10 bom tấn tốn kém nhất vũ trụ siêu anh hùng
Những câu chuyện về Batman, Spider-Man hay Captain America luôn nhận được sự hưởng ứng từ các nhà đầu tư.
Số vốn đầu tư làm phim cao không đồng nghĩa với việc phim thành công khi công chiếu. Nhưng đây cũng là cơ sở để khán giả đo lường mức độ hấp dẫn của phim và bỏ tiền đến rạp. Đứng đầu Top các phim đắt đỏ phải kể đến Superman Returns (2006). Không bất ngờ khi người anh hùng quen thuộc nhất – Siêu nhân – luôn được các nhà làm phim ưu ái. Phần phim năm 2006 có kinh phí 270 triệu, nếu điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát ở thời điểm hiện tại, con số này tương đương 322 triệu USD. Superman Returns được đánh giá có kinh phí cao kỷ lục trong những thập kỷ qua.
Đáng tiếc, Siêu Nhân lại không được yêu thích như Batman Begins. Warner Bros. đặt kỳ vọng cán mốc 500 triệu USD doanh thu và sau đó phải cảm ơn Chúa vì đã không lỗ. Từng có kế hoạch thực hiện phần tiếp theo về Siêu Nhân nhưng với doanh số không khả quan, đạo diễn Bryan Singer thiếu mặn.
Spider-Man 3 (2007): Xếp thứ hai trong danh sách là siêu phẩm về Người Nhện với tổng vốn đầu tư 258 triệu USD (quy đổi thời điểm hiện tại tương ứng 300 triệu USD). Thời điểm cách đây gần 10 năm, đế chế siêu anh hùng trên màn ảnh không mạnh mẽ và đông đảo như hiện nay. Vì thế không bất ngờ khi hãng Sony chấp nhận đầu tư lớn với kỳ vọng doanh thu cao. Họ thành công về mặt thương mại khi cán mốc 890 triệu USD. Đáng tiếc, nếu như hai phần trước được khen về nội dung thì phần 3 lại bị chê dở. Kinh phí tập trung vào kỹ xảo, các cảnh trên không, cháy nổ nhưng nội dung rời rạc.
The Dark Knight Rises (2012), giữ vị trí thứ 3 với kinh phí 250 triệu USD. Sau hai phần phim ăn khách về Batman, đạo diễn Christopher Nolan tiếp tục được ưu ái. Ông có trong tay 250 triệu USD để thực hiện phần cuối cùng về Người Dơi. Nhiều cảnh quay ấn tượng, kỹ xảo đạt chuẩn, dàn diễn viên hạng A và kịch bản kịch tính, The Dark Knight Rises dù bị chê màu sắc tối dễ dàng bỏ túi 1 tỷ USD doanh thu.
Vị trí thứ 4 thuộc về Spider-Man 2 (2004) với số vốn đầu tư 200 triệu USD (tương đương 255 triệu USD nếu tính thêm tỷ lệ lạm phát). Có tới hai bộ phim về Người Nhện trong Top đầu bom tấn đắt đỏ của thế giới siêu anh hùng. Điều đó cho thấy Peter Parker dường như “có giá” hơn tỷ phú “Iron Man” Tony Stark hay “Batman” Bruce Wayne. Công chiếu vào năm 2004, tác phẩm của đạo diễn Sam Raimi viết tiếp câu chuyện Người nhện với bộ ba diễn viên Tobey Maguire, Kirsten Dunst và James Franco. Phim thu về gần 800 triệu USD doanh thu toàn cầu và đoạt giải Oscar Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc.New York Times từng bình luận đây là “phim siêu anh hùng rất thành công, sát nguyên tác và rất ấn tượng”.
Video đang HOT
Avengers: Age of Ultron giữ vị trí thứ 5. Phim được đầu tư 250 triệu USD khi sản xuât vào năm 2015 và mang về 1,4 tỷ USD doanh thu. Variety cho hay riêng việc mời Robert Downey Jr. cũng đã ngốn 40 triệu USD. Avengers chấp nhận phần lớn kinh phí được dùng để trả thù lao cho các sao hạng A như Scarlett Johansson, Chris Evans hay Mark Ruffalo. Nhờ thế, phim gia nhập đội ngũ những phim đắt giá nhất lịch sử điện ảnh.
