10 chiến dịch quảng bá phim lạ lẫm
Một số tác phẩm điện ảnh được các hãng phim xây dựng cho chiến lược marketing sáng tạo, khác thường. Tuy nhiên, không phải kế sách nào cũng đem lại thắng lợi tại phòng vé.
The Blair Witch Project (1999): Bộ phim kinh dị giả tài liệu có quá trình marketing sáng tạo, nhưng đồng thời gây nhiều tranh cãi. Với nội dung kể về ba thanh niên đi tìm tung tích phù thủy Blair rồi mất tích, hãng Artisan Entertainment đưa tin giả, ngụy tạo phỏng vấn cho rằng đây là chuyện có thật, và Heather Donahue, Michael C. Williams, Joshua Williams đã mất tích hoặc qua đời. Trang IMDb của ba diễn viên thậm chí cũng ghi như vậy, và họ được yêu cầu tránh xuất hiện ở nơi công cộng khi phim trình chiếu ngoài rạp. Tại thời điểm Internet còn chưa bùng nổ, chiến dịch viral giúp The Blair Witch Project thắng lớn. Phim thu 248,6 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất chỉ khoảng 500.000 USD.
Mission: Impossible III (2006): “Thông điệp này sẽ tự hủy” là câu thoại thường xuyên xuất hiện trong các phim Nhiệm vụ bất khả thi, và Paramount muốn lợi dụng điều này cho phần ba. Cùng công ty Allied Adversiting, hãng đặt thiết bị phát lời thoại và bản nhạc nền quen thuộc vào 4.500 máy bán báo tự động ở Los Angeles (Mỹ) trước giờ phim ra mắt. Tuy nhiên, nhiều người không tỏ ra thoải mái, thậm chí còn lầm tưởng có bom và khiến một bệnh viện phải sơ tán suốt 90 phút. Hậu quả là nhà phát hành đứng trước đơn kiện của thành phố và phải hòa giải với số tiền 75.000 USD. Paramount có thể thất bại với chiêu thức marketing này, nhưng bộ phim vẫn thu gần 400 triệu USD toàn cầu.
Cloverfield (2008): Trước Transformers (2007), một teaser bí ẩn dài gần hai phút xuất hiện, với hình ảnh đầu tượng Nữ thần Tự do lăn lông lốc giữa thành phố New York, Mỹ. Tựa đề bộ phim thậm chí không được hé lộ, mà khán giả chỉ biết ngày khởi chiếu. Kế đó, J.J. Abrams và cộng sự thực hiện chiến dịch viral marketing sáng tạo trên mạng, tạo ra các trò chơi thực tế ảo… Đã có đồn đoán rằng đây là một phim Godzilla hoặc có liên quan tới Lost. Chỉ bốn tháng trước ngày khởi chiếu, cái tên Cloverfield mới được hé lộ. Bộ phim quái vật mang phong cách giả tài liệu đại thắng với doanh thu hơn 170 triệu USD, so với kinh phí 25 triệu USD.
I Love You, Beth Cooper (2009): Fox tập trung quảng bá bộ phim hài – lãng mạn vào đối tượng tuổi teen sắp ra trường như nội dung tác phẩm. Trong phim, chàng học sinh tiêu biểu Denis Cooverman (Paul Rust) lợi dụng bài diễn văn tốt nghiệp để tỏ tình với Beth Cooper (Hayden Panettiere). Fox bèn thuê một học sinh tiêu biểu ngoài đời tại Los Angeles là Kenya Meija. Cô được trả 1.800 USD để tỏ tình với một bạn học, đồng thời nhắc đến tên phim trong bài diễn văn. Song, clip marketing sau 11 năm chỉ thu hút 35.000 lượt xem. Điều đó phần nào phản ánh thất bại của I Love You, Beth Cooper. Dù chỉ tiêu tốn chưa đầy 20 triệu USD để sản xuất, phim vẫn khiến Fox thua lỗ.
Carrie (2013): Các bộ phim kinh dị rất hay áp dụng chiến lược viral marketing, và một trong số đó là phiên bản làm lại của Carrie. Năm 2013, Sony tung ra clip tại một quán cà phê, với một phụ nữ như đang dùng siêu năng lực quăng quật người đàn ông vừa làm đổ cà phê lên người mình, di chuyển ghế, lật tung đám sách, tranh trên tường, trong lúc khách hàng hoảng sợ. Video gây tò mò thu hút gần 1 triệu lượt xem trong ngày đăng tải. Song, clip quảng bá có lẽ còn thành công và ấn tượng hơn chính bộ phim. Phiên bản mới của Carrie chỉ thu khoảng 85 triệu USD và sớm chìm vào quên lãng.
Deadpool (2016): Có cả một trang Wikipedia về chiến dịch quảng bá kéo dài nhiều tháng dành cho bộ phim xoay quanh tên lính đánh thuê mồm mép, ưa bạo lực do Ryan Reynolds thể hiện. Hàng loạt chiêu trò được Fox áp dụng, như các poster, trailer giả vờ rằng đây là phim lãng mạn (do Deadpool chiếu đúng dịp Valentine), các clip viral, cho Deadpool giao lưu với câu lạc bộ Manchester United hay Betty White… Toàn bộ chiến dịch hoành tráng đã đem lại “trái ngọt”. Tại phòng vé, bất chấp bị gắn nhãn R, Deadpool thu tới 782,6 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí sản xuất chỉ chưa đầy 60 triệu USD.
