ giá nhân dân tệ đã ổn định Hôm nay 17.8, đồng nhân dân tệ đã bớt biến động khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh tỷ giá ổn định hơn. Chuyên gia kinh tế Ma Jun của PBOC - Ảnh: Bloomberg Theo Bloomberg, nhân dân tệ (CNY) hôm nay 17.8 bớt biến động khi PBOC ổn định tỷ giá tham chiếu sau đợt phá giá vào tuần...