10 dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Những dấu hiệu dưới đây của căn bệnh trầm cảm sẽ giúp bạn và người thân hiểu về bệnh và tìm sự giúp đỡ.
Nỗi buồn dai dẳng: Cảm giác buồn bã dai dẳng là dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm. Người bệnh thường có cảm giác vô vọng và không thể nhìn ra điều tích cực của cuộc sống. Họ gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động thường ngày.
Chán ghét bản thân: Người bệnh thường có cảm giác nghi ngờ về bản thân và cho rằng mình không thể làm được gì tử tế. Khi kết hợp với cảm giác tự ti, chán ghét bản thân có thể dẫn đến những suy nghĩ tự vẫn.
Mất hứng thú trong mọi việc: Người bệnh thường cảm thấy chán nản, mất tập trung, dẫn đến hiệu suất làm việc giảm, khiến cho người bệnh xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực.
Cáu bẳn và cô lập: Những người trầm cảm thường khó cư xử lịch sự nơi công cộng. Họ trở nên cáu bẳn và nóng tính, dẫn đến khó hòa nhập với cộng đồng. Sự tự cô lập bản thân có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
Video đang HOT
Lo âu: Cảm giác tự ti có thể dẫn đến lo âu. Gần 50% số bệnh nhân trầm cảm gặp phải triệu chứng này. Cảm giác lo âu có thể dần biến mất sau một thời gian, nhưng đó có thể là lúc người bệnh đã từ bỏ hi vọng.
Mất năng lượng: Người bệnh có thể trở nên thiếu năng lượng do buồn bã và các yếu tố khác như thiếu ngủ vì lo âu. Người bệnh có thể bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng.
Rối loạn thói quen ngủ: Người mắc bệnh trầm cảm thường có những thói quen ngủ bất thường và phải vật lộn với chứng mất ngủ hoặc tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Người bệnh cũng có thể ngủ nhiều hơn bình thường và không muốn rời khỏi giường.
Thay đổi khẩu vị và trọng lượng cơ thể: Thay đổi khẩu vị là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm. Họ có thể ăn uống vô độ hoặc hoàn toàn mất khẩu vị. Việc này có thể dẫn đến tăng cân hoặc giảm cân bất thường.
Hành xử thiếu suy nghĩ: Một số bệnh nhân trầm cảm thực hiện những hành động nguy hiểm để tạm thời giải tỏa nỗi đau tinh thần. Khi người thân lo lắng và cố gắng giúp đỡ, người bệnh có thể phản ứng tiêu cực.
Suy nghĩ về cái chết: Những người mắc bệnh trầm cảm thường dành nhiều thời gian nghĩ về việc tự làm tổn thương mình và có thể bị ám ảnh với suy nghĩ về cái chết. Những suy nghĩ này làm tăng nguy cơ vô tình hoặc cố ý tự làm tổn thương bản thân./.
CTV Ngọc Diệp/VOV.VN (biên dịch)
Facty
Trầm cảm ở vị thành niên, cần phát hiện sớm để điều trị
Áp lực học hành, lo âu thi cử; cô đơn, không thích ứng và hòa nhập với môi trường học tập ở xa gia đình đã khiến một bộ phận học sinh mắc bệnh trầm cảm.
Trầm cảm đang xuất hiện nhiều ở lứa tuổi vị thành niên. Sự quan tâm của cha mẹ nếu sát sao sẽ phát hiện sự bất thường của con, đưa con đến khám và điều trị sớm sẽ khiến trẻ thoát khỏi căn bệnh này.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Phụ trách Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn vị thành niên. Yếu tố gia đình, các sự kiện xảy ra trong cuộc sống, yếu tố cá nhân được coi là một trong những nguyên nhân có tác động đến trầm cảm vị thành niên. Theo số liệu tại buổi trò chuyện "Trầm cảm -chuyện không của riêng ai" tổ chức mới đây ở Hà Nội, qua nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, khoảng 8-29% trẻ em vị thành niên Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần.