The Emoji Movie (2017): Sony tỏ ra quyết tâm trong việc quảng bá bộ phim hoạt hình về những emoticon trong các phần mềm chat. Sau màn nhảy dù có phần lố bịch của T.J. Miller ở Liên hoan phim Cannes 2017, hãng tạo ra một số poster giễu nhại các tác phẩm nổi tiếng, trong đó có The Handmaid’s Tale. Nước cờ bị lên án bởi đây là series dành cho người lớn, có nội dung liên quan tới chuyện làm nhục và thù ghét phụ nữ. Bị báo chí chê bai đủ đường và sau đó nhận bốn giải Mâm xôi vàng, The Emoji Movie thực tế giúp Sony giành chiến thắng với doanh thu 217,8 triệu USD, so với kinh phí 50 triệu USD ban đầu.
Gotti (2018): Bộ phim Gotti bị báo chí chê bai không thương tiếc với điểm 0% tròn trĩnh trên Rotten Tomatoes. Tuy nhiên, hãng MoviePass Ventures lại lợi dụng điều này để quảng bá bộ phim, với lời đề tựa “khán giả yêu Gotti, giới phê bình đã trù dập một cú hit”. Thậm chí, MoviePass bị cáo buộc là đã tạo ra nhiều tài khoản giả trên Rotten Tomatoes để tăng điểm khán giả bầu chọn cho bộ phim. Nhưng sau cùng, công chúng đồng thuận với báo chí. Gotti chỉ thu hơn 6 triệu USD, tức không bằng kinh phí sản xuất 10 triệu USD, đồng thời nhận 6 đề cử Mâm xôi vàng.
Child’s Play (2019): Bộ phim mới về búp bê ma Chucky khởi chiếu cùng ngày Toy Story 4, và hãng United Artists quyết định tung ra loạt poster giễu nhại táo bạo. Trong đó, Chucky sát hại các nhân vật của Câu chuyện đồ chơi, như Rex bị thiêu bởi bật lửa, Buzz bị bắn bởi súng laze, hay Slinky bị chiên giòn… Chưa hết, do Annabelle Comes Home khởi chiếu sau đó năm ngày, Child’s Play còn có một tấm poster cho thấy Chucky đã ra tay hạ sát “đồng nghiệp” Annabelle. Bộ phim cuối cùng thu khoảng 45 triệu USD, tức gấp bốn lần kinh phí sản xuất. United Artists cũng không bị Disney hay Warner Bros. phàn nàn gì về loạt poster giễu nhại.
Trailer Tenet
Tenet (2020): Giữa bối cảnh dịch Covid-19, Warner Bros. cùng Christopher Nolan vẫn quyết đưa Tenet ra rạp hồi cuối mùa hè. Nhà phát hành nhấn mạnh dòng chữ “chỉ có tại các rạp chiếu phim” trên các poster, trailer, clip hậu trường… Một bộ phận công chúng tại Mỹ tỏ ra không hài lòng. Họ cho rằng thay vì nâng cao ý thức người dân, Warner Bros. lại gián tiếp đẩy công chúng đến nguy cơ mắc bệnh. Trên thực tế, nhiều rạp chiếu phim ở Mỹ đến giờ còn chưa mở cửa trở lại, và Tenet mới thu hơn 300 triệu USD toàn cầu. Đây là con số không hề khả quan nếu so với kinh phí sản xuất hơn 200 triệu USD của bộ phim.
10 cuộc trả thù kịch tính trên màn ảnh
Dù bắt nguồn từ nhiều động cơ, những vụ trả thù trên màn ảnh sau đây đều có điểm chung là sự kịch tính đến phút chót.
Get Carter (1971): Jack Carter (Michael Caine) là thành viên của một băng đảng lớn tại London. Phim bắt đầu khi anh trai của Jack đột ngột qua đời. Nghi ngờ cái chết của anh trai là một vụ ám sát thay vì tai nạn đơn thuần, Jack Carter bắt tay tìm hiểu, truy lùng kẻ thủ ác và trả thù. Bộ phim từng được làm lại năm 2000 với Sylvester Stallone trong vai chính.
Fist of Fury (1972): Cốt truyện của Fist of Fury khá đơn giản và tiêu biểu cho các bộ phim võ thuật Trung Quốc thịnh hành thời bấy giờ. Lý Tiểu Long tìm đến võ đường Nhật Bản thách đấu và trả thù kẻ đã đầu độc sư phụ mình. Trong phim, cảnh tay phiên dịch cố tình chế nhạo Lý Tiểu Long đã trở thành kinh điển. Fist of Fury cũng là bộ phim định hình phong cách diễn xuất và chiến đấu của Lý Tiểu Long trên màn ảnh.
