10 điều cần biết về việc hợp pháp hóa chuyển giới tại Việt Nam
Sáng 24-11 vừa qua, với 399 trong tổng số 446 đại biểu tán thành (chiếm trên 80%), Quốc hội Việt Nam đã chính thức thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính và Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017.
Đây là một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định quyền của người chuyển giới. Dưới đây là 10 điều cần biết biết về việc hợp pháp hóa chuyển giới tại Việt Nam, tư liệu do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường iSEE soạn thảo và cung cấp.
1. Vậy là ngay bây giờ, tôi có thể đi phẫu thuật hoặc thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Chưa. Bộ luật Dân sự mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 (tức là hơn 12 tháng nữa). Quãng thời gian này là để chuẩn bị trước khi thống nhất áp dụng, vì đây là một bộ luật đồ sộ, nhiều nội dung. Từ giờ cho đến 31-12-2016 thì BLDS hiện hành năm 2005 vẫn sẽ có hiệu lực.
2. Ngày 1-1-2017 tôi có thể phẫu thuật chuyển giới và thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Có thể. Vì quy định mới ghi “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”, đồng nghĩa sẽ phải có một luật về chuyển đổi giới tính ban hành cụ thể hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục, hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành.Thời điểm chính thức mà người chuyển giới có thể thực hiện quyền của mình sẽ được quy định trong luật chuyên ngành đó.
Cộng đồng LGBT Sài Gòn đội mưa ăn mừng “Cảm ơn Quốc hội” vào tối 24-11_Ảnh: Hoàng Giang
Người chuyển giới đã được thừa nhận quyền và mục tiêu sẽ là không để quyền này bị “treo”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã phát biểu sau khi thông qua Bộ luật: “Tháng 7-2016 tới, Quốc hôi khóa XIV sẽ họp bàn về chương trình xây dựng pháp luật. Chắc chắn nếu bộ chuyên ngành không đề xuất, Bộ Tư pháp cũng sẽ đề xuất xây dựng luật về chuyển đổi giới tính”.
3. Những ai được chuyển đổi giới tính?
Bộ luật Dân sự mới có hai điều riêng biệt. Xác định lại giới tính (Điều 36) và chuyển đổi giới tính (Điều 37). Xác định lại giới tính áp dụng với người sinh ra không rõ ràng là nam hay nữ, còn chuyển đổi giới tính áp dụng với những ai có nhu cầu thay đổi giới tính bẩm sinh của mình. Như vậy, về cơ bản những ai có nhu cầu đều có thể thực hiện chuyển đổi giới tính.
Video đang HOT
4. Tôi được phép phẫu thuật tại Việt Nam?
Đúng. Việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính trước nay bị cấm tại Việt Nam nên người chuyển giới phải sang Thái Lan hay các nước khác để phẫu thuật. Với quy định mới “Việc chuyển giới được thực hiện theo quy định của pháp luật” có nghĩa là công dân có quyển chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.
5. Sau khi phẫu thuật tôi được phép thay đổi giới tính trên giấy tờ?
Đúng. Với quy định mới, “cá nhân đã được chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch” có nghĩa là sau khi phẫu thuật, người chuyển giới có thể đăng ký thay đổi tên gọi, giới tính.
Những người chuyển giới công khai tại TP.HCM chia sẻ những trăn trở của mình trong chiều 27-11_Ảnh: Nguyễn Trà
6. Tôi chưa phẫu thuật chuyển giới, tôi có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ không?
Không. Theo quy định mới, việc đăng ký thay đổi giấy tờ hộ tịch chỉ áp dụng với người đã chuyển đổi giới tính mặc dù xu hướng trên thế giới là thay đổi giới tính giấy tờ không phụ thuộc vào việc phẫu thuật hay chưa.
7. Tôi chỉ phẫu thuật một phần (ngực, sử dụng hoóc-môn). Tôi có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ không?
Chưa rõ. Theo quy định mới, chưa định nghĩa rõ thế nào thì được công nhận là “đã chuyển đổi giới tính”, toàn phần hay là một phần. Xu hướng trên thế giới thì chỉ cần giấy xác nhận tâm lý về giới tính và sử dụng hoóc-môn liên tục ít nhất trong 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ.
8. Cơ sở y tế ở Việt Nam có đủ khả năng thực hiện phẫu thuật chuyển giới không?
Có. Hội Phẫu thuật Nhi Việt Nam từng khẳng định Việt Nam có đủ khả năng tiến hành phẫu thuật chuyển giới. Và thực tế đã và đang phẫu thuật cho các trường hợp có giới tính bẩm sinh không rõ ràng nam hay nữ.
9. Tôi có được phép kết hôn cùng giới không?
Không. BLDS chỉ quy định chung về chế độ hôn nhân gia đình. Các quy định chi tiết nằm trong Luật Hôn nhân và Gia đình (LHN&GĐ). Năm 2014, Việt Nam đã thông qua LHN&GĐ mới, theo đó thì hôn nhân cùng giới không còn bất hợp pháp nhưng cũng chưa được thừa nhận và thực thi.
