10 cuốn sách tôn vinh khát vọng sống thật của cộng đồng LGBT
Để kỷ niệm Tháng Tự Hào (Pride Month), dưới đây là những cuốn sách ấn tượng, tôn vinh sự đa dạng và tự hào của cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.
Xuất bản năm 1971, On Being Different của Merle Miller là tác phẩm tiên phong trong phong trào bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT tại Mỹ. Cuốn sách được bắt rễ từ bài đăng “What It Means To Be a Homosexual” trên tạp chí New York Times của Miller – một lời đáp trả đanh thép tới bài báo mang ý kỳ thị người đồng tính trên tạp chí Harper’s. On Being Different là một trong những hồi ký lâu đời nhất về trải nghiệm của một người đồng tính sống ở Mỹ vào thế kỷ 20, khẳng định tầm quan trọng của việc come out – sống thật với chính mình.
Boy Erased của Garrard Conley là tác phẩm nằm trong Top 8 tiểu thuyết về cộng đồng LGBT phải đọc năm 2016. Cuốn sách là trải nghiệm của chính tác giả – con trai một mục sư thuộc dòng Baptist nổi tiếng kỳ thị LGBT ở thị trấn Conley, tiểu bang Arkansas (Mỹ), khi phải vượt lên định kiến để được là chính mình. Sau khi công khai xu hướng tính dục của bản thân vào năm 19 tuổi, Conley bị buộc tham gia chương trình “chữa trị đồng tính” được hỗ trợ bởi nhà thờ. Khát vọng sống mạnh mẽ đã giúp Conley tìm thấy sức mạnh để chấp nhận con người thật của mình và khám phá ra mối tương quan phức tạp giữa gia đình, đức tin và cộng đồng. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim vào năm 2018 với sự tham gia của nhiều gương mặt đình đám như Lucas Hedges, Troye Sivan, Nicole Kidman và Russell Crowe.
Brokeback Mountain (Chuyện tình núi Brokeback) của Annie Proulx – cây bút từng đoạt giải thưởng văn học danh giá Pulitzer được coi là tập truyện ngắn nổi tiếng nhất thời đại. Cuốn sách kể về mối tình bi thương giữa hai chàng cao bồi Ennis del Mar và Jack Twist, dù yêu nhau nhưng lại chẳng thể đến với nhau bởi những trở ngại về gia đình, định kiến xã hội… Dưới ngòi bút uyển chuyển, sắc sảo của Annie Proulx, bi kịch tình yêu của Ennis và Jack đã chạm đến trái tim người đọc, để lại những xúc cảm bồi hồi, xót xa cho một chuyện tình dang dở. Chuyện tình núi Brokeback đã được đạo diễn Lý An chuyển thể thành phim vào năm 2005, đạt nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá và được Thư viện Quốc hội Mỹ đưa vào danh sách phim bảo tồn năm 2018 bởi những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá.
The Danish Girl (Cô Gái Đan Mạch) của David Ebershoff là cuốn sách dựa trên câu chuyện có thật về số phận của người chuyển giới đầu tiên trên thế giới – họa sĩ Einer Wegener, hay Lili Elbe. Lấy bối cảnh thủ đô Copenhagen, Đan Mạch vào những năm 1920, truyện kể về cuộc sống của họa sĩ nổi tiếng Einar Wegener và vợ, họa sĩ vẽ chân dung người Mỹ Gerda Wegener. Một ngày nọ, Gerda nhờ chồng giả gái để hoàn thiện bức tranh còn dang dở do cô người mẫu vắng mặt. Từ giây phút mặc lên mình chiếc váy, tô son môi như một người phụ nữ, một con người khác trong Einar dần được đánh thức, khơi dậy khát vọng sống thật với chính mình của chàng họa sĩ. Câu chuyện cảm động về tình yêu, khát vọng sống và sự cảm thông đầy nhân văn đã được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2015 với sự hóa thân diệu kỳ của Eddie Redmayne.