Còn theo báo cáo của nhiều nghiên cứu trong nước, 87% số trẻ em trong mẫu nghiên cứu có vấn đề về tâm lý. Nghiên cứu với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử, 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu. Như vậy, ước tính Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh niên, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó được nhận hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Ở lứa tuổi vị thành niên, cha mẹ thường xuyên quan tâm để sớm phát hiện những dấu hiệu lạ ở con (Ảnh minh họa)
Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, trong quá trình công tác, chị đã gặp không ít bệnh nhân đến khám và điều trị căn bệnh trầm cảm là du học sinh. Gặp nhiều là các trường hợp được gia đình cho đi du học sớm từ khi các cháu là học sinh đầu cấp 3 mà không dự liệu tâm lý cho trẻ. Có trẻ sang nước ngoài đã không thích ứng được với văn hóa nước bạn, yếu đuối, tự ti về bản thân, cô đơn khi xung quanh không có người thân, bạn bè nên đã rơi vào trầm cảm.
Có trường hợp rất đáng tiếc như du học sinh 16 tuổi, vốn dĩ học rất giỏi. Khi sang Úc du học, gia đình thuê riêng cho con 1 căn phòng để ở. Chỉ sau 6 tháng, do không hòa nhập được với môi trường sống mới, ở một mình cô độc, học sinh này trở nên buồn bã, cô đơn. Từ một người hoạt bát, học sinh này trở lên tự ti về bản thân, coi mình là người "bất tài, kém cỏi" và chán học, thích thu mình, những việc cá nhân đơn giản luôn lưỡng lự, không tự quyết định. Điều trị cho bệnh nhân này, theo BS Loan rất khó khăn và phải kiên trì.
Là người trực tiếp điều trị cho nhiều ca trẻ vị thành niên bị trầm cảm, Ths tâm lý Dương Thị Xuân, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương kể cho chúng tôi nghe về trường hợp bệnh nhân tự sát nhiều lần cắt cổ tay bất thành. Đây là trường hợp bệnh đã ở thể nặng, điều trị thuốc uống và tâm lý phải rất vất vả, cần sự phối hợp tích cực của gia đình. Theo gia đình bệnh nhân, cách đây rất lâu, con họ có dấu hiệu ẩn mình trong phòng, ít giao lưu, tuyệt đối không giao tiếp bằng mắt nhưng gia đình lại không coi đó là bất thường. Đến khi trẻ cắt cổ tay tự sát mới hốt hoảng đưa tới viện.
Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân dẫn tới một đứa trẻ bình thường bỗng dưng mắc bệnh, Ths Xuân cho biết, cháu bé này từ nhỏ đã được gia đình chiều chuộng, đáp ứng mọi đòi hỏi, mọi nhu cầu. Đây có thể là một yếu tố khiến trẻ khó thích nghi, khó điều chỉnh với các mối quan hệ xung quanh, dễ gây sốc tâm lý nếu trẻ gặp chuyện không như ý. Ca bệnh này được phát hiện và đưa tới viện khá muộn, bởi bệnh tâm lý tuy dấu hiệu âm thầm nhưng diễn biến khá nhanh. Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm (tùy vào từng người bệnh) đóng vai trò quyết định cho sự tiến triển của bệnh.
Theo khuyến cáo của TS.BS Đỗ Minh Loan, ở lứa tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con nhiều hơn. Nếu thấy con có dấu hiệu kéo dài từ 2 tuần trở lên có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng; giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những việc rất nhỏ; hoặc những việc đơn giản nhưng con không đưa ra được quyết định; thường lo lắng, bồn chồn, suy nghĩ chập chạm, kém rập trung; luôn có cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội... cha mẹ phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ.
"Trầm cảm là bệnh có thể điều trị và kiểm soát được nếu phát hiện và điều trị sớm. Cha mẹ có con mắc bệnh phải tuân thủ quá trình điều trị, không nên thấy đỡ mà ngừng, bệnh sẽ gián đoạn rất dễ khó điều trị sau này. Cha mẹ cũng cần chuẩn bị sẵn sàng về mặt tâm lý để hỗ trợ con cả quá trình điều trị, phải kiên trì thì mới có thế mới mang lại kết quả cao" - TS Loan khuyến cáo.
Nhật Minh
Theo CAND
Bất ngờ với tác dụng của trái táo và ánh sáng đối với sức khỏe Một nghiên cứu của trường ĐH Masterstudies (Italia) đã chỉ ra rằng, trái táo không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có khả năng cải thiện đời sống chăn gối ở nữ giới. Táo có tác dụng tích cực lên chức năng sinh lý của phụ nữ Ăn táo giúp tăng khoái cảm tình dục ở nữ giới Nghiên cứu đã được...