10. Nếu đã phẫu thuật và thay đổi giới tính trên giấy tờ, tôi có được phép kết hôn với người yêu mà trên giấy tờ bây giờ là người khác giới với tôi không?
Có. Hiện tại, vì không thể thay đổi giới tính trên giấy tờ mà người chuyển giới và người yêu của họ thường sẽ được pháp luật coi là hai người cùng giới tính, do vậy không thể kết hôn với nhau. Với quy định mới, “Cá nhân đã chuyển đổi giới tính [...] có các quyền nhân thân phù hơp với giới tính đã chuyển đổi”, nghĩa là họ sẽ có các quyền, nghĩa vụ theo đúng như giới tính mới, bao gồm quyền kết hôn với người khác giới.
Theo Nguyễn Trà
Pháp luật TPHCM
Người chuyển giới hạnh phúc khi Quốc hội chính thức cho phép thay đổi giới tính
Sáng 24.11, Quốc hội đã thông qua điều khoản quy định về việc chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Bộ luật có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017.
Việt Nam chính thức cho phép chuyển đổi giới tính - Ảnh: Vũ Phượng
Theo đó, cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Ngay sau khi được Quốc hội thông qua, trên các fanpage và trang cá nhân của cộng đồng LGBT tại Việt Nam tràn ngập những lời chúc mừng vì "bước chuyển lịch sử" của cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam.
Trao đổi với Thanh Niên vào chiều 24.11, Nguyễn Thiện Trí Phong (tên khai sinh Nguyễn Thị Trúc Phương, 24 tuổi) đã tiêm hoocmon để chuyển giới được 2 năm chia sẻ: "Cảm xúc của mình rất lẫn lộn khi nghe được thông tin. Ở góc độ là thành viên của cộng đồng LGBT, Quốc hội thông qua luật là một việc tốt với cộng đồng, bọn mình đã chờ đợi điều này rất lâu rồi. Với người chuyển giới, đã từng có những câu chuyện buồn trong nhiều năm mới có được kết quả. Vậy nên mình rất hạnh phúc".
Trí Phong luôn có mặt trong tất cả các sự kiện dành cho cộng đồng LGBT - Ảnh: NVCC
Trí Phong cũng chia sẻ thêm, là người quản lý một dự án của Trung tâm ICS thì vẫn còn nhiều vấn đề phải lo lắng. "Vì không có gì đảm bảo là luật chuyển đổi giới tính được thông qua nhưng mọi người đều thi hành luật đúng. Vậy nên phía trước vẫn còn rất nhiều việc để làm", Phong tâm sự.
Trong khi đó, chị Nguyễn Huỳnh Tố An, tên thường gọi Jessica (tên khai sinh Nguyễn Hữu Toàn, 28 tuổi) đã phẫu thuật chuyển giới được 2 năm thì xúc động chia sẻ: "Ngay sau khi được Quốc hội thông qua là mình vừa khóc vừa gọi điện thoại cho mẹ, vì mẹ là người theo dõi và chia sẻ với mình từ trước khi mình chuyển giới cho đến hiện tại. Mừng lắm, mà cũng bồn chồn khó tả, vì mình đã phải đấu tranh trong thời gian rất dài. Đến đầu năm 2017, bộ luật được thực thi thì mình sẽ là một trong những người tiên phong đi làm giấy tờ chuyển đổi giới tính để được kết hôn và chung sống với chồng một cách công khai".
Chị Jessica vui mừng vì sẽ được làm giấy kết hôn cùng bạn trai - Ảnh: Vũ Phượng
Chị Jessica cũng cho biết thêm, hiện tại, chị đang chia sẻ niềm vui này đến tất cả những bạn của cộng đồng LGBT ở vùng sâu vùng xa để mọi người nắm được thông tin và tự tin hơn trong cuộc sống.
Cùng chung niềm vui, Hải Minh (tên thường gọi Nguyễn Bùi My My, 25 tuổi) đã phẫu thuật phần ngực được 2 năm hạnh phúc tâm sự: "Đang chạy xe dưới mưa mà cảm giác vẫn còn lâng lâng. Trong đầu mình chỉ nghĩ đến "ngôi nhà và những đứa trẻ". Bộ luật được thông qua tức là mình sẽ được hợp thức hóa hôn nhân và lấy vợ sinh con. Phần còn lại bây giờ chỉ là mình cố gắng sống tốt, đóng góp cho xã hội để các bác thấy quyết định của các bác là hoàn toàn chính xác".
Để cùng nhau chúc mừng sự kiện lịch sử này, cộng đồng LGBT tại 3 miền đã kêu gọi xuống đường vào tối nay (24.11). Cụ thể, 19 giờ tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) và Bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), 18 giờ tại Cầu Rồng (Đà Nẵng).
Vũ Phượng
Theo Thanhnien
Cá nhân được sử dụng bí danh, thay đổi họ, tên Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cho phép cá nhân được sử dụng bí danh, bút danh nhưng không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không...