Xếp vị trí thứ 6 là Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) với 250 triệu USD. DC đặt mục tiêu câu chuyện giữa hai anh hùng nổi tiếng sẽ giúp hãng này đánh bật Marvel trong cuộc chiến điện ảnh. Không tiếc tiền đầu tư nhưng phim lại thuộc Top những bộ phim siêu anh hùng tệ hại nhất lịch sử. Batman v Superman khiến rất nhiều khán giả và nhà phê bình thất vọng. Màu sắc ảm đạm, tình tiết khó hiểu, thiếu logic là những lời chỉ trích hướng về ê-kíp.
Captain America: Civil War (2016) đứng thứ 7 về kinh phí với số vốn đầu tư gần 250 triệu USD. Đây là phần tiếp theo của Captain America 1 và 2. Marvel nở mũi khi phim mang về con số hơn 1,1 tỷ USD cùng với đó là vô số lời khen ngợi từ các nhà phê bình.Variety đánh giá đây là “phim ấn tượng nhất của vũ trụ điện ảnh Marvel”. Rotten Tomatoes có giai đoạn còn chấm phim ở mức độ tuyệt đối 100%.
X-Men: The Last Stand (2006): Giữ vị trí thứ 8 trong Top 10. Fox bỏ ra ngân sách 210 triệu USD vào năm 2005 (tương đương 250 triệu USD ở thời điểm hiện tại). Phim trình chiếu trong năm và mang về 460 triệu USD toàn cầu. Tuy nhiên, phim vấp nhiều ý kiến phê bình thiếu logic. Ví dụ như cảnh Giáo sư Xavier qua đời và được hồi sinh ngay trong phân đoạn sau, Magneto bất ngờ có lại siêu năng lực không rõ lý do.
The Amazing Spider-Man (2012) đứng ở vị trí thứ 9 khi sản xuất vào năm 2012 với ngân sách 230 triệu USD. Phim bị cho vô nghĩa khi kể lại lê thê về giai đoạn đầu nhân vật Peter Parker. Khán giả than vãn nhà sản xuất mải mê tìm kiếm doanh thu, quên nhiệm vụ xây dựng nhân vật.
Vị trí thứ 10 thuộc về Man of Steel cùng ngân sách 225 triệu USD trong năm 2013. Câu chuyện thời điểm đầu đời của anh hùng Superman đem về 650 triệu USD toàn cầu. Tuy nhiên, phim vướng nhiều bình luận trái chiều.
Theo Zing
Từ Deadpool tới Suicide Squad, liệu đây có phải là kỉ nguyên của phản anh hùng trên màn ảnh?
Những nhân vật "antihero" (phản anh hùng) đang trỗi dậy mạnh mẽ trên địa bàn phim chuyển thể truyện tranh vốn tưởng chỉ dành cho hai phe tốt - xấu.
Phản anh hùng (antihero) - Họ là ai?
Một nhân vật được xếp vào hàng "phản anh hùng" mang một số tính cách của một phản diện nhưng nói chung vẫn theo đuổi một lí tưởng tốt đẹp. Kiểu nhân vật "nửa nạc nửa mỡ" này truy ra nguồn gốc thì có từ thời dân Hy Lạp còn vẽ tranh lên tường tức là từ hàng ngàn năm về trước. Rất nhiều phản anh hùng có quá khứ phức tạp, dẫn tới tình trạng khùng điên hiện tại khiến việc xếp họ vào diện "bé ngoan" hay "bé hư" là điều bất khả thi. Đôi khi những người này làm điều tốt vì họ nghĩ rằng đó là điều nên làm, tuy nhiên nhiều khi là làm vì tiền hoặc vì... "anh mày thích thế đấy". Trong mắt các nhà làm luật, antihero hoặc được lợi dụng để làm đội dân phòng, hoặc khi không lợi dụng được thì bị coi là lũ trộm cướp đầu đường xó chợ.
Con đẻ của thời đại và vai trò trong thế giới siêu anh hùng
Truy ngược lịch sử quay lại Mỹ vào thập niên 60, 70, khi mà quyền con người được đấu tranh mạnh mẽ hơn bao giờ hết và những nền tảng đạo đức của hệ tư tưởng do thế hệ trước đặt ra đang rạn nứt dần. Nhạc rock&roll, chất kích thích và tình dục bắt đầu trở nên thịnh hành.