Call Me By Your Name (Gọi Em Bằng Tên Anh) của André Aciman là hồi tưởng của Elio Perlman về mối tình bí mật giữa cậu và Oliver – chàng sinh viên người Mỹ có cá tính hoàn toàn trái ngược. Những cảm xúc giữa hai nhân vật, từ nhẹ nhàng cho đến nồng nhiệt, chưa từng được đề cập trực tiếp mà thể hiện khéo léo qua những hành động mang đậm tính biểu tượng. Dưới điểm nhìn của nhân vật Elio, người đọc như được dẫn dắt vào cuộc hành trình khám phá bản thân, định nghĩa con người và gọi tên những cảm xúc của mình cho một người đàn ông của cậu trai trẻ. Cuốn tiểu thuyết đã được đưa lên màn ảnh rộng với sự tham gia của những gương mặt triển vọng như Timothée Chalamet và Armie Hammer, gây ra một cơn sốt trên toàn cầu, dành hàng chục giải thưởng và đề cử danh giá tại Oscar, BAFTA…
A Single Man (Người Cô Độc) của Christopher Isherwood là cuốn tiểu thuyết lột tả chân thực cuộc sống của một người thuộc cộng đồng LGBT. Tác phẩm thuật lại cuộc sống trong 24 giờ của George, một giáo sư người Anh sống ở ngoại ô Nam California, sau khi mất đi người bạn đời trong một tai nạn xe cộ. Trong vỏn vẹn một ngày, người đọc được chứng kiến nỗ lực hòa nhập vào số đông, nỗ lực để vượt qua khoảng trống người bạn đời để lại, nỗ lực để sống một ngày như bao ngày khác của một người gần như đã chết. George phải chấp nhận quên đi con người bản ngã để đeo lên chiếc “mặt nạ”, bảo vệ ông khỏi những kỳ thị của xã hội bấy giờ.
History Is All You Left Me là một tác phẩm tuyệt đẹp về tình yêu và mất mát của tác giả Adam Silvera, hứa hẹn đem đến cho độc giả những giây phút thổn thức xúc động. Cuốn sách theo chân nhân vật Griffin, người vừa mất bạn trai trong một tai nạn thảm khốc, giờ phải vật lộn với cú sốc tâm lý và chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Silvera đã khắc họa một chuyện tình đồng tính với nhiều sắc thái, khẳng định sự tồn tại đầy tự hào của chữ B (bisexual – song tính) trong cụm từ LGBT.
Video đang HOT
When You Look Out the Window: How Phyllis Lyon and Del Martin Built a Community là cuốn sách được bộ đôi đồng tính nữ nổi tiếng tại San Francisco – Phyllis Lyon và Del Martin thực hiện. Cuốn sách đầy màu sắc này hướng đến đối tượng khán giả trẻ tuổi, khắc họa sinh động hành trình mang lại tình yêu và bảo vệ sự đa dạng của cộng đồng LGBT đến thành phố nơi mình sống của bộ đôi tác giả, giúp người đọc mở rộng tấm lòng để nhìn nhận và thấu hiểu những người queer với một thái độ tích cực.
Boy Meets Boy của David Levithan lấy bối cảnh một ngôi làng nhỏ kỳ diệu, nơi mọi xu hướng tính dục và bản dạng giới đều được chấp nhận. Câu chuyện xoay quanh mối tình tuổi thanh xuân của nhân vật chính Paul và Noah – một học sinh mới chuyển đến trường học. Boy Meets Boy không chỉ là một cuốn sách về người đồng tính mà còn là về tình yêu, tình bạn, những lỗi lầm, bản ngã, niềm tin và hi vọng, đủ ngọt ngào để quyến rũ tâm hồn bất kì độc giả nào.
Oranges Are Not The Only Fruit là cuốn tiểu thuyết giáo dục nhân cách sáng chói của Jeanette Winterson, xoay quanh câu chuyện công khai xu hướng tính dục diễn ra tại một cộng đồng sùng kính đạo Thiên Chúa ở Anh. Trong Oranges Are Not The Only Fruit, người đọc theo chân một cô bé tốt bụng, người phải dung hòa giữa tình yêu dành cho Chúa và tình yêu dành cho người con gái cô thương. Ngòi bút hài hước pha chút châm biếm của Jeanette Winterson đã tạo nên sức lôi cuốn kỳ diệu cho tác phẩm này, giúp nữ nhà văn giành giải Whitbread năm 1985.
Come out - con đường không bằng phẳng của người đồng tính
Come out chưa từng là một lựa chọn dễ dàng với người đồng tính. Ngoài những căng thẳng của chính họ, thái độ của người đời càng khiến việc công khai nặng nề hơn.
Đầu tháng 4 vừa qua, ca sĩ Lynk Lee gây chú ý khi công khai chuyển giới từ nam sang nữ. Quyết định come out khiến nữ ca sĩ thực sự được sống cuộc đời mà mình mong muốn.
"Ngày xưa Lynk không được làm chính mình. Đó là hình ảnh mà tôi buộc phải gồng lên. Giờ tôi không muốn sống mãi mãi trong cái vỏ bọc đó nữa. Đây mới chính là Lynk", nữ ca sĩ chia sẻ.