Death Wish (1974): Khi ra mắt, bộ phim không nhận được cái gật đầu của giới phê bình, nhưng công chúng lại nhiệt liệt tán thưởng. Vai chính trong Death Wish là Paul Kersey (Charles Bronson), một vị bác sĩ tìm cách trả thù những kẻ đã giết vợ và hãm hiếp con gái ông. Trên hành trình trả thù, Kersey vô tình trở thành một một người anh hùng giấu mặt ra tay trừ gian diệt bạo giữa xã hội nhiễu nhương.
Carrie (1976): Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Stephen King, phim xoay quanh một thiếu nữ 16 tuổi bị tra tấn tinh thần bởi người mẹ hà khắc cũng như những trò bắt nạt của bạn bè. Tại buổi dạ tiệc cuối cấp, Carrie đã bị bạn học công khai hạ nhục ngay trên sân khấu. Lúc này, năng lực siêu nhiên điều khiển đồ vật bằng ý nghĩ của cô bé đã bộc phát, mở đầu cho một cuộc trả thù kinh hoàng nhắm vào nhóm bạn học xấu tính.
The Crow (1994): Trong phim, Brandon Lee vào vai Eric Draven, ngôi sao nhạc rock có bạn gái bị một băng nhóm đánh đập và cưỡng hiếp. Bản thân Draven cũng bỏ mạng dưới tay chúng. Khao khát trả thù giúp nhân vật hồi sinh, trở thành bóng ma truy lùng và đoạt mạng những kẻ thủ ác. Tuy nhiên, sau 26 năm, bộ phim được khán giả đại chúng nhớ đến phần nhiều vì tai nạn trên phim trường đã gây ra cái chết của Brandon Lee, con trai của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Desperado (1995): Trong phim, El Mariachi (Antonio Banderas) khao khát trả thù kẻ đã giết người tình, cũng như khiến bàn tay trái của anh bị hủy hoại. Từng là một nhạc công, giờ đây hộp đàn của Mariachi chỉ chứa đầy vũ khí thay vì cây đàn guitar mộc. Desperado ra mắt vào thời điểm những bộ phim cao bồi viễn tây đã lỗi thời. Tuy nhiên, bộ phim vẫn có một đời sống độc đáo riêng và đánh dấu thời kỳ đỉnh cao trong diễn xuất của Banderas.
Kill Bill (2003): Bộ phim thể hiện sự tri ân của đạo diễn Quentin Tarantino với dòng phim võ thuật Trung Hoa nở rộ trong thập niên 1970. Trong Kill Bill, Uma Thurman vào vai cô dâu, một nữ sát thủ trên hành trình trả thù cho người chồng bị sát hại ngay trong lễ cưới và đứa con chưa kịp ra đời của họ. Bộ phim gây ấn tượng bằng những trường đoạn hành động được dàn dựng công phu và đầy kịch tính.
Taken (2008): Trong Taken, Bryan Mills (Liam Neeson) là một cựu nhân viên CIA lão luyện nhiều ngón nghề. Khi con gái Mills bị bọn buôn người bắt cóc và bán làm nô lệ tình dục, ông đã tự mình thực hiện cuộc tìm kiếm và giải cứu con gái. Các pha hành động trong Taken được đánh giá là thuyết phục và mãn nhãn. Liam Neeson đã thành công với kiểu nhân vật hành động ông ít khi thủ vai trên màn ảnh cho tới thời điểm đó.
John Wick (2014): Keanu Reeves đã có sự trở lại ngoạn mục với dòng phim hành động trong vai gã sát thủ John Wick. Cuộc trả thù của John Wick nhắm vào băng nhóm tội phạm đã giết chết chú chó vợ anh để lại đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả, mở đường cho sự ra đời của nhiều phần hậu truyện trên màn ảnh rộng và các series ngoại truyện trên truyền hình. John Wick phô diễn điểm mạnh của Reeves trong những màn đọ sức bằng võ thuật.
The Revenant (2015): Trong bộ phim lấy bối cảnh vùng biên viễn hoang dã của nước Mỹ những năm 1800, Hugh Glass (Leonardo DiCaprio) là một thợ săn lành nghề bị gấu tấn công và lâm vào cảnh sống dở chết dở. Để rũ bỏ gánh nặng, Fitzgerald (Tom Hardy) đã tìm cách kết liễu Glass nhưng lại vô tình sát hại con trai anh. Mối thù này đã tiếp cho Hugh Glass động lực sinh tồn. Trở về từ cõi chết, Glass truy tìm Fitzgerald để trả thù. The Revenant giúp DiCaprio giành giải Oscar cho nam chính xuất sắc đầu tiên trong sự nghiệp vào năm 2016.
10 bộ phim được thực hiện trong bí mật Một số dự án điện ảnh được phát triển và ghi hình trong lặng lẽ. Công chúng chỉ biết tới nhóm tác phẩm khi ê-kíp đã sẵn sàng đưa phim ra rạp. Borat 2 (2020): Hồi tháng 8, một số người cho biết họ bắt gặp Sacha Baron Cohen trở lại với hình ảnh nhân vật Borat trên đường phố. Và quả đúng...