Chính trong khoảng thời gian này, một lớp những người trẻ đã tự tìm thấy thú vui trong truyện tranh siêu anh hùng. Không chỉ vậy, truyện tranh còn cất lên tiếng nói mạnh mẽ về dân quyền. Ví dụ như nhóm X - Men được ra mắt năm 1963 với phần lớn thành viên là những thanh thiếu niên, trong số đó có không ít những người da màu sống và chiến đấu với tư cách công dân Mỹ.
Được thúc đẩy bởi một làn sóng văn hóa tạo nên bởi những bộ phim "nổi loạn" như Bobbie Jo & the Outlaw, Death Wish, Dirty Mary & Crazy Larry... lớp nhân vật phản anh hùng đầu tiên bao gồm Wolverine (1974 trong tập The Hulk #180), The Punisher (1974 trong tập Spider-Man #129 ). Những nhân vật phản anh hùng trong truyện tranh đã xuất hiện như những nhân vật hướng thiện nhưng lại lạc lối hoặc cố tình sống chệch khỏi quỹ đạo của một anh hùng. Tội phạm, bạo lực và chính trị rối ren là đặc trưng của thời kì nước Mỹ dưới thời tổng thống Reagan, âm thầm len lỏi vào trong từng quá khứ tăm tối của những phản anh hùng. Mặc dù hầu như được độc giả cảm thông, nhưng những phản anh hùng thường là những kẻ bị xã hội xa lánh, bị chính phủ hoặc lợi dụng hoặc truy sát, gia đình tan vỡ. Chính vùng xám của tuyến phản anh hùng đã bổ trợ rất nhiều cho thế giới truyện tranh sẽ rất nhàm chán nếu như chỉ có cuộc chiến giữa hai phe thiện ác.
Phản anh hùng trên điện ảnh xuất hiện muộn hơn và chỉ mới biết đến nhiều trong thời gian gần đây. Mặc dù có mặt trên các trang truyện tranh từ hơn 30 năm trước, thế nhưng người ta mới biết tới những Deadpool, Wolverine hay gần đây nhất là biệt đội Suicide Squad từ những năm 2000 đổ lại. Mặc dù vậy, thì thành công của những tác phẩm điện ảnh này đang tạo nên một khuynh hướng làm phim về siêu anh hùng khi mà khán giả đã bắt đầu chán với thứ chủ nghĩa anh hùng tròn vành vạnh đối đầu với phản diện "ác toàn tập".
Thịnh và suy
Điều gì làm nên thành công của một phản anh hùng trên màn ảnh? Không phải cứ phản anh hùng nào lên phim, lên truyện là sẽ thành công. Cốt lõi nằm ở chiều sâu của nhân vật, rằng họ đã làm gì trong quá khứ, những điều đó ảnh hưởng thế nào tới quyết định hiện tại và tương lai của họ. Một số ví dụ điển hình của những phản anh hùng được ưa thích trên truyện tranh là Black Widow hay Catwoman, cả hai là những phụ nữ đã trải qua quá khứ đau khổ và phức tạp khiến Black Widow, dù là một Avengers nhưng vẫn sẵn sàng giết người không gớm tay (tuy nhiên trong Avengers phiên bản điện ảnh cô này được miêu tả như một nữ anh hùng ngực bự), hay Catwoman thường xuyên trộm cắp và đối đầu với Batman.
Trên màn ảnh, phản anh hùng có lẽ được biết tới rộng rãi nhất là Wolverine. Nhân vật này đầu tiên xuất hiện trong loạt phim X - Men năm từ năm 2000 và có phần phim riêng vào năm 2009 (bị chê tơi tả). Phần 2 mang tên The Wolverine năm 2013 có khá khẩm hơn, và anh chàng Hugh Jackman tiếp tục xuất hiện trong X - Men: Days of Future Past và mới đây là một cameo nho nhỏ trong X-Men: Apocalypse. Với một quá khứ "khổ trần đời" chắc không ai còn khổ hơn thế (bị tẩy não suốt ngày, phải giết chết bạn gái để cứu thế giới), Wolverine qua diễn xuất của Hugh Jackman khiến tất cả cảm thông cho một nhân vật vốn bị coi là một cỗ máy giết chóc. Mặc dù thường xuyên rơi vào trạng thái mất kiểm soát và bị lợi dụng, Wolverine rốt cuộc vẫn là một kẻ thiện. Da thịt của gã có thể lành, nhưng tâm hồn thì không.