Lynk Lee hạnh phúc với con người mới của mình bất chấp điều tiếng của dư luận và những bình luận xúc phạm nặng nề của cư dân mạng vẫn nhắm vào cô.
Trên thực tế, công khai giới tính chưa bao giờ là điều dễ dàng với những người thuộc cộng đồng LGBT. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm lớn, bởi rất nhiều "sóng gió" đến từ lúc cả trước và khi thực hiện.
Come out không chỉ là một lần duy nhất
Trái với suy nghĩ thông thường của số đông, việc come out ở người đồng tính không diễn ra một lần duy nhất trong đời. Tùy từng đối tượng, những người đồng tính sẽ phải chọn lựa đúng thời điểm để tiết lộ giới tính thật.
Ví dụ, bạn chọn công khai giới tính tại nơi làm việc với những người đồng nghiệp. Lần khác, bạn giải thích với người con gái rằng con bé có đến hai người bố hay nói với con trai bạn rằng mẹ từng là đàn ông trước khi chuyển giới. Cứ thế, chuyện tiết lộ có thể lặp lại nhiều lần.
Theo Trung tâm Tư vấn của Đại học Washington (Mỹ), come out là cả một quá trình hiểu, chấp nhận và tôn trọng giới tính của chính bản thân, lẫn quyết định công khai với những người khác.
Với người đồng tính, quyết định come out hiếm khi dễ dàng.
Tùy từng người, việc công khai có thể đến sớm hay muộn và xảy đến theo nhiều cách khác nhau, vào các thời điểm riêng biệt. Một số phát hiện ra thiên hướng tình dục của mình từ sớm, trong khi có những người phải mất nhiều năm mới nhận ra.
Ngoài ra, nhiều cá nhân có thể cảm thấy thoải mái cởi mở với một số người nhất định, không phải với tất cả. Ví dụ, họ có thể công khai với gia đình nhưng che giấu tại nơi làm việc, hay tiết lộ con người thật với bạn bè nhưng lại giấu giếm người thân.
Và tất yếu, các cá nhân LGBT sẽ phải đối mặt với vô số yếu tố gây căng thẳng khi nghĩ đến chuyện công khai giới tính.
Hàng loạt câu hỏi sẽ thường xuyên xuất hiện, bủa vây: "Liệu họ có hiểu?", "Liệu mọi người có đối xử với tôi như lúc trước?", "Liệu người bạn ấy có phán xét và cả tức giận?", "Liệu cha mẹ có quay lưng", "Liệu tôi có mất việc vì chuyện này".
Những áp lực này thường đẩy người đồng tính vào cảm giác cô đơn, mất kết nối, buồn bã hay xấu hổ. Theo thống kê, chính những điều này là nguyên nhân khiến giới LGBT có khả năng gặp phải các mối lo ngại về sức khỏe tâm thần cao gấp 3 lần so với những người khác.
Và vì không phải come out chỉ duy nhất một lần trong đời, các cảm giác lo lắng, căng thẳng này hoàn toàn có thể lặp lại về sau.
Trái với suy nghĩ của số đông, việc come out ở người đồng tính có thể diễn ra nhiều lần, tại các thời điểm khác nhau trong đời.
Theo nhiều nghiên cứu, việc công khai bản dạng giới (gender identity) và xu hướng tình dục (sexual orientation) đóng vai trò quan trọng, giúp những người thuộc cộng đồng LGBT sống hạnh phúc, cởi mở và trọn vẹn hơn, giúp các mối quan hệ tốt hơn, sức khỏe tinh thần và tâm lý cũng được cải thiện nhiều lên.
Ngược lại, những người phải che giấu bản ngã thật có thể đối mặt với cảm giác căng thẳng, bị cô lập, tự làm hại bản thân hay lạm dụng chất gây nghiện.
Quyết định công khai cũng cần nhiều sự dũng cảm, bởi dù thế nào đi chăng nữa, vẫn sẽ luôn tồn tại thái độ không thích, nặng hơn là kỳ thị, ghét bỏ từ người xung quanh.
Dù nhiều quốc gia có cái nhìn cởi mở với vấn đề đồng tính và còn ban hành các luật chống phân biệt đối xử, đồng thời hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, thái độ tiêu cực với cộng đồng LGBT chưa bao giờ biến mất hoàn toàn.
Tình hình còn tồi tệ hơn tại các quốc gia mang tư tưởng cực đoan, bảo thủ. Come out hay bị phát hiện là người đồng tính đều có thể dẫn đến một kết cục là phán quyết tử hình từ chính quyền. Nói cách khác, đồng tính bị hình sự hóa và người đồng tính phải bị trừng phạt.
Điều này đồng nghĩa với việc, thể hiện cho mọi người biết giới tính thật của mình cũng chính là đẩy bản thân vào vòng nguy hiểm.
Tại những nơi coi đồng tính là tội lỗi, việc công khai giới tính thật đồng nghĩa đẩy bản thân vào xa lánh, kỳ thị và cả nguy hiểm.
"Chúng ta sống trong thế giới với suy nghĩ của nhiều người rằng mỗi người đều thuộc về giới tính đúng như lúc họ được sinh ra và chỉ nên có tình cảm với người khác giới. Nhưng thực tế phức tạp hơn vậy, theo nghiên cứu của YouGov năm 2015, 50% số người tham gia thừa nhận họ không 'thẳng' hoàn toàn", Elizabeth McDermott, Giảng viên tại Đại học Lancaster (Anh) giải thích trong bài viết Why it's often still so difficult to be out and proud (Tạm dịch: Tại sao vẫn còn quá khó để công khai và tự hào về giới tính của mình).
Cẩn thận khi nhắc đến hai chữ "đồng tính"
Thực tế, theo khảo sát của hai nhà tâm lý học John Pachankis và Richard Branstrom tại Hiệp hội tâm lý Mỹ ở 28 nước, việc come out phụ thuộc vào việc người đó đang sống trong môi trường có cởi mở với cộng đồng LGBT hay không.
Nếu thấu hiểu các định nghĩa về giới tính, sẽ không ai vội vàng thốt ra câu nói đầy định kiến: "Cha mẹ sinh sao thì sống vậy đi". Thay vào đó, điều nên làm là tôn trọng bản dạng giới và xu hướng tình dục thật của bản thân.
Việc châm biếm, cười cợt trên thân thể của người khác chưa bao giờ được gọi là niềm vui. Mỗi bình luận ác ý, chế giễu về giới tính lại đẩy người nghe đến gần hơn với suy nghĩ tiêu cực.
Cụm từ "đồng tính" khi bị đi kèm với những tin tức tiêu cực dễ khiến ác cảm của mọi người về cộng đồng LGBT tăng lên.
Dù vô tình hay cố ý, cân nhắc từ ngữ khi nhắc đến cộng đồng người LGBT là điều cần làm để tránh chuyện ngôn từ gây sát thương và khiến số đông có cái nhìn hiểu lầm.
Hồi tháng 5, cộng đồng LGBT trở thành đối tượng bị "ném đá" vì bị coi là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Hàn Quốc.
Hôm 1/5, người đàn ông 29 tuổi đã đến khu phố Itaewon (Seoul) để vui chơi cuối tuần. Sau đó, hàng loạt ca nhiễm mới xuất hiện, thông tin điều tra cho thấy các địa điểm đều là các quán bar dành riêng cho người đồng tính nam.
Điều đáng nói, cụm từ "đồng tính", "quán bar đồng tính nam" được nhiều phương tiện truyền thông tại Hàn Quốc đề cập ngay trong tiêu đề bài báo. Kukmin Ilbo, một tờ báo địa phương đã xuất bản một bài viết miêu tả về thế giới bên trong các câu lạc bộ này ngay sau đó.
Nhiều người chỉ trích việc nhắc đến các bệnh nhân mới là người đồng giới khiến họ nhận phải sự phân biệt đối xử từ những người xung quanh. Mặt khác, việc công khai chi tiết những ai từng ghé qua các bar đồng tính có thể làm cộng đồng LGBT bị đổ lỗi, khiến họ lo sợ và cố tình lẩn trốn.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 10/5, Thủ tướng Chung Sye-kyun nhấn mạnh: "Ít nhất là theo quan điểm kiểm dịch, việc tố cáo một cộng đồng nhất định không đem lại lợi ích gì. Nếu việc trốn tránh các xét nghiệm chẩn đoán có liên quan đến nỗi sợ bị chỉ trích, kỳ thị, tất cả chúng ta đều sẽ phải gánh chịu hậu quả".
Những cậu trai "xinh hơn cả con gái" trên TikTok: Nhẹ tênh bước qua định kiến xã hội, bình thản lan tỏa năng lượng tích cực và quan trọng là vẫn kiếm bộn tiền! Nếu chỉ nhìn qua, rất khó nhận ra được những cô gái xinh xắn này thực chất lại có giới tính sinh học nam, nhưng đằng sau lớp make up đủ màu, những mái tóc dài bóng mượt là cả một câu chuyện về kiếp người luôn khát khao được xã hội công nhận và sống đúng với bản ngã giới. Sắp qua...