Một antihero khác cũng "có số có má" trên màn ảnh là The Punisher với 3 bộ phim không liên quan tới nhau vào những năm 1989, 2004 và 2008. Gần đây nhất, The Punisher xuất hiện trong series Daredevil với diễn xuất của John Bernthal được đánh giá khá cao về tuyến truyện cũng như chiều sâu của nhân vật Frank Castle. Đây là sát thủ với kĩ năng dùng vũ khí siêu hạng đồng thời cũng là một gã cựu chiến binh đầy mất mát.
Antihero trên màn ảnh đình đám những năm gần đây không thể không nhắc tới Deadpool với thành công thương mại khủng khiếp trong khi kinh phí làm phim thì bèo bọt. Wade Wilson a.k.a. Deadpool trong truyện được miêu tả là một kẻ điên khùng, ích kỉ và chỉ làm việc theo ý thích hoặc có lợi cho bản thân, tuy nhiên về cơ bản vẫn là người tốt. Phiên bản điện ảnh không chỉ trung thành với nguyên tác, mà còn đem lại cho độc giả một bộ phim "xàm le" giải trí đúng nghĩa với hiệu ứng đẹp mắt và đủ "trò mèo" mà Deadpool nghĩ ra.
Những ai yêu mến Watchmen chắc hẳn vẫn còn nhớ nhân vật Batman, à không Walter Kovacs, a.k.a. Rorschach. Lí do nhân vật này là một phản anh hùng là do mục đích của Rorschach là "thay trời hành đạo" chuyên đi bẻ tay kẻ xấu, tuy nhiên gã cũng là một kẻ khùng và thích "củ hành" kẻ xấu theo những cách kinh khủng nhất.
Gần đây nhất phải kể tới sự xuất hiện của Biệt Đội Cảm Tử Suicide Squad khiến người xem nhấp nhổm suốt từ khi những hình ảnh đầu tiên được hé lộ từ một năm trước. Suicide Squad là tập hợp của những antihero của DC Comics như Deadshot, Harley Quinn, Killer Croc, El Diablo... Cùng nhau, Suicide Squad đã làm nên một nhóm phản anh hùng nhốn nháo nhưng lại là "của hiếm" khi màn ảnh dường như đã "bão hòa" hình ảnh của những siêu anh hùng đạo đức sáng ngời. Suicide Squad có thể không làm hài lòng tất cả khán giả, nhưng ít nhất đây vẫn là chiến thắng của dòng phim phản anh hùng đang trỗi dậy khi người ta thích thú với những nhân vật kiểu tốt xấu lẫn lộn như thế này.
Những Punisher, Deadpool, Black Widow, Ghost Rider, John Constantine, Elektra hay Suicide Squad là ví dụ cho thấy phản anh hùng đóng một vai trò quan trọng trong thế giới phim ảnh chuyển thể. Có thể đằng sau ngoại hình kì lạ thậm chí là dị hợm và một bản tính điên khùng hoặc hài hước, những kẻ đó đang che giấu tâm hồn bị tàn phá bởi những mất mát không thể bù đắp. Điện ảnh có thể khai thác hình ảnh những antihero hoặc thật tăm tối chân thực như Rorschach, hoặc cợt nhả như ở Deadpool. Tuy nhiên ở góc độ nào, antihero trên màn ảnh vẫn là một vùng xám lẫn lộn giữa thiện và ác, giữa cảm thông và căm ghét, giữa anh hùng và ác nhân.
Theo Ngọc King / Trí Thức Trẻ
DC Comics mở rộng vũ trụ, đe dọa sự thống trị của Marvel Tuy đi sau nhưng tương lai của DC Comics lại rất sáng so với Marvel. Gần 10 năm qua, vũ trụ điện ảnh Marvel là với dòng phim về siêu anh hùng đã thống trị rạp chiếu phim toàn thế giới những bom tấn thu về hàng tỷ dollars. Sự mới lạ về nhân vật, kỉ xảo hoành tráng, cốt truyện phong phú...